1. Một giám mục Công Giáo, và hai linh mục bị bắt giữ ở Eritrea

Các nhân viên an ninh ở Eritrea đã bắt giữ một giám mục Công Giáo và hai linh mục, một nguồn tin ở quốc gia Đông Bắc Phi đã xác nhận với ACI Africa.

Vào ngày 15 tháng 10, các nhân viên an ninh cho biết đã bắt giữ Đức Cha Fikremariam Hagos Tsalim tại sân bay quốc tế Asmara sau khi ngài từ Âu Châu đến, BBC News đưa tin.

Một nguồn tin ở Eritrea, người không muốn nêu tên vì lý do an ninh đã xác nhận các báo cáo truyền thông về việc bắt giữ Đức Cha Tsalim, là Giám Mục của giáo phận Segheneity, Eritrea. Đức Cha sẽ bước sang tuổi 52 vào ngày 23 tháng 10.

Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, hai linh mục Công Giáo, là các Cha Mihretab Stefanos, cha xứ của giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae của giáo phận Segheneity, và Tu viện trưởng tu viện Abraham, một thành viên của Dòng Anh em Hèn mọn Capuchin, cũng bị bắt và giam giữ tại nhà tù Adi Abeto cùng với Đức Cha Tsalim.

Nguồn tin cho biết, các thành viên của hàng giáo sĩ bị bắt vì lên tiếng trước những vi phạm nhân quyền ở Eritrea trong các thánh lễ.

Nguồn tin cho biết thêm, các hành vi vi phạm nhân quyền của chính phủ Eritrea bao gồm “bỏ tù cha mẹ những người bị gọi nhập ngũ nhưng kháng lệnh bỏ trốn, tịch thu nhà cửa và động vật từ những người đã từ chối tham chiến và gia đình họ.”

Vào tháng 5, các quan chức của một số tổ chức Kitô giáo có trụ sở tại Vương quốc Anh bày tỏ lo ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền “tiếp tục tệ hại” ở Eritrea.

Trong một bức thư được gửi tới đại sứ Eritrea tại Vương quốc Anh và Ái Nhĩ Lan, các nhà lãnh đạo của các tổ chức Đoàn kết Kitô giáo toàn thế giới, gọi tắt là CSW, Giáo Hội trong gông cùm của Ái Nhĩ Lan, Giải phóng Eritrea, và Chính thống giáo Eritrea ở Vương quốc Anh đã nêu bật nhiều trường hợp vi phạm nhân quyền.

“Chúng tôi vẫn lo ngại về việc tiếp tục giam giữ bất công, tùy tiện và vô thời hạn đối với hàng chục ngàn công dân Eritrea trong những điều kiện khắc nghiệt, bao gồm hàng trăm Kitô hữu bị bỏ tù chỉ vì đức tin của họ,” các quan chức của các tổ chức Kitô giáo cho biết trong lá thư gửi ngày 20 tháng 5 tới Đại sứ Estifanos Habtemariam Ghebreyesus.

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo cũng cho biết họ “mất tinh thần trước những báo cáo về những sinh mạng của người Eritrean bị mất trong cuộc chiến với nước Ethiopia láng giềng, bao gồm cả những người lính nghĩa vụ và trẻ vị thành niên”.

Vào tháng 8, chính phủ Eritrea tịch thu Trường Kỹ thuật Nông nghiệp Hagaz, là một cơ sở giáo dục Công Giáo do Dòng LaSalle thành lập và đang điều hành.

Trường Kỹ thuật Nông nghiệp Hagaz “đã đào tạo về máy móc nông trại, chăm sóc cây trồng và vật nuôi, cũng như bảo tồn đất trong 23 năm qua,” BBC đưa tin.

Vụ tịch thu này là vụ mới nhất trong một loạt vụ tịch thu của chính phủ diễn ra ở Eritrea kể từ năm 2019. Chính phủ đã viện dẫn một quy định năm 1995 hạn chế hoạt động của các cơ sở tôn giáo như là lý do biện minh cho việc tịch thu tài sản.

Các giám mục Công Giáo ở quốc gia Đông Bắc Phi phản đối quy định này, cho rằng các dịch vụ xã hội của Giáo hội không đối lập với chính phủ.
Source:Catholic News Agency

2. Một linh mục Công Giáo khác đã bị chính phủ Nicaragua 'bắt cóc'

Một linh mục Công Giáo đã bị bắt và bị giam giữ vào ngày 13 tháng 10 tại thủ đô Managua của Nicaragua, một linh mục lưu vong đã chia sẻ như trên trong một bài đăng trên Twitter để yêu cầu chấm dứt cuộc đàn áp Giáo Hội do chính phủ của Tổng thống Daniel Ortega tiến hành.

Việc bắt giữ Cha Enrique Martínez Gamboa, linh mục Công Giáo mới nhất bị giam giữ, thực sự là một vụ bắt cóc, Cha Uriel Vallejos, người đã sống lưu vong ở Ý kể từ tháng 9 cho biết.

“Hôm qua lúc 5 giờ chiều, linh mục quản xứ của Nhà thờ Thánh Martha ở Managua đã bị bắt cóc. Cha Enrique Martínez. Các linh mục và Giáo Hội Công Giáo yêu cầu trả tự do cho ngài; và chấm dứt cuộc đàn áp chống lại Giáo hội và hàng giáo phẩm. Công lý, tự do và dân chủ!” Cha Vallejos đã đăng trên tài khoản của ngài.

Tổ chức nhân quyền “Nicaragua Nunca Más” tuyên bố trên tài khoản Twitter của mình rằng họ không biết Cha Martínez đang bị giam ở đâu.

Theo tổ chức, “với việc bắt giữ tùy tiện này, số linh mục bị tước quyền tự do tăng lên 11, bao gồm Đức Cha Rolando Álvarez, người đã bị 'quản thúc' bất hợp pháp trong 72 ngày.”

“Cuộc đàn áp tôn giáo chống lại Giáo Hội Công Giáo bởi chế độ Ortega Murillo vẫn tiếp tục,” nhóm cho biết như trên khi đề cập đến Tổng thống Daniel Ortega và vợ ông và Phó Tổng thống Rosario Murillo.

Trong một bài đăng khác trên Twitter, tổ chức yêu cầu “chấm dứt đàn áp, tự do cho các linh mục và hơn 219 tù nhân chính trị ở Nicaragua.”

Các linh mục khác bị giam giữ tại nhà tù El Chipote, nơi các tù nhân chính trị bị tra tấn và giam giữ vô cớ, bao gồm Cha Óscar Danilo Benavidez từ Giáo phận Siuna; Hiệu trưởng Đại học Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Cha Ramiro Tijerino Chávez; cha sở nhà thờ chính tòa Matagalpa, cha José Luis Díaz Cruz; và người tiền nhiệm của ngài, Cha Sadiel Antonio Eugarrios Cano.

Cũng tại El Chipote còn có Phó tế Raúl Antonio Vega, các chủng sinh Darvin Leiva Mendoza và Melkin Centeno, và giáo dân Sergio Cadena Flores.
Source:Catholic News Agency

3. Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia về vũ khí hạt nhân

Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia, Sứ thần Tòa thánh và là Quan sát viên Thường trực của Tòa thánh tại cuộc thảo luận chuyên đề về Vũ khí hạt nhân trong kỳ họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã có bài phát biểu sau.

New York, ngày 18 tháng 10 năm 2022

Thưa Ngài Chủ tịch,

Phái đoàn này vui mừng tham gia cuộc thảo luận về nhu cầu cấp thiết thúc đẩy tiến độ giải trừ hạt nhân vào thời điểm mà nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang ở mức cao nhất trong nhiều thế hệ.

Thật đáng tiếc, chúng ta đã đi sai hướng. Các hiệp ước giải trừ quân bị và minh bạch hóa quan trọng đã bị loại bỏ và bộ máy giải trừ quân bị vẫn bế tắc, không có tiến triển nào đối với hiệp ước cấm sản xuất vật liệu phân hạch. Ngoài ra, Hiệp ước Cấm Thử Hạt nhân Toàn diện, gọi tắt là CTBT, đang ở trong tình trạng lấp lửng về mặt pháp lý mặc dù đã được phê chuẩn thêm. Nguy hiểm hơn hết, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang mở rộng và hiện đại hóa các kho vũ khí, tiêu tốn các nguồn lực có thể giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu đói trên thế giới, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người.

Tòa thánh lên án bất kỳ luận điệu nào thể hiện sự leo thang hạt nhân một cách vô trách nhiệm có thể gây ra những tác động tàn phá cho toàn nhân loại chứ không chỉ các quốc gia trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột. Để tránh chiến tranh hạt nhân, Tòa thánh kêu gọi tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thực hiện các bước ngay lập tức để giảm mức độ sẵn sàng hoạt động của lực lượng hạt nhân của họ, áp dụng các chính sách không sử dụng lần đầu và các chính sách dài hạn nhằm thiết lập mức tối đa toàn cầu về kho dự trữ hạt nhân, từ đó có thể giảm bớt.

Thưa ngài Chủ tịch,

Trước những phát triển gần đây, không có gì ngạc nhiên, mặc dù đáng tiếc là Hội nghị rà soát lần thứ 10 của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, gọi tắt là NPT, đã không đạt được sự đồng thuận. Đây là một dấu hiệu khác cho thấy một số quốc gia dường như “mất liên kết với an ninh tập thể và hòa bình của những quốc gia khác.” Để bảo đảm một nền hòa bình công chính và lâu dài, tất cả chúng ta phải nhận ra bản chất không thể chia cắt giữa an ninh của một quốc gia và an ninh chung toàn cầu.

Đồng thời, việc Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, gọi tắt là TPNW, có hiệu lực là một tiến bộ đáng hoan nghênh về mặt này. Trong đó, các quốc gia thành viên, trong khi cam kết cấm sở hữu vũ khí hạt nhân, thừa nhận rằng vũ khí hạt nhân không phải là vật bảo đảm an ninh, mà là công cụ phục vụ “tâm lý sợ hãi” với khả năng gây hại một cách bừa bãi, cho dù được kích nổ có chủ đích hay một cách vô tình.

Ý thức được điều này, Tòa thánh lặp lại mối quan tâm của mình về “các tác động thảm khốc về mặt nhân đạo và môi trường” của vũ khí hạt nhân. Những hiệu ứng như vậy không trừu tượng hoặc lý thuyết. Các vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, cùng với hơn 2,000 cuộc thử nghiệm được tiến hành trên toàn thế giới, đã cho chúng ta thấy những tác hại rất thực sự mà vũ khí hạt nhân gây ra, bao gồm: tử vong, bệnh tật phóng xạ, dị tật bẩm sinh và ung thư, đồng thời khiến một số môi trường không thể ở được. Thật vậy, nỗ lực hướng tới việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân cũng có nghĩa là những người chịu trách nhiệm phải giải quyết những tác hại này.

Về vấn đề này, TPNW đưa ra một lộ trình khắc phục thông qua các điều khoản về hỗ trợ nạn nhân và cải thiện môi trường. Trên thực tế, Kế hoạch Hành động Vienna, được thông qua trong Cuộc họp đầu tiên của các Quốc gia thành viên TPNW, kêu gọi các Quốc gia thảo luận về “tính khả thi và đề xuất các hướng dẫn khả thi để thiết lập một quỹ tín thác quốc tế cho các Quốc gia đã bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng hoặc thử nghiệm vũ khí hạt nhân.” Nếu một quỹ như vậy được thành lập, điều quan trọng là các Quốc gia — kể cả những quốc gia không tham gia TPNW — phải được mời đóng góp quỹ, chia sẻ kiến thức chuyên môn và trao đổi thông tin về việc cung cấp hỗ trợ của họ cho những người bị ảnh hưởng bởi vũ khí hạt nhân. Sự tham gia rộng rãi nhất có thể giúp xây dựng cầu nối giữa các Quốc gia ủng hộ TPNW và những quốc gia chưa tham gia, đồng thời tạo điều kiện cho nguồn lực lớn nhất có thể để thực hiện các nghĩa vụ tích cực của hiệp ước.

Thưa ngài Chủ tịch,

Vào thời điểm căng thẳng gia tăng như hiện nay, chúng ta bắt buộc phải củng cố kiến trúc giải trừ hạt nhân toàn cầu và không phổ biến vũ khí hạt nhân, hướng tới việc tháo dỡ tất cả các đầu đạn hạt nhân đã được xác minh, đó là điều không thể đảo ngược. Tòa thánh khen ngợi những nỗ lực nhằm thúc đẩy hợp tác xác minh giải trừ vũ khí hạt nhân, điều này sẽ không chỉ tạo ra một nền văn hóa tin cậy, mà còn cung cấp cho chúng ta hy vọng rất cần thiết rằng một thế giới không có vũ khí hạt nhân là có thể. Thật vậy, một thế giới như vậy không chỉ khả thi mà còn cần thiết để bảo vệ tương lai của nhân loại và ngôi nhà chung của chúng ta.

Xin cảm ơn ngài Chủ tịch.
Source:Sismografo