Linh mục De Souza, trên National Catholic Register, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày khai mạc Công Đồng Vatican II, đã có bài với tựa đề hơi oái oăm như trên. Người duy lạc hậu là phóng dịch chữ “backwardist”, dường như do Đức Giáo Hoàng Phanxicô tạo ra để gọi những người muốn trở lại thời kỳ tiền Vatican II.



Đối với những người Công Giáo còn quá trẻ để có thể nhớ về thời kỳ ngay sau Công đồng, lễ kỷ niệm 60 năm Công đồng Vatican II mang lại cho họ cơ hội làm sống lại quá khứ. Giáo hội đang đi lùi. Có một sự đồng thuận rộng rãi về điều đó. Có sự bất đồng về điểm đến chính xác về lịch sử.

Với những lời lẽ ngày càng đanh thép, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tố cáo những người phạm “tội duy lạc hậu” - một từ ngữ thần học mới mà ngài đặt ra để mô tả đặc điểm của những người mà ngài tin rằng muốn quay trở lại thời kỳ trước Công đồng Vatican II.

Mặt khác, triều đại giáo hoàng kéo dài gần 10 năm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô dường như cảm thấy thoải mái nhất trong thời kỳ ngay sau Công đồng vào cuối thập niên 1960 và 1970 - trước Veritatis Splendor (1993), Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo (1992), Thần học Thân xác (1979-1984), Familiaris Consortio (1980) và có lẽ là toàn bộ dự án của Thánh Gioan Phaolô II (được bầu chọn năm 1978) trong việc ổn định Giáo hội sau một thập niên hỗn loạn.

Đó là nhận định của Đức Hồng Y Angelo Scola, cựu tổng giám mục của cả Milan lẫn Venice, đồng thời là nhân vật hàng đầu trong Giáo hội từ những năm 1970 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2017. Ngài đã xuất bản một cuốn sách phỏng vấn, Betting on Freedom: My Life in the Church , vào tháng 11 năm 2021. Trong đó, vị giám mục có kinh nghiệm lâu năm và được kính trọng rộng rãi nói rằng Giáo hội đang đi lùi, trớ trêu thay bởi những người không ngừng kêu gào rằng Giáo hội cần phải tiến lên một cách triệt để, kẻo lại tụt hậu so với nền văn hóa đương thời. Điều này gây ra phản ứng "duy lạc hậu" mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô tố cáo.

Đức Hồng Y Scola viết, “Đối với những người nghĩ rằng Giáo hội đã tụt hậu, tôi trả lời rằng chúng ta đang đi lùi lại phía sau, đặc biệt là thời đại của các cuộc tranh luận giữa những người bảo thủ và những người tiến bộ sau Công đồng. Tôi đang nhìn thấy một sự đối lập mới, với nhiều lời lẽ quá khích động, giữa những người bảo vệ truyền thống được hiểu một cách cứng ngắc và những người ủng hộ các thực hành, nhưng cả tín lý nữa, phù hợp với các yêu cầu của thế gian.”

Năm Đức tin năm thứ 50 ngày khai mạc Vatican II

Vào tháng 10 năm 2012, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã khai mạc “Năm Đức tin”, đánh dấu 50 năm ngày khai mạc Công đồng Vatican II và kỷ niệm 20 năm Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo. Ngài lưu ý rằng Thánh Phaolô VI đã tuyên bố “Năm Đức tin” vào năm 1967-1968, ngay sau Công đồng, khi con tàu đức tin đang ở trong vùng biển đầy hiểm nguy.

Đức Bênêđíctô viết, “Theo một số khía cạnh, [Đức Giáo Hoàng Phaolô VI] coi năm nay là 'hệ quả và sự cần thiết của thời kỳ hậu công đồng,' hoàn toàn ý thức về những khó khăn nghiêm trọng của thời đó, đặc biệt là liên quan đến việc tuyên xưng đức tin chân chính và việc giải thích nó cách đúng đắn”.

Theo lời Đức Hồng Y Scola, từ các thượng hội đồng về gia đình và Amazon đến diễn trình thượng hội đồng hiện tại về tính đồng nghị, không thiếu những tiếng nói yêu cầu “phải làm cho các thực hành, và cả tín lý nữa, phù hợp với các đòi hỏi thế gian,”. Do đó, như Đức Bênêđíctô đã viết, nhu cầu đối kháng là phải lưu ý tới “việc tuyên xưng đức tin chân chính và sự giải thích chính xác về đức tin”.

Đức Bênêđíctô XVI sẽ thoái vị trong Năm Đức tin. Đó là một bước đi gây bất ổn sâu xa - càng đáng chú ý hơn vì chưa có tiền lệ trong toàn bộ lịch sử của Giáo hội. Nhìn lại, đáng lẽ một điều mới lạ đáng chú ý như vậy sẽ gây ra nhiều sóng gió.

Mười năm trôi qua, và diễn trình thượng hội đồng của Đức Thánh Cha về tính đồng nghị cho một Giáo hội đồng nghị đang đe dọa sẽ xẩy ra một vụ đắm tàu, vì Con đường Đồng nghị của Đức đã du nhập một tinh thần phù hợp với thế giới thậm chí còn rõ rệt hơn so với thập niên 1970. Tuy nhiên, lần này, có những tiếng nói mạnh mẽ - như Đức Hồng Y Scola - không muốn quay lại những năm đó. Đức Hồng Y Scola hiện đang nghỉ hưu, nhưng quan điểm của ngài đã được các nhóm giám mục lớn, bao gồm các giám mục của Ba Lan và Scandinavia, các nước láng giềng của Đức, lớn tiếng nói với thế giới.

Trở về nguồn, cập nhật và duy lạc hậu

Cách tiếp cận của Công đồng Vatican II đã được mô tả bằng các thuật ngữ tiếng Pháp và tiếng Ý: ressourcement [trở về nguồn] và aggiornamento [cập nhật].

Ressourcement có nghĩa là quay trở lại các nguồn - trên hết là Kinh thánh, được bổ sung bởi các Giáo phụ và những thành tựu của thần học Kinh viện.

Aggiornamento có nghĩa là “cập nhật” - tìm ra những cách thức mới để loan báo Tin Mừng theo cách phù hợp với một thế giới hậu Ánh sáng bị tàn phá sâu xa bởi hai cuộc chiến tranh thế giới, sự trỗi dậy của chủ nghĩa vô thần toàn trị và việc vỡ mộng bởi chủ nghĩa tự do thế tục.

Sự căng thẳng lành mạnh giữa hai bên luôn tồn tại và những sai sót quá đáng đều thấy có ở cả hai xu hướng. Sự việc vốn là như vậy, vì “nước thiên đàng giống như một chủ gia đình lấy ra khỏi kho của mình những gì mới và những gì cũ” (Mt 13:52).

Cùng với ressourcementaggiornamento, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giới thiệu một từ ngữ khác, một từ ngữ tiếng Ý do chính ngài phát minh ra, indietrismo - được dịch tốt nhất sang tiếng Viêt là “chủ nghĩa duy lạc hậu”. Ngài dùng nó chống lại những người bị ngài thường xuyên chê bai nhất, những người Công Giáo gắn bó với giáo lý, luân lý hoặc phụng vụ truyền thống.

Đang trên đường bay từ Canada trở về Rome hồi tháng 7 vừa qua Đức Thánh Cha cho biết “Đây là vấn đề của ngày nay, của nhiều người tự gọi mình là ‘truyền thống’. Nhưng không phải, họ không phải là truyền thống. Họ là những người indietristi (duy lạc hậu), những người nhìn về quá khứ, đi lùi, không có gốc rễ. Và nhìn ‘trở lui’ là một tội lỗi vì nó không chịu tiến với Giáo hội ”.

Tội lỗi là một vấn đề khá nghiêm trọng, vì vậy điều quan trọng là phải phân biệt indietrismo với ressourcement, vốn lên đặc điểm cho nền thần học của nhiều người uyên bác, chẳng hạn như Đức Hồng Y John Henry Newman, người được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong thánh vào năm 2019. Thật vậy, Đức Hồng Y Newman, người qua đời năm 1890, đã được gọi là "Cha đẻ của Công đồng Vatican II."

Đức Hồng Y Newman không phải là một người duy lạc hậu, cho dù ngài miệt mài nghiên cứu Kinh thánh và nền văn học giáo phụ.

Đức Thánh Cha giải thích rằng thay vì chủ nghĩa duy lạc hậu, cần phải đi lên - và đi xuống. Ngài giải thích thêm “Truyền thống chính là gốc rễ của nguồn cảm hứng để tiến lên trong Giáo hội. Và điều này luôn theo chiều thẳng. Còn ‘chủ nghĩa duy lạc hậu’ lại chỉ đi lùi; nó luôn luôn khép kín. Điều quan trọng là phải hiểu rõ vai trò của truyền thống, vốn luôn rộng mở, như rễ của cây, cây mọc như vậy. … Nó luôn là nhựa sống của rễ đưa bạn tiến về phía trước, về phía trước, về phía trước.... Cho nên vì vậy, chúng ta phải suy nghĩ và thực thi đức tin và luân lý. Miễn là nó đi theo hướng của rễ cây, của nhựa cây, thì điều đó tốt. "

“Chủ nghĩa duy lạc hậu” theo chiều ngang và tội lỗi; đúng hơn, người ta nên hướng lên trên, như cây đang lớn lên, nhưng cũng phải hướng xuống dưới “theo hướng của rễ”. Và "nhựa cây mang bạn về phía trước, về phía trước." Vì vậy, chiều ngang là xấu; chiều thẳng là tốt, nhưng muốn đi lên thì cần phải đi xuống để tiến về phía trước, một điều cây không làm, nhưng Giáo hội làm.

Tất cả xem ra có thể có chút khó hiểu. Nhưng có một điều rõ ràng không thể nhầm lẫn trong ngữ vựng mới của Đức Giáo Hoàng: Người ta không thể đi ngược lại.

Khói Satan

Tuy nhiên, Giáo hội lại thấy mình vào năm 2022 như thể là năm 1972 một lần nữa, khi Thánh Phaolô VI nói một cách nổi tiếng về “làn khói Satan” đã nhập vào “đền thờ của Thiên Chúa”, làm lu mờ những hy vọng của năm 1962 và làm ô nhiễm bầu không khí hậu công đồng.

Thánh Phaolô VI đã nói rõ trong bài diễn văn bế mạc Công đồng Vatican II vào năm 1965 rằng aggiornamento “không hề là một sự thích nghi của Giáo hội với thế giới, như thể thế giới giả thiết phải thiết lập các chuẩn mực cho Giáo hội”. Quá ít người lắng nghe ngài.

Trong một đóng góp đáng kể và đáng hoan nghênh cho lễ kỷ niệm 60 năm Công đồng Vatican II, George Weigel đã phát hành cuốn sách To Sanctify the World: The Vital Legacy of Vatican II trong tháng này. Ông chỉ ra rằng những khát vọng của năm 1962 dường như đã bị tiêu tan như thế nào vào năm 1972, khi một Giáo hội vốn được nhắm để hồi sinh với năng lực Tin Mừng mới thay vì bị tiêu tán với những cuộc tranh luận nội bộ về việc liệu Mặc khải thần linh có còn giá trị hay không. Liệu Thiên Chúa có còn được biết đến và được công bố cho thế giới hay không? Và nếu có, điều đó có tốt cho thế giới không?

Weigel trích dẫn Jacques Maritain, người bạn thân thiết và đáng kính của Đức Phaolô VI, người đã thấy ngay sau Công đồng Vatican II “một kiểu quỳ gối trước thế giới”, một “sự trần thế hóa hoàn toàn Kitô giáo”, trong đó “không có vương quốc của Thiên Chúa nào khác biệt với thế giới."

Weigel viết, “Vào đầu thập niên 1970, Giáo hội dường như đang trên bờ vực thẳm – do các vụ đào ngũ ồ ạt khỏi chức linh mục và đời sống tu trì thánh hiến, sự khinh bỉ công khai đối với giáo huấn của Đức Giáo Hoàng giữa các nhà thần học và một số giám mục, và sự tan rã nhanh chóng các thực hành Công Giáo nơi quần chúng giáo dân.”

Weigel cho biết thêm: “Maritain, ảnh hưởng to lớn đó đối với Công đồng Vatican II và là người bảo vệ những thành tựu của nó, lúc này đã nhận ra một sự nhầm lẫn rộng lớn, hậu công đồng đang cản trở mùa xuân truyền giáo mà chính Đức Gioan XXIII, Đức Phaolô VI và Maritain đã hy vọng.”

Làm sạch không khí

Theo lời kể của Weigel, điểm thấp nhất của năm 1972 đã được trả lời dứt khoát vào năm 1992 và Sách Giáo lý, dự án chung của Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô, đại diện của dự án kéo dài 40 năm, 1972-2012, để cung cấp cho Công đồng Vatican II một cách diễn giải có thẩm quyền và xác thực. Việc thoái vị vào năm 2013 sau đó đã mở cửa cho việc thụt lùi dưới thời Giáo hoàng của Đức Phanxicô trở lại đầu thập niên 1970, cho dù ngài kịch liệt đả kích chủ nghĩa duy lạc hậu.

Tiến trình đồng nghị của Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị cho một Giáo hội đồng nghị có thể đưa Giáo hội - một năm kể từ bây giờ và 10 năm sau khi kết thúc Năm Đức tin của Đức Bênêđíctô - ngược lại 50 năm đến đầu thập niên 1970.

Tuy nhiên, những ai muốn kéo Giáo hội trở lại năm 1972 sẽ phải đối đầu với 40 năm từ 1972 đến 2012, từ Evangelii Nuntiandi của Thánh Phaolô VI đến bộ ba thần học Kinh thánh của Đức Bênêđíctô, Chúa Giêsu thành Nazareth. Những ai mong muốn năm 2022 quay trở lại năm 1972 phải đối đầu với trước tác khổng lồ của năm 1992, Sách Giáo lý và toàn bộ dự án của Gioan Phaolô II- Bênêđíctô mà nó là viên đá tảng.

Con tàu đức tin đang được chèo lái trở lại vùng biển động năm 1972. Nhưng lần này nó trở lại với nhiều đồ dằn [ballast] hơn trên con thuyền.

Vào dịp kỷ niệm 60 năm Công đồng Vatican II, nó có vẻ giống như kỷ niệm 10 năm một lần nữa. Nhưng chỉ một phần, không phải toàn bộ, và lần này với nhiều lý do rõ ràng hơn để hy vọng.

Năm tới sẽ cho thấy ai mới thực sự là những người theo chủ nghĩa duy lạc hậu.