Tiếp tục loạt bài kỷ niệm 60 năm Vatican II, CNA đăng tải bài viết của Matthew Levering, giáo sư thần học tại đại chủng viện Mundelein, tác giả của hơn 30 cuốn sách, và là cựu chủ tịch Hàn lâm viện Thần học Công Giáo, với chủ điểm: Vatican II nói về quyền lực của Chúa Kitô chứ không nói về quyền lực thế gian.



Nếu Công đồng Vatican II là một biến cố thần học vẫn đang diễn tiến, như tôi đã lập luận trong một cuốn sách năm 2017, thì bây giờ nó đã đang diễn tiến trong suốt 60 năm. Đối với hầu hết mọi người, 60 tuổi đánh dấu sự bắt đầu của tuổi già, mặc dù những người đạt đến ngưỡng tuổi này có thể tiếp tục khẳng định rằng họ vẫn cảm thấy và trông còn trẻ! Chúng ta có thể nói như vậy đối với Công đồng Vatican II không? Có khi nào Công đồng - từng rất trẻ, nổi tiếng như một phần của cuộc cách mạng baby-boomer [tăng vọt con nít] thập niên 1960 - trở nên cọt kẹt và mệt mỏi, thậm chí “hết thời vàng son?”

Một mặt, câu trả lời chắc chắn là Không. Cuộc cạnh tranh về ý nghĩa của Công đồng Vatican II ngày nay khốc liệt hơn bao giờ hết. Phe phái trong giáo hội liên kết với Karl Rahner, Edward Schillebeeckx và tạp chí Concilium thường từ bên ngoài nhìn vào trong 50 năm đầu tiên kể từ khi tiếp nhận các văn kiện của Công đồng Vatican II. Họ đã phải nghiến răng đọc các văn kiện về huấn quyền Giáo hoàng trong những thập niên đó. Họ đã công bố và vận động cho sự thay đổi hoặc đảo ngược các giáo huấn tín lý và luân lý nhất quán, lâu đời của Giáo hội.

Ngày nay, phe phái trong giáo hội này đang đứng rất gần bàn viết của huấn quyền. Việc chuẩn bị hiện nay cho Thượng hội đồng về tính Đồng nghị đã được lên khuôn một phần lớn nhờ nỗ lực của họ, mặc dù không rõ liệu kết quả của Thượng hội đồng có làm hài lòng họ hay không. Ý nghĩa của Công đồng Vatican II đã trở thành một cuộc đấu tranh và tranh luận rất hiện đại.

Mặt khác, tôi nghĩ rằng Công đồng Vatican II có nguy cơ trở nên cũ kỹ và lỗi thời, ngoài thực tế là tình hình thần học và thế giới đã khác nhiều so với 60 năm trước. Có thể cho rằng, Công đồng Vatican II có giữ được sinh lực tươi trẻ và tính liên hệ hay không sẽ phụ thuộc vào các quyết định được đưa ra trong vài năm tới.

Nói một cách đơn giản: Câu hỏi chủ yếu là Công đồng Vatican II nói về quyền lực thế gian hay nói về quyền lực của Chúa Kitô.

Công đồng Vatican II có thể, và đã được giải thích theo hai dòng khác nhau này. Cách thứ nhất dựa vào cấu trúc và phương thức bình thường của quyền lực thế gian.

Theo cách giải thích này, Dei Verbum nói về sự giải phóng nền học thuật Kinh thánh khỏi Vatican trước công đồng từng trấn áp khoa phê bình lịch sử. Cuối cùng, nó đã giải phóng giáo dân trong việc đọc Kinh thánh và cuối cùng cho phép các học giả hiểu Kinh thánh và phát biểu kết quả của họ một cách công khai.

Sacrosanctum Concilium bảo đảm rằng Thánh Lễ không chỉ là công việc của linh mục. Cuối cùng thì giáo dân cũng được phép vào làm việc của mình và có một vai trò quan trọng trong Thánh Lễ.

Lumen Gentium đã mở ra một kỷ nguyên mới trong Giáo hội học Công Giáo bằng cách nói rõ rằng hệ thống phẩm trật không phải là đỉnh cao của Giáo hội. Toàn thể dân Chúa đang hành trình hướng về Nước Trời, và trong cuộc hành trình này, giáo dân cũng có quyền làm tư tế, tiên tri và vương đế giống như hàng giáo phẩm.

Gaudium et Spes bắt đầu diễn trình Giáo hội gia nhập thế giới hiện đại. Cuối cùng, Giáo hội đã nhận ra rằng kẻ thù không phải là thời hiện đại, mà là sự bác bỏ độc đoán của chính mình, không cho phép sự đa dạng, đối thoại và tham gia vào đức tin và đời sống của Giáo hội.

Cách thứ hai mà Công đồng Vatican II có thể được giải thích thì hoàn toàn khác. Nó dựa vào quyền lực có hình chữ thập của Chúa Kitô và nhu cầu được hợp nhất với Người hơn bao giờ hết trong đức tin, đức cậy và đức mến – mến Chúa yêu người. Thánh Tông đồ Phaolô giải thích, “Vì lời của thập giá là điều điên rồ đối với những người suy vong, nhưng đối với chúng ta, những người đang được cứu, đó là quyền năng của Thiên Chúa”; và Thánh Phaolô viết thêm, “Giữa anh em, tôi quyết định không biết gì, ngoại trừ Chúa Giêsu Kitô và Chúa Kitô bị đóng đinh trên thập giá” (1 Cr 1:18; 2: 2). Thánh Phaolô nói, điều này muốn nói phải trở thành một trong những “người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1 Cr 4: 1).

Theo quan điểm này, Dei Verbum muốn bảo đảm và khuyến khích cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Kitô. Mạc khải - như được truyền đạt bởi Kinh thánh và Truyền thống - được truyền lại theo những cách cho phép sự hiện diện đích thân trọn vẹn của Chúa Kitô, bị đóng đinh và sống lại, được bày tỏ cho các tín hữu.

Sacrosanctum Concilium tập trung vào việc đào sâu sự tham dự của các tín hữu, cả thân xác lẫn linh hồn (bên ngoài và bên trong), vào việc tưởng nhớ thập giá Chúa Kitô một cách bí tích. Mục tiêu là sự đồng hình đồng dạng ngày càng sâu sắc hơn của các tín hữu với sự viên mãn của Mầu nhiệm Vượt qua.

Mục đích của Lumen Gentium là giúp những người Công Giáo nhận thức được phẩm giá đầy ân sủng của chúng ta trong tư cách các chi thể của Thân thể có đầu là Chúa Kitô và các thành viên của dân Mêxia có đầu là Chúa Kitô. Trong Chúa Kitô, sự đa dạng bao gồm phẩm trật, giáo dân, tu sĩ nam nữ có ý nghĩa. Mô hình hay loại hình Giáo hội là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của tất cả các tín hữu.

Cuối cùng, Gaudium et Spes nói về nhu cầu sâu xa mà cả thế giới dành cho Chúa Kitô, vì chỉ trong Chúa Kitô, mục đích, cảnh ngộ và số phận của con người mới trở nên rõ ràng đầy đủ. Trước những tiến bộ và khủng hoảng của thời đại chúng ta, các tín hữu được mời gọi dẫn dắt toàn thế giới kết hợp với Chúa Kitô.

Theo cách thứ hai này, Công đồng được giải thích không như điểm khởi đầu của một đạo Công Giáo được tái tạo, nhưng là một thời kỳ trong đó Giáo hội khẳng định lại Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Theo quan điểm này, những thay đổi do Công đồng Vatican II đề xuất nhằm tìm cách để Chúa Kitô chiếu sáng một cách sáng láng hơn.

Chẳng hạn, Giáo hội có thể cho phép cuộc nghiên cứu Kinh thánh theo phương thức phê bình lịch sử và thừa nhận sự phát triển tín lý, vì những điều này sẽ giúp chúng ta đánh giá cao hơn việc Chúa Kitô tự mạc khải Người ra sao trong Kinh thánh; Giáo hội có thể khuyến khích sự tham gia tích cực của giáo dân vào hy tế Thánh Thể; Giáo hội có thể đề cao vai trò tông truyền của các giám mục kết hợp với Đức Giáo Hoàng; Giáo hội có thể phát huy vai trò của giáo dân kết hợp với hàng giáo phẩm; Giáo hội có thể bắt tay với thế giới hiện đại với sự tin tưởng vào sức hấp dẫn của thông điệp Chúa Kitô.

Giáo hội không cần phải dẹp bỏ hoặc đàn áp những người thuộc các tôn giáo khác, hoặc bôi nhọ và bách hại người Do Thái, hoặc Rôma hóa những người Công Giáo Đông phương. Đời sống tu trì tận hiến cần được đánh dấu bằng sự tự do và niềm vui bên trong, nền giáo dục Công Giáo cần được thể hiện bằng sự phong phú về mặt sư phạm, việc đào tạo và thừa tác vụ của các linh mục phải chứa đựng tất cả những gì liên quan đến một ơn gọi thăng hoa, giáo dân cần được khuyến khích để truyền giáo và tham gia tích cực vào sứ mệnh của Giáo hội, và các giám mục nên được khuyến khích hành động như những mục tử đích thực.

Trong thời kỳ sau Công đồng, một số mục tiêu này đã không đạt được hoặc trở thành lộn xộn, và một số yếu tố trong các văn kiện công đồng cần được tinh chỉnh, nhưng mục đích của Công đồng Vatican II vẫn đủ rõ ràng: “Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Quả vậy, Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (1 Cr 5: 7).

Tuy nhiên, rốt cuộc Vatican II có nói về quyền lực như thế giới này hiểu về quyền lực không? Có phải đó là về việc giáo dân đòi quyền lợi của họ, các giám mục đòi quyền lợi của họ, và mọi người đang cạnh tranh với mọi người khác để giành lấy ai có quyền quyết định trong Giáo hội? Có phải đó là về việc tiếp nhận sự thật của Chúa Kitô một cách trọn vẹn hơn phù hợp với đức tin và đạo đức tông truyền mà chúng ta đã nhận được, hay là về việc loại bỏ các chân lý Tin Mừng đã lỗi thời và sống theo cách mà thế giới đương thời sai khiến? Có phải đó là về việc các tín hữu khích lệ nhau trong tình yêu triệt để và vinh quang của Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh, Đấng là đầu mà chúng ta được nối vào trong Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền, hay là về việc các tín hữu phải bảo đảm để Giáo hội bây giờ phục vụ các phong trào khác nhau của thời đại?

Việc Giáo hội trả lời những câu hỏi này như thế nào sẽ có ý nghĩa quyết định đối với sức sống của Công đồng Vatican II. Nếu Công đồng chỉ là một cơ hội để cải tổ các cơ quan của quyền lực giáo hội và để loại bỏ những gì khó khăn và phản văn hóa trong Tin Mừng, thì đó chỉ đơn thuần là một sự thực thi phù du của điều mà Thánh Tông đồ Phaolô gọi là “sự khôn ngoan của thế gian hoặc của các thủ lãnh thế gian này, những kẻ sớm muộn gì cũng phải diệt vong ”(1 Cr 2: 6).

Nhưng nếu Công đồng Vatican II là một sự đổi mới niềm tin của Giáo hội vào Chúa Kitô –không phải là việc làm suy yếu đức tin và luân lý hay một việc cắt đứt mang tính cách mạng với Kinh thánh và Truyền thống, mà là việc củng cố và làm sâu sắc hơn tình yêu của Giáo hội đối với Đấng là Alpha và Omega của lịch sử nhân loại - thì Công đồng sẽ giữ được sự tươi mát có tính sinh tử của Tin Mừng. Ở tuổi 60, câu hỏi đặt ra cho Công đồng Vatican II vẫn là nền tảng của nó trong sự thật này “Chúa Giêsu Kitô và là Đấng bị đóng đinh”: “Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Chúa Giêsu Kitô” (1 Cr 3: 11).