1. Biden ký sắc lệnh hành pháp bảo vệ quyền truy cập phá thai

Hai tuần sau khi Tòa án Tối cao ban hành phán quyết lật ngược vụ Roe kiện Wade, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã chỉ đạo một số cơ quan liên bang về cách duy trì quyền tiếp cận phá thai của phụ nữ.

Hôm 8 tháng 7, ông Joe Biden đã ban hành “Sắc lệnh hành pháp bảo vệ quyền tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản”, gọi đây là một biện pháp ngăn chặn cho đến khi Quốc hội có thể bỏ phiếu để luật hóa quyền phá thai trên toàn quốc mà phán quyết Roe đã bảo đảm trong gần 50 năm.

Trong một buổi lễ diễn ra tại Tòa Bạch Ốc, cùng với Phó Tổng thống Kamala Harris và Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Xavier Beccera, Biden đã kêu gọi người Mỹ tham gia đông đảo vào Ngày Bầu cử để phản ứng lại quyết định của tòa án liên quan đến việc phá thai.

Ông nói: “Chúng tôi cần thêm hai thượng nghị sĩ ủng hộ lựa chọn” để thông qua việc luật hóa phán quyết Roe.

Phán quyết do Tòa án Tối cao công bố vào ngày 24 tháng 6, trong vụ Dobbs kiện Jackson đã đưa quyền quyết định về tính hợp pháp của việc phá thai trở lại cấp tiểu bang, nơi nó đã có trước Roe và các cơ quan lập pháp ở khoảng một nửa số tiểu bang do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo đã bỏ phiếu cấm hoặc hạn chế nghiêm ngặt việc nạo phá thai. Trái lại, một số tiểu bang do đảng Dân Chủ cầm đầu đã mở rộng quyền phá thai cho đến khi người phụ nữ chuyển dạ.

Theo ông Joe Biden, quyết định của tòa án cấp cao “rõ ràng đã tước đi quyền của người dân Mỹ mà họ đã công nhận trong gần 50 năm - quyền của phụ nữ được đưa ra các quyết định chăm sóc sức khỏe sinh sản của riêng mình, không bị chính phủ can thiệp. Các quyền cơ bản - đối với quyền riêng tư, quyền tự chủ, tự do và bình đẳng - đã bị từ chối đối với hàng triệu phụ nữ trên khắp đất nước, với những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, cuộc sống và hạnh phúc của họ. Phán quyết này sẽ ảnh hưởng không cân xứng đến phụ nữ da màu, phụ nữ có thu nhập thấp và phụ nữ nông thôn”.

Một khía cạnh trong lệnh hành pháp của Biden là bảo vệ quyền truy cập vào cái gọi là “phá thai bằng thuốc”, đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận như một cách để chấm dứt thai kỳ đến tuần thứ 10. Quy trình bắt đầu bằng việc dùng mifepristone, chất này ngăn chặn nguồn cung cấp progesterone của cơ thể, là loại hormone cần thiết để thai nhi phát triển bình thường. Viên thứ hai, misoprostol, được uống đến 48 giờ sau đó, gây chuột rút và chảy máu để làm rỗng tử cung.

Vào năm 2021, năm đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của Biden, FDA đã dỡ bỏ vĩnh viễn yêu cầu cấp phát trực tiếp thuốc phá thai, cho phép phụ nữ nhận thuốc qua đường bưu điện sau khi được tư vấn sức khỏe trực tuyến.

Một số phụ nữ sống trong một tiểu bang mà hiện nay việc phá thai là bất hợp pháp có thể cố gắng đi đến một tiểu bang mà điều đó là hợp pháp, và một số khía cạnh của sắc lệnh hành pháp của Biden tìm cách bảo vệ quyền của họ và bảo vệ họ khỏi bị truy tố ở chính tiểu bang của mình. Sắc lệnh kêu gọi Bộ Tư pháp tập hợp các luật sư chuyên nghiệp để đại diện cho những phụ nữ gặp rắc rối pháp lý khi theo đuổi việc phá thai.

Sắc lệnh cũng tìm cách “mở rộng khả năng tiếp cận với đầy đủ các dịch vụ sức khỏe sinh sản, bao gồm các nhà cung cấp và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chẳng hạn như tiếp cận với biện pháp tránh thai khẩn cấp và các biện pháp tránh thai có thể đảo ngược tác dụng lâu dài như các dụng cụ đặt ở tử cung” và bảo vệ việc thông tin trực tuyến về các dịch vụ phá thai.
Source:Aleteia

2. Thủ tướng Shinzo Abe được nhớ đến vì 'sự tôn trọng tuyệt vời' đối với Giáo Hội Công Giáo

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được nhớ đến như một người thể hiện “sự tôn trọng lớn lao đối với Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là đối với Tòa thánh” sau vụ ám sát hôm thứ Sáu.

Abe đang vận động cho các ứng cử viên địa phương ở Nara thì một người bắn vào lưng ông từ cự ly gần bằng một khẩu súng tự chế. Vị cựu Thủ tướng 67 tuổi được đưa đến bệnh viện bằng máy bay nhưng các quan chức cho biết ông không thở được và tim đã ngừng đập. Sau đó ông được xác nhận là đã chết tại bệnh viện.

Cảnh sát đã bắt giữ kẻ tình nghi xả súng tại hiện trường, nhưng không có động cơ nào được đưa ra ngay lập tức.

“Mặc dù chúng tôi là các Giám mục Công Giáo Nhật Bản và cố Thủ tướng có sự khác biệt lớn về quan điểm đối với một số vấn đề bao gồm giải trừ hạt nhân, chính sách năng lượng hạt nhân và hiến pháp hòa bình, nhưng ông Abe đã thể hiện sự tôn trọng lớn đối với Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là đối với Tòa thánh, và chắc hẳn ông đã hiểu được ảnh hưởng của Đức Thánh Cha đối với xã hội, quốc tế về vấn đề hòa bình,” Đức Tổng Giám Mục Isao Kikuchi của Tokyo nói.

“Đó là lý do chính tại sao ông ấy bỏ ra rất nhiều nỗ lực để mời Đức Thánh Cha đến thăm Nhật Bản và thậm chí lần đầu tiên ông ấy đã bổ nhiệm một người Công Giáo làm Đại Sứ tại Tòa thánh. Trong khi cử một số đặc phái viên đến gặp Đức Thánh Cha để mời ngài thăm Nhật Bản, bản thân ông cũng đã đến thăm Đức Thánh Cha tại Vatican vào năm 2014,” Đức Tổng Giám Mục nói.

Giáo Hội Công Giáo, với không quá 500.000 tín hữu, chỉ chiếm chưa đến 0,5 phần trăm của quốc gia nổi tiếng về Thần đạo và Phật giáo.

Abe là thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản, ông đã tại vị hai lần, lần đầu tiên từ năm 2006-2007 và sau đó là từ năm 2012-2020. Là thành viên của Đảng Dân chủ Tự do bảo thủ, ông đã gây tranh cãi vì quan điểm tái quân sự hóa Nhật Bản nhằm đương đầu với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán của Đảng Cộng sản Trung Quốc; và quan điểm xét lại của ông về các hành động của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.

Ông đã tiếp đón Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến công du Nhật Bản từ ngày 24 đến 26 tháng 11 năm 2019, bao gồm các chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng đến Hiroshima và Nagasaki.

“Cả hai vị đều đồng ý tiếp tục vận động cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân, xóa đói nghèo, nhân quyền và bảo vệ môi trường,” Kikuchi nói.

“Mặc dù cả hai vị đều nhất trí sẽ nỗ lực hơn nữa để hướng tới cùng mục tiêu về những vấn đề quan trọng như vậy, nhưng cả hai cũng nhận thấy rằng đường lối của ông Abe và Đức Thánh Cha không giống nhau”

“Đức Thánh Cha đi xa hơn trong việc cam kết thực hiện một số mục tiêu trong số này nhưng ông Abe đã thận trọng hơn trong việc hiện thực hóa chương trình nghị sự chính trị của mình. Tôi đoán đó là một trong những lý do tại sao Đức Thánh Cha không đề cập đến án tử hình cũng như chính sách năng lượng hạt nhân cho đến khi ngài đáp chuyến bay trở về Rôma,” Đức Tổng Giám Mục nói.

Ngoài Hoa Kỳ, Nhật Bản là quốc gia G7 duy nhất giữ lại hình phạt tử hình.

Kikuchi cũng lưu ý rằng các giám mục Nhật Bản không đồng ý với nỗ lực của Abe trong việc thay đổi Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản, vốn cấm chiến tranh như một phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế, mặc dù Đức Tổng Giám Mục nói rằng cả Giáo hội và cựu thủ tướng đều “có thể nhắm đến cùng một mục tiêu, đó là thiết lập hòa bình trong khu vực.”

“Mặc dù có sự khác biệt về quan điểm giữa chúng tôi là Giám mục và chính sách của ông Abe, chúng tôi vẫn được hưởng quyền tự do tín ngưỡng ở Nhật Bản dưới sự bảo vệ của hiến pháp mà ông Abe đã được chọn làm thủ tướng. Những đóng góp to lớn của ông cho đất nước cần được trân trọng và một người như vậy không nên bị sát hại bởi cuộc tấn công bạo lực này. Cầu mong ông ấy yên nghỉ,” vị tổng giám mục nói.
Source:Crux

3. Đức Giáo Hoàng ca ngợi Đức Hồng Y Pell, nói rằng ngài hy vọng Vatican sẽ đứng vững trên nền tảng tài chính vững chắc hơn

Đức Thánh Cha Phanxicô than thở rằng một số “người bạn” được chọn để đưa ra lời khuyên tài chính không phải là các thánh nhân.

Đức Thánh Cha Phanxicô hy vọng rằng Vatican có một nền tảng vững chắc hơn để tránh các hành vi sai trái về tài chính, chẳng hạn như câu chuyện “tòa nhà London” đang diễn ra, trong đó có một vị Hồng Y đang bị xét xử.

Đức Giáo Hoàng nói với Reuters vào ngày 2 tháng 7 rằng ngài hy vọng các biện pháp kiểm soát tốt hơn sẽ được áp dụng.

“Trước đây, việc quản lý tiền bạc của Vatican rất lộn xộn,” Đức Thánh Cha thừa nhận trong cuộc phỏng vấn, được công bố dần dần trong vài ngày qua.

Ngài cho biết các chuyên gia hiện đang ở các vị trí không bị thao túng bởi những nhà hảo tâm hoặc những người được cho là bạn bè.

Ví dụ, Đức Hồng Y Angelo Becciu đã tự bào chữa và về cơ bản, ngài cho rằng đã bị các người này người khác dẫn dắt đi lạc hướng.

Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận rằng các linh mục không có kinh nghiệm tài chính đã được yêu cầu quản lý các bộ phận và do đó tìm kiếm lời khuyên từ bạn bè.

“Nhưng đôi khi những người bạn này không phải là Chân phước Imelda,” Đức Giáo Hoàng nói đùa. “Và vì vậy đã xảy ra chuyện này, đã xảy ra chuyện kia.”

Đức Giáo Hoàng nói rằng các cấu trúc cần phải thay đổi và ngài ca ngợi Đức Hồng Y George Pell là một “thiên tài”, là người đã nhấn mạnh rằng Vatican cần một cấu trúc có thể kiểm soát dòng tiền và đề phòng tham nhũng.

Việc thành lập một cấu trúc như vậy là một phần trong nỗ lực cải tổ Giáo triều của Đức Giáo Hoàng.
Source:Aleteia