1. Vụ tấn công phá hoại bạo lực nhằm vào nhà thờ Công Giáo ở bang Washington

Một phụ nữ đang cầu nguyện một mình trong nhà nguyện Chầu Thánh Thể liên tục vào sáng sớm thứ Ba khi làn sóng chống phá Công Giáo và bạo lực quét qua Hoa Kỳ tấn công vào Nhà thờ Công Giáo St. Louise ở Bellevue, Washington.

Nghe thấy tiếng huyên náo bên ngoài, người phụ nữ đánh liều chạy ra ngoài hành lang. Ở đó, cô đối mặt với một kẻ đột nhập đeo mặt nạ đứng bên ngoài trung tâm giáo xứ, đập vỡ cửa kính phía trước.

Người này hét lên những lời tục tĩu với người phụ nữ. Cô đã chạy ngược trở lại nhà nguyện. Quá kinh hãi, cô khóa cửa sau lưng và gọi cho Cha Sở là Cha Gary Zender, trong khi nấp sau một cây đàn piano.

Cha Gary Zender cho biết: “Cô ấy đã gọi cho tôi theo số văn phòng của tôi xin giúp giải cứu cô ấy,” Zender nói với CNA. “Cô ấy đã sợ đến chết được.”

Một camera giám sát đã ghi lại sự việc đáng sợ trên video.

Đoạn phim cho thấy một người đeo mặt nạ với mái tóc dài sải bước ra cửa mang theo một tảng đá lớn và ba lô màu hồng. Người này ném đá vào cửa trước ba lần, sau đó đá vào cửa bốn lần, làm vỡ kính.

Sau đó, người này lấy một lon sơn xịt màu đen ra khỏi ba lô và bắt đầu viết những chữ nghuệch ngoạc lên mặt ngoài của tòa nhà. Tiếp đó, kẻ hành hung có cử chỉ tục tĩu về phía cửa, dùng bình xịt sơn đập vỡ kính một lần nữa rồi đẩy cửa. Sau đó, người này xuất hiện để hét vào một người nào đó bên trong tòa nhà trước khi tiếp tục phun sơn bên ngoài và vỉa hè của tòa nhà.

Kẻ tấn công, vào nhà thờ khoảng 9:30 sáng, cũng đập vỡ một cửa kính khác ở hội trường giáo xứ và làm hư hỏng một bức tượng của Đức Mẹ Tháo gỡ các nút thắt, Cha Zender cho biết. Ngài ước tính thiệt hại là 10.000 USD.

Cha Zender nói rằng kẻ tấn công đã phun sơn vào má phải của quản lý giáo xứ, Jonathan Taasan và “khá nhiều” vào tai anh ta. Anh ta không bị thương.

Sở cảnh sát Bellevue đã tweet hôm thứ Ba rằng họ đã bắt giữ một cư dân Bellevue 31 tuổi vì tình nghi phạm tội thù hận và hành hung. Cảnh sát cho biết nghi phạm đã bị bắt “mà không chống cự.” Cảnh sát gọi hành vi của anh ta là “bài Công Giáo.”
Source:Catholic News Agency

2. Đức Hồng Y Kurt Koch khẳng định lập trường của Thượng Phụ Kirill bênh vực cuộc xâm lược Ukraine là lạc giáo

Đức Hồng Y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô, mạnh mẽ phê bình việc Đức Thượng phụ Kirill, Giáo chủ Chính thống Nga, dùng tôn giáo để biện minh cho chiến tranh chống Ukraine, và Đức Hồng Y gọi đây là một “lạc giáo”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo Công Giáo “Die Tagespost”, Điện Báo, số ra ngày 30 tháng Sáu năm 2022, tại thành phố Wuerzburg bên Đức, Đức Hồng Y Koch, người Thụy Sĩ, nói: “Coi nhẹ cuộc chiến tàn bạo của ông Putin chống Ukraine như một ‘cuộc hành quân đặc biệt’ là một sự lạm dụng ngôn từ. Tôi phải lên án điều này như một lập trường tuyệt đối không thể chấp nhận được... Thật là một lạc giáo khi vị thượng phụ dám biện minh cho cuộc chiến tàn bạo và vô lý tại Ukraine với những lý do tôn giáo ngụy tạo”.

Đức Hồng Y Koch nhắc đến việc Đức Thượng phụ Kirill dựa trên sự thống nhất quốc gia giữa người Nga và Ukraine, như kết quả của “phép rửa tội cho miền Rus tại Kiev” hồi năm 988 và Đức Hồng Y nói rằng: “Tuy người Nga và Ukraine xuất phát từ cùng một phép rửa tội, nhưng ngày nay người Nga đang tấn công người Ukraine và gây chiến, thì sự hiệp nhất bị phủ nhận”.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Koch cũng tiết lộ về cuộc gặp gỡ qua video giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill hồi tháng Ba năm nay: chính Đức Hồng Y, hồi tháng Hai trước đó, đã đề nghị với Đức Tổng Giám Mục Hilarion, Chủ tịch Hội đồng Ngoại vụ Tòa Thượng phụ Chính thống Nga, theo đó Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng phụ cùng công bố một tuyên ngôn chống chiến tranh tại Ukraine. Nhưng ít lâu cuộc gặp gỡ với Đức Tổng Giám Mục Hilarion, Đức Hồng Y Koch nhận được câu trả lời rằng Đức Thượng phụ không sẵn sàng có một tuyên ngôn chung với Đức Giáo Hoàng. Chỉ vài tuần sau đó, Tòa Thượng phụ Chính thống Mascơva mới yêu cầu có một cuộc gặp gỡ qua video với Đức Giáo Hoàng. Ngay sau đó, Tòa Thượng phụ Chính thống Nga công bố một thông cáo cho biết Đức Thượng phụ cám ơn vì Đức Giáo Hoàng có cùng một quan điểm về cuộc xung đột tại Ukraine. Vì thế, Tòa Thánh đã phải mau lẹ công bố điều mà Đức Giáo Hoàng thực sự đã nói.

Đức Hồng Y Koch tỏ ra dè dặt về một cuộc gặp gỡ thứ hai giữa Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng phụ Kirill. Ngài nói: “Nếu một cuộc gặp gỡ như vậy diễn ra, nếu những hành động chiến tranh vẫn còn tiếp diễn, và nếu Đức Kirill tiếp tục biện minh cho chiến tranh với lập trường không thể chấp nhận được, như cho đến nay, thì sẽ có sự hiểu lầm nghiêm trọng. Dầu vậy, chúng ta không bao giờ được khép cửa”.
Source:Crux

3. Đức Tổng Giám Mục San Antonio chủ tọa Thánh lễ tưởng niệm những cái chết của người di cư tại Texas

Sau khi phát hiện hàng chục người di cư chết trong một chiếc xe đầu kéo bị bỏ rơi ở Texas – cho đến nay là cái chết hàng loạt lớn nhất của những người di cư từ biên giới phía nam trong lịch sử hiện đại - Đức Tổng Giám Mục San Antonio đã tổ chức một thánh lễ tưởng niệm vào thứ Năm.

Đức Tổng Giám Mục Gustavo García-Siller, và các Giám Mục Phụ Tá Michael Boulette và Gary Janak đã chủ trì thánh lễ tưởng niệm những người di cư vào ngày 30 tháng 6, lúc 7 giờ tối tại Nhà thờ San Fernando. Theo phát ngôn viên Jordan McMorrough, nghi lễ bao gồm một cuộc rước từ Quảng trường Chính của nhà thờ, một cây thánh giá đặc biệt, cùng nến và cờ đại diện cho quốc gia của những người đã khuất cũng như những người sống sót.

Đức Tổng Giám Mục García-Siller nói trong một tweet rằng ngài đã gặp một cô gái trẻ tên là Serenidad, người có mặt trong chiếc xe bị bỏ rơi và đã sống sót. Ngài kêu gọi những lời cầu nguyện cho những người sống sót và kêu gọi các nhà lãnh đạo hành động về cải cách nhập cư.

“Những người bên trong xe tải là những người vô tội. Họ là kết quả của sự tham nhũng ở nơi xuất xứ của họ cũng như tại Hoa Kỳ. Mong chúng ta thực hiện các bước để thay đổi tốt hơn cho con người. Hãy cầu nguyện về điều đó!”

Những người di cư được tìm thấy đã chết trong một chiếc xe đầu kéo bị bỏ hoang trong nhiệt độ cực cao ở San Antonio, Texas vào tối ngày 27 tháng 6. Số người chết chính thức đã tăng lên 53 người, bao gồm 22 người Mễ Tây Cơ, 7 người Guatemala, và 2 người Honduras, với những người khác vẫn chưa được xác định.

San Antonio, cách biên giới quốc gia tại Laredo khoảng 150 dặm, là một trung tâm vận tải của khu vực, cũng như nơi xảy ra tệ nạn buôn người và buôn lậu. San Antonio cũng là nơi đã xảy ra vụ việc tương tự vào năm 2017, trong đó 10 người di cư thiệt mạng trong một chiếc xe đầu kéo.

Theo các chuyên gia, nhiều khả năng những người ngồi trong xe đầu kéo đã đi bộ qua biên giới, trước khi tập trung ở Laredo để được chất lên xe tải. Người lái xe tải được cho là đã bị tạm giữ.

Marie Kenyon, người đứng đầu ủy ban Công lý và Hòa bình tại Tổng giáo phận St. Louis, nói rằng cô đã ở Laredo vào tuần trước với một nhóm tình nguyện hỗ trợ tại một nơi tạm trú dành cho người di cư của Tổ chức bác ái Công Giáo. Cô cho biết với tư cách là một giáo phận truyền giáo, nơi tạm trú dành cho người di cư ở Laredo không nhận được nhiều sự quan tâm hoặc quyên góp như một số nơi khác dọc biên giới Mỹ-Mexico, chẳng hạn như Brownsville và El Paso.

Cô rùng mình khi nghĩ rằng nhóm tình nguyện của cô có thể đã vô tình vượt qua chiếc xe tải chở đầy người di cư đi ngược chiều trên đường cao tốc từ San Antonio đến Laredo.

“Hôm thứ Bảy ở Laredo nhiệt độ là 107 độ. Vì vậy, nếu bạn ở trong chiếc xe bít bùng đó từ 3 đến 4 giờ, chắc chắn là chết.”
Source:Catholic News Agency