1. Giáo Hội Ba Lan cử hành các sự kiện nhân 40 năm vị Thánh Giáo Hoàng bị ám sát

Nhân dịp 40 năm Ðức Gioan Phaolô II bị ám sát, Giáo hội Ba lan cử hành các sự kiện để kỷ niệm biến cố này, trong đó có Thánh lễ tạ ơn tại đền thánh Ðức Mẹ Fatima ở Polanica Zdrój và “chuỗi Mân Côi hành trình” dọc 33 km, tượng trưng cho 33 năm trong cuộc đời của Chúa Giê-su.

Cách đây 40 năm, trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phê-rô vào thứ Tư ngày 13 tháng 5 năm 1981, Ðức Gioan Phaolô II đã bị Mehmet Ali Agca, một kẻ khủng bố Thổ Nhĩ Kỳ thuộc tổ chức dân tộc chủ nghĩa “Những con sói xám” ám sát, vì những lý do vẫn chưa được làm rõ hoàn toàn.

Ðức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, nguyên là thư ký riêng của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cũng hiện diện tại quảng trường thánh Phê-rô khi xảy ra vụ nổ súng. Ngài chia sẻ rằng vụ ám sát “vẫn còn in đậm trước mắt ngài như thể nó mới xảy ra hôm qua” và “vẫn còn văng vẳng bên tai ngài, tiếng vang do hàng trăm con chim bồ câu vỗ cánh bay lên vì sợ hãi và tiếng kêu tuyệt vọng của hàng ngàn người” tham dự buổi tiếp kiến chung ngày hôm đó.

Ðức Hồng Y cũng nhấn mạnh rằng Ðức Gioan Phaolô II “không ngại tranh đấu với các hệ tư tưởng và hệ thống đã gây ra nhiều đau khổ cho con người và cho toàn thể các quốc gia” và rằng sự Quan phòng “đã cứu mạng sống của một vị Giáo hoàng vẫn cần thiết cho Giáo hội và thế giới vượt qua Biển Ðỏ của chủ nghĩa cộng sản và giành lại tự do và chủ quyền quốc gia.”

Nhân kỷ niệm 40 năm biến cố xảy ra, nhiều khoảnh khắc kỷ niệm được lên kế hoạch tại Ba Lan. Ðức tổng giám mục Stanislaw Gadecki, Chủ tịch Hội đồng giám mục Ba-lan, sẽ cử hành Thánh lễ trọng thể vào tối ngày 13 tháng 5 năm 2021 tại đền thánh Ðức Mẹ Fatima ở Polanica Zdrój. Vào cuối Thánh lễ, các tín hữu sẽ đọc kinh Mân Côi. Sau đó buổi đọc kinh sẽ được tiếp tục suốt đêm bởi những người tham gia sáng kiến “Chuỗi Mân Côi hành trình”.

Cha Zdzislaw Swiniarski, giám quản đền thánh Polanica Zdrój, người tổ chức sự kiện, cho biết, dọc theo hành trình dài 33 km (mỗi km tượng trưng một năm trong cuộc đời của Chúa Giê-su), những người hành hương sẽ dừng lại để cầu nguyện tại các nhà thờ ở Thung lũng Klodzko, “tạ ơn Chúa về mọi ân sủng đã nhận được và cầu xin Ðức Mẹ ban cho món quà quý giá nhất là đức tin.”
Source:SIR

2. Đức Hồng Y người Ba Lan nhớ lại cảm giác trước vụ ám sát Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II 40 năm trước

Một vị Hồng Y đã nhớ lại khoảnh khắc mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bị bắn tại quảng trường Thánh Phêrô 40 năm trước.

Vị Giáo hoàng Ba Lan gục ngã trong vòng tay của Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz, lúc bấy giờ là một Đức Ông khi ngài bị trúng 4 viên đạn vào ngày 13/5/1981.

“Bế Đức Thánh Cha đang trong tình trạng nguy tử vì bị chảy nhiều máu, tôi bị sốc; nhưng tôi biết chúng tôi phải thật bình tĩnh hành động để cứu mạng ngài”, Đức Hồng Y Dziwisz nhớ lại nhân kỷ niệm 40 năm vụ ám sát.

“ Thánh Gioan Phaolô II, mặc dù đau đớn, vẫn bình tĩnh, phó thác vào Thiên Chúa và Mẹ Maria, trên đường đến bệnh viện. Trước khi bất tỉnh, ngài nói với tôi rằng ngài tha thứ cho kẻ ám sát ngài”.

Giáo hoàng đang đứng trên xe Jeep chào đón đám đông khoảng 10,000 người khi kẻ ám sát Mehmet Ali Ağca bắn ngài ở cự ly gần bằng khẩu súng lục bán tự động 9mm Browning Hi-Power.

Bị chảy máu nhiều, Đức Gioan Phaolô II được đưa đến bệnh viện với hai viên đạn găm vào ruột dưới. Hai viên đạn còn lại găm vào ngón trỏ trái và cánh tay phải của ngài.

Đức Hồng Y Dziwisz, thư ký riêng lâu năm của Đức Giáo Hoàng, cho biết ngài tin rằng Đức Gioan Phaolô II đã bị ám sát vì thẳng thắn bảo vệ nhân quyền.

Ngài nói: “Vụ ám sát chống lại Đức Gioan Phaolô II là kết quả của việc ngài kiên định yêu cầu tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là trong bối cảnh người dân bị nô dịch bởi chủ nghĩa toàn trị”,.

“Vào thời điểm đó, một vị Giáo Hoàng như vậy thật bất tiện đối với nhiều người”.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tên khai sinh là Karol Wojtyła, đã sống sót sau cuộc chiếm đóng của Đức Quốc xã ở Ba Lan và giúp lãnh đạo cuộc kháng chiến của Giáo hội chống lại chế độ cộng sản áp bức sau đó.

“Bản thân ngài ấy đến từ Ba Lan, một đất nước từng trải qua sự tàn bạo của chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ 20. Ngài hoàn toàn hiểu rõ tác hại của bạo lực độc tài mà chính quyền sử dụng chống lại từng công dân và toàn thể xã hội”, vị Hồng Y 82 tuổi nói.

“Đây là lý do tại sao ngài kiên định đòi hỏi các quyền và phẩm giá của mỗi con người phải được tôn trọng. Ngài đã phải trả một cái giá đắt cho điều đó, nhưng vụ ám sát không làm gián đoạn nhiệm vụ của ngài”.

Vụ nổ súng diễn ra vào ngày 13 tháng 5, ngày lễ của Đức Mẹ Fatima và kỷ niệm lần đầu tiên Đức Trinh Nữ Maria hiện ra với ba trẻ chăn cừu tại Cova da Iria, Bồ Đào Nha vào năm 1917.

Đức Gioan-Phaolô II ghi công Đức Mẹ Fatima đã cứu mạng ngài, ngài nói rằng Đức Mẹ đã lái viên đạn đi theo một hướng khác.

Vào ngày kỷ niệm đầu tiên vụ ám sát này, Đức Gioan-Phaolô II đã hành hương đến Đền Thánh Đức Mẹ Fatima để tạ ơn Đức Mẹ đã cứu mạng ngài.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Hồng Y Pell chủ sự cuộc rước Thánh Thể ở Rôma

Đức Hồng Y George Pell đã dẫn đầu một cuộc rước Thánh Thể vào hôm Thứ Năm 13 tháng 5 tại Đại Học Giáo Hoàng Angelicum ở Rôma.

Cựu tổng trưởng Kinh tế của Vatican đã dẫn đầu cuộc rước hàng năm vào ngày 13 tháng 5, lễ Đức Mẹ Fatima, tại học viện được biết với tên chính thức là Đại học Giáo hoàng St. Thomas Aquinas, nằm trên Đồi Quirinal của Rôma.

Đây là lần đầu tiên vị Hồng Y dẫn đầu một cuộc rước đã bị hủy bỏ vào năm ngoái do đại dịch coronavirus.

Phát biểu với EWTN News, Đức Hồng Y Pell cho biết: “Tôi rất vui được ở đây. Đó là một sáng kiến của sinh viên, được tổ chức bởi các sinh viên, một tấm gương tuyệt vời về niềm tin trong thực tiễn”.

Ngài nói tiếp: “Tôi nghĩ điều quan trọng sau COVID là trở lại với thói quen cầu nguyện và thờ phượng thường xuyên của Giáo Hội. Tôi không chắc về lâu dài rằng COVID sẽ thay đổi quá nhiều, nhưng nó có thể tạo ra một lý do khác để chúng ta có một chút chùng xuống, một chút thoải mái, trong cách tiếp cận với lời cầu nguyện và sự thờ phượng của mình, và chúng ta phải chiến đấu chống lại thứ tư duy này”.

Sự kiện bắt đầu với bài chia sẻ của vị Hồng Y người Úc 79 tuổi tại nhà thờ hai thánh Đôminicô và Xitô của Đại Học Angelicum, một trong những nhà thờ hiệu tòa tiêu biểu của Rôma dành cho các Hồng Y.

Nhà thờ này là nhà thờ hiệu tòa của vị Hồng Y người Bồ Đào Nha José Tolentino de Mendonça, nhà lưu trữ và thủ thư của Hội Thánh Rôma.

Angelicum là một cơ sở giáo dục thuộc dòng Đa Minh có lịch sử từ năm 1222, ngay sau khi Đức Giáo Hoàng Honoriô Đệ III chính thức phê chuẩn việc thành lập Dòng Thuyết giáo do linh mục người Tây Ban Nha Dominic de Guzmán thành lập.

Sau bài giảng của Đức Hồng Y George Pell là việc Chầu Mình Thánh Chúa. Mặt nhật được kiệu dưới tán một lọng che với các trụ sơn son thếp vàng, xuyên qua khuôn viên trường đại học, với hàng trăm người theo sau.

Đức Hồng Y Pell, nguyên tổng trưởng Bộ Kinh tế Tòa Thánh, đã đến Rôma vào ngày 30 tháng 9 năm 2020, trong chuyến thăm đầu tiên của ngài đến thành phố vĩnh cửu kể từ khi ngài trở về Úc vào năm 2017 để chứng minh mình mình vô tội trước các vu cáo lạm dụng.

Vị Hồng Y đã bị kết án oan uổng vào năm 2019 nhưng cuối cùng được tha bổng vào tháng 4 năm 2020 sau 404 ngày ngồi tù.

Ngài không thể cử hành Thánh lễ trong tù vì ngài không được phép dùng rượu. Ngài nói rằng sự thiếu thốn này đã nâng cao lòng quý trọng của ngài đối với Bí tích Thánh Thể.

Đức Hồng Y cho biết: “Tôi đã phải ngồi tù 13 tháng. Tôi đã không thể cử hành Thánh lễ và tham dự Thánh lễ. Tôi đã lắng nghe nhiều nhà thuyết giảng Tin lành, và tôi càng nhận thức rõ hơn về trọng tâm của việc cử hành phụng vụ. Đó là sự tái hiện hy tế của Chúa Kitô. Đó là một hành động tôn thờ rõ ràng. Nó liên quan đến toàn bộ con người của chúng ta. Nó cần niềm tin để được thực hành”.

“Đó là đỉnh cao của đời sống Công Giáo, và chúng ta phải học điều đó, đi sâu vào nó. Hầu hết chúng ta làm điều đó khi chúng ta trưởng thành. Nó đẹp đẽ, phong phú và hoàn toàn là trung tâm”.

Hồng Y sẽ bước sang tuổi 80 vào ngày 8 tháng 6, mất quyền bỏ phiếu trong mật nghị tương lai.

Đức Hồng Y nói với EWTN News: “Điều thú vị đối với một người ở độ tuổi của tôi là được thấy sự nhiệt thành cầu nguyện thầm lặng và sự tôn thờ của rất nhiều người trẻ, những người trẻ tuổi, và tôi nghĩ đó là một khát khao siêu việt, nhưng cũng là việc tìm kiếm một chút yên tĩnh và bình yên bởi vì cuộc sống của họ rất, rất bị phân tâm, rất ồn ào”.
Source:Catholic News Agency

4. Huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 16 tháng 5

Chúa Nhật 16 tháng 5, Giáo Hội mừng lễ Chúa Giêsu Lên Trời. Chủ đề của bài Phúc Âm trong ngày là lời cầu xin cho cộng đoàn dân Chúa được hiệp nhất.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng. Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật: lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý”.



Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, ở Ý và các nước khác, chúng ta cử hành Lễ Thăng Thiên. Đoạn Tin Mừng trong ngày (Mc 16: 15-20), là phần kết của Tin Mừng theo thánh Máccô, trình bày cho chúng ta cuộc gặp gỡ cuối cùng của Chúa Phục sinh với các môn đệ trước khi Ngài lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Thông thường, như chúng ta biết, những cảnh chia tay thật là buồn. Chúng gây ra cảm giác hụt hẫng, bị bỏ rơi nơi những người ở lại. Tuy nhiên, điều này không xảy ra với các môn đệ. Dù xa cách với Chúa, các ngài không tỏ ra đau buồn, mà ngược lại, các ngài vui vẻ và sẵn sàng ra ngoài thế giới với tư cách là những nhà truyền giáo.

Tại sao các môn đệ không buồn? Tại sao chúng ta nên vui mừng khi thấy Chúa Giêsu lên trời? Thưa: Vì biến cố Thăng Thiên hoàn thành sứ mệnh của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta. Thật vậy, nếu vì chúng ta mà Chúa Giêsu từ trời xuống thế, thì cũng là vì chúng ta mà Người lên trời. Sau khi đã ngự xuống giữa nhân loại chúng ta và cứu chuộc nhân loại của chúng ta - Con Thiên Chúa, xuống thế và làm người, mặc lấy bản tính nhân loại chúng ta và cứu chuộc chúng ta - bây giờ Ngài lên trời, mang xác thịt chúng ta với Ngài. Ngài là người đầu tiên vào thiên đàng, vì Chúa Giêsu là người, là người thật; Ngài là Thiên Chúa, Thiên Chúa thật sự; xác phàm của chúng ta ở trên trời và điều này mang lại cho chúng ta niềm vui. Giờ đây, bên hữu Chúa Cha ngự trị một thân thể con người, lần đầu tiên là thân thể của Chúa Giêsu, và trong mầu nhiệm này, mỗi người chúng ta chiêm ngưỡng đích điểm tương lai của chính mình. Đây hoàn toàn không phải là một sự từ bỏ; Chúa Giêsu ở lại mãi mãi với các môn đệ, nghĩa là ở lại với chúng ta. Ngài vẫn cầu nguyện, với tư cách là con người, Ngài cầu nguyện với Chúa Cha, và với tư cách là Thiên Chúa, Ngài cho Chúa Cha thấy những vết thương của Ngài, những vết thương mà nhờ đó Ngài đã cứu chuộc chúng ta. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu ở đó, với xác phàm của chúng ta: Ngài là một người trong chúng ta, là Thiên Chúa và là người, và Ngài đang cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.

Và điều này phải mang lại cho chúng ta một sự tự tin, hay đúng hơn là một niềm vui, niềm vui lớn! Và lý do thứ hai để vui mừng là lời hứa của Chúa Giêsu. Ngài nói với chúng ta: “Thầy sẽ gửi Chúa Thánh Thần đến cho anh em”. Và cùng với lời hứa ban Chúa Thánh Linh, một lệnh truyền mới được ban cho chúng ta trong cuộc từ biệt của Người: “Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng”. Và chính quyền năng của Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đến trong thế giới, để mang đến cho thế gian Tin Mừng. Như lời Chúa Giêsu đã hứa, chín ngày sau đó Chúa Thánh Thần sẽ đến trong Lễ Hiện Xuống. Chính Chúa Thánh Thần đã làm cho chúng ta có thể có được như ngày hôm nay. Một niềm vui lớn! Chúa Giêsu đã lên trời: con người đầu tiên trước mặt Chúa Cha.

Chúa Giêsu ra đi với những vết thương của Người, đó là cái giá cho ơn cứu rỗi của chúng ta, và Ngài cầu nguyện cho chúng ta. Và rồi Ngài gửi cho chúng ta Thánh Linh; Ngài hứa ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, để chúng ta ra đi truyền giáo. Đây là lý do của niềm vui ngày hôm nay; đây là lý do của niềm vui trong ngày Thăng Thiên này.

Thưa anh chị em, trong dịp Lễ Thăng Thiên này, trong khi chúng ta chiêm ngắm Thiên đàng, nơi Chúa Kitô đã lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria, Nữ Vương Thiên Đàng, giúp chúng ta trở thành những chứng nhân can đảm cho Chúa Phục Sinh trong thế giới, trong những tình huống cụ thể của cuộc sống.

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói tiếp:

Anh chị em và các bạn thân mến! Tôi đang theo dõi với sự quan tâm rất lớn về những gì đang xảy ra ở Thánh Địa. Trong những ngày này, các cuộc đụng độ vũ trang bạo lực giữa Dải Gaza và Israel đã chiếm ưu thế, có nguy cơ biến thành vòng xoáy chết chóc và hủy diệt. Nhiều người đã bị thương và nhiều người vô tội đã chết. Trong số đó có cả trẻ em, và điều này thật khủng khiếp và không thể chấp nhận được. Cái chết của họ là một dấu chỉ cho thấy nhiều người không muốn xây dựng tương lai, nhưng muốn phá hủy nó.

Hơn nữa, sự thù hận và bạo lực ngày càng gia tăng liên quan đến các thành phố khác nhau ở Israel là một vết thương nghiêm trọng cho tình huynh đệ và sự chung sống hòa bình giữa các công dân, sẽ khó chữa lành nếu chúng ta không mở lòng ra đối thoại ngay lập tức. Tôi tự hỏi: hận thù và báo thù sẽ dẫn đến đâu? Chúng ta có thực sự nghĩ rằng chúng ta có thể xây dựng hòa bình bằng cách phá hủy bên kia không? “Nhân danh Thiên Chúa, Đấng đã tạo ra tất cả mọi người bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ và phẩm giá, và là Đấng đã kêu gọi họ sống với nhau như anh chị em” (xem Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại), tôi kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh và, đối với những ai phải chịu trách nhiệm về việc đó, tôi kêu gọi hãy dẹp bỏ vũ khí và đi theo con đường hòa bình, dù cho phải nhờ đến sự giúp đỡ của Cộng đồng quốc tế.

Chúng ta hãy liên tục cầu nguyện để người Israel và người Palestine có thể tìm thấy con đường đối thoại và tha thứ, trở thành những người kiên nhẫn xây dựng hòa bình và công lý, mở ra từng bước cho một hy vọng chung, cho sự chung sống giữa các anh chị em với nhau.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân, đặc biệt là cho trẻ em; chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình cùng với Nữ Vương Hòa Bình.

Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen.

Hôm nay “Tuần lễ Laudato Si” bắt đầu, nhằm giáo dục ngày càng nhiều người biết lắng nghe tiếng kêu của Trái đất và tiếng kêu của người nghèo. Tôi cảm ơn Bộ Dịch Vụ Phát Triển nhân bản toàn diện, Phong trào Khí hậu Công Giáo Toàn cầu, Caritas Quốc tế và nhiều tổ chức thành viên, và tôi mời mọi người tham gia.

Tôi chào mừng những người hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau, những người hôm qua, tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô của Rôma, đã tham dự Lễ phong Chân phước cho Cha Phanxicô Maria Thánh Giá, đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Độ. Ngài là người loan báo Tin Mừng không mệt mỏi, sử dụng mọi phương tiện mà lòng bác ái của Chúa Kitô đã linh hứng trong ngài. Ước gì lòng nhiệt thành tông đồ của ngài là tấm gương và sự hướng dẫn cho những người trong Giáo hội, những người được mời gọi để mang lời và tình yêu của Chúa Giêsu vào mọi môi trường. Một tràng pháo tay cho vị tân Chân phước! Hình ảnh ngài đang ở phía trước đây.

Tôi thân ái chào tất cả anh chị em, những người đến từ Rôma, từ Ý và từ các nước khác, đặc biệt là Nhóm AGESCI-Lupetti từ giáo xứ Thánh Grêgôriô Cả ở Rôma; và Chủng viện Mẹ Đấng Cứu Chuộc của Giáo phận Florence.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ, đặc biệt các bạn trẻ trong phong trào Immacolata, những người rất tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc bữa trưa ngon miệng. Xin chào tạm biệt!
Source:Libreria Editrice Vaticana