1. Thanh niên 20 tuổi đập phá 16 bức tượng tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Núi Carmelô
Khi tập trung tham dự Thánh lễ ngày 28 tháng 2 tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Núi Carmelô, các giáo dân đã bày tỏ sự đau buồn sâu sắc nhưng vẫn cầu nguyện cho kẻ đã xúc phạm 16 bức tượng trong khuôn viên giáo xứ của họ vào ngày 26 tháng 2 vừa qua.
“Tôi không biết phải nói gì”, một giáo dân rõ ràng run rẩy và lắc đầu buồn bã sau Thánh lễ 11 giờ sáng Chúa Nhật thường lệ do Đức Ông Michael Cariglio, Cha sở của Vương Cung Thánh Đường cử hành.
Các giáo dân bày tỏ sự đau lòng và phẫn nộ của họ trong các cuộc phỏng vấn với Exponent về cảnh tượng các bức tượng bị phá hủy.
Cảnh sát Youngstown ngay trong ngày hôm đó đã bắt được một nghi phạm, Caleb Vancampen, 20 tuổi, ở Đông Palestine, là người đã thú nhận hành vi phá hoại được thực hiện vào sáng sớm ngày 26 tháng 2. Cảnh sát cho biết nghi can không thể phủ nhận trước các bằng chứng không thể chối cãi từ camera an ninh.
Anh ta bị buộc tội phá hoại với tình tiết gia trọng vào ngày 1 tháng 3 tại Tòa án thành phố Youngstown. Vụ phá hoại đã thu hút được sự đưa tin rộng rãi của các phương tiện truyền thông và gây được sự ủng hộ và quan tâm từ các nhà lãnh đạo cộng đồng.
Đức Ông Cariglio, khi nói chuyện với Exponent vào ngày 1 tháng 3, lưu ý rằng thiệt hại bao gồm hai bức tượng đá granit đã bị chặt đầu và bức tượng bằng sợi thủy tinh nhập khẩu đã bị đập vỡ.
“Chúng tôi lấy các mảnh bị đập vỡ và đặt chúng vào lưu trữ bởi vì chúng tôi không muốn giáo dân nhìn thấy cảnh đau lòng này”, Đức Ông. Cariglio nói. Ngài cũng phủ những tấm vải che phủ lên các bức tượng vẫn còn đứng vững mặc dù đã bị chặt đầu hay chặt tay.
“Thiệt hại ước tính chỉ dưới 100,000 đô la”, Đức Ông Cariglio nói. Ngài đã gặp một đại diện công ty bảo hiểm và cho biết hãng bảo hiểm sẽ trả theo “giá trị hiện tại trừ đi khấu hao”, có nghĩa là “chúng tôi sẽ gặp khó khăn về mặt tài chính.”
“Tất nhiên, số tiền không phải là toàn bộ sự mất mát thực sự”, Đức Ông Cariglio lưu ý, nhưng “đúng hơn là sự xúc phạm bi thảm”.
Đức Cha David Bonnar, Giám Mục Youngstown
Đức Cha David Bonnar đã đến thăm giáo xứ vào ngày vụ phá hoại xảy ra để bày tỏ cảm giác bị tổn thương và hỗ trợ của chính ngài. Đức Ông Robert Siffrin, là Cha Tổng đại diện của giáo phận cũng có mặt.
Sự phá hoại như vậy “thực sự làm đau đớn trái tim chúng ta là những người biết rõ các bức tượng ấy tiêu biểu cho điều gì”, Đức Cha Bonnar nói.
“Thực sự là một cuộc tấn công vào trái tim và linh hồn của người dân khi đức tin của họ không được tôn trọng”. Điều đó càng gây sốc hơn “bởi vì chúng ta sống trong một thung lũng nơi vẫn thường có sự tôn trọng đối với sự đa dạng và tôn trọng đức tin”. Cuộc tấn công như vậy vào các biểu tượng của đức tin “thực sự làm thất vọng và đáng lo ngại”.
Tuy nhiên, Đức Cha Bonnar vẫn hy vọng rằng giáo xứ và cộng đồng Công Giáo lớn hơn sẽ phục hồi. “Niềm tin của người dân ở Youngstown rất kiên cường - nó rất mạnh mẽ”.
Source:Youngstown
2. Bộ trưởng Y tế Dubé của Quebec chỉ trích các giám mục Công Giáo vì đề xuất một số loại vắc xin chấp nhận được về mặt đạo đức
Bộ trưởng Y tế và Dịch Vụ Xã Hội của Quebec là Christian Dubé đã lên tiếng chỉ trích Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada về lời khuyên đối với vắc xin của các ngài.
Các giám mục đề nghị người Công Giáo nên “ưu tiên” cho các loại vắc-xin Pfizer-BioNTech và Moderna vì chúng có thể “được chấp nhận về mặt đạo đức” hơn những vắc-xin do AstraZeneca và Johnson & Johnson sản xuất.
“Tôi cực lực phản đối tuyên bố của Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada”, Dubé nói qua Twitter. “Tôi mời tất cả những người dân Quebec hãy tin tưởng vào các chuyên gia của chúng tôi và những người từ khắp nơi trên thế giới: tất cả các loại vắc xin mà chúng tôi quản lý đều có hiệu quả”.
Tuyên bố của Dubé được xem là sống sượng và có tính chất kích động dư luận chống các Giám Mục Canada. Thực ra, tuyên bố của các ngài không liên quan gì đến vấn đề hiệu quả hay không, các ngài chỉ đề cập đến tính chất hợp luân lý của việc phát triển các loại vắc xin khác nhau.
Christian Dubé có lẽ đang lo lắng cho túi tiền của tập đoàn Johnson & Johnson hơn là sức khoẻ của người dân Quebec. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Canada về vấn đề này.
Source:Montreal Gazette
3. Các Giám mục Canada khuyên người Công Giáo nên chọn vắc-xin COVID ‘ít liên quan nhất’ đến việc phá thai
Người Công Giáo được chủng ngừa COVID-19 nên chọn loại vắc-xin có “mối liên hệ ít nhất với các dòng tế bào có nguồn gốc từ việc phá thai”, các giám mục Canada cho biết hôm thứ Ba, nhưng khi không có lựa chọn hoặc quá khó khăn, các lựa chọn thay thế “có thể được sử dụng với lương tâm ngay lành với ý thức rằng việc sử dụng các loại vắc-xin như vậy không cấu thành sự hợp tác chính thức với việc phá thai”.
Trong một tuyên bố có tiêu đề “Lưu ý về Mối quan tâm Đạo đức Liên quan đến Vắc xin COVID-19 được phê duyệt hiện nay”, Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada, gọi tắt là CCCB, cho biết vắc xin Moderna và Pfizer được phê duyệt ở Canada “không sử dụng các dòng tế bào có nguồn gốc từ việc phá thai trong quá trình phát triển và sản xuất vắc xin”.
Mặc dù vắc-xin đã sử dụng “dòng tế bào có nguồn gốc không hợp luân lý” trong khi thử nghiệm, chúng “có thể chấp nhận được về mặt đạo đức để người Công Giáo có thể nhận vì kết nối với phá thai trong tiến trình sản xuất là vô cùng xa”.
CCCB cho biết, vắc xin AstraZeneca và Johnson & Johnson có nhiều vấn đề hơn vì chúng “sử dụng các dòng tế bào có nguồn gốc từ việc phá thai trong quá trình phát triển, sản xuất và kiểm tra xác nhận”.
“Vì vậy, nếu có thể lựa chọn giữa việc nhận các loại vắc xin khác nhau, loại vắc xin có ít kết nối nhất với các dòng tế bào có nguồn gốc từ hoạt động phá thai nên luôn được ưu tiên và phải được lựa chọn khi có thể”.
Khi không có sự lựa chọn hoặc nó là “khá khó khăn để có được vắc-xin ưu tiên”, các giám mục nói, “vì tình trạng khẩn cấp về sức khỏe và vì những cân nhắc khác, chúng tôi thấy không có gì về mặt đạo đức ngăn chặn bất cứ ai nhận với lương tâm ngay lành vắc xin AstraZeneca hay Johnson & Johnson hoặc những vắc xin khác có thể được chấp thuận dù chúng được phát triển, thử nghiệm và sản xuất theo cách tương tự”.
Đối với câu hỏi liệu có nên chủng ngừa hay không, quyết định này là “một trong vấn đề thuộc về lương tâm cá nhân sau khi tham khảo ý kiến của các bác sĩ hoặc các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe,” các giám mục nói, và “có thể là một hành động bác ái vì nhu cầu chăm sóc cho người khác”.
Bộ Giáo lý Đức tin đã phân biệt “những nghĩa vụ đạo đức khác nhau đối với những người phát triển vắc-xin và những người nhận chúng”, CCCB cho biết. Bày tỏ quan điểm của Vatican, các giám mục kêu gọi các chính phủ “bảo đảm rằng vắc xin COVID-19 được cung cấp không tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan về đạo đức cho người dân Canada”, vì làm như thế không khuyến khích người dân Canada tiêm chủng.
Đức Tổng Giám Mục Vancouver là Đức Cha Michael Miller đã nói với The BC Catholic tuần trước rằng ngài hy vọng sẽ xắn tay áo lên và tiêm chủng khi đến lượt mình và rằng, nếu được lựa chọn, ngài sẽ tránh vắc-xin Johnson & Johnson vì nó có mối liên hệ chặt chẽ hơn với phá thai. Nhưng ngài thừa nhận rằng người Canada không có khả năng được lựa chọn vắc-xin.
Source:BC Catholic
4. Đức Hồng Y Cupich lại mâu thuẫn với Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ
Hồng Y Blase Cupich, người được dự đoán là tổng trưởng Bộ Giám Mục hay Bộ Giáo Sĩ đã lại mâu thuẫn với Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, về vấn đề vắc xin. USCCB và một số cá nhân các giám mục Mỹ đã gọi vắc xin Johnson & Johnson là “có vấn đề về mặt đạo đức”.
Các Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi người Công Giáo nên chọn vắc xin Pfizer và Moderna, chích hai lần, hơn là tiêm một mũi Johnson & Johnson vì nó sử dụng các dòng tế bào được nhân bản từ mô bào thai bị phá bỏ.
Trong tuyên bố hôm 2 tháng Ba, USCCB viết:
Việc phê duyệt vắc-xin COVID-19 của Johnson & Johnson để sử dụng ở Hoa Kỳ một lần nữa đặt ra vấn đề liên quan đến sự cho phép về mặt đạo đức việc sử dụng vắc-xin được phát triển, thử nghiệm hay được sản xuất với sự trợ giúp của các dòng tế bào có nguồn gốc từ hoạt động phá thai.
Các loại vắc xin của Pfizer và Moderna đã làm dấy lên lo ngại vì một dòng tế bào có nguồn gốc từ hoạt động phá thai đã được sử dụng để thử nghiệm chúng. Nhưng những tế bào đó không được dùng trong quá trình sản xuất. Trái lại, vắc-xin Johnson & Johnson đã được phát triển, thử nghiệm và được sản xuất với các dòng tế bào có nguồn gốc từ hoạt động phá thai làm dấy lên những lo ngại về đạo đức. Bộ Giáo lý Đức tin đã đánh giá rằng ‘trong trường hợp bất khả kháng khi không có sẵn vắc-xin Covid-19 được sản xuất phù hợp về mặt luân lý thì việc nhận vắc-xin Covid-19 sử dụng các dòng tế bào từ bào thai bị phá bỏ trong quá trình nghiên cứu và sản xuất là điều có thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Tuy nhiên, nếu ta có thể chọn trong số các loại vắc-xin COVID-19 an toàn và hiệu quả như nhau, thì nên chọn loại vắc-xin có ít kết nối nhất với các dòng tế bào có nguồn gốc từ hoạt động phá thai”. Do đó, nếu có khả năng lựa chọn vắc xin, nên chọn vắc xin Pfizer hoặc Moderna thay vì vắc xin Johnson & Johnson.
Trong khi chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh rằng các công ty dược phẩm phải ngừng sử dụng các dòng tế bào có nguồn gốc từ việc phá thai, trước những đau khổ trên toàn thế giới mà đại dịch này đang gây ra, chúng tôi khẳng định một lần nữa rằng việc tiêm chủng có thể là một hành động bác ái phục vụ thiện ích chung.
Hồng Y Cupich nói: “Không ai phải lựa chọn, tất cả các loại vắc xin đều chấp nhận được về mặt đạo đức. Tôi không biết lý do họ nói những gì họ đã nói, chúng ta phải nói rõ ràng”.
Source:ABC Chicago