1. Khí phách nữ tu Miến Điện anh hùng
Trong bản tin đánh đi chiều thứ Ba 9 tháng Ba, Sky News Australia cho biết ít nhất hai người được xác nhận đã chết ở thành phố Myitkyina hôm thứ Hai sau khi đụng độ với lực lượng an ninh.
Sơ Ann Roza Nu Tawng trước đó cho biết sơ đã sẵn sàng chết để cứu người khác sau khi quỳ gối trước cảnh sát vũ trang ở thủ phủ bang Kachin.
Một số người đã gọi cảnh này, vào ngày 28 tháng 2, là “khoảnh khắc Thiên An Môn” của Myanmar.
Trong y phục nữ tu, sơ Ann Roza 45 tuổi, một lần nữa đã xuất hiện gần các cuộc biểu tình trong thành phố vào sáng thứ Hai 8 tháng Ba. Sơ đang quỳ gối trước cảnh sát gần một nhà thờ Công Giáo, cùng đi với sơ còn có 2 nữ tu khác và một linh mục.
Kể lại những sự kiện kinh hoàng vào buổi sáng thứ Hai 8 tháng Ba, sơ Ann Roza nói với Sky News Australia: “Đầu tiên tôi cầu xin cảnh sát đừng đánh đập, đừng bắt giữ, đừng đàn áp những người biểu tình, bởi vì những người biểu tình không làm điều gì xấu, họ chỉ hô các khẩu hiệu bày tỏ ý kiến của mình. Nếu các anh tiếp tục bắn giết họ, hôm nay là ngày tôi sẽ chết.”
Cảnh sát cũng quỳ xuống sụp lạy sơ và nói “Chúng tôi cũng là dân vùng này, chúng tôi phải làm điều này. Xin sơ làm phước hãy tránh xa khỏi chỗ này.”
“Tôi trả lời, ‘không, nếu các anh muốn bắn giết, các anh phải bước qua xác tôi!”
“Sau đó, cảnh sát nói ‘chúng tôi phải dỡ bỏ rào chắn này trên đường’. Sau đó họ đã dỡ bỏ rào chắn và một lúc sau thì những người biểu tình quay trở lại”.
“Lúc đó khoảng 12 giờ trưa, lực lượng an ninh chuẩn bị đàn áp, vì thế tôi lại van xin họ, tôi quỳ xuống trước mặt họ và van xin đừng bắn và đừng bắt người dân”.
“Cảnh sát cũng quỳ xuống và họ nói với tôi rằng họ phải làm điều đó vì điều này là để ngăn chặn cuộc biểu tình”.
“Sau đó, hơi cay đã được sử dụng và tôi khó thở và choáng váng, sau đó tôi nhìn thấy người đàn ông đã ngã xuống đường, anh ta đã bị bắn.”
Biên tập viên của Myitkyina News Journal nói với Sky News rằng, tính đến giờ ăn trưa, ít nhất hai người đã được xác nhận đã chết.
Sơ nói rằng do hơi cay nên sơ không biết liệu cảnh sát hay quân đội đã bắn vào những người biểu tình, nhưng sơ hy vọng đó không phải là những binh lính mà sơ đã nói chuyện.
“Tôi rất buồn,” sơ nói. “Cảnh sát nói với tôi rằng họ sẽ không trấn áp hay bắn giết dã man, nhưng cuối cùng họ đã làm được”.
“Tôi thấy một người khác bị thương nặng”.
“Người bị bắn vào đầu vẫn thở được khi đến trạm y tế và người dân cố gắng cứu chữa nhưng cuối cùng người này đã chết”.
Source:Sky News
2. Minesota và cả Hoa Kỳ có thể rơi vào đại họa bạo lực. Lời kêu gọi khẩn thiết của Đức Tổng Giám Mục Berna Hebda
Phiên tòa xét xử cựu nhân viên cảnh sát Derek Chauvin vì cái chết của George Floyd đã bị trì hoãn khi thẩm phán tranh cãi một lệnh vào phút cuối của tòa án cấp cao hơn buộc phải xem xét lại việc bổ sung thêm tội danh giết người cấp ba.
Phiên tòa dự kiến bắt đầu vào ngày thứ Hai theo giờ địa phương với việc sàng lọc các bồi thẩm viên, những người sẽ cân nhắc các tội danh giết người và ngộ sát đối với cựu cảnh sát viên Derek Chauvin của sở cảnh sát Minneapolis.
Vụ việc được coi như một cuộc trưng cầu dân ý về bạo lực của cảnh sát đối với người Mỹ da đen.
Ông Chauvin xuất hiện tại tòa trong bộ vest và cà vạt màu xanh nước biển, áo sơ mi trắng và khẩu trang đen, ghi chú vào một tập giấy pháp lý màu vàng trên bàn trước mặt ông.
Thẩm phán Peter Cahill của Tòa án Quận Hennepin đã quyết định dành ra ba tuần để lựa chọn bồi thẩm đoàn, lưu tâm đến những khó khăn trong việc tìm kiếm các bồi thẩm viên khách quan trong một vụ án đã thúc đẩy các cuộc biểu tình lan rộng trên khắp nước Mỹ và chứng kiến Floyd trở thành một biểu tượng quốc tế về công lý chủng tộc.
Trong khi đó những người hoạt động trong phong trào Black Lives Matter, gọi tắt là BLM, đã bắt đầu tràn ra các đường phố và hô hào các bản án rất nặng dành cho cảnh sát viên Chauvin.
Theo nhận định của các quan sát viên, bất kể tòa án này đưa ra phán quyết nào, một bộ phận trong xã hội Hoa Kỳ sẽ bất đồng gay gắt. Những cuộc bạo loạn và cướp bóc như chúng ta thấy rộ lên hồi cuối tháng Năm và suốt tháng Sáu năm ngoái gần như rất khó tránh.
Trong bối cảnh đó, Đức Tổng Giám Mục Berna Hebda của tổng giáo phận Saint Paul và Minneapolis đã ra tuyên bố sau.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Với phiên tòa xét xử cựu nhân viên cảnh sát Minneapolis Derek Chauvin bắt đầu vào thứ Hai, có một mức độ lo lắng nhất định tràn ngập các Thành phố Minneapolis và Saint Paul. Đối với nhiều người, sự bắt đầu của phiên tòa gợi lại ký ức về cơn giận dữ bùng phát vào mùa xuân năm ngoái sau cái chết của anh George Floyd. Chúng ta nhớ lại tình trạng bạo lực và bất ổn đi kèm với những lời kêu gọi công lý. Nhiều người hiện đang lo sợ về những gì có thể xảy ra trong phiên tòa và hậu quả của nó - bất kể phán quyết cuối cùng của bồi thẩm đoàn sẽ như thế nào. Và tất cả cảm xúc đó càng dâng cao bởi đại dịch đang diễn ra đã mang lại thêm cái chết, bệnh tật và nỗi buồn cho thế giới, đất nước, tiểu bang, cộng đồng và gia đình của chúng ta.
Vào Chúa Nhật thứ ba của Mùa Chay này, chúng ta cùng với Hội Thánh trên khắp thế giới chúng ta nghe lời cầu nguyện trong Thánh Vịnh 95: “Nếu hôm nay anh em nghe thấy tiếng Ngài, thì đừng cứng lòng nữa”. Thiên Chúa luôn luôn yêu cầu chúng ta lắng nghe tiếng nói của Ngài và để cho tiếng nói đó thâm nhập vào trái tim của chúng ta. Chúng ta không thể để trái tim mình chai cứng. Chúa kêu gọi chúng ta trở thành những con người của hòa bình, hy vọng và tình yêu. Ngài cũng kêu gọi chúng ta trở thành những người của công lý – chứ không phải những kẻ trả thù.
Tôi hy vọng anh chị em sẽ tham gia cùng tôi trong suốt thời gian thử thách này bằng cách lắng đọng thời gian trong cuộc sống bận rộn của chúng ta để dừng lại và cầu nguyện. Cho dù chúng ta có thể mất 30 giây hay 30 phút, chúng ta hãy cam kết cầu nguyện mỗi ngày cho hòa bình trong cộng đồng của chúng ta, hòa bình cho gia đình Floyd và hòa bình cho các anh chị em phản ứng đầu tiên của chúng ta đang làm việc để bảo vệ chúng ta. Xin hãy cùng tôi cầu nguyện xin Chúa cho chấm dứt tai họa phân biệt chủng tộc ở đất nước chúng ta.
Chúng ta đã hết lần này đến lần khác thấy rằng chúng ta không có khả năng tự mình mang lại hòa bình, bình đẳng và công bằng cho thế giới của chúng ta. Nếu có một lần nào đó để cùng nhau tham gia và cầu xin Thiên Chúa nhân từ của chúng ta giúp đỡ, thì đây chính là lần này. “Nếu hôm nay anh em nghe thấy tiếng Ngài, thì đừng cứng lòng nữa”.
Theo luật của tiểu bang Minnesota, các cáo buộc giết người cấp 1 hoặc cấp 2 thường yêu cầu các công tố viên chứng minh một bị can có ý định giết nạn nhân.
Giết người cấp 1 là mức độ nghiêm trọng nhất với 3 dấu hiệu cấu thành tội phạm bao gồm người phạm tội cố ý, có cân nhắc và suy tính trước khi thực hiện hành vi giết người. “Cố ý” ở đây được hiểu là người phạm tội có chủ tâm giết người.
Giết người cấp 2 là hành vi cố ý giết người nhưng không có kế hoạch. Đối tượng hành động nóng vội, không cân nhắc nhưng hiểu rõ hành vi của mình có thể gây nguy hiểm. Giết người cấp 2 cũng được áp dụng trong trường hợp đối tượng đột nhiên nảy sinh ý định giết người.
Ngược lại, giết người cấp 3 áp dụng cho bất kỳ đối tượng nào “gây ra cái chết của người khác bằng cách thực hiện một hành động cực kỳ nguy hiểm cho họ trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.
Vì vậy, để cáo buộc Chauvin giết người cấp 3, các công tố viên không cần phải chứng minh rằng anh ta muốn giết George Floyd chết. Họ chỉ cần phải chứng minh rằng quỳ trên cổ ai đó trong hơn 8 phút, khi người đó cầu xin sự sống, là hành động cực kỳ nguy hiểm và diễn ra trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Các tiểu bang khác nhau có những bản án khác nhau với các tội danh. Ở tiểu bang Minnesota, bản án tối đa cho người bị kết án giết người cấp 3 là 25 năm tù, cộng với khoản tiền phạt lên tới 40,000 Mỹ Kim.
Chauvin cũng bị buộc tội ngộ sát cấp 2. Thông thường các công tố viên buộc tội bị cáo với một tội danh nghiêm trọng, sau đó cũng buộc tội bị can với một cáo buộc ít nghiêm trọng hơn, phòng trừ trường hợp các công tố viên không thể có được bản án về tội đầu tiên.
Ngộ sát có 2 loại, ngộ sát do lỗi cố ý và ngộ sát do vô ý. Ngộ sát cố ý là hành vi cố ý khi thủ phạm bị khiêu khích. Ngộ sát do vô ý là bị đơn vô ý không thực hiện một nghĩa vụ mà pháp luật quy định họ phải thực hiện.
Theo luật của tiểu bang Minnesota, một người có thể bị cáo buộc tội ngộ sát cấp 2 nếu “do sơ suất tạo ra rủi ro nguy hiểm, gây ra cái chết hoặc tổn hại cơ thể nghiêm trọng cho người khác”. Cáo buộc này có thể dẫn đến bản án tối đa lên tới 10 năm tù, cộng với khoản tiền phạt lên tới 20,000 Mỹ Kim.
Source:Catholic Spirit