Vụ từ chức đột ngột của Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm (Guo Xijin - 郭希錦), người vẫn thường được xem là một trong những “nạn nhân” đầu tiên của thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican, đang gây ra những bất mãn sâu sắc giữa một bên là các vị ở Vatican chủ trương duy trì thoả thuận và một bên là những Giám Mục người Hoa cảm thấy ý kiến của mình không được lắng nghe.

Tờ National Catholic Register có bài tường thuật sau về căng thẳng giữa Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân và Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đã lên tiếng bác bỏ những tuyên bố cho rằng thỏa thuận Vatican-Trung Quốc năm 2018 đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 phê duyệt dưới dạng dự thảo, và cáo buộc Đức Hồng Y Pietro Parolin “thao túng” Đức Thánh Cha Phanxicô trong quá trình thương thảo với Trung Quốc.

Trong một bài bình luận đăng trên blog của mình vào ngày 7 tháng 10, Đức Hồng Y Quân, Giám Mục hiệu tòa của Hương Cảng, đã đưa ra một bài phê bình mở rộng và nhắm vào cá nhân đối với bài phát biểu ngày 3 tháng 10 của Đức Hồng Y Parolin về lịch sử và tương lai của hoạt động truyền giáo của Giáo hội tại Trung Quốc.

“Tôi đã đọc bài phát biểu của Đức Hồng Y Parolin,” Đức Hồng Y Quân nói. “Thật là bệnh hoạn!”

Đức Hồng Y Quân nói một câu khá nặng nề rằng: “Vì [Hồng Y Parolin] không phải là người khờ dại và thiếu hiểu biết, nên tôi đành phải kết luận rằng Hồng Y Parolin đã nói dối hàng loạt mà không nhắm mắt”.

“Điều đáng phẫn nộ nhất là sự xúc phạm đối với Đức Bênêđíctô XVI đáng kính khi cho rằng ngài đã chấp thuận vào thời điểm thỏa thuận được Tòa Thánh ký hai năm trước, vì biết rằng Đức Bênêđíctô ngọt ngào nhất, dịu dàng nhất của chúng ta chắc chắn sẽ không phủ nhận điều đó,” Đức Hồng Y Quân nói.

Thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc về việc tấn phong Giám Mục, được phê chuẩn vào tháng 9 năm 2018, được Vatican coi là một nỗ lực giúp thống nhất Giáo Hội Công Giáo thầm lặng ở Trung Quốc - luôn hiệp thông với Rôma - với Giáo Hội quốc doanh do Hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc khống chế. Sau thỏa thuận này, bảy Giám Mục từng được Hội Công Giáo Yêu Nước tấn phong bất hợp pháp đã được hiệp thông hoàn toàn với Rôma.

Đức Hồng Y Parolin cho biết trong bài phát biểu ngày 3 tháng 10 rằng mục tiêu mục vụ của thỏa thuận là giải thoát các giáo hội địa phương để “hiến thân cho sứ mệnh loan báo Tin Mừng”.

Trong bài phát biểu của mình vào ngày 3 tháng 10 tại Milan, Đức Hồng Y Parolin đã nhắc lại cam kết của Vatican về việc gia hạn tạm thời thỏa thuận, sẽ hết hạn vào ngày 22 tháng 10.

“Để cuộc đối thoại đạt được kết quả nhất quán hơn, cần phải tiếp tục nó”, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói tại một sự kiện đánh dấu 150 năm sự hiện diện của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, gọi tắt là PIME, tại Trung Quốc.

Trong bài phát biểu ngày 3 tháng 10 về chủ đề này, Đức Hồng Y Parolin đã trích dẫn Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI trong cuộc thảo luận về những nỗ lực truyền giáo của Giáo hội tại Trung Quốc. Vào năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã trích dẫn lời người tiền nhiệm của ngài, là Thánh Gioan Phaolô II rằng “Không có gì là bí ẩn, đối với bất cứ ai, là Tòa Thánh, nhân danh toàn thể Giáo Hội Công Giáo và - tôi tin - vì lợi ích của toàn thể nhân loại hy vọng sẽ mở ra một không gian đối thoại với các nhà chức trách của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong đó, một khi những hiểu lầm trong quá khứ đã được vượt qua, chúng ta có thể cùng nhau hành động vì lợi ích của người dân Trung Hoa và vì hòa bình trên thế giới”.

Đức Hồng Y Parolin cũng trích dẫn Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, niên trưởng Hồng Y Đoàn và nguyên là Tổng trưởng Bộ Giám Mục, là người đã nói vào tháng Ba rằng “Đức Bênêđictô XVI đã phê duyệt dự thảo thỏa thuận về việc bổ nhiệm các Giám Mục tại Trung Quốc, mà mãi đến năm 2018 mới được ký kết.”

Đức Hồng Y Quân phản bác những nhận xét được cho là của Đức Hồng Y Re, gọi nhận xét này là “rất lố bịch và sỉ nhục” vì Đức Hồng Y Re “bị” sử dụng “một lần nữa để ủng hộ những lời nói dối của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh.

Đức Hồng Y Quân cáo buộc Đức Hồng Y Parolin “nói dối” về việc Đức Bênêđíctô phê duyệt dự thảo thỏa thuận với Trung Quốc, và thao túng Đức Thánh Cha Phanxicô về thỏa thuận này.

“Đức Hồng Y Parolin biết mình đang nói dối, ngài ấy biết rằng tôi biết ngài là một kẻ nói dối, ngài biết rằng tôi sẽ nói với mọi người rằng ngài là một kẻ nói dối, vì vậy ngoài sự táo tợn, ngài cũng rất bạo gan,” Đức Hồng Y Quân nói.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân nói: “Bất chấp thỏa thuận,” các tín hữu Kitô ở Trung Quốc vẫn tiếp tục bị bọn cầm quyền bắt bớ và sách nhiễu,

Tuy nhiên, “có vẻ như để cứu vãn thỏa thuận, Tòa Thánh đang nhắm mắt làm ngơ trước tất cả những bất công mà Đảng Cộng sản gây ra cho người dân Trung Quốc.”

Trong bài phát biểu ngày 3 tháng 10, Đức Hồng Y Parolin cho biết ngài đã nhìn thấy những dấu chỉ cho thấy thỏa thuận đang giúp thống nhất những người Công Giáo thầm lặng với các thành viên của Giáo Hội quốc doanh, và điều đó “chắc chắn” sẽ giúp Giáo hội địa phương tránh được việc tấn phong bất hợp pháp các Giám Mục trong tương lai.

Ngài nhấn mạnh rằng, đã có “sự hiểu lầm” về thỏa thuận. Đồng thời, ngài cũng thừa nhận rằng mặc dù vẫn còn “nhiều vấn đề khác” mà người Công Giáo ở Trung Quốc phải đối mặt, nhưng chúng ta không thể giải quyết tất cả những vấn đề này cùng một lúc.

“Chúng ta biết rằng con đường để bình thường hóa hoàn toàn sẽ còn rất dài, như Đức Bênêđíctô XVI đã dự đoán vào năm 2007,” Đức Hồng Y Parolin nói.

Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng thỏa thuận “chỉ liên quan đến việc bổ nhiệm các Giám Mục”, và Vatican đã lưu ý rằng không có vụ tấn phong bất hợp pháp nào diễn ra kể từ khi thỏa thuận được ký vào năm 2018.

Đức Hồng Y Quân đã bác bỏ việc coi đó là một thành tựu đáng giá.

“Tất cả các Giám Mục hợp pháp, nhưng trong một Giáo hội khách quan mà nói đã ly giáo, thì điều đó có gì là tốt? Nó có tiến bộ không? Đây có phải là sự khởi đầu của một hành trình hay không?”

Đức Hồng Y Quân nhấn mạnh rằng: Thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc đã cho phép các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc có tiếng nói trong việc tấn phong Giám Mục, nhưng cũng cho phép thực thi “Trung Quốc hóa” các vấn đề của Giáo hội.

Chính sách “Trung Quốc hóa”, được “đại đế” Trung Quốc Tập Cận Bình công bố vào năm 2015, nhằm áp đặt bản sắc Trung Quốc và Cộng sản đối với tất cả các hoạt động tôn giáo ở nước này. Nó bao gồm việc cưỡng bách các nhà thờ loại bỏ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời và thay thế chúng bằng những câu nói của chủ tịch Mao và đại đế Tập.

Trước đây, Đức Hồng Y Parolin đã nói rằng “sự hội nhập văn hóa là điều kiện thiết yếu cho việc loan báo Tin Mừng một cách đúng đắn, để sinh hoa trái, một mặt, đòi hỏi phải bảo vệ sự trong sạch và toàn vẹn đích thực của nó, và mặt khác, trình bày nó theo kinh nghiệm cụ thể của mỗi người dân và mỗi nền văn hóa”.

“Hai thuật ngữ ‘hội nhập văn hoá’ và ‘Trung Hoa hóa’, tham chiếu với nhau mà không nhầm lẫn và không có đối lập,” Đức Hồng Y Parolin khẳng định như trên vào năm 2019.

“Tình yêu dành cho quê hương phải lớn hơn tình yêu dành cho Giáo Hội; và phép nước phải trọng hơn phép đạo”, Giám Mục Trung Quốc Phòng Hưng Diệu (Fang Xingyao - 房興耀) nói như trên trong Hội Nghị Tham Vấn Chính Trị Về Các Tôn Giáo, gọi tắt là CPPCC, được tổ chức vào ngày 26 tháng 11, 2019 tại thủ đô Bắc Kinh.

[Ông Phòng Hưng Diệu là Giám Mục Yên Đài (Yantai - 烟台) thuộc tỉnh Sơn Đông (Shandong - 山东) và là thành viên của Ban Thường vụ CPPCC. Ông cũng là chủ tịch của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc và là phó chủ tịch Hội đồng Giám Mục Trung Quốc. Cả hai cơ cấu này đều không được Tòa Thánh công nhận - Chú thích của người dịch]

Chủ trương của Đảng Cộng sản Trung Quốc qua cụm từ “Trung Hoa hóa” tôn giáo “không phải là những gì chúng ta muốn nói trong cụm từ hội nhập văn hoá, nó là thứ tôn giáo của Đảng Cộng sản,” Đức Hồng Y Quân viết. Trong cái thứ tôn giáo ấy “chúa tể càn khôn là đảng, là bọn lãnh đạo đảng”

“Làm sao Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh lại có thể nói rằng tất cả những điều này không liên quan gì đến thỏa thuận? Cuộc sống có thể bị cắt thành nhiều mảnh sao?” Đức Hồng Y Quân hỏi.

Ngài cũng cáo buộc Đức Hồng Y Parolin thao túng Đức Thánh Cha Phanxicô về thỏa thuận này.

“Nếu tôi được hỏi: Ngài nói rằng Hồng Y Parolin thao túng Đức Thánh Cha à? Thưa, đúng thế, tôi không biết tại sao Đức Giáo Hoàng lại cho phép mình bị thao túng, nhưng tôi có bằng chứng để tin như vậy và điều này khiến tôi cảm thấy việc tôi chỉ trích Tòa Thánh ít đau đớn và ít đáng trách”, ngài nói.

Đức Hồng Y Quân nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vào tháng trước rằng sự im lặng của Giáo hội trước việc giam giữ và lạm dụng hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, là kết quả của các cuộc đàm phán nhằm gia hạn thỏa thuận năm 2018. Sự im lặng này “sẽ làm hỏng công cuộc truyền giáo” ở đó trong tương lai.

Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn giữ im lặng về điều mà một số nhóm nhân quyền gọi là “tội ác diệt chủng” người Duy Ngô Nhĩ ở phía tây bắc Trung Quốc.

“Sự im lặng nổi bật này sẽ làm hỏng công cuộc truyền giáo”, Đức Hồng Y Quân nói với CNA trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước.

Đức Hồng Y cảnh cáo rằng:

“Ngày mai khi mọi người tập hợp để lên kế hoạch cho một Trung Quốc mới, Giáo Hội Công Giáo có thể không được chào đón”.


Source:National Catholic Register