John Allen, chủ biên của tờ Crux, ký giả kỳ cựu về các vấn đề liên quan đến Vatican có bài tường trình nhan đề "Beyond ‘Moviegate,’ deep questions remain on Vatican’s China gamble", Ngoài ‘Moviegate’, vẫn còn những câu hỏi sâu sắc về canh bạc của Vatican với Trung Quốc" đề cập đến mối tương quan giữa cuốn phim gây tranh cãi “Francesco” và thoả thuận Vatican - Trung quốc.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Gần 75 năm trước, trong cuốn sách “Civilization on Trial”, “Nền Văn Minh Đang Bị Thử Thách”, Arnold Toynbee đã mô tả những gì các nhà sử học đang cố gắng tìm kiếm khi họ lục lọi trong quá khứ:

“Những thứ tạo nên những hàng tít lớn nằm trên bề mặt của dòng đời, và chúng khiến chúng ta phân tâm không chú ý đến những chuyển động chậm hơn, khó hình dung, không thể cưỡng lại đang hoạt động sâu dưới bề mặt và thâm nhập vào sâu bên trong. Nhưng chính những chuyển động sâu hơn, chậm hơn làm nên lịch sử, và chúng nổi bật lên khi chúng ta nhìn lại quá khứ, khi những sự kiện giật gân chóng qua đã bị thu hẹp về chiều kích, để tương xứng với tỷ lệ thực sự của chúng”.

Nếu đã từng có một tuần mà nhịp đập của Vatican phù hợp hoàn hảo sự tương phản đó, thì điều này đã xảy ra. Hai cốt truyện đang giành giật nhau trong các tường thuật về Vatican, và cho đến nay không có đối thủ: Có một sự điên cuồng trên các phương tiện truyền thông liên quan đến việc thao túng và kiểm duyệt vài giây một phát biểu dài của Đức Giáo Hoàng về các kết hiệp dân sự trong một bộ phim tài liệu mới đã áp đảo câu chuyện về việc gia hạn thêm hai năm nữa thỏa thuận Vatican - Trung Quốc liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục.

Hãy thử đoán xem, 100 năm nữa, sự kiện nào trong hai chuyển động này sẽ có vẻ là một “sự kiện giật gân chóng qua” và sự kiện nào là “chuyển động sâu hơn, chậm hơn tạo nên lịch sử”? Và điều gây ngạc nhiên là người ta có thể cho rằng, cả hai câu chuyện đều phản ánh cùng một bản tính rõ rệt của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Liên quan đến những gì diễn ra trong câu chuyện Moviegate, giờ đây người ta xác định rằng một đoạn clip từ phim tài liệu “ Francesco” của nhà làm phim người Nga Evgeny Afineevsky, trong đó Đức Giáo Hoàng nói về sự công nhận hợp pháp đối với “sự chung sống dân sự” của người đồng tính thực sự được rút ra từ cuộc phỏng vấn năm 2019 với nhà báo người Mễ Tây Cơ Valentina Alazraki. Phần này không được công bố vào thời điểm đó vì Vatican kiểm soát máy quay phim và kiểm soát việc biên tập đoạn băng trong cuộc phỏng vấn với Alazraki, và khi nó được gửi lại cho cô ấy, phần liên quan đến kết hiệp dân sự đã không còn nữa.

Khám phá đó đã dẫn đến một loạt các tiêu đề trên các tờ báo của Ý về việc Vatican “kiểm duyệt” giáo hoàng, một thực tế có lịch sử lâu đời và nổi bật ở đây - nó đủ để gợi nhớ cách mà tờ Quan Sát Viên Rôma bỏ hẳn hoặc chọn lọc, chỉnh sửa các bình luận của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII về Công đồng Vatican II, đó là chưa kể về những tranh cãi gần đây hơn liên quan đến nỗ lực của Vatican nhằm loại bỏ một phần bức thư của Đức Bênêđíctô XVI liên quan đến một cuốn sách mới.

Rõ ràng, Vatican đang ở chế độ “chữa cháy” hoàn toàn (full damage-control). Hôm thứ Năm, tờ báo Ý Il Fatto Quotidiano đã công bố một bản ghi nhớ nội bộ được gửi cho tất cả các nhân viên truyền thông, trong đó có các mệnh lệnh phải thi hành: “Hiện tại, chúng ta sẽ không đưa ra BẤT KỲ tin tức nào, trên radio hay web. Sẽ không có gì liên quan đến cuốn phim hay giải thưởng hôm nay ở Vatican. Có một cuộc tái xét đang được tiến hành để đối phó với cuộc khủng hoảng truyền thông đang diễn ra và không loại trừ khả năng sẽ có một tuyên bố từ phòng Báo chí Tòa Thánh”.

Đó là vào giữa tuần, và, cho đến thời điểm này, một tuyên bố từ Phòng Báo Chí Tòa Thánh vẫn chưa xuất hiện.

Tuy nhiên, thành thật mà nói không có chi tiết nào trong những điều này thực sự quan trọng ở cấp độ bức tranh lớn, vì Đức Phanxicô đã có thành tích không phản đối các kết hiệp dân sự. Nếu ngài không hài lòng với ấn tượng cho rằng ngài hiện đang công khai ủng hộ điều đó, ngài có thể dễ dàng nói như vậy, nhưng sự im lặng của ngài đang xác nhận ấn tượng ấy hùng hồn không kém.

Trong khi đó, đối với Trung Quốc, tương đối ít có các phản ứng hơn có lẽ vì thực tế là Vatican đã không bỏ lỡ cơ hội nào trong vài tuần qua – bao gồm một cuộc phỏng vấn gần đây của Crux với Đức Tổng Giám Mục người Anh Paul Gallagher, về thực chất là Bộ trưởng ngoại giao của Vatican - để cho chúng ta biết chính xác những gì các ngài muốn làm, đó là việc gia hạn thỏa thuận trong hai năm, và tại sao.

Thỏa thuận với Bắc Kinh, mà các điều khoản vẫn chưa bao giờ được công bố, cho đến nay là một phát triển có những hậu quả dài hạn hơn.

Thứ nhất, Trung Quốc là một siêu cường toàn cầu và khả năng của Vatican trong việc tác động đến chương trình nghị sự toàn cầu trong phần còn lại của thế kỷ 21 sẽ tăng hay giảm một phần là do khả năng can dự một cách hiệu quả với Trung Quốc. Thứ hai, Giáo Hội Công Giáo Rôma có một hệ thống hành chính chủ yếu là tản quyền, trong đó các giám mục được trao các quyền hạn rất lớn, vì vậy không có bất kỳ hành động nào của Đức Giáo Hoàng quan trọng cho bằng việc quyết định ai được bổ nhiệm. Khi Giáo Hội nhường một phần quyền tự chủ của mình trong việc đưa ra những lựa chọn đó, thì các hệ quả [hay hậu quả] có khả năng là rất lớn.

Thực tế, Vatican đang tung con xúc xắc lịch sử đối với Trung Quốc. Bất chấp sự thất vọng của Rôma với việc thực hiện thỏa thuận, đã được ghi lại rất nhiều trong cuộc phỏng vấn của Crux với Đức Tổng Giám Mục Gallagher, và bất chấp hồ sơ đáng âu lo của Trung Quốc về nhân quyền và tự do tôn giáo, về lâu dài, Vatican đang tin rằng có một giám mục đoàn hiệp nhất tại quốc gia này, được Đức Giáo Hoàng công nhận, theo thời gian, sẽ sản sinh ra một Giáo Hội địa phương mạnh hơn và ổn định hơn.

Đồng thời, Vatican cũng đang trong một canh bạc khi cho Bắc Kinh hầu hết những gì nó muốn trong thỏa thuận này nhằm tiếp tục cuộc đối thoại, đẩy Rôma vào trong một vị thế có thể thúc đẩy dần các nhà chức trách Trung Quốc trên một loạt các mặt trận.

Điều này lại đưa chúng ta đến sợi chỉ đỏ chạy xuyên suốt cả hai cốt truyện: Bản tính của Đức Thánh Cha Phanxicô khi đối mặt với những tác nhân khiếm khuyết về mặt đạo đức, dù là con người hay quốc gia, là tìm cách gặp họ ở nửa đường, hy vọng rằng sự gần gũi sẽ đưa họ đi xa hơn trên con đường.

Liệu điều đó có hiệu quả hay không, về phương diện thái độ và hành vi trong cộng đồng những người đồng tính và chuyển giới, cũng như trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, vẫn còn phải chờ xem. Tuy nhiên, điều chúng ta có thể nói chắc chắn là những câu hỏi đó, chứ không phải chính xác những gì đã xảy ra trong phòng cắt của “Francesco”, mới là những câu hỏi mà các nhà sử học tương lai có nhiều khả năng suy ngẫm nhất.


Source:Crux