Hệ thống Truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ EWTN, tức là Lời Vĩnh Cửu, vừa đưa ra một bức tâm thư gởi các tín hữu Công Giáo là cử tri trong cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 11 tới đây.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, sự lựa chọn không thực sự chỉ là giữa tổng thống Donald Trump và Joe Biden mà thôi. Nhưng đó còn là sự lựa chọn giữa hai quan điểm hoàn toàn khác nhau về nước Mỹ. Sự khác biệt đó là về triết học, chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề cá nhân ai sẽ là tổng thống.

Một chiến dịch tranh cử đã xây dựng trên ý tưởng theo đó Mỹ là một đất nước tuyệt vời, có nhiều điều để mang đến cho thế giới. Viễn kiến này bao gồm một tầm nhìn coi việc thực hành tôn giáo và niềm tin vào Chúa là trọng tâm trong đời sống riêng tư và cả trong đời sống công cộng của đất nước. Theo cách hiểu về nước Mỹ này, đức tin không phải là thứ cần được bảo vệ bằng cách xây nên các “bức tường ngăn cách” được thiết kế để che chắn cho các Kitô hữu. Thay vào đó, đức tin - và bản thân Kitô Giáo - được coi là yếu tố then chốt đối với sự hưng thịnh của đất nước chúng ta theo quan điểm được chia sẻ bởi nhiều quốc phụ sáng lập đất nước này. Đây là sự hiểu biết của những vĩ nhân như Samuel Adams, James Madison, Patrick Henry và George Washington.

Tiêu biểu cho suy nghĩ đó là những lời sau đây của Charles Carroll. Ông là người Công Giáo đã ký tên trong Tuyên ngôn Độc lập, và là người đã viết vào năm 1800 rằng: “Không có đạo đức, một nền cộng hòa không thể tồn tại trong bất kỳ thời điểm nào; vì thế, những ai đang chê bai Kitô Giáo là đang phá hoại nền tảng đạo đức vững chắc, sự an toàn tốt nhất cho sự bền vững của các chính phủ tự do”.

Theo quan điểm này về Hoa Kỳ, Kitô hữu và những người có đức tin khác được coi là một phần rất lớn và quan yếu trong giải pháp cho những thách thức mà đất nước chúng ta phải đối mặt, giống như họ đã từng là trung tâm của rất nhiều phong trào tích cực trong lịch sử của Hoa Kỳ - từ cuộc vận động phò sinh trong bốn thập kỷ qua cho đến biết bao các cuộc vận động to lớn vì công lý và nhân quyền trong các thế kỷ 19, 20 và 21.

Không có gì ngạc nhiên khi quan điểm truyền thống về đất nước chúng ta cho rằng cần bảo vệ các bảo đảm hiến định về tự do tôn giáo, rằng những người có đức tin không thể bị phân biệt đối xử vì tín ngưỡng của họ, và tất cả người Mỹ, kể cả những người chưa sinh ra, đều có quyền do Chúa ban là quyền được sống – là quyền đầu tiên được ghi trong Tuyên ngôn Độc lập.

Theo quan điểm này, Hiến pháp được xem như một văn bản được soạn thảo kỹ lưỡng để tiếp tục phục vụ đất nước một cách hiệu quả và nên được hiểu là văn bản - không thể bị điều chỉnh và thay đổi để đáp ứng các trào lưu hoặc xu hướng hiện nay.

Viễn kiến này về đất nước chúng ta tin rằng các giá trị mà Hoa Kỳ ủng hộ thông qua các chính sách đối ngoại của chúng ta và sự hỗ trợ ở nước ngoài phải là các giá trị như tự do tôn giáo chứ không phải là phá thai. Chúng ta tin vào sự bình đẳng về cơ hội, phản đối bạo loạn và chống lại các nhà sử học theo chủ nghĩa xét lại, những người sẽ phá hoại mọi thứ ở Mỹ để làm ô nhiễm di sản của đất nước đến mức biến Hoa Kỳ thành thảm họa.

Quan điểm này không cho rằng mọi thứ ở Mỹ đều hoàn hảo, hay mọi người sáng lập đất nước hay các nhà lãnh đạo của chúng ta tán thành quan điểm này đều là các bậc thánh nhân, nhưng nó tin vào sự vĩ đại của đất nước và vào ý tưởng cho rằng có các khí cụ tồn tại trong Hiến pháp và hệ thống chính phủ của chúng ta để khắc phục những vấn đề nảy sinh mà không cần đến bạo loạn hay bất cứ sách lược nào nhằm thay đổi hoàn toàn hệ thống luật pháp và chính phủ của chúng ta. Đây là quan điểm truyền thống của người Mỹ.

Chống lại quan điểm này là một tầm nhìn cực đoan ngày càng phổ biến trong nhiều trường cao đẳng và đại học, trên các phương tiện truyền thông báo chí, và giữa những người biểu tình và bạo loạn, và thậm chí ngay cả trong giới chính trị, bao gồm cả một chiến dịch tranh cử tổng thống.

Trong cách nhìn cực đoan này về lịch sử của chúng ta, nước Mỹ có nhiều điều để chuộc lỗi và chẳng có bao nhiêu điều đáng để tự hào. Các giá trị tôn giáo truyền thống và Kitô giáo bị coi như một hình thức hoặc một phương tiện tạo ra phân biệt đối xử trong xã hội, chứ không phải là yếu tố trung tâm của đất nước. Phá thai không chỉ được tuyên dương; nó còn được xuất khẩu bằng tiền đóng thuế của người dân và được tin là một thứ nhân quyền cao cả. Theo quan điểm này, tránh thai là một quyền cơ bản vượt trội hơn cả các quyền tự do tôn giáo đã được ghi trong hiến pháp như trong trường hợp các nữ tu Dòng Các Tiểu Muội Người Nghèo. Sự phản đối theo lương tâm bị gạt bỏ, và tôn giáo được coi là thứ cần phải bị đàn áp và kỳ thị, chứ không phải là điều đáng được ca tụng vì những gì tôn giáo là và những gì tôn giáo tin tưởng. Trên thực tế, tín ngưỡng tôn giáo truyền thống được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với đất nước, và các giá trị tôn giáo bị coi là lạc lõng so với “các giá trị cấp tiến mới xuất hiện của Mỹ”.

Tiến bộ của Mỹ trong các lĩnh vực bình đẳng chủng tộc bị đánh giá thấp, và trong khi đất nước tiếp tục cố gắng cải tiến các vấn đề pháp lý liên quan đến chủng tộc, nhóm này lại bác bỏ mọi hy vọng cải thiện trong hệ thống hiện tại. Đối với họ, chỉ có thể chấp nhận sự thay đổi hoàn toàn hệ thống của Mỹ, bất kể hệ thống này đã hoạt động tốt như thế nào so với rất nhiều quốc gia đương đại khác và bất kể mức độ hấp dẫn của nó đã khiến biết bao người bị áp bức trên toàn thế giới tìm đến đây vào bao nhiêu người khác mơ được đến sống ở quốc gia này.

Việc xác định lại các giá trị liên quan đến tính dục và chính gia đình là trung tâm của thế giới quan này - và những người có niềm tin tôn giáo không đồng ý với chương trình nghị sự như vậy bị coi là cố chấp. Hoa Kỳ bị họ công khai chỉ trích là “đế quốc Mỹ”, trong khi họ nhắm mắt làm ngơ trước chủ nghĩa đế quốc thực sự của các nước cộng sản. Hoa Kỳ là quốc gia đón nhận niềm tin tôn giáo, tin rằng quyền của người dân đến từ Thiên Chúa, chứ không phải từ nhà cầm quyền. Nhưng nhóm này đánh giá thấp quan điểm đó và đề cao một thứ nhà cầm quyền thay Trời hành đạo. Như một bộ phim tài liệu gần đây của EWTN đã chỉ ra, khi các chính phủ cố gắng giết Chúa, họ thường quay sang giết người trước.

Theo quan điểm này, tôn giáo phải phục tùng các chính trị gia và nhà nước. Chấm hết. Miễn bàn cãi.

Và sự phục tùng sẽ luôn luôn tăng lên, bởi vì đối với đám đông cực đoan này, tiến hóa là tất cả. Các giá trị của chính họ - và chính cả các từ vựng của họ - ngày này sang ngày khác liên tục bị thay thế bằng các giá trị mới và các ngôn từ mới. Mục tiêu của họ không phải là tĩnh mà là động, nhưng nhất quán đi theo con đường chống lại Kitô Giáo. Các chính trị gia trong nhóm này trước đây đã từng ủng hộ Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân, Đạo luật Khôi phục Tự do Tôn giáo, hoặc Tu chính án Hyde cách đây vài thập kỷ giờ đây lại cho rằng tất cả những điều này đều đáng khinh bỉ. Đối với những người ủng hộ quan điểm này về nước Mỹ, các giá trị không phải là bất biến, nhưng hoàn toàn có thể thay đổi tùy thuộc vào trào lưu chính trị và xu hướng văn hóa.

Quan điểm này về nước Mỹ đang tìm cách loại bỏ vai trò của Thiên Chúa và tầm quan trọng, tính độc đáo và sự vĩ đại của lịch sử lập quốc và các phát triển sau đó của nước Mỹ - là một quan điểm cực đoan tai hại cho đất nước chúng ta.

Điều này - hơn cả chính các ứng cử viên - là những gì được thể hiện trên lá phiếu. Anh chị em đang bỏ phiếu năm nay cho tầm nhìn dài hạn của nước Mỹ, chứ không phải chỉ cho một người. Hãy ghi nhớ điều đó: Hãy cầu nguyện và bỏ phiếu - vì tương lai của đất nước anh chị em.

Xin Chúa phù hộ anh chị em.

Michael Warsaw

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành

Mạng lưới Công Giáo Toàn cầu EWTN

Giám Đốc Nhà xuất bản National Catholic Register.



Source:National Catholic Register