1. Thượng nghị sĩ Sasse nhận định rằng đặt vấn đề về đức tin của Barrett cho thấy sự hiểu lầm về quyền công dân, và tự do tôn giáo
Thượng nghị sĩ Ben Sasse của Đảng Cộng Hòa đơn vị Nebraska đã chỉ trích các câu hỏi nhắm vào ứng viên Tòa án Tối cao Amy Coney Barrett liên quan đến niềm tin tôn giáo của cô, và nói rằng chúng phản ánh sự nhầm lẫn cơ bản giữa dân sự với chính trị.
“Tự do tôn giáo là ý tưởng cơ bản, theo đó, việc bạn thờ phượng như thế nào không phải là việc của chính phủ. Chính phủ có thể gây chiến. Chính phủ có thể biên giấy phạt đậu xe trái phép. Nhưng chính phủ không thể cứu rỗi các linh hồn… Linh hồn của bạn là thứ mà chính phủ không thể chạm vào,” ông nói trong lời mở đầu tại phiên điều trần xác nhận của Tòa án Tối cao Barrett.
Sasse nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do tôn giáo là một trong năm “quyền cơ bản vượt quá quyền hạn của chính phủ” được ghi trong Tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ.
“Trái ngược với tin tưởng của một số nhà hoạt động, tự do tôn giáo không phải là một ngoại lệ. Bạn không cần sự cho phép của chính phủ để có tự do tôn giáo. Tự do tôn giáo là điều được giả định, được mặc định trong toàn bộ hệ thống của chúng ta”.
“Vì lý do này, Hiến pháp cấm các cuộc kiểm tra tôn giáo đối với các chức vụ trong chính phủ”.
“Ủy ban Tư pháp Thượng viện này không có nhiệm vụ quyết định xem liệu giáo điều có sống quá ồn ào trong một ai đó hay không. Ủy ban này không có nhiệm vụ quyết định niềm tin tôn giáo nào là tốt và niềm tin tôn giáo nào là xấu và niềm tin tôn giáo nào là kỳ lạ”.
Barrett, một thẩm phán của tòa phúc thẩm thứ 7 và là một bà mẹ Công Giáo của 7 người con, đã bị báo chí và các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ tấn công tàn bạo vì đức tin Công Giáo của cô, và tư cách thành viên của nhóm đại kết People of Praise.
Một số thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ tiếp tục cảnh báo rằng niềm tin Công Giáo của Barrett vào các vấn đề như phá thai và công nghệ hỗ trợ sinh sản có thể ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định của cô trong tư cách Thẩm Phán Tòa Án Tối Cao.
Trong lời khai mạc của mình, Sasse chỉ trích gay gắt những gì ông mô tả là những dòng chất vấn có vấn đề, và nói rằng, “Có những nơi ủy ban này đã hành động như thể nhiệm vụ của ủy ban là đi sâu vào các cộng đồng tôn giáo của người dân. Thật là điên rồ. Đó là vi phạm các quyền công dân cơ bản của chúng ta”.
Sasse lưu ý rằng các thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg và Antonin Scalia đều có thể nhận được hơn 90 phiếu bầu tại phiên điều trần xác nhận của họ tại Thượng viện, mặc dù cách tiếp cận luật pháp của họ rất khác nhau.
Tuy nhiên, các phiên điều trần gần đây đã chứng kiến số phiếu xác nhận bị chia rẽ mạnh theo đường lối đảng phái.
“Tôi nghĩ rằng một số điều gì đó đã xảy ra từ đó đến nay. Chúng ta có lẽ đã quyết định rằng nên quên đi dân sự là gì và cho phép chính trị nuốt chửng mọi thứ”.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân biệt giữa chính trị - là thứ “ít quan trọng hơn mà chúng ta khác nhau” - và dân sự, “thứ mà tất cả chúng ta phải đồng ý, bất kể sự khác biệt về quan điểm chính sách của chúng ta”.
Source:Catholic News Agency
2. Tân Sứ thần Tòa thánh đến Belarus
Đức Tổng Giám Mục Ante Jozić, người được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa thánh tại Belarus, đã đến nước này vào hôm Chúa Nhật, gặp gỡ các cơ quan chức năng của Giáo hội và Nhà nước.
Sự xuất hiện của ngài diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Tòa thánh và Belarus đang căng thẳng vì những cáo buộc của nhà độc tài Alexander Lukashenko theo đó Giáo Hội ở Belarus đang bị lợi dụng để tạo ra các cuộc biểu tình. Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz của Minsk-Mohilev, chủ tịch Hội đồng giám mục Belarus đang phải lưu vong trong bối cảnh bất ổn liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống đầy gian lận.
Belarus đã chứng kiến các cuộc biểu tình lan rộng trong những tháng gần đây sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi. Các cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 9 tháng 8 sau khi tổng thống Alexander Lukashenko tuyên bố đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày hôm đó với 80% số phiếu bầu. Lukashenko là tổng thống Belarus kể từ khi chức vụ này được thành lập vào năm 1994 theo sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.
Đức Tổng Giám Mục Jozić đã đến Minsk vào ngày 11 tháng 10, và được đón tại sân bay bởi các nhân viên tòa sứ thần, đại diện của Giáo hội địa phương và chính quyền nhà nước.
Đức Cha Iosif Staneuski, Giám Mục Phụ Tá của Grodno kiêm tổng thư ký Hội đồng giám mục Belarus, chào đón Đức Sứ thần Tòa Thánh, đi cùng với cha Maher Shammas, thư ký Tòa sứ thần, và cha Victor Gaidukevich.
Từ sân bay, Đức Tổng Giám Mục Jozić đã đến Tòa Sứ thần Tòa Thánh.
Đức Tổng Giám Mục Jozić, 53 tuổi, được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa thánh tại Belarus vào ngày 21 tháng 5, và được Đức Hồng Y Pietro Parolin phong làm giám mục ngày 16 tháng 9 tại quê hương Croatia.
Ngài được thụ phong linh mục năm 1992, và bắt đầu chuẩn bị cho công việc ngoại giao Tòa Thánh vào năm 1995 tại Học viện Giáo hoàng về Ngoại giao. Bắt đầu từ năm 1999, ngài phục vụ tại các Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Ấn Độ và Nga.
Nhà ngoại giao này được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa thánh tại Bờ Biển Ngà và được phong Tổng Giám mục hiệu tòa Cissa vào tháng 2 năm 2019. Theo dự trù ngài được tấn phong Tổng Giám Mục vào tháng 5 năm ngoái, nhưng vào đầu tháng 4, ngài đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau một tai nạn xe hơi. Thành ra đến tháng 9 năm nay ngài mới được tấn phong Giám Mục.
Tại Belarus, các cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp đất nước kể từ cuộc bầu cử tháng 8, và hàng nghìn người biểu tình đã bị giam giữ. Ít nhất bốn người đã chết trong tình trạng bất ổn.
Các quan chức bầu cử cho biết, ứng cử viên đối lập, Sviatlana Tsikhanouskaya, giành được 10% phiếu bầu. Phe đối lập tuyên bố rằng bà thực sự giành được ít nhất 60% số phiếu bầu.
Tsikhanouskaya đã bị giam giữ trong vài giờ sau khi khiếu nại với ủy ban bầu cử. Bà và một số nhà lãnh đạo đối lập khác hiện đang sống lưu vong ở Lithuania hoặc các quốc gia lân cận khác.
Mỹ, Anh và Liên Hiệp Âu Châu không công nhận Lukashenko là tổng thống Belarus. Canada, Anh và Liên Hiệp Âu Châu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhân vật cao cấp của Belarus.
Vào đầu tháng này Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho Lukashensko vay 1.5 tỷ Mỹ Kim, và đã tố cáo “các áp lực bên ngoài” đối với Belarus.
Belarus đã triệu hồi các đại sứ của mình tại Ba Lan và Lithuania về nước vì hai quốc gia này đang tiếp đón các nhân vật đối lập, và cả hai quốc gia này đều lần lượt triệu hồi các đại sứ của họ tại Belarus.
Tiếp theo đó, 8 quốc gia châu Âu khác đã rút đại sứ của họ khỏi Belarus.
Source:Catholic News Agency
3. Giáo phận địa phương cho biết linh mục trong vụ ép kết hôn đầy kịch tính tại Las Vegas là giả.
Trong một diễn biến đầy kịch tính, trước những ánh mắt đầy kinh ngạc của những người mua sắm, một cô gái trẻ đẹp đã xông vào một tiệm Target ăn mặc như cô dâu, đi cùng với một cô phù dâu và một linh mục. Cô ấy buộc một nhân viên trong tiệm phải kết hôn ngay lập tức với mình.
Những người mua sắm đã hết sức kinh ngạc trước cảnh một cô gái trẻ đẹp ăn mặc như cô dâu xông vào nơi làm việc của vị hôn phu và yêu cầu anh ta cưới cô ấy “ngay tức khắc” hoặc “tất cả phải kết thúc”.
Trong đoạn video này quý vị và anh chị em có thể thấy một cô gái trẻ mặt hầm hầm đang đi vào một cửa hàng Target ở Las Vegas, cố gắng tìm vị hôn phu của mình đang làm việc ở đây.
Khi tìm thấy anh ta, cô đưa ra tối hậu thư cho anh rằng nếu anh ta không kết hôn với cô ngay lập tức, mối quan hệ của họ sẽ kết thúc.
“Anh đã đeo chiếc nhẫn này vào ngón tay của tôi cách đây hai năm và đã đến lúc phải cưới tôi hoặc lấy ra,” cô nói với vị hôn phu của mình, khi anh ta đang xếp các món đồ lên các kệ hàng.
Chỉ vào một người ăn mặc như một linh mục với áo đen có cổ côn trắng, cô nói:
“Tôi đã đưa cha sở đến đây, cùng với cô phù dâu. Mọi sự đã sẵn sàng. Chúng ta kết hôn ngay bây giờ, hoặc tất cả sẽ chấm dứt.”
Nhưng vị hôn phu bị sốc của cô, là người mặc chiếc áo đỏ đồng phục của Target, chỉ im lặng tiếp tục xếp hàng trong khi cô tiếp tục tấn công anh ta tới tấp với tối hậu thư của mình.
Sau đó, cô gái hướng sự chú ý của mình đến những người đang vây quanh xem chuyện gì xảy ra.
“Xin chào các bạn, tôi đang buộc anh ấy phải thực hiện cam kết của mình. Các bạn biết đấy, tôi muốn kết hôn ngay bây giờ, hoặc kết thúc”.
Vị hôn phu đang bối rối của cô đã yêu cầu mọi người ra bên ngoài nói chuyện.
Đoạn video được tung lên các mạng xã hội đã thu hút gần một triệu người xem chỉ trong vài ngày. Người ta không biết kết cục như thế nào.
Tuy nhiên, theo KTNV Channel 13 Las Vegas, giáo phận Las Vegas khẳng định người được tường thuật là linh mục trong đoạn video đó là linh mục giả. Linh mục thật sự không ai làm chuyện tếu lâm như vậy.
Source:News Australia