Chủ tịch ủy ban tự do tôn giáo của các giám mục Hoa Kỳ đã trả lời hôm thứ Năm trước sự tấn công liên tục nhắm vào Thẩm Phán Amy Coney Barrett, ứng viên Tòa án Tối cao, vì niềm tin Công Giáo của cô

“Hiến pháp nói cụ thể rằng không được kỳ thị người có niềm tin tôn giáo trong khi xác nhận vào một chức vụ công quyền.” Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski Miami nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, hôm thứ Năm 8 tháng 10. Điều trần xác nhận Thẩm Phán Barrett vào Tòa án Tối cao bắt đầu vào ngày 12 tháng 10 trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện.

Đức Tổng Giám Mục nói, những người đang “nêu vấn đề” về niềm tin tôn giáo của Barrett trong quá trình xem xét đề cử của cô vào Tòa án Tối cao, “ không tôn trọng các nguyên tắc của Hiến pháp của chúng ta và do đó họ góp phần phá hoại nhà nước pháp quyền của chúng ta”.

Barrett, một thẩm phán của tòa phúc thẩm thứ 7 và là một bà mẹ Công Giáo có 7 đứa con, cũng là một cựu giáo sư luật tại Đại Học Notre Dame và thành viên của nhóm đại kết People of Praise.

Niềm tin Công Giáo của cô đã bị báo chí và các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ tấn công ráo riết. Vấn đề là nếu cô lọt vào Tối Cao Pháp Viện, tỷ số các Thẩm Phán phò sinh sẽ lên đến 6 trên tổng số 9 vị Thẩm Phán. Trong trường hợp này, đảng Dân Chủ lo ngại rằng cô cùng với 5 vị kia sẽ lật lại phán quyết Roe chống Wade, là phán quyết đã hợp pháp hóa phá thai tại Mỹ.

Tuần này, Tờ The Guardian và Washington Post đưa tin rằng Barrett, khi còn là sinh viên luật, cư trú tại nhà của người đồng sáng lập nhóm People of Praise, một nhóm đại kết có sức lôi cuốn được thành lập vào năm 1971 tại South Bend, Indiana.

People of Praise là nhóm cổ vũ canh tân trong Thánh Linh được các Giám Mục Hoa Kỳ hỗ trợ nhưng Tờ The Guardian vu cáo nhóm này là một “hội kín” và cho biết nhóm “đã bị chỉ trích vì đã chi phối cuộc sống của các thành viên và khuất phục phụ nữ”.

Hôm thứ Ba, tờ Washington Post đi xa đến mức cho rằng Barrett giữ vị trí “nữ tỳ” trong People of Praise. Ý muốn nói là người phải phục tùng mù quáng các chỉ đạo của nhóm mà không được có ý kiến.

Đức Tổng Giám Mục Wenski đã lên tiếng phản đối việc giải thích sai trái từ ngữ “nữ tỳ”.

“Từ ‘Handmaiden’ (“nữ tỳ”) tiếng Latinh là ‘ancilla’ - có nguồn gốc sâu xa trong Kinh thánh và trong Tân Ước đặc biệt khi đề cập đến Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu. Mẹ luôn tuyên bố mình là ‘nữ tỳ của Chúa’”, Đức Tổng Giám Mục Wenski nói.


Source:Catholic News Agency