Các phiên điều trần tại Thượng viện về việc xác nhận Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao đã bắt đầu vào hôm thứ Hai, ngày 12 tháng 10. Phiên điều trần này được tổ chức trực tiếp một phần tại Washington và một phần từ xa.

Trong bài phát biểu mở đầu, được công bố trước vào hôm Chúa Nhật, ngày 11 tháng 10, Barrett giải thích với các thượng nghị sĩ lý do tại sao cô ấy chấp nhận việc đề cử của Tổng thống Trump và những gì cô ấy tin rằng mình sẽ mang đến cho Tòa án Tối cao.

Thẩm Phán Amy Coney Barrett đã từng có kinh nghiệm trải qua các chỉ trích của các Thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ trong tiến trình xác nhận Thẩm Phán Tòa Phúc Thẩm vào năm 2017 cho nên cô nói rất hùng hồn, và đặc biệt là không che dấu quan điểm của mình nhằm vuốt ve các Thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ. Có nói kiểu gì họ cũng sẽ bỏ phiếu chống, cho nên cô trình bày thẳng thừng quan điểm của mình.

“Tôi tin rằng người Mỹ thuộc mọi nguồn gốc xứng đáng có một tòa án độc lập giải thích Hiến pháp và luật pháp của chúng ta như những gì đã được viết ra. Và tôi tin rằng tôi có thể phục vụ đất nước của mình bằng cách đóng vai trò đó”.

Barrett đã vạch ra quan điểm của cô ấy về cách thức hoạt động của một tòa án, cũng như triết lý tư pháp của cô ấy. Cô Barrett nói rằng mình được truyền cảm hứng từ Cố Thẩm Phán Antonin Scalia, là người mà cô đã từng là thư ký riêng trong nhiều năm.

“Scalia đã dạy tôi nhiều điều hơn là luật. Ông ấy hết lòng vì gia đình, kiên quyết với niềm tin của mình và không sợ bị chỉ trích. Và khi bắt tay vào sự nghiệp pháp lý của riêng mình, tôi quyết tâm giữ nguyên quan điểm đó”.

“Có một xu hướng trong nghề nghiệp của chúng tôi là duy luật, trong khi mất tầm nhìn về mọi thứ khác. Điều này tạo nên một cuộc sống nông cạn và không viên mãn”.

Barrett cho biết cô đã làm việc chăm chỉ với tư cách là luật sư và giáo sư, là điều mà cô gọi là món nợ đối với các thân chủ, sinh viên và bản thân mình, nhưng cô ấy “không bao giờ để luật xác định căn tính của tôi hoặc lấn át phần còn lại của cuộc đời tôi”.

Thẩm phán Barrett nói rằng tâm lý này ảnh hưởng đến cách cô nhìn nhận vai trò của tòa án.

“Toà án có trách nhiệm quan trọng là thực thi các quy tắc của pháp luật, đó là điều quan trọng đối với một xã hội tự do”.

“Nhưng tòa án không được thiết kế để giải quyết mọi vấn đề hoặc đưa ra phán quyết cái gì là đúng cái gì là sai trong đời sống công cộng của chúng ta. Các quyết định liên quan đến chính sách và việc thẩm định các giá trị của chính phủ phải được thực hiện thông qua các nhánh chính trị do Nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Công chúng không nên mong đợi các tòa án làm như vậy, và các tòa án không nên cố gắng làm như thế.”

Barrett giải thích rằng đây là triết lý tư pháp của cô trong suốt thời gian làm việc tại Tòa phúc thẩm thứ bảy và cô đã làm việc để đưa ra các kết luận “được luật pháp yêu cầu”.

“Tôi cố gắng lưu tâm rằng, mặc dù tòa án của tôi quyết định hàng nghìn vụ án mỗi năm, nhưng mỗi vụ án đều là quan trọng nhất đối với các bên liên quan. Nói cho cùng, không trường hợp nào hoàn toàn giống như các quy chế.”

Barrett cho biết cô luôn cố gắng đặt mình vào vị trí của bên thua cuộc khi quyết định một vụ kiện, và tự hỏi bản thân mình sẽ đánh giá phán quyết ấy như thế nào nếu một trong những đứa con của cô liên quan đến bên thua cuộc.

“Mặc dù tôi không muốn kết quả đó, tôi có hiểu rằng quyết định đó là hợp lý và có căn cứ theo luật không? Đó là tiêu chuẩn tôi đặt ra cho mình trong mọi trường hợp, và đó là tiêu chuẩn tôi sẽ tuân theo khi nào tôi còn là thẩm phán của bất kỳ tòa án nào.”

Các thành viên của Ủy ban Tư pháp Thượng viện phát biểu trước phát biểu khai mạc của Barrett. Các thành viên đảng Dân chủ chủ yếu chỉ trích đề cử của Barrett, trong khi các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa nhất mực ủng hộ.

Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein của đảng Dân Chủ đơn vị California cho rằng Barrett quá “Công Giáo” nên không thích hợp với vai trò Thẩm Phán Tòa Án Tối Cao. Dianne Feinstein lặp lại một lo ngại của nữ tu Campbell. Bà nữ tu Campbell cho rằng: “Barrett được đề cử do một động cơ duy nhất: để lật ngược phán quyết phá thai Roe kiện Wade” được Tối Cao Pháp Viện đưa ra vào năm 1973 nhằm hợp pháp hóa hành động phá thai mà bà nữ tu này cho rằng đó là một “nhân quyền liên quan đến việc sinh sản của phụ nữ”.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Đảng Cộng Hòa đơn vị South Carolina, chủ tịch của ủy ban tư pháp Thượng Viện Hoa Kỳ, đã khai mạc phiên điều trần vào sáng thứ Hai, nói rằng ông hy vọng sẽ thấy một quy trình xác nhận “trong sự tôn trọng”.


Source:Catholic News Agency