CHƯƠNG BA: DỰ KIẾN VÀ PHÁT SINH MỘT THẾ GIỚI CỞI MỞ

87. Con người được tạo ra theo cách họ không thể sống, phát triển và tìm thấy sự viên mãn ngoại trừ “trong việc tự hiến chân thành cho người khác” [62]. Họ cũng không thể nhận biết đầy đủ về bản thân ngoài cuộc gặp gỡ với người khác: “Tôi chỉ thông đạt hữu hiệu với chính tôi trong chừng mực tôi thông đạt với người khác” [63]. Không ai có thể cảm nghiệm được vẻ đẹp thực sự của đời sống mà không liên hệ với người khác, mà không có khuôn mặt thực sự để yêu thương. Đây là một phần trong mầu nhiệm của hiện sinh nhân bản đích thực. “Sự sống hiện hữu ở nơi có sự gắn bó, có hiệp thông, có tình huynh đệ; và sự sống thì mạnh mẽ hơn sự chết khi nó được xây dựng trên những mối liên hệ thực sự và dây nối kết thủy chung. Ngược lại, sẽ không có sự sống nào khi chúng ta tự cho mình là đủ và sống như những hòn đảo: trong những thái độ này, sự chết chiếm ưu thế” [64].

VƯỢT QUÁ CHÍNH CHÚNG TA

88. Trong thẳm sâu mỗi trái tim, tình yêu tạo ra mối liên kết và mở rộng hiện sinh, vì nó lôi kéo người ta ra khỏi chính mình và hướng tới người khác [65]. Vì chúng ta được tạo ra để yêu thương, nên trong mỗi chúng ta xem ra đều có “luật ekstasis [ra khỏi mình]” vận hành: “người yêu ‘đi ra ngoài’ bản thân để tìm một sự hiện hữu trọn vẹn hơn nơi một người khác” [66]. Vì lý do này, “con người luôn phải đón nhận thách đố vượt quá chính mình” [67].

89. Tôi cũng không thể giản lược cuộc sống tôi vào các mối liên hệ với một nhóm nhỏ, thậm chí với gia đình riêng của mình; tôi không thể biết mình ngoài một mạng lưới liên hệ rộng lớn hơn, bao gồm cả những mối liên hệ có trước và lên khuôn cho cả cuộc đời tôi. Mối liên hệ của tôi với những người tôi tôn trọng phải lưu ý đến sự kiện này là họ không sống chỉ vì tôi, cũng không phải tôi sống chỉ vì họ. Các mối liên hệ của chúng ta, muốn lành mạnh và chân thực, phải cởi mở chúng ta đón nhận những người khác, những người vốn làm chúng ta lớn thêm và làm giàu chúng ta. Ngày nay, cảm thức xã hội cao quý nhất của chúng ta dễ dàng bị giản lược thành số không nhường chỗ cho những dây liên kết vị kỷ chuyên chuộng vẻ bề ngoài của những liên hệ sâu sắc. Ngược lại, tình yêu đích thực và trưởng thành và tình bạn chân chính chỉ có thể bén rễ trong những trái tim sẵn sàng để mình được nên trọn vẹn. Sự kiện kết hôn hay trở thành bạn bè phải mở cõi lòng ta cho những giới khác giúp ta khả năng bước ra khỏi chính mình một cách có thể đón nhận mọi người. Các nhóm khép kín và các cặp vợ chồng chỉ quan tâm đến mình, tức những người thiết lập một "cái chúng tôi" trong thế đối lập với người khác, thường là các hình thức lý tưởng hóa của ích kỷ và chỉ lo bảo tồn mình không hơn không kém.

90. Đáng chú ý là nhiều cộng đồng nhỏ sống trong các vùng sa mạc đã phát triển một hệ thống đáng chú ý chào đón những người hành hương như một việc thực thi nghĩa vụ hiếu khách thánh thiêng. Các cộng đồng đơn tu thời Trung cổ cũng làm như vậy, như chúng ta thấy trong Luật Dòng của Thánh Bênêđíctô. Dù thừa nhận rằng điều đó có thể làm sao lãng kỷ luật và sự im lặng của các đan viện, nhưng Thánh Bênêđíctô vẫn nhấn mạnh rằng “người nghèo và các khách hành hương phải được đối xử một cách hết sức quan tâm và lưu ý” [68]. Sự hiếu khách là một cách cụ thể chấp nhận thách thức và hiến thân hiện diện trong cuộc gặp gỡ với những người nằm bên ngoài vòng kết nối của chính ta. Các đan sĩ nhận ra rằng các giá trị họ tìm cách trau dồi phải đi kèm với sự sẵn sàng vượt quá bản thân để cởi mở với người khác.

Giá trị độc đáo của tình yêu

91. Người ta có thể phát triển một số thói quen nào đó bề ngoài giống như các giá trị đạo đức: mạnh mẽ, tiết độ, chăm chỉ và các nhân đức tương tự. Tuy nhiên, nếu các hành vi nhân đức luân lý khác nhau phải được điều hướng một cách đúng đắn, thì người ta cần phải lưu ý đến mức độ chúng cổ vũ sự cởi mở và kết hợp với những người khác. Ta có thể làm điều đó trở thành khả hữu nhờ đức ái Thiên Chúa đã phú ban. Không có đức ái, có lẽ chúng ta chỉ có những nhân đức bề ngoài, không có khả năng nâng đỡ cuộc sống chung. Do đó, Thánh Tôma Aquinô đã có thể nói, khi trích dẫn lời của Thánh Augustinô, rằng tính khí của một người tham lam không có cách chi nhân đức cho được [69]. Về phần mình, thánh Bonaventura giải thích rằng các nhân đức khác, nếu không có đức ái, nói đúng ra, là không chu toàn các điều răn “theo cách Thiên Chúa muốn chúng được chu toàn” [70].

92. Tầm vóc tinh thần của đời người được đo bằng tình yêu thương, một thứ tình, trước sau, vẫn là “tiêu chuẩn để xác định dứt khoát về giá trị hay vô giá trị của đời người” [71]. Tuy nhiên, một số tín hữu nghĩ rằng nó hệ ở việc áp đặt ý thức hệ riêng của họ lên mọi người khác, hoặc ở việc bảo vệ sự thật một cách bạo lực, hoặc trong những cuộc biểu dương sức mạnh đầy ấn tượng. Tất cả chúng ta, trong tư cách tín hữu, cần phải nhìn nhận rằng tình yêu chiếm vị trí hàng đầu: tình yêu không bao giờ được đặt vào thế nguy cơ, và nguycơ lớn nhất chính là việc không yêu thương (x. 1Cr 13:1-13).

93. Thánh Tôma Aquinô đã tìm cách mô tả tình yêu mà ơn thánh Thiên Chúa vốn làm cho khả hữu như một chuyển động dẫn chúng ta tập trung chú ý vào một người khác, bằng cách "đồng nhất hóa họ với chính mình"[72]. Tình cảm của chúng ta dành cho người khác khiến chúng ta tự do khao khát tìm kiếm điều tốt đẹp cho họ một cách nhưng không. Tất cả những điều này bắt nguồn từ cảm thức quý mến, biết đánh giá cao giá trị của người khác. Cuối cùng, đó chính là ý tưởng đứng đằng sau chữ “bác ái”: những người được yêu rất“đắt giá” đối với tôi; nghĩa là "họ được định giá rất cao" [73]. Và “tình yêu nhờ đó một người nào đó trở nên đẹp lòng (grata) một người khác là lý do tại sao người khác này trao cho họ một thứ gì đó một cách nhưng không (gratis)” [74].

94. Vậy thì tình yêu không chỉ là một chuỗi các hành động nhân từ. Những hành động này có nguồn gốc từ sự kết hợp ngày càng hướng tới những người khác, coi họ có giá trị, xứng đáng, đẹp lòng và đẹp đẽ bất chấp dáng vẻ thể lý hay đạo đức của họ. Tình yêu của chúng ta đối với người khác, đối với con người hiện thực của họ, thúc đẩy chúng ta tìm kiếm điều tốt nhất cho cuộc sống của họ. Chỉ bằng cách nuôi dưỡng cách liên hệ với nhau này, chúng ta mới tạo ra một tình bạn xã hội không loại trừ ai và một tình huynh đệ cởi mở chào đón mọi người.

TÌNH YÊU MỖI NGÀY MỖI CỞI MỞ HƠN

95.Tình yêu, sau cùng, thúc đẩy chúng ta tiến tới sự hiệp thông phổ quát. Không ai có thể trưởng thành hoặc tìm thấy sự viên mãn bằng cách tự cô lập mình. Tự bản chất của nó, tình yêu đòi một tính cởi mở ngày một tăng tiến, một khả năng lớn hơn đón nhận người khác, trong cuộc phiêu lưu liên tục, một cuộc phiêu lưu hướng mọi vùng ngoại vi tới một cảm thức thực sự thuộc về nhau. Chúa Giêsu từng nói với chúng ta: “Các con đều là anh em” (Mt 23: 8).

96. Nhu cầu phải vượt quá các giới hạn của chính chúng ta cũng áp dụng vào các khu vực và quốc gia khác nhau. Thật vậy, “số lượng ngày càng gia tăng các nối kết qua lại và truyền thông trong thế giới ngày nay khiến chúng ta ý thức mạnh mẽ được tính thống nhất và vận mệnh chung của các quốc gia. Trong năng động tính của lịch sử, và trong sự đa dạng của các nhóm sắc tộc, các xã hội và nền văn hóa, chúng ta thấy những mầm mống của một ơn gọi tạo ra một cộng đồng gồm những anh chị em biết chấp nhận và chăm sóc lẫn nhau” [75].

Các xã hội cởi mở hòa nhập mọi người

97. Một số vùng ngoại vi gần với chúng ta, trong các trung tâm thành phố hoặc trong các gia đình của chúng ta. Do đó, trong tình yêu có tính hiện sinh hơn địa lý, có khía cạnh cởi mở phổ quát. Nó liên quan đến các cố gắng hàng ngày của chúng ta muốn mở rộng vòng nối kết bạn bè, vươn tay ra với những người, dù họ vốn gần gũi với tôi, nhưng tôi không tự nhiên coi họ như một phần trong vòng quan tâm của tôi. Mỗi anh chị em gặp khó khăn, khi bị xã hội nơi tôi đang sống bỏ rơi hoặc phớt lờ, đều trở thành một người ngoại quốc về phương diện hiện sinh, mặc dù cùng sinh ra trong cùng một đất nước. Họ có thể là công dân với đầy đủ quyền lợi, nhưng họ bị đối xử như người nước ngoài trong chính đất nước của họ. Phân biệt chủng tộc là một loại virút biến đổi (mutate) nhanh chóng và thay vì biến mất, chỉ ẩn núp và chờ đợi tái xuất.

98. Tôi muốn đề cập đến một số “người lưu vong giấu mặt” bị coi như những bộ phận ngoại nhân trong xã hội [76]. Nhiều người khuyết tật “cảm thấy họ hiện hữu mà không thuộc về ai và không tham gia vào đâu cả”. Phần lớn vẫn ngăn cản họ quyền được bỏ phiếu hoàn toàn. Mối quan tâm của chúng ta không phải chỉ chăm sóc họ mà còn bảo đảm để họ “tham gia tích cực vào cộng đồng dân sự và giáo hội. Đó là một diễn trình đòi hỏi và thậm chí gây mệt mỏi, nhưng là một diễn trình sẽ dần dần góp phần đào tạo lương tâm biết thừa nhận mỗi cá nhân như một con người độc đáo và không thể lặp lại”. Tôi cũng nghĩ tới “những người già, những người cũng do khuyết tật của họ, đôi khi bị coi như gánh nặng”. Tuy nhiên, mỗi người trong số họ có thể cống hiến “một đóng góp độc đáo cho lợi ích chung qua những câu chuyện đáng chú ý về cuộc sống của họ”. Tôi xin nhắc lại: chúng ta cần có “can đảm để đem lại tiếng nói cho những người bị kỳ thị do sự khuyết tật của họ, bởi vì đáng buồn thay, ở một số quốc gia, ngay cả lúc này, người ta khó thừa nhận họ là những người có phẩm giá bình đẳng” [77].

Những hiểu biết bất cập về tình yêu phổ quát

99. Một tình yêu có khả năng vượt quá biên giới là cơ sở cho điều mà ở mọi thành phố và quốc gia có thể gọi là “tình bạn xã hội”. Tình bạn xã hội chân chính trong một xã hội làm cho sự cởi mở phổ quát thực sự trở nên khả hữu. Điều này rất khác xa với chủ nghĩa phổ quát sai lầm của những người thường xuyên đi du lịch nước ngoài vì họ không thể bao dung hoặc yêu thương người dân của chính họ. Những người coi thường đồng bào mình có xu hướng tạo ra trong xã hội những hạng người hạng nhất và hạng hai, những người có phẩm giá cao hơn hoặc kém hơn, những người được hưởng nhiều quyền hơn hoặc ít hơn. Bằng cách này, họ phủ nhận việc có chỗ dành cho mọi người.

100. Chắc chắn, tôi không đề nghị một chủ nghĩa phổ quát độc đoán và trừu tượng, được nghĩ ra hoặc lên kế hoạch bởi một nhóm nhỏ và được trình bày như một lý tưởng nhằm mục đích san bằng, thống trị và cướp bóc. Thực thế, một mô hình hoàn cầu hóa “ý thức nhằm đạt tới sự độc dạng chỉ có một chiều và tìm cách xóa bỏ mọi khác biệt và truyền thống trong một cuộc mưu cầu thống nhất phiến diện… Nếu một loại hoàn cầu hóa nào đó có cao vọng san bằng mọi người, như thể đây là một trái cầu, thì thứ hoàn cầu hóa ấy sẽ phá hủy sự phong phú cũng như tính đặc thù của mỗi con người và mỗi dân tộc” [78]. Chủ nghĩa phổ quát sai lầm này kết cục tước đoạt của thế giới các màu sắc khác nhau, vẻ đẹp của nó và, cuối cùng, nhân tính của nó. Vì “tương lai không đơn sắc; nếu chúng ta can đảm, chúng ta có thể chiêm ngắm nó trong tất cả vẻ khác nhau và đa dạng của những gì mỗi cá nhân có dịp cung hiến. Gia đình nhân loại của chúng ta cần học hỏi xiết bao cách chung sống hòa thuận và bình an, nhưng không cần tất cả chúng ta đều giống y như nhau!” [79].

Kỳ tới: VƯỢT QUÁ MỘT THẾ GIỚI "NHỮNG KẺ ĐỒNG HỘI"