CHƯƠNG HAI: MỘT NGƯỜI XA LẠ DỌC ĐƯỜNG

56. Không nên đọc chương trước như một mô tả lạnh lùng và vô tư về các vấn đề ngày nay, vì “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” [53]. Trong nỗ lực tìm kiếm một tia sáng giữa những gì chúng ta đang kinh qua, và trước khi đề nghị một vài hướng hành động, lúc này, tôi muốn dành một chương cho dụ ngôn được Chúa Giêsu Kitô kể lại cách nay hai nghìn năm. Mặc dù Thông điệp này được gửi đến tất cả những người có thiện chí, bất kể niềm tin tôn giáo của họ là gì, nhưng dụ ngôn này là một dụ ngôn mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể liên hệ với và cảm thấy là thách thức.



“Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Chúa Giêsu để thử Người rằng: ‘Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?’ Người đáp: ‘Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?’ Ông ấy thưa: ‘Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình’. Đức Giêsu bảo ông ta: ‘Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống’. Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giêsu rằng: ‘Nhưng ai là người thân cận của tôi?’ Đức Giêsu đáp: ‘Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.’ Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?’ Người thông luật trả lời: ‘Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy’. Đức Giêsu bảo ông ta: ‘Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy’”. (Lc 10,25-37).

Bối cảnh

57. Dụ ngôn trên liên quan đến một vấn đề rất xưa. Ngay sau khi tường thuật về sự sáng tạo ra thế giới và con người, Kinh Thánh đề cập đến vấn đề liên hệ giữa con người với nhau. Cain giết Abel em trai mình và sau đó nghe Thiên Chúa hỏi: "Abel, em trai của ngươi, đâu?" (St 4: 9). Câu trả lời của anh ta là câu trả lời mà chính chúng ta cũng thường đưa ra: “Tôi có phải là người canh giữ em trai tôi đâu?” (đd). Do chính câu hỏi Người đã đặt ra, Thiên Chúa không dành chỗ nào để nại tới thuyết tiền định hay thuyết định mệnh hòng biện minh cho sự thờ ơ của chúng ta. Thay vào đó, Người khuyến khích chúng ta tạo ra một nền văn hóa khác, trong đó chúng ta giải quyết các xung đột và việc quan tâm đến nhau của chúng ta.

58. Sách Gióp coi nguồn gốc của chúng ta từ một Đấng Tạo Hóa duy nhất là nền tảng của một số quyền lợi chung: “Chẳng phải Đấng đã tạo ra tôi trong lòng mẹ cũng đã tạo nên anh ta đó sao? Và không phải cùng một Đấng ấy đã tượng hình chúng ta trong bụng mẹ đó sao? " (Gióp 31:15). Nhiều thế kỷ sau, Thánh Irênê đã sử dụng hình ảnh giai điệu (melody) để đưa ra cùng một quan điểm: “Người tìm kiếm sự thật không nên tập trung vào các dị biệt giữa nốt này và nốt nọ, nghĩ như thể mỗi nốt nhạc được tạo ra tách biệt và cách biệt với các nốt nhạc khác; thay vào đó, họ nên nhận ra rằng cũng một người và cùng người đó đã sáng tác ra toàn bộ giai điệu” [54].

59. Trong các truyền thống Do Thái trước đây, mệnh lệnh yêu thương và chăm sóc người khác dường như chỉ giới hạn vào các mối liên hệ giữa các thành viên của cùng một quốc gia. Giới răn cổ xưa phải “yêu người lân cận như chính mình” (Lev 19:18) thường được hiểu như nói đến đồng bào của người ta, nhưng ranh giới dần dần được mở rộng, nhất là trong đạo Do Thái phát triển bên ngoài lãnh thổ Israel. Chúng ta gặp thấy mệnh lệnh đừng làm cho người khác điều bạn không muốn họ làm cho bạn (xem Tb 4:15). Vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, Giáo sĩ Hillel từng tuyên bố: “Đây là toàn bộ Kinh Torah. Mọi sự khác đều là bình luận” [55]. Mong muốn bắt chước cách hành động của Thiên Chúa dần dần thay thế xu hướng chỉ nghĩ đến những người ở gần chúng ta nhất: “Lòng cảm thương của con người dành cho người lân cận của họ, nhưng lòng cảm thương của Chúa dành cho mọi sinh vật” (Hc 18:13).

60. Trong Tân Ước, giới luật của Hillel đã được diễn tả bằng những từ ngữ tích cực: “Trong mọi việc, hãy làm cho người khác như bạn muốn họ làm cho bạn; vì đây là luật và các ngôn sứ” (Mt 7:12). Mệnh lệnh này có tính phổ quát về phạm vi, bao trùm mọi người trên cơ sở nhân tính chung của chúng ta, vì Cha trên trời “làm cho mặt trời của Người mọc trên người dữ và người lành” (Mt 5:45). Do đó, mà có lời kêu gọi “hãy thương xót như Cha anh em là Đấng thương xót” (Lc 6:36).

61. Trong các bản văn cổ nhất của Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy lý do tại sao trái tim chúng ta nên mở rộng để đón nhận người xa lạ. Nó bắt nguồn từ ký ức bền bỉ của người Do Thái rằng chính họ đã từng sống như những người ngoại quốc ở Ai Cập:

“Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Aicập” (Xh 22:20).

“Người ngoại kiều, các ngươi không được áp bức; chính các ngươi đã biết thân phận của người ngoại kiều, vì các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập”(Xh 23: 9).

“Khi có ngoại kiều cư ngụ với (các) ngươi trong xứ các ngươi, các ngươi đừng bức hiếp nó. (Các) ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như với một người bản xứ, một người trong các ngươi; (các) ngươi phải yêu nó như chính mình, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Aicập. Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi” (Lv 19: 33-34).

“Khi hái nho, thì anh (em) không được mót lại; những trái còn sót dành cho ngoại kiều và cô nhi quả phụ. Anh em hãy nhớ mình đã làm nô lệ bên đất Aicập” (Đnl 24: 21-22).

Lời kêu gọi bước vào tình yêu huynh đệ vang vọng suốt bộ Tân Ước:

“Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình ngươi”(Gl 5:14).

“Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm. Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng” (1 Ga 2,10-11).

“Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em. Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết” (1 Ga 3:14).

“Ai không yêu anh hay chị em mà mình nhìn thấy, thì không thể yêu Thiên Chúa mà mình chưa thấy” (1 Ga 4:20).

62. Tuy nhiên, lời kêu gọi yêu thương này có thể bị hiểu lầm. Thánh Phaolô, nhận ra cơn cám dỗ của các cộng đồng Kitô hữu đầu tiên muốn thành lập các nhóm khép kín và cô lập, đã thúc giục các môn đệ của ngài trổi vượt về tình yêu thương “với nhau và với mọi người” (1 Tx 3:12). Trong cộng đồng Thánh Gioan, các Kitô hữu đồng đạo phải được chào đón, “dù họ là những người xa lạ đối với anh em” (3 Ga 5). Trong bối cảnh này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa của dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu: tình yêu thương không quan tâm đến việc anh chị em đang gặp khó khăn phát xuất từ nơi này hay nơi nọ. Vì “tình yêu phá tan xiềng xích vốn khiến chúng ta bị cô lập và cách biệt; ở nơi họ, nó xây dựng các cây cầu. Tình yêu giúp chúng ta tạo ra một gia đình lớn lao, trong đó, tất cả chúng ta có thể cảm thấy như ở nhà… Tình yêu tràn chẩy lòng cảm thương và phẩm giá” [56].

Bị bỏ rơi bên vệ đường

63. Chúa Giêsu kể câu chuyện về một người đàn ông bị kẻ trộm hành hung và nằm bị thương bên vệ đường. Một số người đi ngang qua ông ta, nhưng không dừng lại. Đây là những người nắm giữ các vị trí quan trọng trong xã hội, nhưng thiếu quan tâm thực sự đến lợi ích chung. Họ sẽ không lãng phí một vài phút để chăm sóc người đàn ông bị thương, hoặc thậm chí kêu gọi sự giúp đỡ. Chỉ có một người dừng lại, tới gần người đàn ông và đích thân chăm sóc ông ta, thậm chí chi tiền riêng của mình để cung cấp những gì ông ta cần. Người này cũng cho ông ấy một thứ mà trong thế giới điên cuồng của mình, chúng ta thường bám lấy thật chặt: ông đã cho ông ấy thời gian của mình. Chắc chắn, ông đã có kế hoạch riêng cho ngày hôm đó, những nhu cầu, cam kết và mong muốn của riêng ông. Tuy nhiên, ông đã có thể đặt tất cả những điều đó sang một bên khi đối diện với một người đang cần đến mình. Dù thậm chí không hề biết đến người đàn ông bị thương, ông vẫn thấy ông ta xứng đáng được ông dành thì giờ và sự quan tâm của ông.

64. Các bạn đồng nhất hóa với người nào trong số những người này? Câu hỏi này, một câu hỏi hết sức thẳng thừng, quả có tính trực tiếp và thấm thía. Các bạn giống với nhân vật nào trong số những nhân vật này? Chúng ta cần thừa nhận rằng chúng ta thường xuyên bị cám dỗ muốn phớt lờ người khác, nhất là những người yếu thế. Chúng ta hãy thừa nhận rằng, đối với mọi tiến bộ chúng ta đã đạt được, chúng ta vẫn còn “mù chữ” khi đụng tới việc đồng hành, chăm sóc và hỗ trợ những thành viên yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất trong các xã hội phát triển của chúng ta. Chúng ta đã trở nên quen thuộc với việc nhìn đi hướng khác, bước qua, phớt lờ các tình huống cho đến khi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta.

65. Có người bị tấn công trên đường phố của chúng ta, và nhiều người vội vàng chạy đi như thể họ không nhìn thấy. Người ta tông xe vào ai đó rồi bỏ chạy khỏi hiện trường. Mong muốn duy nhất của họ là tránh lôi thôi; Bất kể chuyện, vì lỗi của họ, mà một người khác có thể mất mạng. Tất cả những điều này là dấu hiệu của một cách tiếp cận cuộc sống đang lan tràn nhiều cách tinh tế khác nhau. Hơn thế nữa, bị mắc kẹt bởi các nhu cầu của chính mình, cảnh tượng một người đang đau khổ làm phiền chúng ta. Nó khiến chúng ta không thoải mái vì chúng ta không có thời gian để lãng phí cho các vấn đề của người khác. Đây là những triệu chứng của một xã hội không lành mạnh. Một xã hội tìm kiếm sự thịnh vượng nhưng quay lưng với đau khổ.

66. Cầu mong chúng ta đừng chìm xuống những vực sâu như vậy! Chúng ta hãy nhìn vào gương sáng của Người Samaritanô nhân hậu. Dụ ngôn của Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta khám phá lại ơn gọi của chúng ta như những công dân của các quốc gia liên hệ và của toàn thế giới, những người xây dựng mối liên kết xã hội mới mẻ. Lời triệu tập này luôn mới mẻ, nhưng nó dựa trên một quy luật căn bản của hữu thể chúng ta: chúng ta được kêu gọi hướng xã hội theo đuổi công ích và với mục đích này trong tâ trí, kiên trì củng cố trật tự chính trị và xã hội, kết cấu liên hệ của nó, các mục tiêu nhân bản của nó. Qua các hành động của mình, Người Samaritanô nhân hậu đã chứng tỏ rằng “Hiện hữu của mỗi cá nhân đều gắn chặt với hiện hữu của những người khác: cuộc sống không đơn giản chỉ là thời gian trôi qua; cuộc sống là thời gian cho những tương tác” [57].

67. Dụ ngôn trình bày một cách hùng hồn quyết định căn bản mà chúng ta cần thực hiện để xây dựng lại thế giới bị thương của chúng ta. Đối diện với quá nhiều đau đớn và khổ sở, đường đi duy nhất của chúng ta là noi gương Người Samaritanô nhân hậu. Bất cứ quyết định nào khác đều làm chúng ta trở thành một trong những tên cướp hoặc một trong những người đi ngang qua mà không biểu lộ lòng cảm tương trước những đau khổ của người đàn ông bên vệ đường. Câu chuyện ngụ ngôn cho chúng ta thấy một cộng đồng có thể được xây dựng lại ra sao bởi những người đàn ông và đàn bà biết đồng nhất hóa với tính dễ bị tổn thương của những người khác, biết bác bỏ việc tạo ra một xã hội loại trừ, và thay vào đó hành động như những người hàng xóm, nâng dậy và phục hồi những người vấp ngã vì lợi ích chung. Đồng thời, nó cảnh báo chúng ta về thái độ của những người chỉ nghĩ đến bản thân và không chung vai gánh vác những trách nhiệm không thể tránh khỏi trong cuộc sống như đang diễn ra.

68. Dụ ngôn rõ ràng không bằng lòng với việc giảng đạo đức trừu tượng, mà thông điệp của nó cũng không chỉ mang tính xã hội và đạo đức. Nó nói với chúng ta về một khía cạnh thiết yếu và thường bị lãng quên của nhân tính chung của chúng ta: chúng ta được tạo dựng để đạt được sự viên mãn mà chỉ có thể tìm thấy trong tình yêu. Chúng ta không thể thờ ơ với đau khổ; chúng ta không thể để bất cứ ai kinh qua cuộc sống như một kẻ bị ruồng bỏ. Thay vào đó, chúng ta nên cảm thấy phẫn nộ, bị thách thức thoát khỏi sự cô lập thoải mái của chúng ta và được thay đổi khi tiếp xúc với những đau khổ của con người. Đó là ý nghĩa của phẩm giá.

Một câu chuyện được kể lại không ngừng

69. Dụ ngôn trên rõ ràng và thẳng thắn, nhưng nó cũng gợi lên cuộc đấu tranh nội tâm mà mỗi người chúng ta đều cảm nghiệm khi chúng ta dần dần hiểu được chính bản thân mình qua các mối liên hệ với anh chị em của mình. Không sớm thì muộn, chúng ta đều sẽ gặp một người đau khổ. Ngày nay càng ngày càng có nhiều người như họ. Quyết định bao gồm hoặc loại trừ những người nằm bị thương bên vệ đường có thể được dùng làm tiêu chuẩn để đánh giá mọi dự án kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo. Mỗi ngày, chúng ta phải quyết định trở thành Người Samaritanô nhân hậu hay thành những người bàng quan thờ ơ. Và nếu chúng ta chịu nhìn vào lịch sử cuộc sống của chính mình và của toàn thế giới, tất cả chúng ta đều giống, hay từng giống, mỗi nhân vật trong câu chuyện dụ ngôn. Tất cả chúng ta đều có trong mình một điều gì đó của người đàn ông bị thương, một điều gì đó của tên cướp, một điều gì đó của những người qua đường, và một điều gì đó của người Samaritanô nhân hậu.

70. Điều đáng chú ý là cách các nhân vật khác nhau trong câu chuyện thay đổi, khi phải đối diện với cảnh tượng đau đớn của người đàn ông khốn khổ bên vệ đường. Các phân biệt giữa người Giuđêa và người Samaria, giữa thầy tư tế và thương gia, mờ dần ý nghĩa. Bây giờ chỉ còn hai loại người: những người chăm sóc một ai đó đang bị thương tích và những người đi ngang qua; những người cúi xuống giúp đỡ và những người nhìn đi hướng khác và vội vàng bỏ đi. Ở đây, mọi phân biệt, mọi nhãn hiệu và mặt nạ của chúng ta đều rơi xuống: đây là khoảnh khắc của sự thật. Liệu chúng ta có cúi xuống để chạm vào và chữa lành vết thương của người khác không? Liệu chúng ta có cúi xuống và giúp người khác đứng lên không? Đây là thách thức hiện nay và chúng ta không nên sợ hãi khi đối đầu với nó. Trong thời điểm khủng hoảng, các quyết định trở nên cấp thiết. Có thể nói rằng, ở đây và bây giờ, bất cứ ai không phải là kẻ trộm cướp hay người qua đường, đều là người bị thương hoặc đang mang người bị thương trên vai.

71. Câu chuyện về Người Samaritanô nhân hậu không ngừng được nhắc đi nhắc lại. Chúng ta có thể thấy điều này rõ ràng vì sức trì trệ chính trị và xã hội đang biến nhiều nơi trên thế giới của chúng ta thành một đường phụ hoang vắng, ngay cả khi các tranh chấp quốc nội và quốc tế và việc cướp đi các cơ hội đang khiến một số lượng lớn người bị gạt ra bên lề đường. Trong dụ ngôn của Người, Chúa Giêsu không đưa ra những lựa chọn thay thế; Người không hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu người đàn ông bị thương hoặc người đã giúp ông ta nghiêng về phía tức giận hoặc khao khát trả thù. Chúa Giêsu tin tưởng vào điều tốt nhất của tinh thần con người; Với dụ ngôn này, Người khuyến khích chúng ta kiên trì trong yêu thương, khôi phục phẩm giá cho những người đau khổ và xây dựng một xã hội xứng đáng với tên gọi.

Kỳ tới: Các nhân vật của câu chuyện