Tòa Thánh đã gia hạn các biện pháp cách ly đến ngày 3 tháng Năm

Tính đến chiều thứ Tư 15 tháng Tư, tử vong toàn thế giới đã lên đến 126,538 người, trong số 1,996,969 trường hợp nhiễm coronavirus.

Tại Vatican, Tòa Thánh đã gia hạn các biện pháp cách ly đến ngày 3 tháng Năm

Tính đến chiều thứ Tư 14 tháng Tư, tử vong tại Ý đã lên đến 21,067 người, trong số 162,488 trường hợp nhiễm coronavirus. Riêng trong 24 giờ của ngày thứ Ba, có 566 trường hợp tử vong và 3,153 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận. Như thế, các trường hợp tử vong và nhiễm bệnh mới có xu hướng giảm dần.

Hôm thứ Bẩy 11 tháng Tư, Thủ tướng Giuseppe Conte đã công bố gia hạn lệnh cô lập đến ngày 3 tháng Năm để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Trong thông báo đưa ra hôm 14 tháng Tư, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết như sau:

“Tòa Thánh, tiếp theo thông cáo ngày 3 tháng Tư, mở rộng tất cả các biện pháp được thực hiện cho đến nay để đối phó với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe liên quan đến Covid-19 cho đến ngày 3 tháng Năm.”

Trong thông báo hôm 3 tháng Tư, Ông Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết tại thời điểm này, các cơ quan và ban ngành khác nhau của Tòa Thánh và quốc gia Thành Vatican chỉ tiếp tục các hoạt động thiết yếu, bắt buộc và không thể tránh khỏi, trong khi áp dụng chặt chẽ, ở mức độ tối đa có thể, các biện pháp thích hợp đã được truyền đạt, bao gồm các tiêu chuẩn như làm việc từ xa và tái sắp xếp, để bảo vệ sức khỏe của các nhân viên.

Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về trận bão kinh hoàng tối Chúa Nhật Phục sinh.

Tử vong tại Hoa Kỳ đã lên đến 25,989 người, trong số 613,235 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ trước đó, đã có thêm 26,641 trường hợp nhiễm bệnh mới và 1,535 trường hợp tử vong.

Trong một diễn biến đáng buồn, bên cạnh dịch bệnh quá kinh hoàng này, Hoa Kỳ còn phải gánh chịu những trận bão lớn ở các tiểu bang miền Nam. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi tuyên bố sau của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về trận bão kinh hoàng tối Chúa Nhật Phục sinh.

Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, và Đức Tổng Giám Mục Paul S. Coakley của tổng giáo phận Oklahoma, Chủ tịch Ủy ban Công lý Quốc nội và Phát triển Nhân văn, đã đưa ra một tuyên bố chung, sau khi thời tiết khắc nghiệt đã giết chết 19 người ở miền Nam Hoa Kỳ từ chiều Chúa Nhật Phục sinh đến sáng sớm thứ Hai. Trong tuyên bố chung, các ngài kêu gọi cầu nguyện và giúp đỡ cho tất cả những người sống trên đường đi của cơn bão, trong niềm hy vọng nơi Tin mừng Phục Sinh.

Toàn văn tuyên bố của hai Đức Tổng Giám Mục Gomez và Coakley như sau:

Ngày thứ Hai Phục Sinh đã bắt đầu với tin buồn rằng một trận bão đã càn qua nhiều tiểu bang ở miền Nam suốt đêm, giết chết ít nhất 19 người tại thời điểm tuyên bố này được đưa ra trên khắp các tiểu bang Mississippi, Georgia, Arkansas và Nam Carolina. Thời tiết cũng gây ra thiệt hại đáng kể ở Texas, Louisiana và Tây Virginia. Nhiều người đã bị thiệt hại hoặc mất nhà cửa.

Giữa những bi kịch này, chúng ta phải tiếp cận và cung cấp hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng, đặc biệt là những người đang đau buồn về sự mất mát của những người thân yêu. Tình trạng này càng trở nên khó khăn hơn bởi đại dịch coronavirus đang diễn ra. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đang đau khổ, cho những người đã chết và cho những người phản ứng đầu tiên trước thảm kịch đang can đảm đưa ra các trợ giúp. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho những người khác trên đường đi của những cơn bão này, cho sự an toàn và tình trạng chung của họ.

Trong bài Tin mừng sáng nay, chúng ta nghe Chúa phục sinh nói với Maria Mácđalêna và những người phụ nữ khác: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt. 28:10). Thư của Thánh Phaolô gởi các tín hữu Do Thái mô tả niềm hy vọng của chúng ta vào lời hứa của Thiên Chúa như một mỏ neo của tâm hồn, chắc chắn và vững bền. (Dt 6:19). Giữa những thảm họa từ thời tiết đến bệnh tật, chúng ta hãy bám lấy hy vọng này, đó là Chúa có thể cứu chuộc sự đau khổ và mất mát của chúng ta, Chúa hiện diện với chúng ta ngay cả bây giờ và Chúa luôn chiến thắng tử thần, và Người mời gọi chúng ta đến gặp Ngài mặt đối mặt trong cuộc sống vĩnh cửu.


Báo cáo của Hội Đồng Giám Mục Ý: 110 linh mục bị thiệt mạng vì coronavirus

Tính đến chiều thứ Ba 14 tháng Tư, 110 linh mục Ý đã thiệt mạng vì coronavirus. Báo cáo của tờ Avvnire, cơ quan thông tấn của Hội Đồng Giám Mục Ý nhấn mạnh rằng virus quái ác này không chỉ cướp đi sinh mạng của các linh mục cao niên, cả các linh mục trẻ cũng thiệt mạng.

Trong các trường hợp thiệt mạng mới nhất, Avvnire cho biết:

“Tổng giáo phận Milan vừa vĩnh biệt một linh mục tuyên úy của một viện dưỡng lão, và một linh mục dòng Xitô chết ở Senigallia.

Trước đó, Cha Enrico Bernuzzi, 46 tuổi, thuộc giáo phận Tortona, đã chết vào rạng sáng ngày Thứ Hai Phục Sinh. Ngài được thụ phong linh mục từ năm 2006, và đã thực thi sứ vụ của mình tại các giáo xứ trong vùng Voghera, và phụ trách việc quảng bá ơn gọi cho giáo phận Tortona. Ngài và hai linh mục khác được ủy thác chăm sóc mục vụ trong vùng Voghera bao gồm Duomo và ba giáo xứ khác là Pombio, San Rocco và Resurrezione. Cho đến nay linh mục trẻ nhất bị thiệt mạng vì coronavirus là Cha Alessandro Brignone, linh mục của giáo phận Salerno-Campagna-Acerno qua đời vào ngày 19 tháng Ba, ở tuổi 45.”

Lược qua danh sách các linh mục bị thiệt mạng, Avvenire xác định có năm phẩm chất chung của các ngài là.

Bình dân: Các linh mục bị thiệt mạng đã sống rất hoà đồng và gần gũi đàn chiên

Truyền thống: Trong các cộng đồng dù lớn dù nhỏ, các vị này là “những người gìn giữ ký ức chung, tham gia vào việc truyền bá các chứng tá và các giá trị từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo.”

Trung thành với ơn gọi: Nhiều vị trong số các linh mục này đã phục vụ cộng đồng của mình từ bốn mươi năm trở lên.

Khiêm tốn: Nhiều vị trong số 110 linh mục đã qua đời chỉ được biết đến trong phạm vi các giáo xứ và cộng đồng địa phương của mình, chỉ một số ít các vị có danh tiếng ở cấp khu vực hoặc quốc gia.

Không thể thiếu đối với cộng đồng: “Hết lần này đến lần khác,” Avvenire viết, “người ta nghe thấy sau cái chết của một linh mục những mô tả về một sự mất mát quá lớn đối với cộng đồng, một người luôn gần gũi, sẵn sàng với đàn chiên.”

Hôm thứ Bảy Tuần Thánh, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã bày tỏ lòng biết ơn Giáo Hội Công Giáo tại Ý, “trong những tuần lễ cực kỳ khó khăn này, đã đồng hành với những đau khổ của người dân qua sự hiện diện cụ thể trên khắp đất nước, góp phần hỗ trợ những người yếu nhất trong chúng ta và các gia đình nghèo đói.”

Hôm Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các linh mục. Đức Thánh Cha mô tả các ngài là “những vị thánh bên cạnh”, những linh mục đã hy sinh bằng cách phục vụ.

AP: Sáu ngày chần chừ của Trung Quốc đã gây ra dịch bệnh kinh hoàng hiện nay

Sau khi các quan chức hàng đầu của Trung Quốc bí mật xác định rằng họ đang phải đối mặt với đại dịch từ một loại coronavirus mới, họ đã lặng lẽ giữ im lặng để suy tính trong 6 ngày. Trong 6 ngày đó, thành phố Vũ Hán ở tâm chấn của dịch bệnh đã tổ chức một bữa tiệc lớn cho hàng chục ngàn người; và hàng triệu người sống ở thành phố này bắt đầu đi du lịch khắp nơi trên đất Trung Quốc và cả trên thế giới để mừng năm mới âm lịch.

Tới ngày thứ 7, là ngày 20 tháng Giêng, Đại Đế Tập Cận Bình mới cảnh báo công chúng; và 3 ngày sau, ngày 23 tháng Giêng mới cô lập tỉnh Hồ Bắc. Nhưng vào thời điểm đó, hơn 3,000 người đã bị nhiễm bệnh trong gần một tuần im lặng.

Associated Press đã đưa ra báo cáo trên từ các tư liệu của họ, và các ước tính của những chuyên gia dịch tể học đã nghiên cứu các dữ liệu hồi cứu về tình trạng nhiễm trùng.

Sự chậm trễ, từ ngày 14 tháng Giêng đến ngày 20 tháng Giêng, không phải là sai lầm đầu tiên của các quan chức Trung Quốc ở tất cả các cấp trong việc đối phó với dịch bệnh, cũng không phải là sự chậm trễ lâu nhất, vì thực ra các chính phủ trên thế giới đã thúc bách họ trong nhiều tuần và thậm chí nhiều tháng phải giải quyết mầm mống dịch bệnh này.

Điều đáng nói là sự chậm trễ của quốc gia đầu tiên đối mặt với coronavirus đã xảy vào thời điểm quan trọng – là lúc khởi đầu của đợt bùng phát. Trung Quốc đã cố gắng đi dây tử thần giữa việc cảnh báo công chúng và việc cố tình bưng bít để tránh hoảng loạn. Điều đó đã tạo tiền đề cho một đại dịch toàn cầu, đến nay đã lây nhiễm gần 2 triệu người và cướp đi hơn 126,000 sinh mạng.

Trương Tá Phong (Zuo-Feng Zhang- 张左峰), một nhà dịch tễ học tại Đại học California, Los Angeles cho biết, trách nhiệm của Trung Quốc đối với đại dịch này thật nghiêm trọng. “Nếu họ hành động sớm hơn sáu ngày, sẽ có ít bệnh nhân hơn và các cơ sở y tế sẽ đủ sức đối phó. Sự sụp đổ của hệ thống y tế Vũ Hán đã có thể tránh khỏi.”

Các tư liệu của AP nhấn mạnh rằng “Sự chậm trễ sáu ngày của bọn cầm quyền Bắc Kinh đã diễn ra sau hai tuần, mà trong thời gian đó Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh quốc gia đã không ghi nhận bất kỳ trường hợp nào từ các quan chức địa phương. Bất kể là, trong thời gian đó, tức là từ ngày 5 tháng Giêng đến ngày 17 tháng Giêng, ít nhất hàng trăm bệnh nhân coronavirus đã xuất hiện trong các bệnh viện không chỉ ở Vũ Hán mà trên cả nước.”

AP không chắc chắn liệu các quan chức địa phương đã không báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh; hoặc là các quan chức ở cấp quốc gia đã cố tình che dấu.

Nhưng điều rõ ràng là trong hệ thống kiểm duyệt thông tin gắt gao của Trung Quốc, các quan chức ở mọi cấp đã chặn đứng, hay ít nhất là chần chừ, suy tính, rồi mới miễn cưỡng gửi các tin xấu lên thượng cấp, khiến không thể nào có thể cảnh báo sớm được. Hình phạt dành cho tám bác sĩ bị cáo buộc phao tin đồn nhảm nhí, được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia vào ngày 2 tháng Giêng, đã gửi một thông điệp lạnh lùng đầy hăm dọa lên giới y khoa và toàn thể cán bộ các cấp.

Tài liệu của AP cho rằng cho dù bỏ qua thuyết âm mưu, chỉ riêng việc bóp nghẹt thông tin trong những ngày đầu dịch bệnh của bọn cầm quyền Trung Quốc đã khiến chế độ cộng sản này phải chịu trách nhiệm đối với cái chết của hơn 120,000 người và tình cảnh mất công ăn việc làm của hàng trăm triệu người trên thế giới, cộng với hơn hai triệu người nhiễm bệnh.

Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận việc bóp nghẹt thông tin trong những ngày đầu, nói rằng họ đã ngay lập tức báo cáo sự bùng phát cho Tổ chức Y tế Thế giới.

Phản ứng trước báo cáo của AP, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian - 赵丽坚) cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư rằng những cáo buộc về sự che đậy hoặc thiếu minh bạch ở Trung Quốc là không có cơ sở.

Trung thành với Chúa là ngợi ca lòng trung tín của Người

Lúc 7 sáng thứ Tư 15 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho những người cao niên, đặc biệt là những ai đang sống cơ đơn hay trong các viện dưỡng lão.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho những người cao niên, đặc biệt là những người bị cô lập hoặc đang sống trong các viện dưỡng lão. Họ sợ, sợ chết một mình. Họ cảm thấy đại dịch này là một hiểm họa đối với họ. Họ là nguồn gốc của chúng ta, là lịch sử của chúng ta. Họ đã truyền lại cho chúng ta đức tin, truyền thống, và cảm giác thuộc về một quê hương. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, cầu xin cho Chúa ở với họ vào thời khắc này.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày lòng trung tín của Thiên Chúa và phản ứng của chúng ta.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Hôm qua chúng ta đã suy tư về Maria Mácđalêna như một biểu tượng của lòng trung thành với Chúa. Nhưng trung thành với Chúa có nghĩa là gì? Lòng trung thành của chúng ta với Chúa không gì khác hơn là một đáp trả đối với sự trung tín của Ngài.

Thiên Chúa là Đấng trung tín với mọi lời Người phán ra. Ngài trung thành với lời hứa của mình. Chúa đồng hành với dân Người, thực hiện giao ước với dân Người và gần gũi họ. Chúng ta liên tục cảm nghiệm Thiên Chúa là Cứu Chúa chúng ta, vì Chúa là Đấng trung tín với giao ước của Người.

Trong Bài đọc đầu tiên, trích từ Sách Tông Đồ Công Vụ, một người đàn ông bị què từ khi mới sinh đã được Thánh Phêrô và Thánh Gioan chữa lành nhân danh Chúa Giêsu. Đây là một ví dụ về lòng trung tín của Thiên Chúa, Đấng có khả năng tái tạo mọi thứ. Lòng trung tín của Ngài đối với chúng ta là một sự tái tạo tuyệt vời hơn cả sáng tạo.

Là mục tử tốt lành, Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi trong việc tìm kiếm con chiên lạc. Ngài làm như vậy “vì tình yêu, và vì lòng trung tín”; và làm cách nhưng không, vô điều kiện. Thiên Chúa giống như một người cha không bao giờ mệt mỏi khi chờ đợi đứa con trai hoang đàng trở về nhà - và là người đãi tiệc khi anh ta trở về. “Lòng trung tín của Thiên Chúa là một bữa tiệc, một bữa tiệc nhưng không, một bữa tiệc cho tất cả chúng ta.”

Chính lòng trung tín của Thiên Chúa đã khiến Người tìm kiếm Phêrô, là người đã từ chối Chúa Giêsu trong Cuộc Khổ Nạn của Ngài. Mặc dù chúng ta không biết Chúa đã nói gì với Phêrô khi Ngài xuất hiện lần đầu tiên sau khi sống lại từ trong kẻ chết, nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng chính lòng trung tín của Chúa đã khiến Người tìm kiếm Phêrô.

Như trong trường hợp của Phêrô, lòng trung tín của Thiên Chúa luôn đi trước lòng trung thành của chúng ta; và lòng trung thành của chúng ta luôn là sự đáp lại sự trung tín đã đi trước ấy.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói “trung thành nghĩa là ngợi ca lòng trung tín của Thiên Chúa. Đó là một đáp trả với sự trung tín này.”