Lúc 6 giờ chiều thứ Sáu 27 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện trước một Quảng trường trống không như ngài đã giải thích khi tuyên bố ý định này vào hôm Chúa Nhật 22 tháng Ba, và ngài đã nhắc lại hôm thứ Tư 25 tháng Ba vừa qua.

Buổi cầu nguyện gồm việc lắng nghe Lời Chúa, dâng lời cầu nguyện lên Chúa, thờ lạy Thánh Thể, và ban phép lành Urbi et Orbi, kèm với một Ơn Toàn xá.

Phần I: Lắng nghe Lời Chúa

Đức Thánh Cha: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Amen.

Chúng ta hãy cầu nguyện.

Lạy Thiên Chúa toàn năng và giàu lòng thương xót, xin hãy nhìn đến tình trạng đau đớn của chúng con. Xin an ủi con cái Chúa và mở rộng tâm hồn chúng con ra với hy vọng, bởi vì chúng con cảm thấy sự hiện diện phụ tử của Chúa giữa chúng con. Vì Chúa Kitô, Chúa chúng con


Amen.

Bài Trích Tin Mừng theo thánh Máccô (Mc 4:35-41)

Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?

Bài giảng của Đức Thánh Cha

“Khi chiều đến” (Mc 4:35). Đoạn Tin Mừng chúng ta đã nghe được bắt đầu như thế. Từ nhiều tuần nay, dường như chiều đã buông xuống. Bóng tối dầy đặc chụp xuống trên các quảng trường, các đường phố và thành phố của chúng ta; chúng chụp xuống cuộc sống chúng ta, lấp đầy mọi thứ với một sự im lặng điếng người và một sự trống rỗng thê thảm, nó làm tê liệt mọi thứ khi nó đi qua: chúng ta cảm thấy điều này trong không khí, chúng ta nhận thấy nó qua các cử chỉ, qua những cái nhìn của mọi người. Chúng ta lo lắng và mất phương hướng. Như các môn đệ trong bài Tin Mừng, chúng ta bị ngỡ ngàng trước một trận bão bất ngờ và hung bạo. Chúng ta nhận thấy mình đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả đều mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời điều quan trọng và cần thiết là tất cả được kêu gọi cùng chèo chống với nhau, mỗi người đều cần an ủi người khác. Tất cả chúng ta đều ở trên con thuyền ấy. Như những môn đệ trong bài Tin Mừng đồng thanh kêu lên trong âu lo: “Chúng ta chết mất” (v.38), chúng ta cũng nhận thấy mình không thể tiến bước nếu mỗi người chỉ lo cho mình, nhưng phải cùng nhau.

Thật là dễ nhận ra hình ảnh của chính chúng ta trong trình thuật này. Điều khó khăn hơn là làm sao hiểu được thái độ của Chúa Giêsu. Khi các môn đệ đương nhiên hốt hoảng và tuyệt vọng, thì Chúa đang nằm ở cuối thuyền, là phần sẽ bị chìm trước tiên. Và Ngài làm gì? Bất chấp những giao động, hối hả, Ngài vẫn say ngủ, tín thác nơi Chúa Cha - đó là lần duy nhất trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu ngủ. Khi Ngài bị đánh thức dậy, Chúa cho gió yên biển lặng, rồi nói với các môn đệ với giọng khiển trách: “Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” (v.40).

Chúng ta hãy cố hiểu điều này. Điều gì bao gồm trong sự hèn tin của các môn đệ, là một thái độ trái ngược với sự tín thác của Chúa Giêsu? Các môn đệ không ngừng tin nơi Chúa, và thực sự họ kêu cầu Ngài. Nhưng chúng ta hãy xem cách thức các môn đệ cầu khẩn Ngài: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (v. 38). “Thầy chẳng lo gì”: họ nghĩ rằng Chúa Giêsu không đoái hoài gì đến họ, không chăm sóc cho họ. Một trong những điều làm chúng ta và các gia đình đau lòng nhất là câu: “chẳng lo gì sao?”. Đó là một câu làm thương tổn và khơi dậy bão tố trong tâm hồn. Câu ấy cũng làm Chúa Giêsu tổn thương. Vì Ngài quan tâm đến chúng ta hơn bất cứ ai. Thực vậy, sau khi các môn đệ kêu cầu, Chúa đã cứu các ngài khỏi sự ngã lòng.

Bão tố phơi bày tính dễ bị thương tổn của chúng ta và vạch trần những định tín giả tạo và hời hợt trên đó chúng ta đã xây dựng những dự định, những dự án, các tập quán và ưu tiên của chúng ta. Nó cho thấy chúng ta đã khờ khạo và mù mờ trước những điều căn cơ nuôi dưỡng, nâng đỡ và ban sức mạnh cho cuộc sống và cộng đoàn của chúng ta. Bão tố để lộ tất cả những ý tưởng định kiến và sự lãng quên những gì nuôi dưỡng linh hồn con người; nó làm lộ ra tất cả những toan tính gây mê chúng ta bằng những nếp nghĩ và cách hành xử được cho là “cứu” chúng ta, nhưng thực ra lại cho thấy không có khả năng quy chiếu đến những căn cội và giữ cho sống động ký ức của những người đi trước chúng ta, và vì thế đánh mất các kháng thể cần thiết để đương đầu với nghịch cảnh.

Trận bão này cũng đánh trôi cái mã bề ngoài của những định kiến chúng ta dùng để ngụy trang “cái tôi” của mình, luôn lo lắng về hình ảnh của mình; và một lần nữa, chúng ta khám phá thấy điều tốt lành là chúng ta cùng thuộc về nhau, cùng là anh chị em của nhau.

“Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” Lạy Chúa, Lời Chúa chiều tối hôm nay đánh động chúng con và có liên hệ đến tất cả chúng con. Trong thế giới mà Chúa yêu thương nhiều hơn cả chúng con yêu, chúng con lao đi rất nhanh, cảm thấy thật mạnh mẽ như thể có khả năng làm mọi sự. Ham hố lợi lộc, chúng con để cho mình bị vật chất thu hút và bị cuốn trôi trong sự vội vã. Chúng con không dừng lại trước những lời nhắc nhở của Chúa, không thức tỉnh trước những cuộc chiến và bất công trên thế giới, chúng con đã không lắng nghe tiếng kêu của những người nghèo và của trái đất đang đau yếu của chúng con. Chúng con cứ tiếp tục lao nhanh bất chấp mọi thứ, nghĩ rằng mình sẽ luôn khỏe mạnh trong một thế giới bệnh hoạn. Giờ đây, khi chúng con đang ở giữa một vùng biển động, chúng con khẩn cầu Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy thức dậy!”

“Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” Lạy Chúa, Chúa đang kêu gọi chúng con, một lời kêu gọi hãy có đức tin. Không phải chỉ tin Chúa hiện hữu cho bằng hãy đến cùng Chúa và tín thác nơi Chúa. Lời kêu gọi cấp thiết của Chúa còn vang dội mạnh mẽ hơn trong Mùa Chay này: “Hãy hoán cải”, “hãy hết lòng trở về cùng Ta” (Gl 2,13). Chúa gọi chúng con nắm lấy thời điểm thử thách này như một thời khắc chọn lựa. Đây không phải là thời điểm phán xét của Chúa, nhưng là lúc chúng con phải phân định: đó là thời điểm chọn lựa điều gì là đáng kể và điều gì là chóng qua, một thời để tách biệt điều cần thiết ra khỏi điều không cần. Đây là lúc điều chỉnh lại hành trình cuộc sống của chúng con hướng về Chúa và hướng về tha nhân. Chúng con có thể nhìn thấy bao nhiêu bạn đồng hành gương mẫu, là những người trong sợ hãi, đã phản ứng bằng cách hiến mạng sống mình. Đó là sức mạnh tác động được Thánh Linh đổ xuống và nhào nặn thành những sự hy sinh quên mình can đảm và quảng đại.

Đó là sự sống trong Thánh Linh có khả năng cứu vớt, đánh giá và biểu lộ cách thức cuộc sống của chúng ta được hình thành và nâng đỡ nhờ những người bình thường - thường khi bị quên lãng - không được nêu trong các tít lớn của các tờ báo hay tạp chí, hay trong những chương trình biểu diễn mới nhất, nhưng chắc chắn là trong những ngày này họ đang viết lên những biến cố quan trọng trong lịch sử chúng ta. Các bác sĩ, y tá, các nhân viên trong siêu thị, các nhân viên vệ sinh, những người chăm sóc, những người cung cấp các dịch vụ giao thông, các nhân viên công lực, những người thiện nguyện, các linh mục, nam nữ tu sĩ và cơ man những người khác là những người hiểu rằng không ai có thể giải thoát chỉ một mình. Đứng trước biết bao đau khổ, qua đó mức độ phát triển đích thực của các dân tộc chúng ta được đánh giá, chúng ta khám phá và cảm nghiệm lời cầu nguyện tư tế của Chúa Giêsu: “Ước gì tất cả họ được nên một” (Ga 17:21). Biết bao người hằng ngày thực hành kiên nhẫn và trao ban hy vọng, chú tâm không gieo rắc kinh hoàng nhưng cổ vũ cho tinh thần đồng trách nhiệm. Bao nhiêu người cha, người mẹ, ông bà, và thầy cô giáo, chỉ cho các trẻ em của chúng ta, qua những cử chỉ nhỏ bé thường nhật, cách thức đương đầu và vượt thắng một cuộc khủng hoảng, bằng cách điều chỉnh các thói quen, ngước mắt lên cao và dưỡng nuôi lời cầu nguyện. Biết bao người cầu nguyện, trao ban và chuyển cầu cho thiện ích chung của tất cả mọi người. Cầu nguyện và phục vụ âm thầm: đó là những khí giới chiến thắng của chúng ta.

“Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” Đức tin bắt đầu khi chúng ta biết mình cần đến ơn cứu độ. Chúng ta không tự mãn, chỉ một mình chúng ta sẽ chìm nghỉm; chúng ta cần Chúa như những người hải hành xưa cần đến những vì sao. Chúng ta hãy mời Chúa Giêsu bước lên những con thuyền cuộc sống của chúng ta. Hãy phó dâng cho Chúa những lo sợ của chúng ta để Ngài khuất phục chúng. Như những môn đệ chúng ta sẽ cảm nghiệm thấy rằng có Chúa ở trên thuyền, con thuyền sẽ không bị đắm. Vì đây là sức mạnh của Thiên Chúa: Ngài biến tất cả những gì xảy ra cho chúng ta, ngay cả những điều bất hạnh, thành những điều tốt lành cho chúng ta. Ngài mang lại sự thanh thản ngay giữa những bão tố của chúng ta, vì với Thiên Chúa, sự sống sẽ không bao giờ chết.

Giữa bão tố của chúng ta, Chúa hỏi chúng ta, và mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và thực hành tình liên đới và hy vọng có khả năng mang lại sức mạnh, sự nâng đỡ và ý nghĩa cho những giờ phút này, trong đó tất cả dường như bị chìm. Chúa thức dậy để đánh thức và hồi sinh niềm tin [vào mầu nhiệm] Phục sinh của chúng ta. Chúng ta có một chiếc neo: đó là qua thập giá của Ngài chúng ta được cứu độ. Chúng ta có một hoa tiêu: đó là qua thập giá của Ngài chúng ta được cứu chuộc. Chúng ta có một hy vọng: đó là qua thập giá của Chúa, chúng ta được chữa lành và ôm ấp để không có gì và không một ai có thể tách biệt chúng ta ra khỏi tình yêu cứu độ của Chúa. Giữa tình trạng cô lập, trong đó chúng ta đang phải chịu đựng sự thiếu vắng tình cảm trìu mến và những cuộc gặp gỡ, chịu đựng bao nhiêu mất mát, chúng ta hãy để mình một lần nữa lắng nghe lời loan báo cứu độ chúng ta: Chúa đã sống lại và Ngài sống cạnh chúng ta. Chúa kêu gọi chúng ta, từ trên thập giá của Ngài, hãy tái khám phá cuộc sống đang chờ đợi chúng ta, và hãy nhìn đến những người đang trông đợi nơi chúng ta, để củng cố, nhìn nhận và nuôi dưỡng ơn thánh đang sống trong chúng ta. Đừng dập tắt tim đèn còn ngún khói (x Is 42:3) không bao giờ tàn lụi, và hãy để cho niềm hy vọng được thắp lên.

Đón nhận thập giá Chúa có nghĩa là tìm lại can đảm để đón nhận tất cả các gian truân của thời điểm hiện nay, tạm bỏ sang một bên ước muốn quyền lực và của cải, để nhường chỗ cho tinh thần sáng tạo mà chỉ có Thánh Linh mới có khả năng khơi dậy. Điều này có nghĩa là tìm kiếm can đảm để mở ra những không gian trong đó tất cả mọi người đều thể cảm thấy được mời gọi và thực hiện những hình thức mới của lòng hiếu khách, tình huynh đệ và tình liên đới. Qua thập giá Chúa, chúng ta được cứu thoát để đón nhận hy vọng và để cho niềm hy vọng ấy củng cố và nâng đỡ tất cả các biện pháp và những con đường có thể giúp chúng ta bảo vệ chính mình và những người khác. Đón nhận Chúa để đón nhận hy vọng: đó là sức mạnh của đức tin, là điều giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi và mang đến hy vọng cho chúng ta.

“Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?”

Anh chị em thân mến, từ nơi này, là nơi nhắc nhớ đức tin kiên vững của thánh Phêrô, tối hôm nay tôi muốn phó thác tất cả anh chị em cho Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ là Sức khỏe của mọi người, là Sao biển giữa bão tố. Từ những hàng cột đang ôm lấy Rôma và thế giới này, xin phúc lành của Thiên Chúa tuôn đổ trên anh chị em như một vòng tay an ủi. Lạy Chúa, xin Chúa chúc lành cho thế giới, xin ban sức khỏe cho thân xác và an ủi tâm hồn chúng con. Chúa bảo chúng con đừng sợ hãi. Nhưng niềm tin của chúng con yếu ớt, và chúng con nhát đảm. Nhưng lạy Chúa, Chúa không bỏ mặc chúng con trong bão tố. Xin Chúa lặp lại lần nữa: “Các con đừng sợ” (Mt 28:5). Và cùng với thánh Phêrô, “mọi âu lo, xin trút cả cho Người, vì Người chăm sóc chúng con” (x 1 Pr 5:7).

Phần II: Chầu Mình Thánh Chúa

Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Chúa
Chúa là Thiên Chúa đích thực và con người thật, hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể này
Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Chúa
Chúa là Cứu Chúa của chúng ta, là Thiên Chúa ở cùng chúng con, trung tín và giàu lòng thương xót
Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Chúa
Chúa là Vua và là Chủ tể của sáng tạo và lịch sử
Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Chúa
Chúa là Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết
Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Chúa
Chúa là bạn của con người, Đấng đã sống lại và ngự bên hữu Chúa Cha
Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Chúa

Lạy Chúa, chúng con tin tưởng vào Chúa
Chúa là con một Chúa Cha, xuống thế làm người để cứu cuộc chúng con
Lạy Chúa, chúng con tin tưởng vào Chúa
Chúa là thầy thuốc từ trời, là Đấng cúi xuống trước cảnh khốn cùng của chúng con
Lạy Chúa, chúng con tin tưởng vào Chúa
Chúa là Con chiên bị sát tế, hiến tế để cứu chúng ta khỏi tội lỗi
Lạy Chúa, chúng con tin tưởng vào Chúa
Chúa là Mục tử nhân lành, là Đấng hiến mạng sống mình cho đàn chiên mà Chúa yêu thương
Lạy Chúa, chúng con tin tưởng vào Chúa
Chúa là lương thực hằng sống và phương dược bất tử, mang đến cho chúng con sự sống vĩnh cửu
Lạy Chúa, chúng con tin tưởng vào Chúa

Xin giải thoát chúng con, Chúa ơi
Khỏi sức mạnh của Satan và sự quyến rũ của thế gian
Xin giải thoát chúng con, Chúa ơi
Khỏi niềm tự hào và tự phụ có thể làm mọi sự không cần đến Chúa
Xin giải thoát chúng con, Chúa ơi
Khỏi sự lừa dối của nỗi sợ hãi và nỗi thống khổ
Xin giải thoát chúng con, Chúa ơi
Khỏi sự bất tín và tuyệt vọng
Xin giải thoát chúng con, Chúa ơi
Khỏi sự chai đá trong tâm hồn, không có khả năng yêu thương
Xin giải thoát chúng con, Chúa ơi

Xin cứu chúng con, Chúa ơi
Khỏi tất cả những sự dữ đang ảnh hưởng đến nhân loại
Xin cứu chúng con, Chúa ơi
Khỏi đói kém và ích kỷ
Xin cứu chúng con, Chúa ơi
Khỏi bệnh tật, dịch bệnh và nỗi sợ hãi
Xin cứu chúng con, Chúa ơi
Khỏi sự điên cuồng tàn phá, khỏi những ham hố tàn bạo
Xin cứu chúng con, Chúa ơi
Khỏi sự lừa dối, từ những thông tin xấu đến sự thao túng lương tâm
Xin cứu chúng con, Chúa ơi

Xin an ủi chúng con, Chúa ơi
Xin nhìn đến Giáo Hội Chúa, đang băng qua sa mạc
Xin an ủi chúng con, Chúa ơi
Xin nhìn đến nhân loại, đang kinh hoàng và sợ hãi
Xin an ủi chúng con, Chúa ơi
Xin nhìn đến các bệnh nhân, những người chết, và những ai đang bị bủa vây trong cô đơn
Xin an ủi chúng con, Chúa ơi
Xin nhìn đến các bác sĩ và các chuyên gia y tế, kiệt sức vì mệt mỏi
Xin an ủi chúng con, Chúa ơi
Xin nhìn đến các chính trị gia và các nhà cầm quyền, là những người đang chịu những gánh nặng trước các quyết định phải lựa chọn
Xin an ủi chúng con, Chúa ơi

Xin ban cho chúng con Thánh Thần Chúa, lạy Chúa
Trong giờ thử thách và mất mát
Xin ban cho chúng con Thánh Thần Chúa, lạy Chúa
Giữa những cơn cám dỗ và sự yếu đuối của chúng con
Xin ban cho chúng con Thánh Thần Chúa, lạy Chúa
Trong cuộc chiến chống lại cái ác và tội lỗi
Xin ban cho chúng con Thánh Thần Chúa, lạy Chúa
Trong cuộc tìm kiếm sự thiện hảo và niềm vui đích thực
Xin ban cho chúng con Thánh Thần Chúa, lạy Chúa
Trong quyết định ở lại trong Chúa và trong tình yêu mến của Chúa
Xin ban cho chúng con Thánh Thần Chúa, lạy Chúa

Xin mở lòng chúng con ra với niềm cậy trông, Chúa ơi
Khi tội lỗi khống chế chúng con
Xin mở lòng chúng con ra với niềm cậy trông, Chúa ơi
Khi hận thù đóng cửa trái tim chúng con
Xin mở lòng chúng con ra với niềm cậy trông, Chúa ơi
Khi lâm cảnh bệnh tật
Xin mở lòng chúng con ra với niềm cậy trông, Chúa ơi
Khi sự thờ ơ làm chúng con lo lắng
Xin mở lòng chúng con ra với niềm cậy trông, Chúa ơi
Khi cái chết hủy diệt chúng con
Xin mở lòng chúng con ra với niềm cậy trông, Chúa ơi

Phần III: Phép lành Thánh Thể

Đức Thánh Cha: Chúng ta hãy cầu nguyện.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, trong Bí tích Thánh Thể uy linh cao cả này, mà Chúa đã để lại cho chúng con để kính nhớ mầu nhiệm Phục sinh của Chúa, xin cho chúng con biết tôn thờ trong đức tin mầu nhiệm Mình và Máu Thánh Chúa, để chúng con luôn cảm nhận được trong tâm hồn chúng con những ơn ích của ơn cứu chuộc.

Chúa là Đấng hằng sống hằng trị đến muôn đời.


Amen.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Hồng Y đang công bố chủ ý của Đức Thánh Cha muốn ban Phép lành đặc biệt đi kèm với Ơn Toàn Xá này cho tất cả các tín hữu theo dõi qua tất cả các phương tiện truyền thông bằng bất cứ công nghệ nào miễn là họ tuân giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện đã được Tòa Ân Giải Tối Cao loan báo trong sắc lệnh ngày 20 tháng Ba.

Thông thường, để nhận Ơn Toàn Xá chúng ta phải xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, việc xưng tội là gần như không thể thực hiện được trong các vùng nhà cầm quyền áp đặt các hạn chế về đi lại và hội họp, đồng thời vì các thánh lễ đã bị đình chỉ ở nhiều nơi nên việc rước lễ cũng không thể thực hiện được. Vì thế, điều kiện để nhận ơn Toàn Xá trong dịp này là chúng ta phải cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha, từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi, và có ý chí thực hiện các điều kiện thông thường còn lại là xưng tội, và rước lễ, ngay khi có thể làm như vậy.

Trong khi Đức Thánh Cha ban phép lành, những lời nguyện sau được cất lên

Chúc tụng Chúa
Chúc tụng danh Thánh Chúa
Chúc tụng Chúa Giêsu Kitô, là Thiên Chúa thật và người thật.
Chúc tụng danh cực trọng Chúa Giêsu.
Chúc tụng thánh tâm cực trọng Chúa
Chúc tụng Máu cực thánh Chúa.
Chúc tụng Chúa ngự trong Bí tích Thánh Thể trên bàn thờ.
Chúc tụng Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ.
Chúc tụng Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria cực thánh.
Chúc tụng Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Chúc tụng Mẹ Vinh quang Hồn Xác Lên Trời.
Chúc tụng Danh Mẹ, Đức Nữ Đồng Trinh.
Chúc tụng Thánh Giuse, phu quân thanh sạch của Đức Mẹ.
Chúc tụng Chúa nơi các thiên thần và các thánh của Chúa.


Source:Libreria Editrice Vaticana