Tính cho đến chiều Thứ Tư 25 tháng Ba, số người chết vì coronavirus, hay COVID-19 trên toàn thế giới vẫn tiếp tục gia tăng ở mức đáng âu lo với 18,910 người chết, và số người nhiễm bệnh lên đến 423,515 người. Như thế, trong 24 giờ qua, toàn thế giới đã có thêm 2,414 người bị thiệt mạng và 44,774‬ trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.

Số trường hợp tử vong tại Ý vẫn tiếp tục gia tăng một cách đáng âu lo. Tính đến sáng Thứ Tư 25 tháng Ba, số người chết vì coronavirus tại Ý đã lên đến 6,820 người, và 69,176 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Như thế, trong 24 giờ qua, tại Ý đã có thêm 743 người bị thiệt mạng và 5,249 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Cho đến nay, số trường hợp tử vong tại Ý đã hơn gấp đôi số người chết tại Hoa Lục.

Cố nhiên, đây là nói theo các con số chính thức do bọn cầm quyền Bắc Kinh thông báo. Nguồn tin của một linh mục thầm lặng tại Vũ Hán ước lượng con số tử vong tại Vũ Hán không dưới 50,000 người.

Cho đến nay, Bắc Kinh chỉ thừa nhận trên toàn cõi Hoa Lục con số thương vong là 3,281 người chết, và 81,218 trường hợp nhiễm bệnh. Trong số các trường hợp nhiễm bệnh này, Bắc Kinh cho biết đã có 73,650 người đã hoàn toàn khỏi bệnh. Trong cuộc họp báo sáng thứ Tư, bộ Y tế Trung Quốc nói chỉ còn 4,287 người đang nhiễm bệnh, trong đó có 1,399 trường hợp nghiêm trọng phải nằm bệnh viện, số còn lại được cho về nhà, cách ly tại gia.

Sau Trung Quốc và Italia, Hoa Kỳ đang là nước thứ ba trên thế giới về phương diện nhiễm bệnh với 54,916 trường hợp. Số trường hợp tử vong tại Hoa Kỳ đã lên đến 784 người.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, cảnh báo rằng tâm chấn của dịch bệnh đang chuyển từ Ý sang Hoa Kỳ. Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo Thượng viện và chính quyền Trump đã đạt được thỏa thuận vào sáng sớm ngày thứ Tư về gói kích thích trị giá 2 nghìn tỷ đô la để giải cứu nền kinh tế, khi cuộc tranh luận quốc gia nổ ra liên quan đến thời gian và mức độ nghiêm trọng của các hạn chế nhằm ngăn chặn đại dịch.

Thỏa thuận tại Washington đã làm sôi động các thị trường ở châu Á vào hôm thứ Tư, ngăn chặn Trung Quốc thu gom các cổ phiếu đang tụt dốc.

Mặc dù các chuyên gia cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn, tổng thống Trump nói hôm thứ Ba rằng ông muốn nền kinh tế đất nước phải được vực lại vào ngày lễ Phục sinh - 12 tháng Tư – trong khi tiếp tục giải quyết những hậu quả của đại dịch coronavirus. Giải thích về sự lạc quan này, ông Trump nói ông có niềm tin vào Thiên Chúa.

Cho đến nay Pháp đã trở thành quốc gia thứ năm ghi nhận hơn 1,000 trường hợp tử vong do coronavirus.

Nam Hàn, được ca ngợi vì thử nghiệm nhanh chóng và rộng rãi, đang là mô hình được chính quyền Mỹ chú ý. Sáng thứ Tư, tổng thống Văn Tại Dần cho biết chính phủ của ông đã đồng ý gửi thiết bị y tế dự phòng sang cứu nguy cho Hoa Kỳ theo lời yêu cầu của Tổng thống Trump.

Mặc dù các nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng tại Ấn tỏ ý không tán thành, Thủ tướng Narendra Modi của Ấn đã ra lệnh cho khoảng 1.3 tỷ công dân không được ra khỏi nhà trong vòng 21 ngày, bắt đầu từ nửa đêm hôm qua. Trong một thông báo trên trang Web của Hội Đồng Giám Mục Ấn, Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Bombay, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục nước này kêu gọi các linh mục và anh chị em giáo dân chấp hành biện pháp này của ông Modi, đình chỉ các thánh lễ. Anh chị em giáo dân được kêu gọi dự lễ trực tuyến, dành thời gian đọc Kinh Thánh, và cầu nguyện cho đất nước, Giáo Hội và thế giới.

Tại Tây Ban Nha đến nay đã có 42,058 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 2,991 người chết. Trong 24 giờ của ngày thứ Hai, Tây Ban Nha đã phải chứng kiến cái chết của 678 người, là số tử vong trong một ngày cao nhất cho đến nay.

Tại Đức đã có 159 người chết; và 32,991 trường hợp nhiễm bệnh.

Iran cho biết có 1,934 người chết, tăng 122 người trong vòng 24 giờ; và 24,811 trường hợp nhiễm bệnh, tức là chỉ trong 24 giờ đã có thêm 1,762 trường hợp nhiễm bệnh mới được ghi nhận. Tuy nhiên, các con số do chính quyền Iran đưa ra thường bị chính trị hóa và có thể là rất khác so với sự thật.

Tổng giáo phận Sydney là nơi cuối cùng cũng phải đình chỉ các thánh lễ. Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher xác nhận trong Thư Mục Vụ gửi các linh mục của tổng giáo phận chiều 24 tháng Ba. Các tín hữu được chuẩn khỏi tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật trong thời gian này. Thay vào đó, họ “có thể giữ Chúa Nhật bằng cách dành giờ cầu nguyện tại nhà, đọc sách thánh ngày hôm đó, xem thánh lễ trên truyền hình hay trực tuyến”.

Về việc xưng tội, Đức Tổng Giám Mục Fisher cho hay: tín hữu được miễn bổn phận xưng tội mỗi năm ít là một lần, nhưng họ nên xét mình và đọc kinh ăn năn tội. Trong thánh lễ hôm 20 tháng Ba, Đức Thánh Cha khuyên bảo về việc xưng tội trong hoàn cảnh hiện nay như sau:

Tôi biết rằng nhiều anh chị em đi xưng tội trước Lễ Phục Sinh. Nhiều người sẽ nói với tôi: ‘Nhưng Cha ôi, con muốn làm hòa với Chúa lắm nhưng con không thể ra khỏi nhà. Con muốn Ngài ôm chầm lấy con nhưng làm sao con có thể làm được điều đó trừ khi con tìm được một linh mục? Anh chị em hãy làm những gì sách Giáo lý nói. Sách Giáo lý nói rất rõ ràng. Nếu anh chị em không tìm được một linh mục để đi xưng tội, hãy thưa lên với Chúa. Ngài là Cha của anh chị em. Hãy nói với Ngài trong sự thật: Lạy Chúa, con đã làm điều này điều kia. Xin Chúa tha thứ cho con. Hãy cầu xin sự tha thứ của Chúa bằng tất cả trái tim của anh chị em, kết thúc bằng một kinh ăn năn tội và hứa với Ngài, ‘sau này con sẽ đi xưng tội’. Anh chị em sẽ quay về với trạng thái có ân nghĩa với Chúa ngay lập tức. Như sách Giáo lý dạy, anh chị em có thể tự mình đến gần với lòng thương xót Chúa, trong trường hợp không có linh mục.

Tại Hoa Kỳ, theo tờ Chicago Catholic, Đức Hồng Y Cupich yêu cầu các giáo xứ kéo chuông mỗi ngày 5 lần như lời yêu cầu họ nhớ cầu nguyện. Lần đầu tiên sẽ là 9 giờ sáng ngày 21 tháng 3, và tiếp tục sau đó mỗi 3 tiếng đồng hồ, với hồi chuông cuối cùng trong ngày vào lúc 9 giờ đêm. Nơi nào không có chuông nhà thờ, Đức Hồng Y khuyên các gia đình tự lên đồng hồ để báo giờ cầu nguyện.

Tại Ý, Đức Cha Francesco Beschi, Giám Mục Bergamo, nói với mạng truyền hình Ý Rainews24 rằng 6 linh mục tại Trentino trong vùng Lombardy, tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Ý, đã thiệt mạng.

“Rất nhiều các linh mục của chúng tôi đã chấp nhận nguy cơ nhiễm virus để gần gũi với cộng đồng của các ngài. Cái chết của các ngài là một dấu chỉ rõ ràng của sự gần gũi, và chia sẻ trong đau khổ.”

Bergamo, nằm cách Rôma 620km về phía Tây Bắc, với dân số 120,000 người, đã có 3,416 trường hợp nhiễm coronavirus. Ước tính có khoảng 50 người chết mỗi ngày trong thành phố này.

Đức Hồng Y Raymond Burke đã viết một lá thư khuyến khích các linh mục và giám mục hợp tác xây dựng với chính quyền dân sự, trong khi cố gắng đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Công Giáo trong đại dịch coronavirus.

Thừa nhận nỗi buồn và sự sợ hãi mà đại dịch này mang đến, Đức Hồng Y nhận xét rằng “Thông thường, khi chúng ta thấy mình đau khổ và thậm chí phải đối mặt với cái chết, chúng ta thường hỏi: Chúa ở đâu? Nhưng câu hỏi thực sự phải là: chúng ta đang ở đâu?”

“Để chống lại sự lây lan của virut, tất cả chúng ta đang ở trong một kiểu rút lui tâm linh bắt buộc, bị chôn chân trong một không gian giới hạn và không thể bày tỏ tình cảm thông thường với gia đình và bạn bè. Đối với những người bị cách ly, sự cô lập thậm chí còn nghiêm trọng hơn, vì không thể tiếp xúc với bất kỳ ai”.

“Vào những ngày này, tôi đã nghe từ rất nhiều người Công Giáo sùng đạo, những người vô cùng đau buồn và nản lòng khi không thể cầu nguyện và thờ phượng trong nhà thờ và nhà nguyện của họ. Họ hiểu sự cần thiết phải tuân giữ khoảng cách xã hội và tuân theo các biện pháp phòng ngừa khác. Chắc chắn là họ sẽ tuân theo những thực hành thận trọng này, là điều mà họ có thể dễ dàng thực hiện ở các thờ phượng. Nhưng, thường chúng ta đi quá xa đến mức buộc họ phải chấp nhận sự đau khổ sâu sắc khi nhà thờ và nhà nguyện của họ bị đóng cửa hoàn toàn khiến họ không được tiếp cận với Bí tích Hòa giải và Bí tích Thánh Thể.”

Đức Thánh Cha nhận định: Chúng ta đang đứng trước một mầu nhiệm

Lúc 7 sáng thứ Tư 25 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Thiên Thần Truyền Tin cho Đức Mẹ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho các nữ tử Vincent de Paul, đang hiện diện trong thánh lễ. Các chị sẽ lặp lại lời khấn cùng với các nữ tu của Tu Hội Vincent de Paul trên toàn thế giới. Tại Vatican, Tu hội Vincent de Paul phụ trách y tế cho nhà trọ Santa Marta trong 98 năm qua. Ở đó, các sơ cung cấp hỗ trợ y tế cho trẻ em và các gia đình có nhu cầu. Đức Thánh Cha cũng cầu nguyện cho các sơ ở Rôma bị nhiễm coronavirus trong khi liều mình chăm sóc người nghèo và các bệnh nhân.

Như chúng tôi đã loan tin, trong một diễn biến đáng buồn, ít nhất 59 nữ tu trong hai tu viện tại Rôma đã thử nghiệm dương tính với coronavirus.

Theo hãng tin ANSA của Ý, tại Grottaferrata, một vùng ngoại ô của Rome, cộng đồng Các Nữ Tử của Thánh Camillo có 50 nữ tu. Cho đến nay đã có 40 sơ xét nghiệm dương tính với coronavirus, một sơ đã phải vào bệnh viện. Cộng đồng Các Nữ Tử của Thánh Camillo chuyên chăm sóc cho các bệnh nhân.

Các nữ tu Thiên Thần Nhỏ của Thánh Phaolô, có một tu viện ở Rôma, gồm 21 sơ. Đến nay đã có 19 sơ xét nghiệm dương tính với coronavirus.

Mở đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Tôi muốn dâng thánh lễ hôm nay cho các sơ, cho Tu hội của họ, là những người luôn chăm sóc các bệnh nhân và những người nghèo nhất, như họ đã làm ở đây trong 98 năm qua.

Ý cầu nguyện của tôi cũng vươn đến đến tất cả những nữ tu đang làm việc tại thời điểm này, chăm sóc người bệnh và liều mạng sống của các sơ để phục vụ.

Bài giảng của Đức Thánh Cha đã tập trung bài Tin Mừng trong ngày.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.

Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra, sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ họi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt Bà.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta đang đứng trước một mầu nhiệm. Thánh Luca đã biết chuyện gì đã xảy ra để tường thuật cho chúng ta vì chính Đức Mẹ đã kể cho thánh nhân.

Vì thế, khi lắng bài tường thuật của Thánh Luca, chúng ta đang lắng nghe chính Đức Mẹ kể lại mầu nhiệm này. Chúng ta đang ở trước một mầu nhiệm. Có lẽ điều tốt nhất chúng ta có thể làm bây giờ là đọc lại đoạn văn này, và nghĩ rằng chính Đức Mẹ đã kể lại câu chuyện đó.

Đức Thánh Cha sau đó đã lại đọc toàn bộ bài Tin mừng trong ngày một lần nữa.

Lời cuối cùng của ngài trong bài giảng hôm nay là:

“Đó là một mầu nhiệm”.

Trước khi cử hành phụng vụ Thánh Thể, hai nữ tu của Tu Hội Vincent de Paul đã lặp lại lời khấn của các sơ.