Tính cho đến sáng Thứ Hai 23 tháng Ba, số người chết vì coronavirus, hay COVID-19 trên toàn thế giới vẫn tiếp tục gia tăng ở mức kinh hoàng với 14,611 người chết, và số người nhiễm bệnh lên đến 335,403 người. Như thế, chỉ trong 24 giờ đã có thêm 1,594 người thiệt mạng vì coronavirus, và 28,726‬‬ trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận.

Số trường hợp tử vong tại Ý vẫn tiếp tục gia tăng một cách đáng âu lo. Chỉ trong 24 giờ đã có 651 người chết và 5,560 trường hợp nhiễm bệnh mới. Tính đến sáng Thứ Hai 23 tháng Ba, số người chết vì coronavirus tại Ý đã lên đến 5,476 người, và 59,138 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Nếu tình hình cứ tiếp diễn như thế này chỉ trong một tuần nữa số trường hợp nhiễm bệnh tại Ý sẽ cao hơn cả số trường hợp nhiễm bệnh tại Hoa Lục và số trường hợp tử vong tại Ý sẽ gấp đôi con số người chết tại Trung Quốc.

Cho đến nay, Bắc Kinh thừa nhận trên toàn cõi Hoa Lục con số thương vong là 3,261 người chết, và 81,054 trường hợp nhiễm bệnh. Nguồn tin của Giáo Hội địa phương nói với Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, rằng các con số này rất xa so với thực tế đang diễn ra tại Trung Quốc.

Tình hình tại Hoa Kỳ xem ra ngày càng nghiêm trọng. Chỉ trong vòng 24 giờ qua, đã có thêm 8,149 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận. Như thế sau Trung Quốc và Italia, Hoa Kỳ đang là nước thứ ba trên thế giới về phương diện nhiễm bệnh với 32,356 trường hợp. Số trường hợp tử vong tại Hoa Kỳ đã lên đến 414 người, nói cách khác, đã có thêm 112 người chết chỉ trong 24 giờ qua.

Tây Ban Nha đứng thứ tư với 28,603 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 1,756 người chết. Như thế, trong 24 giờ qua số người chết tại Tây Ban Nha là 375 người. Đây là con số thương vong cao nhất trong một ngày cho đến nay.

Tại Đức đã có 94 người chết; và 24,852 trường hợp nhiễm bệnh.

Tiếp theo là Iran với 1,685 người chết, tăng 129 người trong vòng 24 giờ; và 21,638 trường hợp nhiễm bệnh, tức là chỉ trong 24 giờ đã có thêm 1,028 trường hợp nhiễm bệnh mới được ghi nhận.

Trận động đất kinh hoàng tại Croatia

Trong bối cảnh dịch bệnh kinh hoàng, Croatia vừa bị thêm một trận động đất mạnh nhất trong 140 năm qua. Lúc 6g sáng Chúa Nhật theo giờ địa phương, một trận động đất mạnh 5.3 độ đã làm sụp đổ nhiều tòa nhà ở thủ đô Zagreb.

Trận động đất đã làm rung chuyển thành phố, khiến những cư dân hoảng loạn chạy ra đường. Thủ tướng Andrej Plenkovic đã kêu gọi mọi người bình tĩnh và đừng tụ tập bàn tán trong tình trạng dịch bệnh hiện nay.

Thật đau buồn, trận động đất đã làm hư hại một trong hai ngọn tháp của nhà thờ chính tòa Zagreb, một biểu tượng quan trọng của thành phố. Ngôi nhà thờ này được xây từ năm 1207, và đã được trùng tu sau trận động đất vào năm 1880.

Nhiều toà nhà trong thủ đô Zagreb bị đánh sập chôn vùi những chiếc xe hơi đậu bên dưới trong đống đổ nát. Cả một bệnh viện cũng bị hư hại. Quân đội đã được điều động giữ trật tự trong thành phố và dọn dẹp những đống đổ nát.

Phát ngôn viên quốc hội Croatia, Gordan Jandroković, nói rằng tòa nhà quốc hội bị thiệt hại nặng khiến các phiên họp sẽ bị hoãn lại.

Các báo cáo cho biết không ai thiệt mạng, nhưng 17 người bị thương trong đó có một trẻ em 15 tuổi đang trong tình trạng nghiêm trọng.

Đến nay Croatia có 254 trường hợp nhiễm coronavirus được xác nhận và một trường hợp tử vong.

Vai trò các tuyên úy bệnh viện trong hoàn cảnh hiện nay

Trước tình hình đại dịch coronavirus lan rộng khắp nước Mỹ, các tuyên uý Công Giáo tại các bệnh viện là rất cần thiết cho bệnh nhân và các nhân viên y tế. Cha John Anderson, một linh mục ở New York cảnh báo rằng các bệnh viện là tiền tuyến để cứu các linh hồn, cũng như mạng sống của họ.

“Nhiều tín hữu chưa hề gặp gỡ một linh mục, hay bước vào một nhà thờ trong 5, 10, 15 năm thậm chí có thể lâu hơn. Vì vậy, khi chúng tôi đào tạo các linh mục cho thừa tác vụ tuyên úy của bệnh viện, chúng tôi nhấn mạnh đến việc chào đón mọi người trở lại. Và chúng tôi chắc chắn rằng trong cuộc khủng hoảng này điều đó còn cần hơn bao giờ.”

Cha Anderson phụ trách giám sát 25 linh mục phục vụ với tư cách là tuyên uý bệnh viện tại Tổng giáo phận New York, và là phó Giám đốc ArchCare, một hệ thống bác ái của tổng giáo phận phục vụ 9,000 người mỗi ngày trong các cơ sở bao gồm cả viện dưỡng lão, một nhà chăm sóc dài hạn, và một bệnh viện chuyên khoa.

Các chuyên gia y tế tại Hoa Kỳ ca ngợi giải pháp của Nam Hàn. Khi dịch bệnh bùng nổ, họ tiến hành xét nghiệm tất cả các cư dân trong thành phố Daegu và các vùng lân cận, bất kể người ấy có triệu chứng gì hay không, và cách ly ngay những người xét nghiệm dương tính. Vì thế, tỷ lệ tử vong tại Nam Hàn giảm xuống một cách đáng kể. Số trường hợp tử vong bình quân trong một ngày tại Nam Hàn trong một tuần qua chỉ khoảng 4 người.

Giải pháp Nam Hàn khó thực hiện được tại Hoa Kỳ vì dân số đông quá. Trong bối cảnh này, cha Anderson nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng ngài lo ngại “sẽ có một cơn sóng thần các bệnh nhân trong các bệnh viện” trong tháng Tư.

Các giám mục kêu gọi các cử chỉ liên đới cụ thể

Tại Pháp đã có 674 người chết; và 16,018 trường hợp nhiễm bệnh. Các Giám Mục nước này thúc giục các cử chỉ liên đới cụ thể. Trong đoạn video này quý vị và anh chị em có thể thấy người thanh niên này tình nguyện mua thực phẩm cho một người già không dám đến các siêu thị vì sợ lây nhiễm. Anh nói:

“Tôi mua mì ống và cá mòi cho bà ấy để bà ấy tiếp tục có cái mà ăn. Đó là một phụ nữ ở ngang nhà tôi. Bà không dám ra khỏi nhà vì sợ coronavirus.”

Tổng giáo phận Paris có một chương trình phối hợp hành động giúp những người già là những người có nguy cơ tử vong rất cao nếu chẳng may nhiễm coronavirus. Trong đoạn video này, một tình nguyện viên trong chương trình này đi đến các cửa hiệu và dán các quảng cáo tìm các thiện nguyện viên giúp mua hàng ở siêu thị cho những người già.

Trong thánh lễ được truyền hình trực tuyến từ nhà thờ chính tòa Thánh Nicôla của tổng giáo phận Sassari, Đức Tổng Giám Mục Gian Franco Saba cũng kêu gọi anh chị em giáo dân thực hiện các cử chỉ liên đới tương tự. Ngài nói: “Chúng ta không thể để những người già phải xếp hàng trước các siêu thị. Điều đó quá nguy hiểm cho họ”

23% trong tổng số 63 triệu dân Ý là những người già trên 65 tuổi. Nhiều người không sống chung với con cái, và trong hoàn cảnh phong tỏa như hiện nay, họ phải tự lo cho mình trong những ngày này.

Các cử chỉ liên đới cũng được thể hiện qua các hình thức khác nữa. Ca sĩ người Tây Ban Nha Beatriz Berodia, thường được gọi là Betta, ra ngoài ban công mỗi tối để hát giúp vui cho những người hàng xóm đã bị cô lập trong nhà kể từ khi chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Andrea Capalbo, chồng cô, chơi đàn guitar ở ban công bên cạnh. Betta hát một loạt các ca khúc cổ điển để những người yêu âm nhạc lên tinh thần.

Các cử chỉ liên đới không chỉ giới hạn trong một khu phố mà có thể còn đi rất xa. Trong đoạn video này, quý vị và anh chị em co thể thấy các cư dân của một chung cư tại Đức trình bày các ca khúc để thể hiện tình liên đới với những người Ý trong cơn hoạn nạn hiện nay.

Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 22 tháng Ba

Từ Chúa Nhật 15 tháng Ba vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh coronavirus, Đức Thánh Cha đã không chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin từ cửa sổ phòng làm việc của ngài, nhưng từ Thư viện của Dinh Tông tòa Vatican, và được trực tiếp truyền hình.

Trong bài huấn đức trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trọng tâm của phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật thứ IV Mùa Chay là chủ đề ánh sáng. Bài Tin Mừng theo thánh Gioan (9,1-14) thuật lại câu chuyện Chúa chữa cho sáng mắt một người mù từ lúc mới sinh. Dấu chỉ kỳ diệu này là sự xác nhận cho lời khẳng định của Chúa Giêsu, Đấng đã nói về chính Ngài: “Ta là Ánh sáng thế gian” (c. 5), ánh sáng chiếu soi những bóng tối trong chúng ta. Chúa Giêsu thực là như thế. Ngài chiếu rọi ánh sáng ở hai cấp độ thể lý và tâm linh: người mù trước tiên được sáng mắt và sau đó được hướng dẫn đến niềm tin vào “Con Người” (c. 35), nghĩa là tin vào Chúa Giêsu. Những phép lạ Chúa làm không phải là những cử chỉ ngoạn mục, nhưng mục đích của các phép lạ ấy là dẫn đến đức tin thông qua hành trình biến đổi nội tâm.

Nhóm những thầy thông luật có mặt ở đó ngoan cố, không nhìn nhận phép lạ, nhưng đặt ra những câu hỏi hóc búa cho người vừa được chữa lành. Nhưng người ấy quật ngã họ bằng sức mạnh của thực tại: “Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!” (c. 25). Giữa sự ngờ vực và thù địch của những người vây quanh đang vặn hỏi mình, anh đã thực hiện một cuộc hành trình dần dần đưa anh đến chỗ khám phá căn tính của Đấng đã cho mình sáng mắt và tuyên xưng niềm tin vào Ngài. Lúc đầu, anh chỉ xem Ngài là một tiên tri (c.17); nhưng sau đó anh nhận ra Ngài là một Đấng từ Thiên Chúa mà đến (c. 33); cuối cùng anh đón nhận Ngài như Đấng Thiên Sai và sấp mình phủ phục trước mặt Ngài (cc. 36-38). Anh hiểu rằng khi chữa cho anh nhìn thấy, Chúa Giêsu đã “tỏ hiện những công trình của Thiên Chúa” (c. 3).

Cầu mong cho chúng ta cũng có thể có kinh nghiệm này! Với ánh sáng đức tin, người ấy từ chỗ mù loà đã khám phá căn tính đích thực của mình. Giờ đây anh là một “tạo vật mới”, có khả năng nhìn cuộc sống của mình và thế giới xung quanh bằng một ánh sáng mới, bởi vì anh tiến vào tình hiệp thông với Chúa Kitô. Anh không còn là một người ăn xin bị cộng đồng loại ra bên lề; anh không còn là nô lệ cho sự mù quáng và định kiến. Hành trình được chiếu sáng của anh là một ẩn dụ của hành trình giải thoát khỏi tội lỗi mà chúng ta được mời gọi bước đi. Tội lỗi giống như một bức màn đen che mắt chúng ta và ngăn cản chúng ta nhìn rõ bản thân mình và thế giới một cách rõ ràng. Ơn tha thứ của Chúa xua tan bóng tối này và mang lại cho chúng ta ánh sáng mới. Cầu mong cho Mùa Chay mà chúng ta đang sống là một cơ hội và thời gian quý giá để đến gần Chúa, cầu xin lòng thương xót của Ngài, theo những hình thức khác nhau mà Giáo hội Mẹ đề ra cho chúng ta.

Người mù được chữa lành, giờ đây nhìn thấy bằng cả đôi mắt thể lý lẫn tâm hồn, là hình ảnh của mỗi người được rửa tội, nghĩa là được đắm mình trong ân sủng, được kéo ra khỏi bóng tối và được đưa vào trong ánh sáng của đức tin. Nhưng đón nhận ánh sáng thôi chưa đủ đâu, chúng ta còn cần phải trở thành ánh sáng. Mỗi người chúng ta được mời gọi đón nhận ánh sáng thần linh và biểu lộ ánh sáng ấy qua toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Các Kitô hữu đầu tiên, các thần học gia của những thế kỷ đầu, nói rằng cộng đoàn các tín hữu Kitô, nói cách khác là Giáo hội, là “mầu nhiệm mặt trăng”, bởi vì Giáo Hội mang lại sáng nhưng không phải là chính ánh sáng; nhưng là ánh sáng nhận được từ Chúa Kitô. Cả chúng ta cũng là “mầu nhiệm mặt trăng”, nghĩa là chúng ta phải trao ban ánh sáng nhận được từ mặt trời, là Chúa Kitô. Hôm nay thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5,8-9). Hạt giống sự sống mới được gieo nơi chúng ta trong bí tích rửa tội giống như tia lửa, trước hết giúp thanh lọc chúng ta, khi thiêu rụi sự ác trong trái tim chúng ta, và rồi khiến cho chúng ta có thể tỏa sáng và chiếu sáng với ánh sáng của Chúa Kitô.

Xin Đức Maria rất thánh giúp chúng ta bắt chước người mù trong bài Tin Mừng, để chúng ta có thể được bao bọc trong ánh sáng của Chúa Kitô và cùng Ngài bước đi trên con đường cứu độ.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha công bố như sau

Anh chị em thân mến,

Trong những ngày thử thách này, trong khi loài người rúng động vì mối đe dọa đại dịch, tôi muốn đề xuất tất cả các Kitô hữu chúng ta hãy hợp nhất dâng lời nguyện lên Thiên đàng. Tôi mời tất cả những người đứng đầu các Giáo hội và các nhà lãnh đạo của tất cả các Cộng đồng Kitô giáo, cùng với tất cả các Kitô hữu của các hệ phái khác nhau, cùng nhau cầu khẩn Thiên Chúa Chí Tôn, Toàn Năng, cùng đồng thanh đọc lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu, Chúa chúng ta đã dạy. Do đó, tôi mời tất cả mọi người làm như vậy nhiều lần trong ngày, nhưng, tất cả cùng nhau, chúng ta sẽ đọc kinh Lạy Cha vào giữa trưa ngày Thứ Tư 25 tháng 3. Vào ngày mà nhiều Kitô hữu kính nhớ mầu nhiệm Thiên thần Truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria về sự nhập thể của Ngôi Lời. Xin Chúa lắng nghe lời cầu nguyện đồng tâm nhất trí của tất cả các môn đệ của Ngài đang chuẩn bị để mừng chiến thắng của Chúa Kitô Phục sinh.

Với cùng một ý chỉ tương tự, vào ngày thứ Sáu tới, 27 tháng Ba lúc 6g chiều, tôi sẽ chủ sự một khoảnh khắc cầu nguyện trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô, nhìn ra Quảng trường trống rỗng. Từ bây giờ tôi mời gọi tất cả anh chị em tham gia trong tinh thần, thông qua các phương tiện truyền thông. Chúng ta sẽ lắng nghe Lời Chúa, chúng ta sẽ dâng lên lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta sẽ thờ lạy Thánh Thể, cuối cùng tôi sẽ ban phép lành Urbi et Orbi, đi kèm với khả thể nhận được một Ơn Toàn xá

Chúng ta muốn đáp lại đại dịch virus với tính phổ quát của lời cầu nguyện, của lòng cảm thông và sự dịu dàng. Chúng ta vẫn hiệp nhất với nhau. Chúng ta hãy để sự gần gũi của chúng ta được cảm nhận bởi những người cô đơn và chịu thử thách nhất. Sự gần gũi của chúng ta với các bác sĩ, với các nhân viên y tế, nam nữ y tá, và các tình nguyện viên. Sự gần gũi của chúng ta với các nhà chức trách là những người đang phải đưa ra các biện pháp cứng rắn, nhưng vì thiện ích của chúng ta. Sự gần gũi của chúng ta với cảnh sát, với những người lính luôn tìm cách duy trì trật tự trên đường phố, để mọi việc sẽ được thực hiện như chính phủ yêu cầu vì thiện ích của tất cả chúng ta. Sự gần gũi của chúng ta với tất cả mọi người.

Tôi bày tỏ sự gần gũi với người dân Croatia, bị ảnh hưởng sáng nay bởi một trận động đất. Xin Chúa ban cho họ sức mạnh và tình liên đới để đối diện với tai họa này. Và, đừng quên: hôm nay anh chị em hãy lấy sách Phúc Âm ra và đọc một cách thanh thản, chậm rãi chương chín Tin Mừng theo Thánh Gioan. Tôi cũng sẽ làm điều đó. Điều đó sẽ tốt cho tất cả chúng ta

Tôi chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tưởng cũng nên biết thêm, phép lành Urbi et Orbi (Cho thành Rôma và Thế giới) thường chỉ được ban vào ngày lễ Giáng Sinh và Phục sinh sau khi Đức Thánh Cha đọc thông điệp Urbi et Orbi. Phép lành này đi kèm với Ơn Toàn Xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu miễn là họ tuân giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.


Source:Holy See Press Office