Hôm 11 tháng Hai, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên giám mục Hương Cảng đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Quốc Hội Hoa Kỳ trên Đồi Capitol ở Washington, DC. Sau cuộc gặp gỡ đó, Đức Hồng Y đã dành cho Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, một cuộc phỏng vấn, trong đó ngài đã thảo luận về tình hình Giáo hội tại Trung Quốc, thỏa thuận của Tòa Thánh với chế độ cộng sản này, và mối quan hệ của ngài với Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn của Đức Hồng Y với CNA. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

CNA: Thưa Đức Hồng Y, xin Đức Hồng Y cho chúng con biết về tình hình của Giáo hội tại Trung Quốc?

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân: Giáo Hội đang bị đàn áp ở Trung Quốc ngày càng bi đát hơn. Cả Giáo hội chính thức, và Giáo Hội thầm lặng. Trên thực tế, Giáo Hội thầm lặng phải chịu số phận bi đát là biến mất dần. Tại sao? Bởi vì ngay cả Tòa thánh cũng không giúp họ. Các giám mục lớn tuổi đang hấp hối, chỉ còn không đến 30 giám mục trong Giáo hội thầm lặng và không có linh mục mới nào được thụ phong.

Nhưng chúng tôi hy vọng rằng người Công Giáo Trung Quốc có thể giữ vững niềm tin trong gia đình của họ - vì vậy chúng tôi thường nói với họ, ‘anh chị em hãy quay lại các hang toại đạo!’

“Ngay cả trong Giáo Hội chính thức, các tín hữu cũng bị kiểm soát ngày càng chặt chẽ hơn. Trên nóc nhà thờ người ta bảo họ phá hủy cây thánh giá đi, còn bên trong nhà thờ, người ta bắt họ trưng bày hình ảnh của Tập Cận Bình, có lẽ không phải ở giữa gian cung thánh, nhưng ở một nơi trang nghiêm nào đó. Bây giờ họ phải có cờ cộng sản trong nhà thờ, họ phải hát quốc ca.

Những trẻ em dưới 18 tuổi không được phép vào nhà thờ, không được phép tham gia bất kỳ hoạt động tôn giáo nào. Lễ Giáng sinh bị cấm, trong cả nước. Ngay cả Kinh thánh cũng bị dịch lại, theo tư duy chính thống của Cộng sản. Vì thế, bây giờ chúng ta thấy cộng sản ngày càng có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với Giáo hội, và thực sự đang có một lời than van lan rộng trong toàn Giáo hội.

Bây giờ, tôi không dám liên lạc trực tiếp với bất cứ ai ở Trung Quốc - vì quá nguy hiểm cho họ. Nhưng đôi khi người này người khác có thể đến Hương Cảng, để gặp gỡ tôi và khóc với tôi, họ nói ‘chúng ta có thể làm gì đây?’ Tôi nói ‘Tôi còn có thể làm gì cho anh chị em? Tôi không thể làm gì được. Tôi không có tiếng nói ở Vatican, đơn giản là không có.’

CNA: Thưa Đức Hồng Y, ngài đã công khai chống lại mối quan hệ của Tòa Thánh với nhà nước Trung Quốc, điều này có ảnh hưởng đến mối quan hệ của ngài với Đức Thánh Cha Phanxicô không?

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân: Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ tình cảm đặc biệt với tôi. Trong các cuộc phỏng vấn, họ hỏi ngài ‘Đức Thánh Cha nghĩ gì về Hồng Y Trần Nhật Quân?’ và Đức Giáo Hoàng nói ‘Ngài là một người tốt, nhưng có lẽ hơi sợ hãi, vì tuổi tác của ngài’ Bạn muốn hỏi tôi bao nhiêu tuổi à? Tôi đã già, tôi 88 tuổi, nhưng tuổi tác giúp tôi không còn sợ hãi nữa. Bởi vì tôi không còn gì để đạt được, và cũng chẳng còn gì để mất.

Tình hình ở Trung Quốc là rất xấu. Và người gây nên nông nỗi này không phải là Đức Giáo Hoàng. Đức Giáo Hoàng không biết nhiều về Trung Quốc. Và ngài có thể có một số thiện cảm với những người cộng sản, bởi vì ở Nam Mỹ, trong những người cộng sản cũng có những người tốt, những người biết đau khổ trước bất công trong xã hội. Nhưng cộng sản Trung Quốc không phải như thế. Họ là những kẻ bắt bớ dân lành vô tội. Vì vậy, tình hình là, trên phương diện con người mà nói, chẳng có chút hy vọng gì đối với Giáo Hội Công Giáo: Những người cộng sản luôn luôn đàn áp Giáo hội, nhưng bây giờ oái oăm là các tín hữu Công Giáo không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ Vatican. Vatican đang giúp bọn cầm quyền, đầu hàng, trao mọi thứ vào tay chúng.

Vì vậy, chân thành mà nói, tôi không có vấn đề với Đức Giáo Hoàng. Nhưng tôi có vấn đề với Đức Hồng Y Pietro Parolin. Bởi vì những điều tồi tệ này từ ngài mà ra. Từ chính ngài. Đến nay, vẫn như vậy, ngài vẫn rất lạc quan về cái chính sách gọi là ‘Ostpolitik’, tức là chính sách thỏa hiệp. Nhưng bạn không thể thỏa hiệp với họ: vì họ chỉ muốn bạn đầu hàng hoàn toàn - chủ nghĩa cộng sản là như thế.

CNA: Thưa Đức Hồng Y, sau thỏa thuận năm 2018 giữa Tòa thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục, các thành viên của Giáo hội thầm lặng dường như đã chịu những áp lực mới của bọn cầm quyền, ngài có thấy như thế không?

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân: Tôi nghĩ rằng trường hợp rõ ràng nhất liên quan đến một Giám Mục ở Phúc Kiến, là Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm (Guo Xijin - 郭希錦).

Bây giờ, họ hợp pháp hóa cho 7 giám mục bất hợp pháp, là các giám mục ly khai, các giám mục bị vạ tuyệt thông. Nhưng điều đã xảy ra là, ở hai trong số bảy giáo phận đó, cũng có hai Giám Mục thầm lặng được Tòa Thánh bổ nhiệm. Họ là các Giám Mục hợp pháp nhưng Rôma lại yêu cầu họ phải từ chức. Bây giờ cả hai vị chịu bước xuống, rồi thì sao?

Một vị ở Phúc Kiến được hứa hẹn rằng ngài sẽ được công nhận là Giám Mục Phụ Tá, dù bị giáng cấp, nhưng vẫn là giám mục. Thế là ngài chấp nhận. Nhưng sau đó, bọn cầm quyền Trung Quốc nói ‘không, chúng tôi chưa bao giờ công nhận ông là giám mục. Ông phải ký vào tài liệu này.’ Và tài liệu đó nói ‘Tôi đã chấp nhận Giáo hội độc lập.’ Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm nói ‘không, tôi không thể ký vào đó được.’ Thế là ngài chưa được công nhận là giám mục.

Thời gian gần đây, những tin tức từ Hoa Lục cho biết ngài bị đuổi ra khỏi Tòa Giám Mục và phải ngủ đầu đường xó chợ bởi vì họ nói ‘tòa nhà của bạn không an toàn. Nó vi phạm quy định phòng cháy.’

Có người cho rằng có thể có chút cường điệu khi nói ngài phải ngủ đầu đường xó chợ. Nhưng thực ra đó là sự thật, vì chính phủ không cho phép bất cứ ai chứa chấp ngài. Bây giờ trong giáo phận đó, Giáo Hội thầm lặng có đến 80% các linh mục và các tín hữu. Giáo hội chính thức chỉ có một số ít linh mục, và vị Giám Mục, là Giám Mục thực sự, hiện nay thậm chí không được công nhận là Giám Mục Phụ Tá. Kinh khủng thật.

Cho nên, trong thỏa thuận này, Vatican mất tất cả, và chẳng được cái gì. Tôi không thể hiểu tại sao họ lại làm điều đó. Tôi chắc chắn rằng Đức Giáo Hoàng có ý định tốt là giành cho được một không gian, một chút không gian để có thể thở nổi và rồi có thể một ngày nào đó chúng ta có thể có được điều gì đó tốt hơn chăng. Nhưng còn Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, ngài biết rất rõ cộng sản là ai, và không có cách nào để mặc cả với cộng sản, lại đi làm một việc chẳng đem lại được điều gì.

Tôi luôn luôn nói “anh chị em có thể tưởng tượng ra được cái cảnh Thánh Giuse đi thương thuyết với Hêrôđê để cứu hài nhi Giêsu bé bỏng không?” Không đời nào. Bạo chúa ấy chỉ muốn giết Chúa Hài Đồng.


Source:Catholic News Agency