Như đã loan tin, ngày 11 tháng Tư vừa rồi, 28 bậc thang bằng đá hoa cương đã bị sói mòn với thời gian mà truyền thống vẫn cho là Chúa Giêsu từng bước lên để lãnh bản án do Phôngxiô Pilatô tuyên đọc, lúc chịu khổ hình, đã được mở cho tín hữu cùng bước nhân dịp Tuần Thánh 2019, sau một dự án trùng tu.

Kể từ năm 1723, theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Innocent XIII, Scala Sancta (Cầu thang Thánh) được phủ bằng một lớp gỗ để tránh sự mài mòn của đá.

Nhưng nay, cho đến ngày 9 tháng 6, khách hành hương có thể chạm và trèo lên đá cẩm thạch cổ xưa như trước đây 2,000 năm. Truyền thống Kitô giáo cho rằng Cầu thang Thánh được đưa từ Giêrusalem về Rôma bởi Thánh Helena, mẹ của Hoàng đế Constantinô, vào đầu thế kỷ thứ tư; bây giờ nó đang được đặt tại Đền Thánh Scala Sancta, ngay phía bên kia Vương cung thánh đường Thánh Gioan Lateranô một con đường.

Trong buổi lễ mở cửa trở lại hôm thứ Năm, Đức Hồng Y Angelo De Donatis, tổng đại diện của Giáo Phận Rôma, đã làm phép các bậc thang Thánh, cho phép một nhóm tín hữu quỳ xuống và leo lên các bậc thang.

Việc mở lại các bậc thang là đỉnh cao của hơn 20 năm phục hồi toàn bộ cấu trúc, được chính thức gọi là Đền Thánh Cầu Thang Thánh, khởi nguyên do kiến trúc sư Domenico Fontana vào thế kỷ 16 thiết kế xây dựng để chứa các bậc thang thánh thiêng.

Diễn trình phục hồi được bắt đầu bởi Tu hội Các cha Dòng Khổ Nạn (Pssionists), dòng được Đức Giáo Hoàng Piô IX, thế kỷ 19, ủy thác chăm sóc Đền thánh từ một tu viện gần kề. Được tài trợ bởi nhiều nhà tài trợ và nhà hảo tâm, công việc phục hồi lúc đó được giao cho Viện Bảo tàng Vatican.

Sau khi phục hồi nhà nguyện tư ở đầu cầu thang, được biết dưới tên Sancta Sanctorum (Thánh Trên Hết Các Thánh), công việc tập chú vào các bức bích họa xung quanh, trong đó có những câu chuyện từ Cựu Ước và Tân Ước. Được Đức Giáo Hoàng Nicholas III ủy quyền, chúng được vẽ trong thế kỷ 13 và 14. Trong hai năm qua, việc cải tạo được dành riêng cho Cầu thang Thánh.

Khám phá bất ngờ

Trong cuộc họp báo về việc mở Cầu thang đã được phục hồi, trước buổi lễ làm phép ngày 11 tháng 4, Cha Francesco Guerra, Trưởng khu Đền thánh, đã nhắc đến sự ngạc nhiên của những người phục hồi khi tháo bở lớp gỗ.

Ngài nói: “Các bậc thang đã bị xói mòn sâu xa. Có một đường rãnh ở giữa mỗi bậc, ngoại trừ bậc cuối cùng. Sự xói mòn như vậy gây ra theo thời gian bởi vô số người hành hương, khi leo lên bằng đầu gối [theo phong tục tôn kính], đã nện mũi giầy của họ lên bậc phía dưới, lấy nó làm đòn bẩy để bước lên bậc tiếp theo”. Ngài nói thêm “Đây không phải là điều ngạc nhiên duy nhất của chúng tôi. Chúng tôi còn tìm thấy một cây thánh giá bằng đá pocphia (porphyry) màu đỏ được gắn vào bậc thứ hai. Một cây khác đã được tìm thấy ở bậc thứ 11, bậc bị mòn nhiều nhất trong tất cả các bậc và là bậc theo truyền thống, Chúa Giêsu đã ngã xuống, làm vỡ viên đá bằng đầu gối của Người và để lại vệt máu; vệt máu này sau đó được bảo vệ bằng một tấm lưới nhỏ. Một thánh giá bằng đồng thứ ba sau đó đã được tìm thấy ở bậc cuối cùng.

Một lỗ hổng được tạo ra ở tấm lưới của bậc thứ 11, khi các tín hữu đút ngón tay của họ vào đó, cố gắng chạm vào điểm máu thánh thiêng. Bên dưới lớp gỗ, các người phục hồi đã tìm thấy hàng ngàn ghi chú, thư từ, lời xin cầu bầu, tiền xu và hình chụp rơi vào chỗ trống trong ba thế kỷ qua.

Đền Thánh Cầu thang Thánh, được Đức Sixtô V dựng lên từ năm 1588 đến 1590, luôn là nơi cầu nguyện ưu tuyển của các vị giáo hoàng. Là viên chức quản trị khoa học của Viện Bảo tàng Vatican, Guido Corini nhấn mạnh rằng Cầu thang Thánh tượng trưng cho lòng đạo của Rôma.

Ông nói: “Thời trung cổ, người ta từ khắp nơi trên thế giới thường đến Rôma để xem những di tích này. Khi Đức Sixtô V quyết định bảo tồn nó, truyền thống đã đâm rễ sâu rồi. Không những các người leo các bậc thang Thánh cảm thấy đau đớn, họ còn tiếp nhận được một bài giáo lý mạnh mẽ chỉ bằng cách đơn giản nhìn lên”. Ấn tượng này dội lại các suy tư của Cha Guerra về sự quan trọng của một nơi như vậy đối với các tín hữu. Theo ngài, việc có thể chạm vào những bậc cấp chính Chúa Kitô đã leo quả là một cách chạm vào Thiên Chúa và gây tác động sâu sắc cho các người hành hương. Ngài nói: “Leo lên 28 bậc bằng đầu gối, người ta tiếp xúc với nỗi đau thể xác của mình, nhưng cũng cả với nỗi đau tinh thần đang làm họ kiệt sức”.

Dấu hiệu của sự sống, chứ không phải sự chết

Các cha dòng Khổ Nạn, những vị đã điều hành Đền thánh trong 150 năm nay, đã chứng kiến sức mạnh thiêng liêng của Cầu thang Thánh. Được thành lập vào đầu thế kỷ 18 bởi Thánh Phaolô Thánh Giá với sự nhấn mạnh đặc biệt đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô, các tu sĩ Dòng Khổ Nạn sống một cuộc sống gần với lý tưởng đan sĩ, trong việc phục vụ người khác, qua các dịch vụ xã hội, cầu nguyện và truyền giáo ở nước ngoài. Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô vẫn là trung tâm nền giáo lý của các ngài.

Cha Gianvito, người gia nhập Đền thánh ba năm trước đây, nói với tờ Register “Chúng tôi sống nền linh đạo đặc biệt của chúng tôi bằng cách liên tục chấp nhận các đau khổ nhỏ nhặt của cuộc sống hàng ngày, nhưng biết rằng Chúa đã đối diện chúng vì chúng tôi bằng sức mạnh thiêng liêng của con người”. Một ý thức như vậy, theo ý kiến ngài, giúp các Kitô hữu dành những thời gian rất thâm hậu để chia sẻ với Chúa, đặc biệt là trong Mùa Chay, khi họ được mời thực hiện các hành vi sám hối và đến gần Thiên Chúa hơn qua các bí tích.

Cha Dòng Khổ Nạn Ottaviano d’Egidio, cựu bề trên cả của Dòng, nói với tờ Register “Nó mời chúng ta suy niệm. dân Chúa cần có khả năng suy niệm những gì Chúa Giêsu đã trải nghiệm khi tự hiến trong cái chết của Người và sau đó sống lại. Ở bình diện này, các bậc thang thánh không phải là dấu hiệu của sự chết, mà là dấu hiệu của sự sống. Cuộc Khổ Nạn đã diễn ra, nhưng cuộc khổ nạn như vậy dẫn đến sự phục sinh”.

So sánh cầu thang với cây cầu nối giữa cuộc khổ nạn của Chúa Kitô và cuộc khổ nạn của con người trong thời kỳ nhiễu nhương của chúng ta, Cha d’Egidio mời các tín hữu suy nghĩ về thông điệp mà cầu thang cung ức cho họ hôm nay. Ngài nói “leo các bậc thang là nhìn vào Chúa Giêsu [Đấng] tha thứ cho những kẻ bách hại Người trên thập giá. Sự tha thứ của Người là thông điệp mà Thang thánh cung ứng cho chúng ta hôm nay. Nó làm cho chúng ta suy niệm về Chúa Giêsu bị đóng đinh và các thập giá của thế giới đau khổ của chúng ta”.

Scala Sancta và tính bí tích



Sau đây là một chứng từ cảm kích của một người đã leo Cầu Thang Thánh. Đó là chứng từ của Cha Anthony R. Lusvardi, Dòng Tên (https://www.americamagazine.org/faith/2019/03/19/why-i-had-climb-romes-holy-stairs-my-knees-believe-them).

Cha Lusvardi không hẳn tin vào tính lịch sử chân thực của truyền tụng gốc gác Thang Thánh phát xuất từ tòa tổng trấn Phôngxiô Philatô và do đó được Chúa Giêsu leo lên leo xuống để nghe bản án bất công của vị tổng trấn này, cho bằng cuộc gặp gỡ bản thân với Đức Kitô ngay trên các bậc của chiếc cầu thang này.

Cha kể lại trước khi chịu chức phó tế, ngài đến Cầu Tháng Thánh tính leo để đền tội sau khi xưng tội ở Vương Cung Thánh Đường Gioan Lateranô và sau đó đi làm một chầu cappuccino! Khổ một nỗi một bà đầm trước ngài sốt sắng quá cứ qùy lâu tại một bậc không chịu di chuyển, khiến ngài không biết làm gì, đành... cầu nguyện vậy.

Theo phương pháp linh thao (tập dụng thần công) của đấng sáng lập Dòng, Cha Lusvardi bắt đầu “bày ra trong trí khôn” (tưởng tượng) hình ảnh hai bàn chân Chúa Giêsu trên những bậc cầu thang này trước đây 2 thiên niên kỷ: Người cảm nhận ra sao khi lính canh của Phôngxiô Philatô la hét đánh đập Người lúc leo lên leo xuống, máu me đầy mình. Cha còn tưởng tượng mấy đầy tớ tòa tổng trấn vất vả ra sao khi phải lau chùi các dòng máu trên các bậc đá hoa cương. Cha nghĩ đến hành trình sau cùng của Người sau khi bước xuống khỏi Cầu Thang: án đã tuyên, thịt da đã bầy nhầy, mệt mỏi, yếu ớt và đói, sự nhạo báng của đám đông thù nghịch, tất cả đều được Người hình dung hết trước khi hoàn toàn đổ máu trong cái giá lạnh của mùa xuân.

Thế là nước mắt ứa ra, “không phải do những cái rãnh lồi lõm hằn trên phiến gỗ bởi đầu gối khách hành hương. Thực ra, một điều gì đó khó chịu về thể lý đã giúp tôi tập chú vào cái đau lớn hơn nhiều mà Chúa Giêsu đã cảm nhận trên cùng những bậc thang này. Và ngay sau đó, tôi không còn cố gắng tìm cách qua mặt người đàn bà ở đàng trước tôi nữa. Tôi muốn ở lại đó, với Người, dù đầu gối tôi đau nhức...”

Leo Cầu Thang Thánh được ơn đại xá. Theo Cha Lusvardi, đó là chuyện Martin Luther đã thực hiện năm 1510, chỉ để khi leo lên đến đỉnh, thốt ra câu “Ai biết liệu việc này có thật?”. Cha cho rằng Luther đã nhắm đích sai. Theo Cha, Cầu Thang Thánh không thúc đẩy ngài vì một phần thưởng nào đó mà là Đấng ngài nhận ra đã ở với ngài trong cuộc hành trình. “Tôi leo các bậc thang ấy với Chúa cùng với một thiên niên kỷ rưỡi các khách hành hương”.

Từ đó, ngài được dẫn đến ý niệm bí tích. Thánh nữ Helena có thể cho xây một cầu thang y như cầu thang ở tòa tổng trấn Philatô. Không, bà đã lặn lội qua Giêrusalem tìm cho được cầu thang Philatô từng có bàn chân Chúa và khổ công đem Cầu Thang ấy về Rôma. Bà hẳn qúy điều Cha Lusvardi gọi là “sensibility” không hẳn mẫn cảm mà là cảm giác tính, khác với tính ý niệm. Kể chuyện về các tử đạo là điều nên làm, nhưng nó vẫn ở trong thế giới ý niệm, nên không đủ, các Kitô hữu tiên khởi đã đi thu lượm hài cốt các ngài. Họ cần rờ mó, đụng chạm, họ cần những thứ cụ thể, thể lý tính (physicality). Trong một thế giới mà điều gì cũng đang được biến thành thực tại ảo (virtual reality) không còn là thực tại thực chất (real reality) thì Cầu Thang Thánh vẫn còn giá trị. Nói cho cùng hiểu về tình bạn vẫn không thể thay thế việc có được những người bạn. Hành hương đòi ta phải cuốc bộ vì hiện diện ở đấy luôn luôn hơn là chỉ nghĩ mình đang ở đấy.