Cách Xác Định Ngày Lễ Phục Sinh Một Cách Giản Tiện Nhất!
Khi tôi còn ngồi ở ghế Trường Đại học Khoa học Huế, trong một tiết học về môn lịch sử thế giới có liên quan đến đạo Công Giáo, thầy giáo phụ trách môn ấy nói: Các ngày lễ của đạo Công Giáo tôi đều nắm rõ từng ngày lễ, riêng lễ Phục sinh thì tôi chịu thua, năm trước ngày này, năm nay ngày nọ, năm sau lại vào ngày kia, mỗi năm mỗi khác không có ngày cố định như lễ Giáng sinh.Tôi đã giúp thầy ấy cách xác định trước ngày lễ Phục sinh trong những năm sắp đến.
Không riêng gì thầy giáo ấy mà có đại đa số người (kể cả đại đa số tín đồ đạo Công Giáo) không thể xác định trước ngày lễ Phục sinh trong năm tới là vào ngày nào nếu không nắm vững công thức tính toán.
Ngày lễ Phục sinh nhất định phải là ngày Chúa Nhật. Ngày lễ Phục sinh lại phụ thuộc vào ngày lễ Vượt qua của người dân Do Thái. Theo Kinh thánh Tân ước thì Đức Giê su và các Tông đồ ăn mừng lễ Vượt qua vào đêm trước của lễ Vượt qua. Sau đó Đức Giê su đã chịu tử nạn trên cây thập tự vào chiều thứ sáu chính ngày lễ Vượt qua. Các môn đệ đã hạ xác Đức Giê su xuống khỏi cây thập tự và an táng Đức Giê su trong ngôi mộ đá. Đức Giê su đã phục sinh (sống lại) vào ngày thứ nhất trong tuần (Chúa Nhật).
Ngày lễ Vượt qua của người Do Thái được tính theo lịch mặt trăng và ngày lễ bắt đầu vào ngày 14 tháng Nissan, lễ được kéo dài thêm một tuần nữa (Kinh thánh Cựu ước, sách Lê vi, chương 23, câu 4-7). Nissan là tháng đầu của mùa gặt vào mùa xuân, mùa đầu tiên của chu kỳ thời gian trong năm.
Nguồn gốc của lễ Vượt qua: Khi dân Do Thái còn đang bị lưu đày bên nước Ai Cập, thì Thiên Chúa phán bảo cùng Mô sê và Aaron là hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel rằng: “ mùng 10 tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên con, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con chiên, thì phải mời người láng giềng đến nhà cho đủ số người để ăn một con chiên. Chiên đó không có tật gì, phải là chiên đực được một năm tuổi. Có bắt dê cũng phải làm như thế. Vậy phải để dành cho đến ngày 14 tháng này [ Nissan], rồi vào lúc chập tối, toàn thể cộng đồng con cái Israel sẽ giết nó, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Đêm ấy sẽ ăn thịt nướng với bánh không men và rau đắng. Phải ăn như thế này: phải thắt lưng, chân đi dép, tay cầm gậy và ăn vội vã vì đó là ngày Vượt qua của Chúa” (Kinh thánh Cựu ước, sách Xuất hành, chương 12, câu 1-11).
Thứ sáu lễ Vượt qua của người Do Thái được kỷ niệm vào ngày 14 âm lịch. Biến cố Đức Giê su phục sinh (sống lại) xảy ra sau ngày lễ Vượt qua, như vậy phải sau ngày trăng tròn.
Trong mùa xuân gồm các tiết: Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân, Thanh minh, Cốc vũ. Để ấn định ngày lễ Phục sinh của những năm trong tương lai, phải hội tụ đủ 3 yếu tố:
- Lễ Phục sinh phải là ngày Chúa Nhật
- Chúa Nhật Phục sinh phải đứng liền kề sau ngày rằm (trăng tròn)
- Ngày rằm ấy phải đứng liền kề sau tiết Xuân phân (sau tiết Xuân phân là tiết Thanh minh, nhưng không lấy tiết Thanh minh làm mốc thời gian. Bởi vì lễ Phục sinh có năm trước tiết Thanh minh, có năm lại sau tiết Thanh minh).
Tiết Xuân phân là ngày 20 hoặc 21 tháng 3 dương lịch. Như vậy cách tính ngày lễ Phục sinh vừa kết hợp dương lịch và âm lịch.
Tiết Xuân phân năm 2019 là ngày 21 tháng 3, ngày rằm (trăng tròn) sau tiết Xuân phân nhằm ngày 19 tháng 4 và Chúa Nhật liền kề sau rằm là ngày 21 tháng 4. Vậy lễ Phục sinh năm 2019 là Chúa Nhật ngày 21 tháng 4.
Tiết Xuân phân năm 2020 là ngày 20 tháng 3, ngày rằm (trăng tròn) sau tiết Xuân phân là ngày 7 tháng 4 và Chúa Nhật liền kề sau rằm là ngày là ngày 12 tháng 4. Vậy lễ Phục sinh năm 2020 là Chúa Nhật ngày 12 tháng 4.
Sau khi xác định được thời điểm Chúa Nhật Phục sinh, những nhà soạn lịch Phụng vụ Công Giáo mới lấy Chúa Nhật Phục sinh làm cột mốc thời gian tính ngược về trước để ấn định ngày bắt đầu khởi sự Mùa Chay là Thứ Tư Lễ Tro là ngày nào và tính lùi về sau lễ Phục sinh để ấn định lễ Chúa Giê su Thăng thiên và lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống.
Bởi thế ngày Thứ Tư Lễ Tro, Chúa Nhật Lễ Lá, Lễ Chúa Giê su Thăng thiên, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống không có ngày nhất định vì do các ngày lễ ấy phụ thuộc vào lễ Phục sinh.
Chúng ta có trong tay cuốn lịch Vạn niên và theo công thức đã trình bày ở trên, chúng ta có thể tính trước được ngày lễ Phục sinh trong những năm sắp tới một cách dễ dàng.
Nguyễn Văn Nghệ
Giáo xứ Cây Vông – Nha trang
Khi tôi còn ngồi ở ghế Trường Đại học Khoa học Huế, trong một tiết học về môn lịch sử thế giới có liên quan đến đạo Công Giáo, thầy giáo phụ trách môn ấy nói: Các ngày lễ của đạo Công Giáo tôi đều nắm rõ từng ngày lễ, riêng lễ Phục sinh thì tôi chịu thua, năm trước ngày này, năm nay ngày nọ, năm sau lại vào ngày kia, mỗi năm mỗi khác không có ngày cố định như lễ Giáng sinh.Tôi đã giúp thầy ấy cách xác định trước ngày lễ Phục sinh trong những năm sắp đến.
Không riêng gì thầy giáo ấy mà có đại đa số người (kể cả đại đa số tín đồ đạo Công Giáo) không thể xác định trước ngày lễ Phục sinh trong năm tới là vào ngày nào nếu không nắm vững công thức tính toán.
Ngày lễ Phục sinh nhất định phải là ngày Chúa Nhật. Ngày lễ Phục sinh lại phụ thuộc vào ngày lễ Vượt qua của người dân Do Thái. Theo Kinh thánh Tân ước thì Đức Giê su và các Tông đồ ăn mừng lễ Vượt qua vào đêm trước của lễ Vượt qua. Sau đó Đức Giê su đã chịu tử nạn trên cây thập tự vào chiều thứ sáu chính ngày lễ Vượt qua. Các môn đệ đã hạ xác Đức Giê su xuống khỏi cây thập tự và an táng Đức Giê su trong ngôi mộ đá. Đức Giê su đã phục sinh (sống lại) vào ngày thứ nhất trong tuần (Chúa Nhật).
Ngày lễ Vượt qua của người Do Thái được tính theo lịch mặt trăng và ngày lễ bắt đầu vào ngày 14 tháng Nissan, lễ được kéo dài thêm một tuần nữa (Kinh thánh Cựu ước, sách Lê vi, chương 23, câu 4-7). Nissan là tháng đầu của mùa gặt vào mùa xuân, mùa đầu tiên của chu kỳ thời gian trong năm.
Nguồn gốc của lễ Vượt qua: Khi dân Do Thái còn đang bị lưu đày bên nước Ai Cập, thì Thiên Chúa phán bảo cùng Mô sê và Aaron là hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel rằng: “ mùng 10 tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên con, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con chiên, thì phải mời người láng giềng đến nhà cho đủ số người để ăn một con chiên. Chiên đó không có tật gì, phải là chiên đực được một năm tuổi. Có bắt dê cũng phải làm như thế. Vậy phải để dành cho đến ngày 14 tháng này [ Nissan], rồi vào lúc chập tối, toàn thể cộng đồng con cái Israel sẽ giết nó, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Đêm ấy sẽ ăn thịt nướng với bánh không men và rau đắng. Phải ăn như thế này: phải thắt lưng, chân đi dép, tay cầm gậy và ăn vội vã vì đó là ngày Vượt qua của Chúa” (Kinh thánh Cựu ước, sách Xuất hành, chương 12, câu 1-11).
Thứ sáu lễ Vượt qua của người Do Thái được kỷ niệm vào ngày 14 âm lịch. Biến cố Đức Giê su phục sinh (sống lại) xảy ra sau ngày lễ Vượt qua, như vậy phải sau ngày trăng tròn.
Trong mùa xuân gồm các tiết: Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân, Thanh minh, Cốc vũ. Để ấn định ngày lễ Phục sinh của những năm trong tương lai, phải hội tụ đủ 3 yếu tố:
- Lễ Phục sinh phải là ngày Chúa Nhật
- Chúa Nhật Phục sinh phải đứng liền kề sau ngày rằm (trăng tròn)
- Ngày rằm ấy phải đứng liền kề sau tiết Xuân phân (sau tiết Xuân phân là tiết Thanh minh, nhưng không lấy tiết Thanh minh làm mốc thời gian. Bởi vì lễ Phục sinh có năm trước tiết Thanh minh, có năm lại sau tiết Thanh minh).
Tiết Xuân phân là ngày 20 hoặc 21 tháng 3 dương lịch. Như vậy cách tính ngày lễ Phục sinh vừa kết hợp dương lịch và âm lịch.
Tiết Xuân phân năm 2019 là ngày 21 tháng 3, ngày rằm (trăng tròn) sau tiết Xuân phân nhằm ngày 19 tháng 4 và Chúa Nhật liền kề sau rằm là ngày 21 tháng 4. Vậy lễ Phục sinh năm 2019 là Chúa Nhật ngày 21 tháng 4.
Tiết Xuân phân năm 2020 là ngày 20 tháng 3, ngày rằm (trăng tròn) sau tiết Xuân phân là ngày 7 tháng 4 và Chúa Nhật liền kề sau rằm là ngày là ngày 12 tháng 4. Vậy lễ Phục sinh năm 2020 là Chúa Nhật ngày 12 tháng 4.
Sau khi xác định được thời điểm Chúa Nhật Phục sinh, những nhà soạn lịch Phụng vụ Công Giáo mới lấy Chúa Nhật Phục sinh làm cột mốc thời gian tính ngược về trước để ấn định ngày bắt đầu khởi sự Mùa Chay là Thứ Tư Lễ Tro là ngày nào và tính lùi về sau lễ Phục sinh để ấn định lễ Chúa Giê su Thăng thiên và lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống.
Bởi thế ngày Thứ Tư Lễ Tro, Chúa Nhật Lễ Lá, Lễ Chúa Giê su Thăng thiên, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống không có ngày nhất định vì do các ngày lễ ấy phụ thuộc vào lễ Phục sinh.
Chúng ta có trong tay cuốn lịch Vạn niên và theo công thức đã trình bày ở trên, chúng ta có thể tính trước được ngày lễ Phục sinh trong những năm sắp tới một cách dễ dàng.
Nguyễn Văn Nghệ
Giáo xứ Cây Vông – Nha trang