Một trong những câu hỏi nhức nhối đối với người Công Giáo tại Sri Lanka và trên thế giới là phải chăng chính quyền nước này muốn mượn tay bọn khủng bố để “thanh lọc tôn giáo”?

Lyndia Khalil, cố vấn an ninh tình báo của sở cảnh sát New York, nghĩ rằng có lẽ không phải như thế. Trong phần sau, chúng tôi xin giới thiệu bài nhận định của cô nhan đề “Sri Lanka’s Perfect Storm of Failure” – “Cơn bão sai lầm hoàn toàn của Sri Lanka” đăng trên tờ Foreign Policy ngày 23 tháng Tư. Cô viết như sau:

Ít nhất hai tuần trước, các quan chức tình báo từ Ấn Độ và Hoa Kỳ đã cảnh báo các nhà chức trách Sri Lanka về một âm mưu khủng bố tại các nhà thờ và địa điểm du lịch ở nước này. Một tuần sau, Bộ Quốc phòng Sri Lanka cảnh giác Tổng thanh tra cảnh sát về âm mưu này, kèm theo cả một danh sách tên và địa chỉ của các nghi phạm, và một số người trong số họ cuối cùng chính là những kẻ tấn công thực sự. Chẳng có ai làm điều gì cả.

Một bản ghi nhớ chi tiết khác do phó tổng thanh tra cảnh sát gởi đến Phòng An ninh Bộ Nội Vụ, Phòng An ninh Ngoại giao, Phòng An ninh Tư pháp và Bộ phận An ninh của các Tổng thống đã nghỉ hưu cũng đưa ra lời cảnh báo và một danh sách các nghi phạm.

Các quan chức Sri Lanka cũng đã nhận được những cảnh báo trước đó về bọn khủng bố National Thawhith Jama’an từ cộng đồng Hồi giáo Sri Lanka. Phó chủ tịch Hội đồng Hồi giáo Sri Lanka tuyên bố rằng ông đã cảnh báo các quan chức tình báo về nhóm này cách đây ba năm.

Tại sao không ai hành động trước những cảnh báo này? Có lẽ bởi vì chính phủ Sri Lanka vẫn chia rẽ một cách cay đắng, giữa tổng thống và thủ tướng là hai người đang có chiến tranh với nhau.

Người Sri Lanka vẫn còn đang cảm thấy những âm vang của cuộc khủng hoảng hiến pháp năm ngoái.

Vào tối ngày 26 tháng 10 năm 2018, tổng thống Sirisena, trong một động thái bất ngờ, đã sa thải thủ tướng Ranil Wickremeinghe và bổ nhiệm cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa, đối thủ chính trị của mình, làm Thủ tướng sau khi Liên minh Tự do Nhân dân rút khỏi chính phủ thống nhất.

Wickremeinghe từ chối chấp nhận bị sa thải, nói rằng việc sa thải mình là bất hợp pháp và vi hiến. Sirisena đã nhanh chóng thành lập Quốc hội và bổ nhiệm một nội các mới, có hiệu lực tạo ra một chính phủ song song với những gì đang hoạt động tại nước này vào thời điểm đó. Điều này dẫn đến một cuộc khủng hoảng hiến pháp, trong đó các nhà phân tích coi hành động của Sirisena là một cuộc đảo chính.

Cuộc khủng hoảng đã tạo ra những lo ngại đáng kể đối với tình trạng của các thể chế dân chủ trong nước. Karu Jayasuriya, Chủ tịch Quốc hội, từ chối thừa nhận tính hợp pháp của động thái này, nói rằng Thủ tướng Wickramasinghe bị lật đổ vẫn là Thủ tướng hợp pháp.

Vào ngày 13 tháng 12 năm 2018, Tòa án Tối cao đưa ra phán quyết cho rằng các hành động của tổng thống là vi hiến và bất hợp pháp.

Sau phán quyết của tòa án tối cao, Rajapaksa rút lui và Wickremeinghe được tái bổ nhiệm làm Thủ tướng.

Mặc dù cuộc đảo chính chính trị này đã thất bại, sự hục hặc giữa tổng thống và thủ tướng vẫn tiếp tục, và việc kiểm soát các cơ quan an ninh là một chiến trường quan trọng. Trong một môi trường mà thông tin đã trở thành một công cụ chính trị đến mức Sirisena đã đặt các bộ quốc phòng và cảnh sát dưới sự kiểm soát của chính mình và loại trừ thủ tướng khỏi hội đồng an ninh quốc gia, hầu như không đáng ngạc nhiên khi các quan chức cấp thấp không muốn đơn phương hành động mà không có chỉ thị từ bên trên.

Đây là một thất bại kỳ lạ so với lịch sử đất nước này, một đất nước có kinh nghiệm lâu năm với chủ nghĩa khủng bố trong cuộc nội chiến kéo dài suốt gần 26 năm.


Source:Foreign Policy