Trong bối cảnh thời đó, vị Giáo hoàng đã tham chiếu về cơ bản đến sự lan tràn của vũ khí hạt nhân. “Vũ khí, đặc biệt là các loại vũ khí khủng khiếp mà khoa học hiện đại đã cung cấp cho các bạn, khơi gợi những giấc mơ xấu, nuôi dưỡng những tình cảm độc ác, tạo ra những cơn ác mộng, sự thù địch và những quyết tâm đen tối, ngay cả trước khi chúng tạo ra bất kỳ nạn nhân và sự tàn phá nào. Chúng đòi hỏi những chi phí rất lớn. Chúng làm gián đoạn các dự án của tình liên đới và lao động hữu ích. Chúng làm phương hại triển vọng các quốc gia.” [11]
Thật đau đớn khi nhận thấy rằng nhân loại dường như không thể ngăn chặn nạn buôn bán vũ khí, mà trên thực tế quyết tâm đua nhau vũ trang đang lan rộng và phát triển, cả về phía cá nhân lẫn nhà nước. Điều đáng quan tâm đặc biệt là việc giải trừ hạt nhân, thường được kêu gọi và theo đuổi phần nào trong những thập kỷ gần đây hiện đang phải nhường bước cho việc tìm kiếm những thứ vũ khí mới, ngày càng tinh vi và có sức tàn phá kinh hoàng. Ở đây tôi muốn nhắc lại một cách khẳng định rằng, “chúng ta không thể không quan tâm một cách thực sự đến các tác động thảm khốc lên nhân loại và môi trường của việc sử dụng bất kỳ thiết bị hạt nhân nào. Nếu chúng ta cũng tính đến nguy cơ phát nổ vì tai nạn hay do những sai sót dưới bất kỳ hình thức nào, thì mối đe dọa sử dụng cũng như việc thủ đắc các phương tiện hạt nhân phải bị lên án một cách mạnh mẽ. Chúng tồn tại nhằm gây ra một tâm lý sợ hãi không chỉ đối với các phe trong những cuộc xung đột mà còn làm kinh sợ toàn bộ loài người. Quan hệ quốc tế không thể bị khống chế bởi sức mạnh quân sự, việc đe dọa lẫn nhau và việc diễu võ dương oai khoe khoang các kho dự trữ vũ khí. Vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là vũ khí hạt nhân, không tạo ra được điều gì khác hơn là một cảm giác an ninh giả tạo. Chúng không thể tạo thành cơ sở cho sự chung sống hòa bình giữa các thành viên trong gia đình nhân loại, là điều trái lại phải được linh hứng từ ý thức luân lý của tình liên đới.” [12]
Suy nghĩ lại về vận mệnh chung của chúng ta trong bối cảnh hiện tại cũng liên quan đến việc xem xét lại mối quan hệ của chúng ta với hành tinh của mình. Năm nay cũng vậy, những thất vọng và đau khổ mênh mông do mưa lớn, lũ lụt, hỏa hoạn, động đất và hạn hán đã đè nặng lên cư dân của các khu vực khác nhau tại Mỹ Châu và Đông Nam Á. Do đó, trong số các vấn đề khẩn cấp kêu gọi một sự đồng thuận trong cộng đồng quốc tế, chúng ta cần nhắc đến việc chăm sóc cho môi trường và việc biến đổi khí hậu. Về vấn đề này, cũng dưới ánh sáng của sự đồng thuận đạt được tại Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu (COP24) gần đây được tổ chức tại Katowice, tôi bày tỏ hy vọng về một cam kết quyết liệt hơn về phía các quốc gia nhằm tăng cường hợp tác để chống lại hiện tượng đáng lo ngại là sự nóng lên toàn cầu. Trái đất thuộc về tất cả mọi người, và hậu quả của việc khai thác nó ảnh hưởng đến tất cả các dân tộc trên thế giới, cho dù chỉ một số khu vực nhất định cảm thấy những hậu quả đó nghiêm trọng hơn. Một trong số miền như thế là khu vực Amazon, sẽ là trung tâm của Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt sắp tới được tổ chức tại Vatican vào tháng 10 tới đây. Cố nhiên Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ thảo luận chủ yếu về các con đường truyền giáo cho dân Chúa. Tuy nhiên, Thượng Hội Đồng chắc chắn sẽ đề cập đến các vấn đề môi trường trong bối cảnh những hậu quả xã hội của các vấn đề này.
[10] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh về Quan hệ của Giáo Hội với các tôn giáo không Kitô Nostra Aetate (28 Tháng 1965), 3.
[11] x. Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (24/11/2013), 228
[12] Diễn từ trước các tham dự viên Hội thảo quốc tế về giải trừ quân bị dưới sự bảo trợ của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện, ngày 10 tháng 11 năm 2017.