Hôm thứ Hai 7 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ thường niên với ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Trong dịp này, ngài đã đọc một thông điệp quan trọng. Các thông điệp của Đức Thánh Cha trước ngoại giao đoàn luôn được chú ý rộng rãi vì nó phản ảnh nhận định của Tòa Thánh đối với tình hình thế giới hiện nay. Chẳng hạn như thông điệp năm ngoái 2018, năm thế giới kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn Nhân quyền, Đức Thánh Cha đã dùng dịp này để nhắc nhở toàn thế giới về tình trạng vi phạm quyền con người trong thiên niên kỷ thứ ba này, đặc biệt là quyền sống..

Trong diễn từ năm nay Đức Thánh Cha nói:


Thưa quý vị,

Sự khởi đầu của một năm mới cho phép chúng ta ngưng lại tốc độ điên cuồng của các hoạt động hàng ngày trong một vài khoảnh khắc ngõ hầu có thể ôn lại các biến cố trong những tháng vừa qua và suy tư về những thách đố chúng ta phải đối mặt trong tương lai gần. Tôi cảm ơn các bạn vì sự hiện diện đông đảo của bạn tại cuộc họp mặt thường niên này; điều này mang đến một cơ hội chào đón để chúng ta trao đổi những lời chào thân ái và những lời chúc lành với nhau. Thông qua các bạn, tôi muốn gởi đến những dân tộc mà các bạn đại diện sự gần gũi và hy vọng trong lời cầu nguyện của tôi rằng năm mới vừa bắt đầu sẽ mang đến bình an và thịnh vượng cho mỗi thành viên trong gia đình nhân loại.

Tôi rất biết ơn ngài George Poulides, Đại sứ của đảo Sip vì những lời ưu ái dành cho tôi nhân danh các bạn trong lần đầu tiên ngài là Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Đối với mỗi người trong các bạn, tôi muốn bày tỏ sự đánh giá cao về những nỗ lực hàng ngày của các bạn để củng cố mối quan hệ giữa các quốc gia và các tổ chức mà các bạn đại diện với Tòa Thánh, đặc biệt hơn nữa là qua việc ký kết hay phê chuẩn các thỏa hiệp mới.

Tôi đặc biệt nghĩ đến việc phê chuẩn Hiệp Định Khung giữa Tòa Thánh và Cộng Hòa Benin liên quan đến Tình trạng Pháp lý của Giáo Hội Công Giáo tại Benin, và việc ký kết Thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Cộng hòa San Marino liên quan đến việc Giảng dạy niềm tin Công Giáo trong các trường công lập.

Trong lĩnh vực đa phương, Tòa Thánh cũng đã phê chuẩn Công ước khu vực Á châu -Thái Bình Dương của UNESCO về việc công nhận các bằng cấp Đại Học. Tháng 3 năm ngoái, Tòa Thánh đã gắn bó với Thỏa Thuận Mở Rộng Từng Phần Các Tuyến Đường Văn Hóa của Hội đồng Âu châu [cho đến hết năm 2018, đã có 33 tuyến đường văn hóa, đó là các lộ trình du lịch dẫn đến các địa điểm có tính lịch sử, di sản văn hóa tại Âu Châu – chú thích của người dịch]; đó là một sáng kiến cho thấy văn hóa có thể được sử dụng như thế nào để phục vụ hòa bình và là một phương thức thống nhất các xã hội dị biệt tại Âu châu, qua đó thúc đẩy sự hòa hợp giữa các dân tộc. Đây là một điểm son đáng tự hào một cách đặc biệt đối với một tổ chức kỷ niệm bảy mươi năm thành lập vào năm nay. Tòa Thánh cũng đã hợp tác với Hội đồng Âu châu trong nhiều thập kỷ qua, và công nhận vai trò đặc thù của tổ chức này trong việc thúc đẩy nhân quyền, dân chủ và pháp lý trong một khu vực sẽ bao trùm toàn bộ Âu Châu. Cuối cùng, vào ngày 30 tháng 11 vừa qua, quốc gia thành Vatican đã được chấp nhận vào Khu vực Thanh toán Duy nhất bằng đồng Euro (SEPA) [SEPA là sáng kiến cho phép người dân Âu Châu có thể dùng một trương mục ngân hàng duy nhất để chi trả hay nhận tiền Euro từ bất cứ quốc gia nào trong Liên Hiệp Âu Châu – chú thích của người dịch].

Lòng trung tín đối với sứ mệnh thiêng liêng dựa trên lệnh truyền của Chúa Giêsu dành cho Tông Đồ Phêrô “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy” (Ga 21,15), thúc đẩy Giáo hoàng – và kế đó là Tòa Thánh, bày tỏ sự quan tâm đối với toàn thể gia đình nhân loại và nhu cầu của nó, bao gồm cả những nhu cầu về vật chất và trật tự xã hội. Tuy nhiên, Tòa Thánh không có ý định can thiệp vào cuộc sống của các quốc gia; thay vào đó Tòa Thánh tìm cách trở thành một người chăm chú lắng nghe, nhạy cảm với các vấn đề của nhân loại, từ một mong muốn chân thành và khiêm nhường là phục vụ mọi người nam nữ.

Quan tâm ấy có thể thấy được trong cuộc gặp gỡ hôm nay của chúng ta; và linh hứng cho các cuộc gặp gỡ của tôi với những người hành hương đến Vatican từ khắp nơi trên thế giới, cũng như những lần gặp gỡ với các dân tộc và các cộng đồng mà tôi hân hạnh được viếng thăm trong năm qua trong các chuyến tông du đến Chí Lợi, Pêru, Thụy Sĩ, Ái Nhĩ Lan, Lithuania, Latvia và Estonia

Mối quan tâm tương tự cũng đã dẫn dắt Giáo hội ở khắp mọi nơi đến việc hoạt động cho sự phát triển của các xã hội hòa bình và hòa giải. Ở đây, tôi đặc biệt nghĩ đến Nicaragua thân yêu. Tôi hằng chú tâm theo dõi tình hình tại đây trong hy vọng của lời cầu nguyện rằng các nhóm chính trị và xã hội khác nhau có thể tìm thấy trong đối thoại con đường tuyệt vời mang đến phúc lợi cho toàn thể quốc gia.

Đây là bối cảnh cho mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam, với viễn ảnh bổ nhiệm, trong tương lai gần, của một Đại diện Giáo hoàng thường trú, mà sự hiện diện của ngài trên hết sẽ là một dấu chỉ ủi an của Người kế vị Thánh Phêrô cho Giáo hội địa phương.

Đó cũng là bối cảnh của việc ký kết Thỏa Thuận Tạm Thời giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc bổ nhiệm các Giám mục ở Trung Quốc, diễn ra vào ngày 22 tháng 9 vừa qua. Như các bạn đã biết, Thỏa thuận đó là kết quả của một cuộc đối thoại định chế kéo dài và thận trọng nhằm tìm cách xác định các yếu tố hợp tác ổn định giữa Tòa Thánh và các nhà chức trách dân sự. Như tôi đã lưu ý trong Thông điệp gởi cho người Công Giáo tại Trung Quốc và trên toàn thế giới, [1] Tôi đã chấp nhận vào tình hiệp thông giáo hội hoàn toàn các giám mục chính thức còn lại đã được tấn phong mà không có sự phê chuẩn của giáo hoàng, và thúc giục họ hoạt động quảng đại cho việc hòa giải giữa những người Công Giáo Trung Quốc với nhau, và cho một nỗ lực đổi mới việc truyền giáo. Tôi cảm ơn Chúa rằng, lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, tất cả các giám mục ở Trung Quốc đã hiệp thông trọn vẹn với Người kế vị Thánh Phêrô và với Giáo hội hoàn vũ. Một dấu chỉ rõ ràng về điều này là sự tham dự của hai giám mục từ Hoa lục trong Thượng hội đồng gần đây về giới trẻ. Hy vọng rằng các liên lạc tiếp theo liên quan đến việc áp dụng Thỏa Thuận Tạm Thời sẽ giúp giải quyết những vấn đề còn bỏ ngỏ và tạo ra không gian cần thiết cho việc an hưởng tự do tôn giáo một cách thiết thực.

[1] Thông Điệp Của Đức Phanxicô Gửi Người Công Giáo Trung Hoa và Giáo Hội Hoàn Vũ về Thỏa Thuận tạm thời với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa - Vũ Văn An


Source: Vatican News Pope Francis' address to Diplomatic Corps