Niềm Tạ Ơn -- When Misery Turns into 20 Year Mission -- là chủ đề của Nhịp Cầu Yêu Thương năm nay

Sau nhiều ngày tháng chuẩn bị, Nhịp Cầu Yêu Thương 2018 (NCYT 2018) đã được tổ chức tại nhà hàng Mon Cheri vào tối thứ Sáu 9-11-2018, cũng là dịp đặc biệt kỷ niệm 20 năm thành lập Hội.

Xem hình ảnh

Thiệp Mời NCYT-2018 năm nay LM Trần Công Vang đại diện cho đồng bào sắc tộc và gia đình Việt Tộc Cali gửi đến quý ân nhân lời tri ân như sau: “Cùng với anh chị em trong đại gia đình Việt Tộc, tôi xin đại diện cho đồng bào buôn làng, cách riêng những vùng đất mang dấu chân Việt Tộc, chân thành gởi lời cám ơn đến quý ân nhân của đại gia đình Việt Tộc, trong suốt 20 năm qua, đã đồng hành để góp phần thăng tiến cuộc sống của dân mình, qua những hy sinh, chia sẻ và nâng đỡ, gói ghém bao yêu thương chân thành. Xin tiếp tục cầu nguyện và đồng hành với gia đình Việt Tộc trong sứ vụ được trao phó, để đồng bào Sắc Tộc của chúng ta được có đủ điều kiện sống xứng đáng với thân phận cao quý của con dân đất Việt, và của Nước Trời.".

Ban Tổ Chức hồ hởi ra quân, phó thác và tin tưởng Thiên Chúa sẽ chúc phúc cho việc làm tốt đẹp của Hội. Từ năm 1998, LM Trần Công Vang (Dòng Chúa Cứu Thế) đã chọn đối tượng phục vụ là các anh chị em Dân Tộc trên vùng đất cao nguyên Việt Nam, với ước mong sẽ phần nào bù đắp cho những thiếu thốn và thiệt thòi của họ, bằng cách nâng cao đời sống họ với những nhu cầu căn bản và thiết thực.

Lúc 6 giờ chiều thứ Năm 8-11-2018, Cha Vang đã dâng Thánh Lễ tại Trung Tâm Công Giáo (GP Orange) để cầu nguyện cho quê hương Việt Nam, và cầu cho các ân nhân đã miệt mài cùng gia đình Việt Tộc nối vòng tay yêu thương đến đồng bào Sắc Tộc suốt 20 năm qua. Một số ân nhân đã đến dự Lễ cùng với Ban Tổ Chức. Các anh chị nhóm Ca Nguyện Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã cất lên những bài Thánh Ca thắm thiết để mọi người hiệp lòng tạ ơn Chúa đã yêu thương nâng đỡ và đồng hành trong công tác bác ái đầy ý nghĩa của Hội Việt Tộc. Cha Vang chia sẻ: “… một số Linh mục thắc mắc vì sao nhóm Việt Tộc Cali vẫn tồn tại, miệt mài và trung thành với Việt Tộc suốt 20 năm qua… Dù hoàn cảnh ở đây khó khăn vì cũng có nhiều nhóm thiện nguyện khác tổ chức gây quỹ thường xuyên, hầu như mỗi tuần, thế mà ân nhân của Việt Tộc vẫn hằng năm quảng đại đóng góp tài năng cũng như vật chất. Chúng tôi tin Thiên Chúa luôn đồng hành và chúc lành cho mục đích tốt đẹp của Hội Việt Tộc. Tất cả là hồng ân! “Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con mãi ngợi ca ơn Người…”

NCYT 2018 đã diễn ra trong bầu khí ấm áp và thân tình. Mở đầu, Cha Trần Công Vang chào mừng và cám ơn các ân nhân của Việt Tộc, gồm những người đóng góp hoặc bảo trợ các dự án, các cơ sở thương mại bảo trợ các giải xổ số, Ban Nhạc, Ban Âm Thanh các Nhạc sĩ, MC, Ca sĩ, Vũ Công, Ban Tổ Chức và Nhà Hàng Mon Cheri.... Sau đó, Cha Vang trình bày hoạt động của Hội Việt Tộc trong 20 năm qua, đặc biệt những hoạt động với tài trợ của ân nhân qua các Dự Án mà NCYT-2017 đã kêu gọi. Mọi người chăm chú nghe trong xúc động và cảm thông; tất cả đã thấy được nhu cầu rất thiết thực của đồng bào Dân Tộc và sẵn sàng rộng lòng giúp đỡ.

Khách tham dự NCYT 2018 rất hài lòng về chương trình văn nghệ phong phú với MC Minh Phượng nhẹ nhàng tha thiết, Mỹ Lan náo nhiệt sôi động, Ngọc Chiệu ôn hòa từ tốn; một kết hợp thần kỳ giữa các MC, giúp đem lại kết quả thật khả quan trong tiệc gây quỹ; đặc biệt khi kêu gọi ân nhân bảo trợ các dự án, khách tham dự đã hưởng ứng nồng nhiệt. Tôi bỗng nhớ đến cố nhạc sĩ Việt Dzũng, người MC đã đồng hành với MC Minh Phượng trong nhiều năm. Anh đã giã từ cuộc sống dương gian năm 2013, và kể từ đó gia đình Việt Tộc đã thiếu vắng một tấm lòng thiết tha đối với đồng bào Sắc Tộc và đối với quê hương Việt Nam. Tôi cúi đầu tưởng niệm một người nhạc sĩ có trái tim quảng đại, vị tha, và thầm đọc lời kinh cầu nguyện cho linh hồn Gioakim được Chúa ban thưởng nơi Quê Trời hạnh phúc.

Thành phần ca nhạc sĩ của NCYT 2018 khá hùng hậu: ban nhạc The Moon Light của nhạc sĩ Bùi Thông, ban Âm Thanh của nhóm anh Khánh, ca sĩ Hoàng Hiệp, Huy Tuấn, Mỹ Khanh, Diễm Khanh và Mỹ Lan, Nhóm Ca Nguyện Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Hạ Nhi, Nhã Vi v.v... Các anh chị đã hứng khởi chia sẻ: "Được hiện diện trong chương trình văn nghệ tối nay, chúng em rất vui, vì đây là một cách đóng góp vào công tác bác ái của Việt Tộc."

Kết quả tài chánh từ buổi tiệc gây quỹ rất khả quan, vì từ những ngày trước, Ban Tổ Chức đã tìm kiếm ân nhân bảo trợ các dự án và các phần quà xổ số. Quà xổ số năm nay rất nhiều cũng rất giá trị và hấp dẫn; khách tham dự hào hứng mua vé số với hy vọng trúng được lô độc đắc là một iPhone XR do văn phòng luật sư Nguyễn Duy Quốc Anh bảo trợ. Một ân nhân khác, lần đầu tiên tham dự tiệc gây quỹ dù đã từng tặng Việt Tộc nhiều giải xổ số giá trị trong nhiều năm, chị chia sẻ: “Là chủ nhân của một cơ sở thương mại lớn, công việc rất bận rộn, vì thế, chúng em đã không tham dự những buổi tiệc gây quỹ trước đây của Việt Tộc. Qua NCYT 2018 tổ chức tối nay, chúng em rất vui khi nhìn thấy những đóng góp của mình được dùng vào những dự án thiết thực mà Việt Tộc hỗ trợ, đặc biệt là bầu khí rất vui nhộn, thoải mái, các MC nhẹ nhàng tế nhị khi kêu gọi đóng góp để khách tham dự không bị áp lực…”

Dự Án Giáo Dục mà Việt Tộc hỗ trợ, cung cấp học bổng cho học sinh và sinh viên, giúp các em có cơ hội đến trường thay vì phải lao động việc đồng áng như chăn trâu, cấy cày. Sau khi tốt nghiệp, các em trở về dạy học, làm y tá, bác sĩ khám bệnh, chăm sóc và điều trị cho dân làng. Năm nay, Dự Án Giáo Dục được các ân nhân bảo trợ cho 30 em sinh viên trung cấp và 40 sinh viên đại học, 50 chiếc xe đạp cho các em học sinh cấp III có phương tiện đi học xa. Dù vậy, theo nhu cầu Việt Tộc vẫn còn cần tài trợ cho 80 sinh viên và cần có thêm 50 chiếc xe đạp nữa.

Dự Án Y Tế mà Việt Tộc hỗ trợ cho việc săn sóc sức khoẻ cho dân làng, chữa trị cho bệnh nhân tâm thần, phong cùi. Năm nay nhờ lòng quảng đại của gia đình bác sĩ Vũ Khôi (người sẵn sàng đóng góp tương xứng - matching - với số tiền đóng góp của các ân nhân cho Dự Án Y Tế), Việt Tộc có đủ tài trợ cho hai Trạm Y Tế phục vụ cho dân làng. Cũng trong Dự Án Y Tế một người bạn của Chị Huệ, thay vì đi nghỉ hè Anh Chị đã dùng số tiền này để matching cho Dự Án Y Tế xây dựng 2 căn nhà cho bệnh nhân tâm thần. Qua lời kêu gọi khéo léo của Chị Huệ, ân nhân cũng đã đóng góp đủ hai căn nhà cho bệnh nhân tâm thần cư ngụ thay vì để họ bị xiềng xích, hoặc sống lang thang ngoài đồng ruộng.

Ngoài ra, Việt Tộc cũng hỗ trợ cho Dự Án Nước Sạch để cung cấp nước sạch cho cả làng đã được Ông Steve Tyler, công ty Westpark, là đối tác của chị Phương Thảo sẵn sàng matching với ân nhân đóng góp cho 2 hệ thống nước sạch, qua lời chia sẻ của Ông Steve Tyler, một vị khách ngoại quốc rất quen thuộc với gia đình Việt Tộc, Ông Steve có một trái tim ấm áp và nhân hậu đã sẵn lòng chia sẻ với những người Việt Nam bất hạnh, thật là cảm động. Nhờ lời kêu gọi của Ông Tyler các ân nhân đã đóng góp đủ để tài trợ cho hai hệ thống nước sạch cho 2 buôn làng dùng, để tránh được những bệnh truyền nhiễm vì dùng nguồn nước không trong sạch.

Mùa Lễ Tạ Ơn 2018 sẽ thật ấm áp và bình an!

Anne M. Nguyen

VIỆT-TỘC và GIÁO PHẬN KONTUM.

Giáo phận Kontum là một trong những giáo phận nghèo nhất Việt Nam, có ít nhân lực nhất, nên có vị trên 80 tuổi vẫn phải làm việc vì không có người thay thế. Kontum cũng là giáo phận có nhiều sắc tộc nghèo nhất, nhiều người phong cùi nhất, và gặp nhiều khó khăn nhất trên mọi bình diện. Từ xưa đến nay, Giáo Hội đã lo lắng rất nhiều đến việc thăng tiến an sinh cho họ. Các sắc tộc nhỏ bé trong số hơn 20 sắc tộc rất cần sự giúp đỡ của chúng ta để đời sống của họ bớt nghèo đói. Giáo phận Kontum gồm hai giáo hạt Kontum (tỉnh Kontum)và Gia-Lai (tỉnh Plei-ku). Đa số dân chúng là người Thượng rồi đến người Kinh. Theo thống kê năm 2016,
dân số Kontum gồm 1.775.000 người, trong đó số có 330.394 giáo dân, gồm 101.595 giáo dân người Kinh và 226.789 giáo dân người Thượng.

Về mặt giáo dục, trong giáo phận có:
Nhà mồ côi: 7 nhà, có 757 em.
Mẫu giáo: 20 nhà, có 3016 em.
Nhà trẻ làng: 20 nhà, có 1038 em
Nhà nội trú: 80 nhà ( 01/2018)

Sau đây là một vài trong số những quan tâm, lo lắng, phương hướng của Giáo phận Kontum:

Nâng cao đời sống người dân:

-Vấn đề luôn được Giáo phận ưu tư, luôn lo lắng là làm thế nào để tìm ra những giải pháp tốt để “tháo gỡ” cho người dân tộc thoát khỏi phần nào đó đời sống nghèo khổ, bệnh tật, và làm cho con cái của họ không phải chịu sự thiệt thòi.

-Giáo phận chú trọng đến việc phục vụ người nghèo, người lầm lỡ, người bệnh tật,..Giúp cho họ có được phẩm giá xứng hợp.

Xây dựng cơ sở tôn giáo.

Không hình thức, phô trương, nhưng quan tâm đến nhu cầu tối thiểu và cần thiết.

Trong Giáo phận, số họ đạo người Kinh chưa có nhà thờ, nhà nguyện là 57 họ đạo (gồm 13.318 giáo dân); số làng người Thượng chưa có nhà thờ, nhà nguyện là 405 làng (gồm 83.160 giáo dân)

HỘI VIỆT TỘC đã đến với Tây nguyên, đến với Lâm Đồng, Ban-mê-thuộc, và đặc biệt Giáo phận Kontum từ năm 1998. Sau hai mươi năm hoạt động của Hội, bên cạnh những Dự Án Y-Tế phục vụ người phong cùi, bệnh hoạn; những Hệ Thống Nước Sạch đem nguồn nước sạch cho dân làng tại những buôn làng xa xôi, để phần nào giúp người dân thoát khỏi những bệnh tật về da liễu hay tiêu hoá; Hội dành nhiều quan tâm, tiền bạc cho những DỰ ÁN GIÁO DỤC.

Những Dự Án Giáo Dục này, phần nào đáp ứng những ưu tư, lo lắng của giới thẩm quyền Giáo phận Kontum trong việc nâng cao dân trí, nâng cao đời sống dân chúng. Những dự án Giáo Dục này, cung cấp học bổng cho học sinh, sinh viên, giúp đỡ con em dân tộc thiểu số có cơ hội đến trường, cũng như những phương tiện cho các em được học tập tốt hơn, như phương tiện đi lại, hổ trợ tiền thực phẩm cho một số nhà nội trú, hổ trợ tiền lương cho giáo viên, sửa chữa lớp học hay mở những lớp học hè cho các em...

Từ con số 211 em nhận học bổng của những năm đầu tiên, từ những ngày ông bà, cha mẹ không muốn cho con đến trường vì thiếu ý thức, vì thiếu người đi chăn bò, chăn trâu, vì không muốn mất một công lao động trong công việc đồng áng. Ngày nay, mỗi năm, chúng ta có trên hai ngàn học sinh, sinh viên nhận học bổng Việt Tộc, cụ thể trong niên khoá 2016-2017, chúng ta có 2496 em nhận học bổng.

Và hàng năm, buôn làng đón nhận nhiều sinh viên tốt nghiệp, ra trường trong nhiều ngành nghề. Chúng ta đã có thêm nhiều thầy cô giáo, thêm nhiều kỹ sư, bác sĩ, y tá điều dưỡng,...thuộc các dân tộc thiểu số. Các em đã được giúp đỡ hoàn thành việc học tập, đã được cung cấp một số vốn kiến thức về chuyên môn cũng như về văn hoá, xã hội, để có một công việc làm chăm sóc bản thân, gia đình, va dân trí buôn làng được khá hơn.

Hơn thế nữa,một số các em, sau khi tốt nghiệp, trở lại buôn làng, thậm chí có em từ chối một công việc tốt để xin về làm thầy giáo dạy dỗ cho các em, để phục vụ buôn làng, để thực hiện điều kiện và cũng là lời hứa khi làm đơn xin học bổng là sẽ tham gia sinh hoạt, giúp đỡ buôn làng, để nâng cao đời sống của dân tộc mình, làng xóm mình.Một số các em là những giáo lý viên, giáo dân tích cực, nòng cốt của giáo xứ. Một số em nam nữ xin làm dự tu tại các chủng viện, các dòng tu nam nữ, muốn gieo rắc Tin Mừng của Chúa cho buôn làng, dân tộc mình, với ngôn ngữ riêng của dân tộc mình.

Song song với sự trưởng thành, tự lập, tự tin đi vào cuộc sống của giới trẻ, phụ huynh đã biết yêu, biết quý cái học hơn, tha thiết hơn với việc cho con em đến trường. Nhờ vậy, Hội đã có thêm sự cộng tác của phụ huynh, của các em học sinh cấp 3, của các sinh viên,..trong việc giúp các học sinh nhỏ hơn học nhóm mỗi tuần hai, ba lần để ôn bài, làm bài, để việc học tập có kết quả khả quan hơn. Họ là những Cộng Tác Viện tích cực và là nhân lực nồng cốt của Hội, dưới sự liên lạc, hổ trợ của các linh mục, nữ tu trong vùng. Chăm học và học nhóm cũng là những điều kiện cần có khi làm đơn xin học bổng.

Trần Thị Tuý-Vân