TÌM RA TỤ ĐIỂM TINH THẦN QUA BỘ KINH VIỆT TỘC
Có người bi quan bèn phát ngôn rằng: Hình như người Việt mình bị ám ảnh bởi cái bệnh chia rẽ mãi tận trong xương tủy máu huyết. Càng kêu gọi đoàn kết thì càng chia bè xé mảnh! Càng đại hội liên kết thì hình như càng xa cách! Có người còn so sánh rằng người Việt mình ”ngon” lắm chứ: một người Việt và một người Nhật thì có thể người Việt “ngon” hơn. Hai người Nhật và hai người Việt thì có thể bằng nhau. Nhưng nếu đem ba người Việt so với ba người Nhật thì phía mình nép vế rồi.
I. HIỆN TƯỢNG THIẾU ĐIỂM TỤ
Nghĩ kỹ ra thì hình như cũng có lý phần nào. Bệnh chia rẽ đã trở thành như một hiện tượng thì ắt là phải do nguyên nhân sâu xa hơn nhiều. Vì nếu chỉ kêu gọi đoàn kết ”đứng sau lưng tôi” thì cũng giống như câu truyện năm anh mù xem voi. Mỗi anh chỉ ”nhìn” thấy một cái đuôi hay một cái tai mà liền ra tuyên ngôn chủ trương rầm rộ rằng con voi nó như cái chổi hay như cái buồm thì ôi thôi chỉ có đến kết luận là phang nhau! Vì ai xem ra cũng có lập trường chủ nghĩa đỉnh cao hết.
Nhưng nhìn dưới khía cạnh lạc quan hơn thì phải nhận rằng người Việt có quá nhiều hoạt lực. Đó là dấu tốt. Hội đoàn mọc lên như nấm. Báo chí rầm rộ có lẽ nhất thế giới mất. Buôn bán cũng thành công không ít. Nhiều tổ chức đang nỗ lực nhiều cho cuộc phục hưng, thuộc đủ mọi mặt: chính trị, quân sự, văn hóa, chuyên viên kinh tế, chuyên viên kỹ thuật, và ngay cả trong lãnh vực tôn giáo nữa.
Vấn đề không phải là ai nấy ra sức qui tụ mọi người lại thành một về phía mình, hoặc là chỉ mình mới đáng kể, mà là làm sao cùng hòa được theo một nhịp, cùng qui về một hướng giống như bầy chim huyền sử 100 con cùng bay về tổ.
ĐI TÌM NHỊP CHUNG
Truyện kể về một đám môn sinh tới tìm một đạo sĩ nổi tiếng để học đạo. Người nào người nấy hăm hở đòi môn sư phải giải quyết thắc mắc này vấn đề nọ. Vị đạo sĩ nghe xong không trả lời gì cả, mà đứng lên trong cung cách trầm lặng uốn tay múa một điệu thật khoan thai, như có ý mời mọi người vươn tới một chân trời nào đó. Mọi người lấy làm lạ. Nhưng một lúc yên lặng qua đi, một vài người đã đứng lên múa theo nhịp múa. Rồi số đông hơn đã đứng lên bước theo. Rồi tất cả đã bị thu hút cùng hòa vào nhịp. Điệu múa mỗi lúc mỗi linh thiêng hơn, như cùng hòa nhập vào một nhịp thở của đất trời, một sức sống chung huyền nhiệm.
Khoảng nửa giờ sau, vị đạo sĩ ngưng lại và ngồi xuống. Mọi người ngồi xuống theo. Vị đạo sĩ hỏi mọi người xem có ai còn thắc mắc gì không. Thì lạ lắm, mọi người đều mỉm cười và lên tiếng: ”Sư phụ đã trả lời được cả rồi”.
Cho đến khi thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn ứ đọng của mỗi người và mỗi tổ chức mà hòa được vào nhịp chung của hồn thiêng sống núi, thì tự nhiên hết chia rẽ. Nhưng đâu là nhịp rung chung để mà hòa theo?
II. KHI NGƯỜI DO THÁI TÌM RA TỤ ĐIỂM
Nhiều người nói thuộc lòng rằng người Việt chia rẽ, còn người Tầu, người Nhật, người Do Thái đoàn kết. Có đúng vậy không? Trong cuốn ”Bức Tường Thành Do Thái” của Jean Lartéguy có đoạn viết về cảnh lính Dù Do Thái tuyên thệ trước ánh lửa linh thiêng nơi Bức Tường Khóc ở Giêrusalem. Bên cạnh những lời Kinh Thánh và giọng sắt thép của viên chỉ huy, vẫn có những đám người biểu tình hò hét phá đám.
1. HÌNH THÀNH BỘ KINH DÂN TỘC DO THÁI
Tiên tri Isaia và ”Nhóm Do Thái Sót Lại” (Remnant of Israel) chắc chắn cũng đã chứng kiến cảnh rã rời chia rẽ của lớp dân lưu đầy bên Babylon vào khoảng năm 586 đến 538 trước Đức Kitô. Nhưng thay vì than trách đổ tội hoặc buông xuôi, nhóm người này đã đưa ra cả một kế hoạch thực tiễn. Đó là phải tìm cho ra tụ điểm tinh thần.
Họ đã gom tất cả các truyện thiêng của dân tộc Do Thái, từ những câu truyện truyền miệng từ đời này sang đời khác, cho đến những lễ nghi tế tự, đều được kính cẩn thu lại thành văn bản. Và điều chắc chắn là tất cả những cuốn sách mà ta gọi là Cựu Ước như văn bản ta có ngày nay, đã chỉ thành hình vào thời kỳ trước và sau thời lưu đầy Babylon.
Nói cách khác, chính dưới nhãn quan của các tiên tri thời lưu đầy mà Bộ Kinh Dân Tộc Do Thái tức Cựu Ước thành hình và mang ý nghĩa đáp ứng đúng thời điểm làm tụ điểm sức mạnh tinh thần cho cuộc trở về phục hưng đất nước sau những hoang tàn đổ nát.
“Nhóm Sót Lại” đã qui tụ lại từ một viễn ảnh Niềm Tin vào một Do Thái phục sinh:
”Người ban sức mạnh cho kẻ mỏi mệt, và hồi phục cho người yếu liệt. Giới trẻ thì rã rời, người lớn thì nghiêng ngả đổ nhào. Nhưng những ai tin cậy vào Thiên Chúa, thì sẽ được canh tân mang sinh lực mới. Họ mọc cánh như chim phượng hoàng bay cao. Họ chạy mà không mỏi, họ đi mà không mệt” (Isaia 40:31).
“Nhóm Sót Lại” đã xác tín vào việc khẩn thiết phải có một Bộ Kinh Dân Tộc làm tụ điểm tinh thần, và phong trào Đạo Do Thái (Judaism) thành hình từ đó. Phong trào đã chủ trương phổ biến bộ Kinh bằng chương trình giáo dục đại chúng. Vì thế mà họ đã phát động xây những hội đường giống như cái đình làng ở bất cứ nơi nào có người Do Thái sinh sống, để mỗi tuần một lần dân chúng tụ họp học hỏi và cử hành Ngũ Kinh. Đồng thời họ quyết tâm xây lại đền thờ Giêrusalem, tiêu biểu cụ thể cho tụ điểm dân tộc để thực hành những nghi lễ công cộng. Viễn ảnh này đã được tiếp nối thực hiện do tư tế Ezra và Nehemia.
Với cái nhìn đức tin vững chắc vào Đức Giavê dẫn đầu lịch sử dân tộc họ, người Do Thái bắt đầu kể lại truyện tổ tiên của họ từ một gia đình nhỏ bé du mục nay đây mai đó suốt từ Ur tới Haran vùng Mesopotamia rồi vòng xuống Ai Cập. Tổ tiên như vậy thì chưa chắc đã có gì đặc sắc so với những dân đương thời, nhưng đối với người Do Thái thì quan trọng lắm, và từ trong cảm nghiệm họ ”thấy” rõ họ là dân được tuyển chọn, có tổ có nguồn đàng hoàng. Và nhiều câu truyện truyền kỳ khác về khởi nguyên dân tộc họ, khiến họ càng có một độ rung chung với nhau về nguồn gốc, và tự nhiên hãnh diện về bản sắc của mình. Cũng như anh em trong nhà thương mẹ, chưa chắc vì mẹ đẹp và khéo hơn những người đàn bà khác, nhưng đối với con cái, thì mẹ mình bao giờ cũng nhất và là tổ ấm qui tụ đàn con.
Cái nhìn sâu thấu qua lịch sử này như sợi chỉ màu nối kết những gì rời rạc xem ra vô nghĩa thành một lịch sử thánh thiêng. Đó là cái nhìn giống như của một nhà địa chất bước chân vào một vùng đất hoang để tìm mỏ dầu. Con mắt bình thường thì chỉ thấy những lùm cây bụi cỏ xanh vàng, hay những mảnh đất như bất cứ mảnh đất nào khác. Nhưng con mắt của nhà địa chất sẽ thấy ngay bên dưới đó là cả một tài nguyên phong phú.
2. PHÉP LẠ ĐỒI XUÂN
Cuộc trở về lần thứ ba để chính thức thành lập quốc gia Do Thái vào năm 1948 đã được chuẩn bị từ cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20 bằng phong trào Sion (Zionism). Phong trào này chủ trương xây dựng dân tộc trên niềm tin chung qua Bộ Kinh Thiêng dân tộc, mà điển hình là ngọn núi Sion thánh thiêng nơi Vua của họ là David ngày xưa đã khởi sự xây đền thờ. Chính vì thế mà người ta lấy làm lạ, là khi dân Do Thái bị bạc đãi khắp Âu Châu, chủ nhân ông đất Palestine là Anh Quốc đã đề nghị cho họ một phần đất Uganda Phi Châu để sinh sống, thì họ đã từ chối. Về sau Hoa Kỳ muốn nhường cho vùng Galveston thuộc Texas, nhưng người Do Thái chỉ có một giấc mơ là trở về ngọn núi thánh thiêng của họ mà thôi.
Việc làm đầu tiên sửa soạn cụ thể cho cuộc trở về là thành lập các trường học Do Thái để huấn luyện thế hệ trẻ gây được ý thức dân tộc, và đồng thời đạt thành công tối đa về học vấn vượt qua cả dân địa phương. Chính lớp trẻ này đã là những thanh niên đầu tiên trở về lập làng cộng đồng Kibbutz với một tinh thần hoà đồng dân chủ mới. Mẹ của tướng độc nhãn Mosh Dayan đã là một trong những phần tử chí nguyện của Kibbutz đầu tiên là Degania ở ngay chỗ Biển Hồ chảy vào sông Jordan.
Người Do Thái đã có bí mật gì lạ vậy?
Chắc chắn đó là bộ kinh dân tộc. Chính ngọn núi Sion tụ điểm này đã như cục nam châm khổng lồ hút được mọi tinh hoa thế giới và kéo những người mang dòng máu Do Thái trở về phục hưng đất nước thay vì bị tản ra và bị đồng hóa trên khắp thế giới. Chính Niềm Tin chung được thể hiện qua Bộ Kinh Dân Tộc mà người Do Thái đã có thể làm được phép lạ biến sa mạc cát bỏng hoang vu thành một nước trù phú giầu mạnh mà cái tên thủ đô Tel Aviv tiêu biểu có nghĩa là Đồi Xuân.
Ngày nay khoa Huyền Thoại Học đã chứng minh sức mạnh của mỗi dân tộc là tùy vào việc dân tộc đó có tin tưởng vào một bộ kinh dân tộc hay không.
Joseph Campbell trong cuốn Myths to live by đã nói:
”Truyện thiêng là nền tảng cho văn minh, cho trật tự luân lý, cho các sáng tác nghệ thuật, và cho việc đoàn kết các phần tử.... Mất truyện thiêng thì sẽ lung lay, mà lung lay thì mất cân bằng. Khi đã bỏ bộ kinh thiêng thì không còn gì chắc chắn để mà giữ, không còn luật luân lý, không còn gì vững bền cả!... Cứ xem những dân tộc thiểu số, khi chạm trán với văn minh mới của dân da trắng, liền bị rã. Vì những truyện thiêng cũ bị mất tin tưởng, nên họ liền bị vỡ mảnh ra từng miếng, và trở thành nơi phát sinh tội ác và tâm bệnh... Bài học này cũng đúng với cả xã hội Âu Mỹ, khi huyền thoại bị khoa học mới khai trừ, thì cũng bắt đầu phát sinh tội ác, bạo động, tâm bệnh, tự tử, xì ke, bỏ nhà đi hoang..” (Bantam Books, trang 9).
III. BÍ MẬT CỦA NGƯỜI NHẬT:
Mặt Trời mọc trên Đất Phù Tang.
Khi trông thấy thủ tướng Nhật chụp hình trong hội nghị thượng đỉnh kinh tế thế giới chung với lãnh tụ các nước như Mỹ, Gia Nã Đại, Anh, Pháp, Ý, Đức. .. tự nhiện tôi thấy tủi cho người Việt mình. Họ cũng là mũi tẹt da vàng mà! Tiếng của họ còn khó đọc hơn tiếng Việt nhiều. Thế mà thế giới bây giờ đua nhau học tiếng Nhật, đọc các tên Nhật trẹo cả miệng như Mitsubishi, Yamaha, Toyota...
Hình ảnh của Nhật nổi bật trên thế giới ngày nay bởi đâu?
Ai cũng còn nhớ sau đại chiến thứ hai cách đây 45 năm, thì Nhật là một đống gạch vụn bên cạnh những đống xác người của Nagasaki, Hiroshima... Và cách đây khoảng 150 năm tương đương với thời Vua Tự Đức của Việt Nam, thì nước Nhật cũng chẳng hơn Việt Nam một chút nào cả. Thế mà bây giờ họ đã mua những hãng cả mấy tỷ Mỹ kim của Mỹ như Columbia... và xe hơi của họ trở thành 3 ”anh lớn” Toyota, Honda, Nissan thay thế 3 ”anh lớn” trước kia của Mỹ là Ford, Chrysler, GM; và họ chế ngự thị trường thế giới về các hàng điện tử, máy chụp...
Người Nhật vẫn nổi tiếng là biến chế mọi thứ kỹ thuật Âu Mỹ thành của mình, mặc cái vỏ Tây phương, nhưng tâm hồn thì vẫn là Nhật trăm phần trăm. Cũng giống người Do Thái, người Nhật như cục nam châm khổng lồ hút tất cả tinh hoa kỹ thuật của thời mới, chứ không bị tan loãng trong biển cả mênh mông.
Sức mạnh của niềm tin
Có lần tìm hiểu về lý do gì khiến Nhật tiến lẹ như vậy thì một anh bạn đã từng ở Nhật một thời gian nói ngay: ”Lòng yêu quê hương và niềm xác tín hãnh diện vào dòng giống của họ”.
Trong bất cứ hãng sở nào của Nhật, ban sáng bao giờ cũng có lễ nghi chào quốc kỳ. Nhìn lá cờ trắng có mặt trời đỏ ở giữa, mắt người Nhật sáng lên long lanh. Họ tin vào dòng giống họ là con của thần nữ Mặt Trời luôn rực sáng, và họ quyết trở thành dòng sáng đó làm cho tổ quốc hãnh diện nở mặt với thế giới.
Sau khi chào cờ thì chủ hãng đứng nói một bài được lặp đi lặp lại mỗi ngày: ”Anh em nhớ rằng anh em không làm việc để sinh lợi cho tôi, cũng không nhất thiết chỉ để kiếm tiền. Mà chúng ta cùng làm cho vinh danh tổ quốc của chúng ta”. Tôi nghĩ đó là bí quyết thành công của một lớp người mà xét về địa dư chỉ là một nhóm các đảo nằm mãi xa vời trên cực bắc, đâu có thuận tiện bằng địa thế Việt Nam.
Cái bí mật tạo sức mạnh tinh thần người Nhật nằm ở câu truyện thiêng ông tổ của họ là thần Bóng Đêm Mikoto và Thần Nữ Mặt Trời Hikaru. Truyện thiêng này là Truyện Khởi Nguyên của dân tộc Nhật, làm khởi điểm cho mọi truyện thiêng khác. Bí mật nằm ở niềm tin rằng dân tộc Nhật đang được sức thần chiếu sáng. Chính niềm tin này đã làm cho người Nhật có thể làm nhiều phép lạ như ngày nay.
HUYỀN THOẠI VỀ NGUỒN GỐC DÂN TỘC NHẬT
“Ngày xửa ngày xưa khi trời đất còn mông lung thì đã có những vị thần xuất hiện. Thần Nữ Izanami cưới Thần Izanagi sinh ra các thần mặt trời, thần gió, nước, núi, biển và đất và ông tổ người Nhật là Mikoto, thần bóng đêm. Sau khi sinh hạ thần lửa thì Izanami chết. Mất mẹ, Mikoto đau khổ vô cùng và trở thành yếu nhược, nên đã bị bố đuổi đi. Mikoto phải trốn đi tá túc tại Xứ Rồng Tám Đầu. Nơi đây Mikoto đã phải lòng Kushinadahime.
Đang khi thần Bóng Đêm Mikoto lang thang thất thểu như vậy thì được người chị là thần Mặt Trời Hikaru thương tình cho về về đất mình là Takamagahara. Nhưng rồi Mikoto ngỗ nghịch đã khiến cho Hikaru thất vọng bỏ nhà đi ẩn trong Hang Thiên Thạch, đi vào cõi tối tịch liêu. Vì thế mà Mikoto lại bị đuổi ra khỏi đất Takamagahara.
Trong trạng huống này, Mikoto đã hối hận trở về nài xin bố mình là Izanagi làm thế nào cho chị Hikaru ra khỏi hang. Các thần đã theo lệnh bố tổ chức liên hoan ở ngoài hang khiến cho Hikaru lấy làm lạ sao lại có nhảy nhót ở vùng hoang dã mịt mù này, nên bèn hé cửa hang ra xem sự thể ra sao. Tức thì thần sức mạnh Tajikaro lợi dụng thời cơ đẩy văng tang đá và kéo Hikaru ra khỏi hang.
Thế là Hikaru đã ra khỏi bóng tối, ánh sáng của nàng chiếu tỏa khắp đất Takamagahara và vùng lân cận. Hoa bắt đầu nở. Chim bắt đầu hót. An bình lan tỏa với ánh sáng Hikaru. Mikoto cưới được nàng Kushinadahime và sống đời hạnh phúc. Đó là bình minh của một ngày mới trên đất Phù Tang Yamato”.
IV. THỜI ĐIỂM VIỆT NAM CẦN GÌ NHẤT?
Đã có bài học Israel, bài học Nhật Bản, thì phải có bài học cho Việt Tộc về một bí mật tìm ra tụ điểm sức mạnh tinh thần. Sức mạnh đó không nằm ở bên ngoài từ những chiếc máy tối tân, hay hệ thống ngân hàng chế ngự thế giới. Và chắc chắn vượt trên những giải pháp mà nhiều người đang chuẩn bị cho cuộc phục hưng đất nước, như chính trị, quân sự, kinh tế, chuyên viên kỹ thuật, dĩ nhiên rất ư cần thiết. Nói khác hơn, chính cái bí mật này mới là tụ điểm và là chất keo gắn tất cả những nỗ lực trên lại với nhau.
1. BỘ KINH VIỆT
Sức mạnh tinh thần của một dân tộc chỉ có thể phát sinh từ một Khởi Nguyên thánh thiêng, khi cùng hoà được vào nhịp sống chung của một thân thể duy nhất trong bọc Mẹ Âu Cơ. Đó phải là Bộ Kinh Dân Tộc. Bộ Kinh đó như những lời sấm từ trên chứ không do trí óc con người sáng tạo ra.
Bộ Kinh đó được gom lại bởi những truyện thiêng của Việt Tộc, như truyện Hồng Bàng, truyện Trầu Cau, Hang Việt Tỉnh, Chử Đồng Tử, Phù Đổng Thiên Vương, Núi Tản v.v.
Những truyện này đã được gom lại phần nào trong những sách cổ điển nhất còn lại như Lĩnh Nam Trích Quái, Việt Điện U Linh Tập. Và hiện nay đã được đề cập tới trong những sách như Thần Thoại Việt Nam của Nguyên Tử Năng, Nam Hải Dị Nhân của Phan Kế Bính, Việt Nam Văn Học Toàn Thư của Hoàng Trọng Miên, Kinh Hùng Khải Triết của Kim Định, Kinh Việt của Nam Thiên v.v.
Joseph Campbell trong cuốn ”Sức Mạnh của Huyền Thoại” đã quả quyết:
”Truyện thiêng là bản đồ ghi lại cảm nghiệm lộ trình nội tâm, do những người đã đi tới ghi lại. Đó không phải là những luận thuyết định nghĩa. Mà đối với những người đã cảm nghiệm thì truyện thiêng là bài ca vũ trụ, là điệu nhạc không trung, là điệu vũ mà chúng ta cùng múa nhưng không có thể gọi rõ tên cung điệu được” (trang XVI).
Đối với người Việt, thì đó là điệu múa của Tiên Rồng, là nhịp hơi thở của hồn thiêng sông núi.
Lý do sâu xa nhất của những phân hóa chia rẽ không còn ở nơi người này hay tổ chức nọ nữa, mà phải nhận rằng người Việt đang bị phá sản tinh thần vì đang đánh mất Bộ Kinh Dân Tộc, tức là đánh mất niềm tin về bản sắc và đạo sống của mình. Không còn gì để mà tin, mà hãnh diện. Tình trạng này cũng giống như người bị sạt nghiệp không còn một đồng nào trong ngân hàng vậy.
Cũng chẳng lạ gì, vì sau một thời gian dài Pháp thuộc, văn hóa ”Tây” đã quá thấm nhập. Rồi tiếp theo những mặt trận được mô tả là văn học thì lại hô hào ”theo mới hoàn toàn theo mới không chút do dự”. Và vì cái mặc cảm lạc hậu thua kém bị đồng hóa với quá khứ Việt Nam, nên một số người đã cả dám đạp đổ luôn cái kho tàng cha mẹ để lại. Họ đã dùng búa tạ để giết mấy con ruồi phong kiến cổ hủ trong nhà mình! Thành ra mọi đồ đạc bị đập bể hết. Đạo sống cha ông bị nhặt lại thành những mảnh sành bỏ vào sọt rác tống táng theo với những chiếc áo thụng bị chế nhạo như những ông Lý Toét mà cắp cái ô ra đến phố gặp trận mưa rào...
Thế rồi các chủ nghĩa vong bản được rước về ngự trị như phép bùa có thể giải quyết mọi vấn đề Việt Nam! Niềm tin thiêng liêng qua một Phù Đổng Thiên Vương chỉ còn là truyện biến ngôn dị đoan! Con cháu nghe truyện Tiên Rồng lấy làm buồn cười coi như là nhảm nhí. Ngay cả những sách giáo khoa cũng không còn những bài học về những Truyện Thiêng Việt nữa!
Người ta sợ rằng với đà phá sản này, một mai khi trở về, thì lấy gì làm tụ điểm cho mọi khuynh hướng và tổ chức. Hay rồi người thì mang chủ thuyết kinh tế Mỹ, người thì mang óc kinh tài Nhật, đường lối trị nước theo kiểu Đức, Pháp, Úc. Chính những nước Âu Mỹ cũng đang chán mứa mệt mỏi không có lối thoát về những đường lối và những chủ thuyết này rồi, như đã được một nhà bình luận thời điểm là Tofler đề cập tới trong cuốn ”The Third Wave” (Đợt Sóng Thứ Ba).
Với viễn tượng lạc quan, liệu Việt Nam đã chuẩn bị và sẵn sàng bước vào ”đợt sóng thứ ba” chưa, hay rốt cuộc cũng sẽ chỉ là một thứ nô dịch thời mới cho những tay tài phiệt quốc tế với cái bàn cờ thí mà thôi. Nhà văn Doãn Quốc Sĩ đã có lần thốt lên về những thảm trạng chủ thuyết trong ”Ba Sinh Hương Lửa” :
Ai đưa ta đến chốn đây
Bên kia không óc bên này không tim!
2. BÍ MẬT ĐÀNG SAU NHỮNG CHIA RẼ HAY ĐOÀN KẾT CỦA NGƯỜI VIỆT
Đã đến lúc quá khẩn thiết phải hình thành cho bằng được Bộ Kinh Thiêng Dân Tộc, được chứng minh bằng những khoa học tân kỳ nhất như Uyên Tâm Học, Huyền Thoại Học, Cơ cấu luận... Và thể hiện thành một Đạo Sống theo tinh thần Việt, gọi là Việt Đạo, trở nên cục nam châm Việt. Vì ngày nay nhiều chuyên viên về những ngành trên đã chứng minh:
“Bộ Truyện Thiêng của một dân tộc là Đạo Sống của dân tộc đó, mà nếu mất đi thì bất cứ dân tộc nào cũng sẽ sụp đổ khủng khiếp, kể cả những dân tộc văn minh nhất” (Karl Jung, Collected Works, trang 154).
“Mất bộ truyện thiêng là mất mạch nối vào nguồn quá khứ tổ tiên, và không còn căn bản gì cho việc hình thành tiền đồ dân tộc. Dân tộc đó quả thực coi như mất” (Wallace Cliff, Jung and Christianity, Crossroad, trang 60).
“Bộ Truyện Thiêng của mỗi dân tộc không phải là những truyện hoang đường, mà là những truyện diễn tả gần chân lý nhất. Hơn nữa, truyện thiêng là gia sản quí nhất vì tính chất thiêng liêng, điển hình, và mang lại ý nghĩa sống” (Mircea Eliade, Myth and Reality, Harper, trang 1)
“Không có bộ truyện thiêng thì không thể thành một dân tộc được, và cũng không được gọi là có văn hóa hay văn minh gì được! Vì bộ truyện thiêng là những diễn tả tinh thần của dân tộc đó ở mức độ cao nhất, và là gia sản thiêng liêng nhất của một dân tộc” (Laurens Van der Post, Patterns of Renewal, Pendel Hill, trang 9).
Lm. Trần Cao Tường