VĂN HÓA VÀ TRUYỆN THIÊNG VIỆT TỘC
Chắc hẳn ai cũng còn nhớ câu định nghĩa về văn chương hồi còn trung học: ”văn là vẻ đẹp, chương là vẻ sáng”. Nghe như vậy có vẻ hấp dẫn, nhưng chưa diễn được nghĩa thẳm sâu trong văn hóa Việt.
1. DƯA HẤU VÀ QUÁI VẬT
Truyện kể về một nhà truyền giáo ngày xửa ngày xưa bỏ quê hương mình để tới một xứ lạ của những người Dở Hơi. Một hôm ông ta thấy rất đông người chạy hốt hoảng từ ngoài đồng về trong lúc họ gặt lúa. Hỏi ra thì biết họ vừa trông thấy một con quái vật ở trong ruộng lúa.
Nhà truyền giáo tìm hiểu thì thấy chẳng có con quái vật nào hết, mà chỉ là trái dưa hấu, vì chưa bao giờ đám dân đó thấy dưa hấu. Thế nên nhà truyền giáo bèn tình nguyện đi giết ”con quái vật”. Ông ta lấy dao cắt trái dưa ra từng miếng và ăn ngon lành trước mặt mọi người để làm chứng rằng không sao đâu.
Nhưng đám Dân-Dở-Hơi lại sợ hãi tột độ! Thấy máu đỏ của con quái vật bị người lạ mặt đang nhai ngấu nghiến thì nghĩ ngay rằng ông ta còn nguy hiểm quái gở hơn quái vật, và ông ta sẽ giết đám chúng mình, nếu không tìm cách đuổi ông ta đi gấp!
Thế là nhà truyền giáo bỏ chạy không kịp ngoái cổ lại.
Một thời gian sau, một nhà truyền giáo khác cũng đến xứ Dân-Dở-Hơi, và cũng chứng kiến cảnh họ hốt hoảng bỏ chạy khi gặp dưa hấu vì vẫn nghĩ là quái vật. Nhưng thay vì tình nguyện đi giết ”quái vật”, ông ta hòa mình vào đám dân đó: cũng run rẩy sợ hãi, cũng thấy quả là con quái vật nguy hiểm, và cũng hốt hoảng chạy trốn như đám Dân-Dở-Hơi.
Sau một thời gian dài chia sẻ mọi tâm tình của Dân-Dở-Hơi, nhà truyền giáo này đã chiếm được cảm tình của họ. Và dần dần ông ta đã cảm hóa được họ nhận ra dưa hấu thay vì là con quái vật, thì lại là một loại trái cây rất tươi mát ngon lành. Và từ đó Dân-Dở-Hơi đã hết dở hơi, và bắt đầu trồng dưa hấu.
2. CẢM HÓA THUỒNG LUỒNG
Ai học về khoa hướng dẫn tâm lý ngày nay cũng đều nhận ra một điều xem ra rất nghịch lý, là:
- chỉ có thể hướng dẫn một người đang mất quân bằng về tâm lý tìm lại quân bằng, khi mình không còn đóng vai trò là người hướng dẫn, nghĩa là không như một người đứng bàng quan để giúp đở khuyên răn hay cố vấn, mà phải đặt mình vào chính tâm tình của họ một trăm phần trăm. Cùng run sợ, cùng đau khổ quằn quại vật vã như họ. Và lạ lắm, họ bắt đầu được chữa lành tìm lại quân bằng.
- một người đang mất quân bằng về tâm lý phải được ”hướng dẫn” để đối diện với nỗi khổ tâm, nhận diện nó chứ không được phép trốn chạy, phải vật lộn với nó, và cuối cùng là có thể chấp nhận được nó.
Văn hóa Việt tộc đã có câu truyện thiêng tuyệt vời về việc vua Hùng thấy dân chúng bị khổ sở vì nạn thuồng luồng cắn hại mỗi khi xuống nước, nên nhà vua đã dạy dân chúng vẽ mình giống như thuồng luồng. Và từ đó dân chúng không bị nạn thuồng luồng làm hại nữa. Đó là tục xâm mình. Từ ngữ văn hóa cũng bởi đó mà ra. Văn là vẽ mình. Văn hóa là xâm mình trở nên như thuồng luồng. Vũ hóa là mọc lông cánh trở nên như chim tiên. Cả hai từ ngữ đó đều diễn tả chữ ”individuation” của nhà tâm lý nổi tiếng nhất thế kỷ là Karl Jung. Chữ đó tạm dịch là tiến trình làm cho con người phát triển toàn mãn, vuông tròn. Người sống theo được tiến trình tâm lý này gọi là người có văn hóa.
Huyền thoại Việt đã diễn tả được những điều xem ra phi lý rất hợp với những khám phá mới của khoa tâm lý miền sâu bây giờ. Xuống nước tức là xuống miền sâu này: đối diện với bóng đen, vật lộn với bóng đen, và chấp nhận được bóng đen. Bóng đen khi được chấp nhận, thì cũng giống như trái dưa hấu, thay vì là con quái vật tác hại, thì lại trở thành cái gì hữu ích thiết yếu cho đời sống. Bóng đen thay vì là con thuồng luồng mai phục sâu trong tiềm thức, thì khi được nhận diện, được chấp nhận, thì lại trở thành con rồng lửa mọc cánh bay lên.
Nói theo ngôn ngữ của khoa học tâm lý, thì Đức Kitô đã ”xâm mình” theo đúng nghĩa, đã làm chuyện văn hóa. Ngài đã nhập thể làm người ở giữa chúng ta, như bạn như tôi, với trọn vẹn thân phận làm người. ”Ngài đã không phải là Đấng không thể cảm thông với những yếu đuối của chúng ta, mà là Đấng đã chịu mọi thử thách trong mọi sự như chúng ta, chỉ khác là đã không phạm tội” (Do Thái 4:15).
Tôi rất hồ nghi cái đạo sống bảo cuộc đời là hư ảo để tìm cách thoát tục. Thì cuộc sống vẫn có những vấn đề, những đau khổ như sinh ra, lớn lên vật lộn với cuộc sống, bệnh tật, già đi, rồi chết. Bao nhiêu nhà lập đạo đã giống như nhà truyền giáo đến xứ Dân-Dở-Hơi. Thay vì từ chối cuộc đời, Đức Kitô đã đi con đường nhập thể và nhập thế, rất cận nhân tình, mà khoa tâm lý ngày nay chứng minh. Ngài đã có một người mẹ Do Thái, nói tiếng Do Thái, ăn đồ ăn Do Thái, theo phong tục Do Thái, ăn mặc theo kiểu Do Thái... để gọi là làm người. Ngài đã chỉ cho con người tìm ra ý nghĩa cuộc sống qua những chuyện đó. Thay vì là quái vật thì lại là những trái dưa hấu thơm ngon.
Người Âu Mỹ đã thể hiện văn hóa bằng việc khám phá ra nét tích cực của cực âm để hội nhập với cực dương mà phát sinh điện lực.
3. VĂN HÓA VÀ TRUYỆN THIÊNG VIỆT TỘC
Khoa chữa bệnh tâm thần đã tìm ra lý do tại sao người ta ra điên mát: ai cũng cảm thấy có cái gì bất ổn bên trong, nhưng thay vì soi kính để nhận diện ra mình, thì lại phóng rọi những cái bất ổn ấy sang người khác. Họ luôn bào chữa cho mình là đúng, và tìm cách đổ tội cho người khác để trốn tránh chính mình.
Những cái phóng rọi này được diễn tả qua nhiều hình thức: khoe khoang, hiếu danh, hay tấn công phê bình chỉ trích, hay rên la giẫy giụa... Nói cách khác, đó là những dấu hiệu của một người bị bệnh tâm thần một cách nào đó.
Và khoa tâm lý kết luận: những gì bạn đang lên án người khác thì lại chính là những cái đang nằm sâu trong bạn, vì bạn vốn không chấp nhận nổi những cái đó trong bạn. Đúng như Đức Giêsu đã nói: người có cái xà trong mắt mình thì luôn thấy những rác nơi người khác.
Thế thì trong mỗi người đã có sẵn những con thuồng luồng đang mai phục tác hại rồi. Truyện thiêng Việt tộc đâu có phải là những truyện hoang đường nhảm nhí. Làm sao để trở nên một người có văn hóa, một người quân bình toàn mãn?
Bác sĩ Karl Menninger với cuốn sách nổi tiếng về bệnh tâm thần ”Có phái bất cứ chuyện gì cũng phát sinh bở tội lỗi không?”, đã kể câu chuyện về một nhà giảng đạo ở đường phố Chicago. Ông đứng bên lề đướng vào giờ tan sở. Gặp ai ông cũng chỉ vào mặt hô lớn:
”Đúng tên này là phạm nhân rồi!”.
Những người bị chỉ mặt phản ứng khác nhau. Người thì lấy làm buồn cười, cho vị giảng đạo là khùng mát. Người thì bực mình vì bị điểm mặt kết tội tầm phào. Người thì không bận tâm chi, ngoái cổ nhìn người lạ rồi rảo bước. Một số người giật mình nhận ra như một dấu chỉ đánh thức.
Tiên tri Nathan xưa đã dùng phương pháp tâm lý này mà thức tỉnh Davít. Ai cũng tưởng người khác bê bối, và mình có bổn phận sửa đổi họ. Sau khi nghe Nathan kể chuyện về một người hư đốn thì Đavít đùng đùng nổi giận đòi chỉ cho biết thằng khốn nạn nào vậy để mà trừng trị. Đúng lúc này Nathan đã chỉ vào mặt Đavít mà nói rằng tên đó chính là ngài! Và sau đó Đavít đã nhận tội, đã làm người có ”văn hóa”.
Quả thực, khi đọc kinh ”cáo mình”, đôi khi tôi cũng đấm ngực mình nhưng vẫn liếc sang bên cạnh để quẳng cái điều vừa đấm vào mặt người khác. Giả như có người nào đó chí vào mặt ôi mà hô to: chính lỗi tại tên này, thì tội sẽ phản ứng ra sao về điều tôi vừa tuyên bố: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng!
Giây phút soi gương nhận ra chính mình, nhận diện được những con thuồng luồng bên trong mình, là điều cần thiết để tránh cho mình khỏi bị điên mát và được cân bằng về tâm lý cũng như ổn định nội tâm. Đó là điều mà bác sĩ Menninger kết luận.
4. QUÀ TẶNG GÌ GIÁ TRỊ NHẤT?
Tôi đang muốn trao Tin Mừng cho dân tộc khổ đau của tôi thay vì chỉ xây pháo đài nơi xứ đạo Công Giáo. Nguyễn Ngọc Lan trong cuốn ”Đường hay pháo đài” đã quảng diễn phần nào cái nghĩa đạo nhập thể.
Quà tặng mà tôi muốn đóng góp cho quê hương tôi hay cho lớp người tỵ nạn cũng không nhất thiết là cái này hay cái họ, chương trình này hay chương trình kia, biết đâu lại chỉ là cái cớ phóng rọi con thuồng luồng vốn khó chịu trong tôi. Quà tặng này phải là chính Ngôi Lời nhập thể xóa bỏ mình hoàn toàn. Thiên Chúa yêu nhân loại đến nỗi đã trao ban chính Con của Ngài. Tôi muốn phóng dịch bài Quà Tặng từ cuốn ”Tiên Tri” của nhà tiên tri thời đại là Kahlil Gibran, cuốn sách bán chạy nhất thế kỷ, chỉ sau cuốn Kinh Thánh:
QUÀ TẶNG
Khi bạn cho những cái bạn đang có, thì quà tặng của bạn thật nhỏ nhoi.
Chỉ khi bạn cho chính mình bạn, thì quà tặng mới trở nên đích thực.
Vì cái gì là của cải, phải lo tích trữ nhiều thứ sợ rằng ngày mai sẽ cần.
Và ngày mai, ngày mai sẽ trao lại cái gì cho con chó quá khôn
đem giấu những khúc xương dưới cát,
đang khi cùng đoàn người lữ hành đi về thành thánh?
Và cái gì là điều lo lắng sẽ phải cần đến, nếu không phải chính là điều cứ phải cần?
Khi mà giếng của bạn đầy nước mà bạn khát,
thì cơn khát này chẳng khủng khiếp lắm sao,
và không có gì có thể làm cho bạn hết khát được!
Có những người chỉ cho đi một chút xíu những cái họ có, và họ cho đi để lấy tiếng,
thì cái ẩn ý này làm cho quà tặng của họ mất hết giá trị.
Và có những người chẳng có bao nhiêu mà cho đi tất cả.
Đó mới là những người tin vào cuộc đời, vì cuộc đời thật sung túc,
và rương đựng chẳng hề vơi.
Có những người cho đi với niềm vui, thì niềm vui chính là phần thưởng.
Và có những người cho đi với hy sinh, thì hy sinh đó là phép rửa.
Lại có những người cho đi mà không cần để ý tới hy sinh hay tìm niềm vui,
mà cũng chẳng cho đi vì nhân đức.
Họ cho đi vì trong thung lũng cây trầm đang thở hương vào không gian diệu vợi.
Qua bàn tay của những người như thế, Đức Chúa Trời đang tiếp tục vỗ về.
Và từ sau khóe mắt họ, Người mỉm cười trên mặt đất.
Cho khi được xin thì cao đẹp,
nhưng cho mà chỉ cần hiểu ý chứ không cần phải được xin, thì cao đẹp hơn nhiều.
Đi tìm người sẽ mở rộng tay đón nhận thì vui hơn là chính việc cho đi.
Và có phải chính bạn đang muốn giữ lại không nhỉ?
Mọi sự bạn đang có một ngày kia sẽ phải cho đi.
Vì thế, hãy cho đi hôm nay,
thì mùa ban tặng sẽ là của bạn,
chứ không phải là những người thừa kế bạn.
Bạn thường nói: tôi sẽ cho, nhưng chỉ cho những người xứng đáng.
Cây trái trong vườn chẳng nói vậy. Súc vật ngoài đồng cũng chẳng nói vậy.
Chúng cho đi thì chúng mới sống, vì giữ lại là chết.
Vì chắc chắn ai đã xứng đáng lãnh nhận ngày và đêm,
thì cũng xứng đáng lãnh nhận bất cứ gì từ bạn.
Và ai đã xứng đáng uống nước từ nguồn suối bao la của cuộc đời,
thì cũng xứng đáng múc đầy ly từ dòng suối nhỏ của bạn.
Vì thực ra thì cuộc đời mới trao ban cho cuộc đời.
Đang khi bạn tưởng là người trao ban thì lại chỉ là người làm chứng mà thôi.
Và bạn là người lãnh nhận. Tất cả các bạn chỉ là người lãnh nhận,
mà không cần phải biết ơn,
kẻo rồi bạn lại tạo ra cái ách đè trên bạn và trên người cho.
Tốt hơn là bạn hãy vươn lên cùng với người cho
mang theo quà tặng như mang theo đôi cánh.
Vì quá để ý tới mang ơn, tức là đã hồ nghi lòng rộng lượng
của Đấng đã nhận Đất làm Mẹ và nhận Chúa là Cha.
Nguồn :www.dunglac.net