BẢN TRƯỜNG CA VIỆT TỘC TRÊN ĐẢO QUỐC VANUATU.

(Nhân dịp kỷ niệm Kim Khánh (15/8/1954 -15/8/2004) ngôi thánh đường Thiên Môn, ở đảo quốc Vanuatu, xin chúc mừng cộng đòan Việt nam nhỏ bé ở Vanuatu.

Xin chân thành cám ơn và xin phép được để tên thật như những chứng nhân lịch sử của bản Trường Ca Con Cháu Tiên Rồng Nơi Xứ Vanuatu này).

Thanh quảng sdb

A. DẤU TÍCH NGƯỜI VIỆT TRÊN CÁC HẢI ĐẠI ĐẠI DƯƠNG CHÂU.

DẤU CHÂN TIÊN KHỞI

Khi gặp bà cụ Tích, một chứng nhân còn sống sót của những thế hệ đầu tiên đặt chân lên Vanuatu hồi năm 1930 lúc ấy bà mới có 17 tuổi. Tôi rất cảm phục và coi như là chứng tá sống để tôi tìm hiểm, nhưng rồi đọc cuốn nhật ký viết tay của linh mục Laurent Durand-Vaugaron tìm thấy ngay trang đầu ngài viết ngày 24/7/1927 ghi chú những phiếu chuyển và nhận tiền của những người Việt và sự giúp đỡ của ngài dành cho người Việt như tên ngài ghi lại Mai Trần Chúc và Vũ Văn Miên... Tôi tự hỏi vậy người Việt đã đặt chân tới các quần đảo này vào lúc nào? Chắc chắn phải trước năm 1930...

Khi ngồi nói chuyện với bác Duyệt tôi đặt câu hỏi đó và bác cho hay, ba mẹ kể lại là những người Việt đầu tiên tới đây là những tội phạm Pháp đầy sang đây cả vợ lẫn chồng vào khoảng năm 1920! Khi tôi lục trong thư viện của tòa giám mục Port Vila may mắn thay tôi tìm thấy cuốn kỷ niệm 100 năm của Giáo Hội Công giáo Vanuatu kể lại cuộc đời của tất cả các linh mục đã và đang làm việc cho GH tại đây. Tôi đã đọc về tiểu sử của cha Durand và tìm được dữ kiện chính xác ngày tháng chuyến tầu đầu tiên chở người Việt tới Vila là ngày 31/8/1920 với con số 148 nhân công Việt Nam (Đông Dương) và còn những chuyến kế tiếp. Hàng trăm người phu Việt được các chuyến tầu Lapérouse và tầu mang tên vua Gia Long chở tới.

Thứ bảy trước Phục sinh khi đang làm việc tại phòng ngủ tại Tòa Giám mục, phòng của tôi kế cạnh nhà nguyện, nên người qua lại tôi đều thấy. Sáng nay có hai sơ, một người da vàng, một da đen tới xưng tội, dù không nói được Pháp ngữ, tôi cũng cố bắt chuyện và được biết sơ da vàng nho nhỏ con kia chính là người Việt thuộc dòng Con Đức Maria của giáo phận Port Vila này. Năm nay sơ 83 tuổi, sơ kể được ba mẹ bế qua trong chuyến tầu đầu tiên 1920 lúc mới sanh... vì ba mẹ đi làm trong các đồn điền nên cho sơ vào nhà chung, viện mồ côi... nên sơ không biết một chữ tiếng Việt, không biết cha mẹ là ai... sơ tên là Teresa Thêm. Tính ra sơ 83 tuổi thì đúng sơ là em bé đi chuyến tầu tiên khởi tới đây đúng 82 năm về trước.



Từ năm 1925 có nhiều chuyến mộ phu được đưa qua làm trong các đồn điền tại đây như trong nhật ký của cha Durand ngày 23/8/1928 tầu con Gia Long chở 728 người phu Việt trong số đó 171 người xuống ở Port Vila này. Ý thức rằng nếu muốn cho công việc tông đồ với người Việt có hiệu năng, thì phải biết ngôn ngữ Việt; nên năm 1926 khi cha Durand về phép ở Âu châu, trên đường trở lại Vanuatu, ngài đã ngừng lại xứ Kẻ Sở gần Hà Nội 6 tháng để học tiếng Việt. Thông thạo tiếng Việt ngài đã trở lại Port Vila vào ngày 28/7/1927 và được bổ nhiệm làm tuyên uý cho đồng bào Đông Dương. Vì đồng bào Việt Nam làm rải rác trong các đồn điền trên nhiều đảo khác nhau, nên cha đề nghị mua một con tầu truyền giáo và ngày 27/10/1927 con tầu truyền giáo mang danh hiệu “Thánh Giuse” do ngài điều hành hiên ngang tiến vào cảng Port Vila.

Vào tháng 3/1929 cha Bochu bắt đầu giúp và hành trình trên con tầu này như là một thuyền trưởng trong suốt 30 năm. Con tầu đã trở thành phương tiện giao thông, chuyên chở khách và đồ đạc cũng như các sản phẩm từ các đồn điền... Con số những người Việt được mộ đi làm trong các đồn điền ở các hải đảo rất đông. Năm 1929 con số đã lên tới 5979 người; trong số đó đông đảo người Công giáo. Đi tới đâu họ đều xây dựng nhà nguyện làm nơi tụ họp cầu nguyện như tại Mango, Chauis và Surenda chẳng hạn...

Tại trung tâm truyền giáo Tổng Lãnh Thiên Thần Micae do cha Andre đảm trách dọc theo hai bờ suối Canal ở Santo, Malo và Aore thường tập hợp được cả 2000 người Việt trong số đó cũng có một số nhỏ từ các trung tâm truyền giáo khác ở các đảo Pentecôte và Ambrym.

Cha Durand săn sóc giúp đỡ và đặc biệt ngài giúp nhận và gưỉ tiền về cho gia đình của những người Việt làm phu tại đây. Rất nhiều hóa đơn gưỉ cho cha Liêm, cha Xuân ở miền Bắc được lưu giữ trong công khố.

Trong nhật ký của cha Durand kể lại nhiều cuộc thăm viếng dâng lễ, giải tội, rửa tội cho người Việt tại các đồn điền mà số thành phần hầu hết là người Việt từ 20 tới 80 người trong khi đó người Âu Châu chỉ vài ba người... Ví dụ ngày 2/9/1928 cha dâng lễ ở Faureville cho 25 người Việt, trong thánh lễ cha đã rửa tội cho anh Laurent Văn Chúc và làm đám cưới cho anh Chúc với cô Hiên mà công thức lễ cưới được cha chép lại trong sách nhật ký như sau:

Cha hỏi: “Chúc, con có muốn lấy Hiên... đang ở trước mặt mình bấy (bây) giờ làm vợ mình thật như phép Hội Thánh dậy chăng?

Chúc thưa: Lạy cha có

Cha hỏi: Hiên, có muốn lấy Chúc đang ở trước mặt mình bấy (bây) giờ làm chòng (chồng) mình thật như phép Hội Thánh dậy chăng?

Hiên thưa: Lạy cha có

Úp tay (không rõ có nhẫn cưới hay không và có thêm lời hứa đọc khi xỏ nhẫn hay không?).

Cũng như ngày 4 tháng 4 năm 1929 vào giờ trưa Nguyễn Văn Vương đến tìm cha ở nhà thờ.. . tân đinh lắm (có lẽ một người phu mới tên là Lắm) đến xin cha rửa tội cho một người gần chết tên là Nguyễn Văn Tế ngài đã rửa tội cho ông với tên thánh là Laurent Isidore Marie trước sự hiện diện của ông Nguyễn Văn Nghị có đạo và Nguyễn Văn Vương.

Ngày 13/5/1929 Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống Ngài dâng lễ tại đồn điền của ông Taponier với lá thơ cho phép của Đức cha Douceré lúc đó. Trong thư ngài viết:

Giám quản tông tòa Hebrides

Port Vila ngày 13/5/1929

Kính gửi ông Tapioner, giám đốc đồn điền Vaté

Kính ông,

Đức cha Douceré báo cho tôi hay về lá thư của ông, ĐGM cũng cho phép tôi thông báo cho ông rõ tôi sẽ đi đến Théouma chiều thứ bảy để hôm sau dâng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống... Cá nhân tôi rất vui mừng về quyết định này, và tôi cám ơn ông đã cho phép xử dụng phương tiện nơi đồn điền của ông để dâng lễ cho những người Việt can trường này.

Xin ông nhận nơi tôi lòng biết ơn.

Linh mục Durand.

Một biến cố khác vào ngày 12/3/1930, cha diễn tả con tầu Giuse cặp bến Port Vila trong một buổi mai đẹp trời, con tầu mang sứ mệnh truyền giáo anh dũng khải hoàn tiến tới, oai phong như con sư tử... Ngợi khen Đức Giêsu Kitô. Hôm ấy tới dự lễ có 50 người Âu Châu, 371 người Việt, có 49 người rước lễ, làm đám cưới cho một cặp và rửa tội 3 người lớn Ông Vũ Văn Miện, bà Vũ thị Hiên và một người không rõ tên. Cũng như hồ sơ của ba em được cha Bochu rửa tội.

Sau những năm phụ giúp làm việc mục vụ trong đó có nhiều người Việt tại các đồn điền, chính cha Bochu là người nỗ lực vận động xây cất một bệnh viện, vì số người bệnh qúa nhiều trong các đồn điền. Bác sĩ Lehotte là bác sĩ đầu tiên đi vào chữa bệnh cho những người phu Việt trong các đồn điền, và chính cha Bochu đã nhiều lần đau khổ khi chứng kiến những người phu Việt khốn cùng giẫy chết trong vòng tay của cha, vì chứng sốt rét ngã nước hay chứng sốt xuất huyết vào những năm 1925. Cuối cùng ngày 22/1/1928 bệnh viện mới được thành hình và các y tá được đưa tới làm việc!

Trong một bản bá cáo kèm theo tấm thẻ visit của bác sĩ Lê Văn Chỉnh vào ngày 29/6/1937 ghi 481 người Âu Châu, 589 người bản xứ?, 648 người Việt và 4 người Javanais... trên tấm card visit đề 8/10/1937 và con số tại các đảo như Vila 196, Pango 114, hai nơi không rõ tern 248 và 57 và Male 391 có lẽ là số người được bác sĩ Chỉnh khám bệnh trong mấy tháng vị bác sĩ này ở Vanuatu.

Trang cuối của cuốn nhật ký ngày 25/4/1938 cha có ghi bằng tiếng Việt nội dung như sau (xin ghi lại nguyên văn dù có một vài chữ sai nhưng hiểu được nghĩa):

Cha có băng long (bằng lòng) đến đây mà thăm viềng (viếng chúng) chung con có đạo.

Bấy (bây) giờ có (là) mùa Phục Sinh thì chúng con có đạo phải xét minh (mình mà xưng tội và được) mà xung tội va được chịu lễ.

Vậy cha xin phép ong (ông) chủ cho đươc (cho cha được) cha làm lễ ở nhà ông chủ đến mai sáng sớm bốn giờ (làm lễ tại nhà ông ấy vào bốn giờ sáng sớm mai).

Chúng con có đạo có bằng lòng đi xem lễ và được chịu lễ, thì chúng con đến sớm mà troi truyện (trò truyện nghĩa là gặp cha) cùng cha, và xưng tội trước lễ, thì chúng con được chịu lễ. Thề thì tốt làm (Thế thì tốt lắm có ý là như vậy mới là người Công giáo tốt).

Sau 18 năm không mỏi mệt giúp đỡ, bênh vực cho người Việt trên những hải đảo ở đây, cha đã an nghỉ ngày 14/7/1938 tại Port Vila và được an táng ở nghĩa trang đồi Montmartre, Port Vila, nước Vanuatu.

B. TRANG XỬ MỚI

Sau khi cha Durand qua đời từ 1938 tới 1951 hầu như không có tài liệu gì về việc mục vụ cho những người phu Việt... Chắc chắn các cha xứ bản địa tiếp tục giúp đỡ những người Việt, tuy thế chắc không được bằng cha Durand, người có thể nói được ngôn ngữ Việt và yêu thương người Việt như tình đồng hương máu mủ ruột thịt.

Năm 1951 chiến dịch hồi hương những người Việt được tuyên truyền dù chưa thực hiện, vì cuộc chiến đòi độc lập của chính phủ Việt Minh lúc đó. Tình trạng mục vụ cho người Việt thật phức tạp, Đức cha Halbert không kiếm ra một người thứ hai như cha Durand, hiểu và nói được tiếng Việt. ĐGM muốn gửi một linh mục về Việt Nam để học tiếng Việt cũng không được vì chiến tranh đang bùng nổ mạnh... Không còn một giải pháp nào khác ngoài xin một linh mục bản xứ sang đây để trông coi người Việt!

Đức cha Halbert đã liên lạc với Đức cha Phạm Ngọc Chi, giám mục Bùi Chu, Bắc Việt và được phúc đáp rằng “Trước tình thế phức tạp của đất nước, vả lại trong giáo phận của tôi chỉ có 170 linh mục mà phải trông coi 200 ngàn giáo hữu, trong đó số tân tòng vừa được rửa tội là 40 ngàn người”. Đức cha Phạm Ngọc Chi đề nghị với Đức cha Halbert nên liên lạc với Các Cha Hội Thừa Sai Balê xem sao.

Hội Thừa Sai Balê cũng không giải quyết được vấn đề. Cuối cùng chính Đức Cha Phạm Ngọc Chi đã gửi một linh mục đã từng làm cha xứ và là cha giáo đại chủng viện, đó là linh mục Giuse Nguyễn Năng Vịnh qua Tân Đảo.

Được biết linh mục Nguyễn Năng Vịnh sinh ngày 4/10/1908 tại Đại Đề, Bùi Chu. Ngài được chịu chức ngày 28/9/1944 và được bài sai làm cha giáo của đại chủng viện. Ngài đã tình nguyện sang giúp đồng bào Việt Nam tại Tân Đảo.

Trong lá thư viết cho Đức cha Halbert đề ngày 24/4/1953, Đức cha Phạm Ngọc Chi viết:

“Như đã hứa với Đức cha, nay con xin gửi tới New Hebride,s giáo phận của Đức cha một cha từ giáo phận của con là linh mục Giuse Phạm Năng Vịnh, ngài là cựu giáo sư đại chủng viện Bùi chu và cũng nguyên là cha xứ, để phụ giúp Đức cha lo mục vụ cho những người Việt sinh sống trong giáo phận của Đức cha.

Từ nay, cha Vịnh sẽ thuộc quyền sở tại của Đức cha.”

Cha Vịnh đã đặt chân lên Port Vila vào ngày 23/6/1953. Từ trước tới nay (1920 - 1953), người Việt vẫn sinh hoạt tại đất Nhà Chung ở Mélé. Trung tâm này đã từng là chốn sinh hoạt tôn giáo cho người Việt và một thời cũng là trung tâm hành hương Đức Mẹ Fatima cho giáo phận Port Vila.

Từ năm 1962 người Việt không còn sinh hoạt gì tại đây nữa thì Mélé chỉ còn là một di tích với chiếc cổng bằng bê-tông cốt sắt vươn cao như một di tích của người Việt đã một thời hiện diện, vẫn đứng vững trơ gan cùng tuế nguyệt. Từ đó vùng đất này là nơi sinh hoạt cho Hướng Đạo của giáo phận vào cuối tuần.

Khi tới Port Vila, cha Vịnh không bỏ mất thời giờ, ngài bắt tay vào công việc chăm nom mục vụ cho người Việt, ngài xây dựng thánh đường mang tên Thiên Môn, Port du Ciel, Đức Bà Là Cửa Thiên Đàng, được khánh thành năm 1954 và năm sau 1955 khánh thành nhà xứ Thiên Môn.

Vật liệu xây cất nhà thờ Thiên Môn là một khung nhà vòm mua lại từ một trại lính Mỹ ở đảo Santô. Các cụ ông cụ bà, nam thanh thiếu nữ dưới sự điều hành của cha Vịnh ban đất, đổ móng, xây lên một ngôi thánh đường khang trang. Tầng trên làm nhà nguyện, tầng dưới làm hội trường để sinh hoạt... Nhà thờ được tọa lạc trên đất của nhà chung (đất của điạ phận), gần nhà thờ chính tòa Sacre Coeur (Thánh Tâm) của điạ phận và phía sau của Nha cảnh sát đô thành.

Trong khi bận rộn với việc xây dựng nhà thờ và nhà xứ như vậy thì cha Vịnh phải đối phó với chiến dịch tuyên truyền của Việt Minh kêu gọi dân chúng hồi hương, với lời hiệu triệu của chủ tịch Hồ Chí Minh hãy hồi hương vì quê hương được độc lập, hãy về xây dựng đất nước... Nhất là sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 kết thúc 100 năm đô hộ của Pháp! Trong say men chiến thắng và trước nhiều nỗi khổ, nhục nhằn của thời thực dân Pháp tại quê nhà cũng như tại Tân Đảo này, nhiều người Việt đã xuôi lòng trước lời dụ dỗ của Cộng Sản hồi hương, mà con số hồi hương lên tới hơn 4000 người, tính cho đến chuyến tầu chót vào cuối năm 1963 và đầu năm 1964. Bác A... kể lại có tới 11 chuyến tầu hồi hương, lúc đó bác 25 tuổi. Bác về vì cha mẹ về... Người Việt mình vẫn có một truyền thống mãnh liệt trân qúi những tình cảm lưu luyến và gắn bó với quê cha đất tổ... Nhưng khi về tới Việt Nam những người phu Việt khốn khổ này mới hỡi ôi trước thực tại thiên đàng mà Cộng sản tuyên truyền và hứa hẹn cho họ thừa hưởng! Bác A... may mắn vì có bằng cấp chuyên môn học ở Noumea mà được trọng dụng làm việc trong xưởng chế biến Xi-măng ở Hải Phòng... thế mà cuộc sống vô cùng chật vật, luôn sống trong sự theo dõi, kiểm tra... Chính bác A..., bác H..., chị N... là những nạn nhân trở về rồi lại tìm đường vượt biên qua đây...

Khi ngồi nói chuyện với bà cụ X..., một chứng nhân của những thăng trầm và những mốc điểm của người Việt tại Tân Đảo này, tôi có thắc mắc về những đợt hồi hương này, bà không ngần ngại chia sẻ với tôi về ông V..., nhân viên đại diện của chính quyền Việt Minh sang đây vận động người Việt hồi hương... Vì quen thân với gia đình, mà ông này đã nói xa nói gần thuyết phục gia đình bà ở lại đây đừng về... bằng những lời như “Về Việt, gia đình bà đông con cái thế này thì lấy nhà đâu mà ở, làm gì mà sống! Chỉ nước đi Tân Quang! (Tân Quang có lẽ là một vùng kinh tế!). Trong lúc ấy với 14 người con ăn học, gia đình bà đang là sở hữu chủ của cả một dẫy phố gần ngay trung tâm của thành phố Port Vila này!

Trước những đau buồn nhìn thấy đoàn con Việt trở về thiêng đàng địa ngục của Việt Minh mà mình không cản ngăn nổi, cha Vịnh chỉ còn biết cầu nguyện và kiên trì cùng với những người ở lại, chọn Tân Đảo làm quê hương thứ hai của mình bằng xây dựng tình yêu thương, vun góp đức tin, sống chứng tá yêu thương giữa xứ người trong vòng tay giáo xứ Thiên Môn với các hoạt động của Ban Hành Giáo, của Hội Nghĩa Binh Thánh Thể, của xóm đạo v.v... cho tới ngày 22/11/1977, ngày cha vĩnh biệt đoàn con trở về nhà Cha Vĩnh Cửu trên trời. Ngài được an táng và an nghỉ ngàn thu tại nghĩa trang Montmartre, Port Vila, Vanuatu.

Chắc chắn không gì diễn tả được sự thương tiếc người cha khả kính đã tận tụy suốt 23 năm gắn bó xây dựng cộng đòan. Làm sao khỏa lấp được những âu lo bơ vơ của cộng đoàn như những đứa con thơ từ nay sẽ mồ côi cha, thiếu vắng mẹ! Trước một tương lai mù mịt ấy cộng đoàn Thiên Môn dù nhỏ bé nhưng tràn trề tình thương biết ơn mộ mến ngài đã lập mộ cho Ngài. Trong tất cả các ngôi mộ trên đồi Montmartre, không một ngôi mộ nào, dù là mộ của Đức giám mục địa phận cũng không đẹp và to lớn bằng ngôi mộ của cha Giuse Nguyễn Năng Vịnh... Điếu ấy nói lên lòng biết ơn của cộng đoàn Công Giáo dù nhỏ bé nhưng tấm lòng biết ơn lớn lao dành cho vị chủ chăn của mình.

C. GIAI ĐIỆU CUỐI CỦA BẢN TRƯỜNG CA

Sau khi cha Vịnh qua đời cộng đoàn Thiên Môn này lại rơi vào tình trạng không chủ chăn, nhưng nhờ vào tinh thần bất khuất kiên trì của các ban hành giáo mà nhà thờ và nhà xứ Thiên Môn vẫn tồn tại. Qua các cơn bão lớn như trận bão 28/12/1959 và đặc biệt cơn bão Uma ngày 7/2/1987 đã hủy phá nhiều trung tâm, ngay cả tòa giám mục sát cạnh, ấy thế mà nhà thờ Thiên Môn vẫn vững chãi hiên ngang với Thánh gía và tháp chuông ngước cao! Hàng năm các cha Việt từ nơi này nơi khác về, đặc biệt mỗi tuần thánh, ban hành giáo cố mời một cha Việt về để hâm nóng và kiện cường lòng tin sống đạo và nối kết sự gắn bó hiệp nhất của cộng đoàn.

Qua năm tháng giáo xứ đã:

- Được vinh dự đón tiếp Hội Đồng Giám Mục Thái Bình Dương thăm viếng vào năm 1982.

- Năm 1983 đã mừng biến cố 30 năm ngày thành lập giáo xứ.

- Năm 1985 được đón tiếp Đức Khâm sứ toà thánh viếng thăm.

- Năm 1987 nhâm dịp kỷ niệm 100 truyền giáo tại Vanuatu, cộng đoàn đã được đón Đức Hồng Y Bernadin Gantin.

- 1995 kỷ niệm 41 năm ngày thành lập giáo xứ.

Người Việt có tâm lòng, sự thông minh cần cù làm việc nên dù con số có giảm nhưng vẫn nắm giữ vai trò lãnh đạo, lèo lái nền tài chánh của đất nước này: gia đình họ Đinh với những cơ sở làm ăn, tầu sắt mang tên Đinh I, có bến cảng riêng, các cửa tiệm... Ngay tại trung tâm thủ đô: những tòa nhà Phoenix của gia đình bác Tăng, dẫy phố của anh Vũ... rải rác đây kia là căn phố của anh chị Xứng, của anh chị Quán, tiệm hình, tiệm quần áo của chị Dung, tiệm bán hàng và sửa xe Hồng v.v... Tất cả nói lên những thành công về thương trường của người Việt mà đại đa số là chủ nhân...

Tình hình Vanuatu sau ngày độc lập 30/7/1980 mỗi lúc một tệ hại và bấp bênh đã tạo nên những khủng khoảng kinh tế, vì không còn nhiều viện trợ, đầu tư của ngoại quốc... đòi buộc chính phủ phải đánh thuế cao, công ăn việc làm thiếu hụt... Và rồi những ưu tiên ưu đãi dành cho người bản xứ... những phân rẽ người bản gốc với các người sắc tộc v.v... tạo nên những tâm tư và tình trạng bất ổn cho những người không thuộc gốc bản xứ mối lo về kỳ thị, bài ngọai như đã và đang xảy ra tại quốc gia Zambwe bên Phi Châu làm dấy lên những đợt di tản...

Người Việt cũng không thoát khỏi tậm trạng ấy, một số đã bán cơ sở sự nghiệp để về Pháp hay sang Noumea, đi lập cư đoàn tụ tại Gia Nã Đại, Mỹ hay Úc Châu... Nếu không muốn nói là di tản, thì giới trẻ lớn lên cũng phải qua Pháp, Noumea hay Úc mà học, vì nơi đây chưa có đại học... Mà đã đi học thì đại đa số sẽ lấy vợ lấy chồng tại quốc gia đó hoặc kiếm việc làm tại nước đó sau khi tốt nghiệp; nên việc trở về Vanuatu là chuyện khó tưởng! Chính vì vậy số người Việt hiện hành toàn là người lớn tuổi hay các em nhỏ mà thôi. Cha mẹ và người lớn ở lại tiếp tục việc buôn bán, còn con cái thì đang học hành tại một quốc gia khác!

Bên cạnh nhà thờ là tượng đài Đức Mẹ Phù Hộ Giáo Hữu Thiên Môn được xây và khánh thành vào 15/8/1959 do gia đình của anh chị Khanh hiến tặng trước khi gĩa từ đảo quốc này đi định cư tại Pháp.

May thay Vanuatu còn có sơ Francoise Nguyễn, thuộc dòng Con Đức Mẹ, là thế hệ thứ hai sinh trưởng tại Noumea đang làm việc tại đây. Hy vọng sơ sẽ làm việc lâu dài nơi đây để trở thành tụ điểm cho người Việt Nam Công Giáo bám vúi và qui tụ...

Tâm trạng và mối lo một ngày nào đó có thể phải ‘bỏ của mà chạy lấy người’ tạo nên một viễn ảnh đen tối cho người Việt trên đất nước này!

Ai cũng lấy làm tiếc rằng đất nước này độc lập qúa sớm, qúa vội vã! Vận mệnh của đất nước này nằm trong tay dân bản xứ chưa được sửa soạn chín mùi để điều hành một quốc gia hòa trong thị trường toàn vũ quốc tế ngày nay.

Dù hoàn cảnh thời thế ra sao đi nữa, Giáo xứ Thiên Môn đã đang và hy vọng sẽ còn được đón tiếp các linh mục từ Mỹ, từ Úc hay từ Noumea tới thăm viếng... Vị nào tới đây cũng phải ngững phục cộng đoàn nhỏ bé này. Năm ngoái linh mục Đinh Thanh Bình sau một tuần sống tại đây đã viết bài Vanuatu, Thiên Đường Khép Kín đăng trên Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu, năm nay 2002 tôi cũng được cuốn hút trước những câu chuyện truyền khẩu và trước một thực tại số người Việt nói chung và người Công giáo nói riêng đang giảm dần tại đảo quốc Vanuatu này... thúc đẩy tôi nghiên cứu và viết lại Thiên Trường Ca về Người Việt Nam trên những hải đảo thiên đường của đảo quốc Cộng Hoà Vanuatu này. Có lẽ đây là những giai điệu chót của một Thiên Trường Ca mà không rõ ngày nào mới dứt! Tất cả hoàn toàn lệ thuộc vào những người Việt tại đây... Bao lâu dù còn một người Việt mà thôi, nhưng trái tim tâm hồn vẫn còn tươi hồng nhiệt huyết Việt tộc thì Thiên Trường Ca này vẫn còn được kéo dài, ngân vang đầy âm hưởng...

Port Vila (Thứ Năm Tuần Thánh 2002)

***************

Ngày 15/8/2004 là Kim khánh của Ngôi Thánh Đường Thiên Môn, dù con số giáo dân còn rất ít, không thể tổ chức một Đại Hội lớn, quy tụ nhiều người đã từng sống ở Vanuatu trở về, trong ngày ấy Đức Giám Mục giáo phận Michael Visi sẽ cử hành Thánh lễ tạ ơn cùng với khoảng 15 giáo dân Việt Nam ở Vanuatu cũng như Nuomea về, để tạ ơn và cầu nguyện cho tương lai của ngôi thánh đường Thiên Môn. Tuy con số tham dự rất khiêm nhường, nhưng nhiệt tâm và lòng biết ơn những người đã góp công góp sức xây dựng nên giáo xứ Thiên Môn làm nên âm điệu vang vọng nối tiếp Bản Trường Ca Việt Tộc Trên Đảo Quốc Vanuatu.

SÁCH THAM KHẢO

G. Delbos, L’ Église Catholique Au Vanuatu, un siècle et demi d’ histoire 1849 - 1999, do nhà xuất bản CEPAC xuất bản và in tại Suvà 2001.

M. Dubois - de Greslan, Jusitce Est Faite, Nouvelle-Caledonie, 1994

P. Monnier, Hundred Years of Mission 1887 - 1987, The Catholic Church in New Hebrides - Vanuatu, in tại Port Vila, 1987.

P. Monnier, Cent Ans De Mission Au Vanuatu 1887 - 1987, L’ Église Catholique Au Vanuatu, Biographies, Port Vila, 1988.

Report of the South Pacific Policy Review Group, Towards a Pacific Island Community, in tại Wellington 1990.

L. Durand-Vaugaron, Nhật Ký viết tay từ năm 1927 tới 1937, được lưu trữ trong công hàm của Giáo phận Port Vila.

Tập san Vanuatu Namba 10 Independens Selebresen, Port Vila 30/7/1990.