Bài Giáo Lý 6 của ĐTC Phanxicô về Bí Tich Rửa Tội: Bí Tích Rửa Tội: Mặc lấy Đức Kitô

“Chiếc áo trắng, trong khi diễn tả một cách biểu tượng điều đã xảy ra trong bí tích, công bố tình trạng của người đã được biến đổi trong vinh quang của Thiên Chúa… Sự hiện diện sống động của Đức Kitô… là ngọn đèn soi sáng bước đường của chúng ta, là ánh sáng hướng dẫn các lựa chọn của chúng ta, là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn trong việc đi gặp Chúa…”.

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ sáu của ĐTC Phanxicô và cũng là bài giáo lý cuối cùng trong loạt bài giáo ly về Bí Tích Rửa Tội củ Đức Phanxicô, được ban hành ngày 16 tháng 5, 2018 tại Quảng trường Thánh Phêrô. Phần đầu của bản dịch này là bài tóm tắt bằng Tiếng Anh được đọc trước bài giáo lý của Đức Thánh Cha bằng Tiếng Ý.


Anh chị em thân mến: Trong bài này, bài giáo lý cuối cùng của chúng ta về Bí Tích Rửa Tội, chúng ta quay sang các nghi thức làm sáng tỏ ân sủng của Bí Tich. Theo một truyền thống cổ xưa, người mới chịu Phép Rửa được mặc áo trắng biểu thị đời sống mới của họ trong Đức Kitô, và được khuyên nhủ gìn giữ nó không tỳ vết cho sự sống đời đời. Bởi vì, như Thánh Phaolô nói, người đã được rửa tội đã mặc lấy Đức Kitô (x. Gal 3:27), họ được mời gọi vun trồng mọi nhân đức, đặc biệt là đức ái, là nhân đức ràng buộc các nhân đức khác lại với nhau (xem Col 3:14). Vì vậy, với sự giúp đỡ của cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu, cây nến nhỏ được thắp lên từ cây nến Phục Sinh tượng trưng cho ánh sáng của Đức Kitô và sự ấm áp của tình yêu Người, phải được nuôi nấng qua việc giáo dục trong đời sống Kitô hữu. Các nghi thức này không chỉ gợi lên sự hiệp thông của chúng ta trong Hội Thánh dưới trần mà còn chỉ đến sự thực hiện của nó nơi thành Giêrusalem trên trời, ở đó Thiên Chúa sẽ là ánh sáng của chúng ta muôn đời (x. Khải Huyền 22: 5). Nghi thức Rửa Tội được kết thúc bằng Kinh Lạy Cha, như biểu hiện của phẩm giá của chúng ta là dưỡng tử và dưỡng nữ của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Chớ gì tất cả chúng ta trân quý món quà ân sủng mà mình đã nhận được trong ngày Rửa Tội của mình, và để cho mình được hướng dẫn từng bước bởi Chúa Thánh Thần là Đấng ngự trong lòng chúng ta.

Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2018/documents/papa-francesco_20180516_udienza-generale.html

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta kết thúc chu kỳ giáo lý về Bí Tích Rửa Tội. Những hiệu quả thiêng liêng của bí tích này, vô hình với đôi mắt, nhưng hoạt động trong tâm hồn của những người đã trở thành một thụ tạo mới, được làm sáng tỏ bằng việc trao chiếc áo trắng và nến sáng.

Sau việc tẩy rửa tái sinh, có khả năng tái tạo con người theo Thiên Chúa trong sự thánh thiện đích thực (x. Eph 4:24), có vẻ đương nhiên, ngay từ những thế kỷ đầu, việc mặc cho người được rửa tội một chiếc áo mới, tinh tuyền, giống như sự rạng ngời của sự sống đạt được trong Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Chiếc áo trắng, trong khi diễn tả một cách biểu tượng điều đã xảy ra trong bí tích, công bố tình trạng của người đã được biến đổi trong vinh quang của Thiên Chúa.

Việc mặc lấy Đức Kitô có nghĩa gì, như Thánh Phaolô nhắc nhở về nó qua việc giải thích các nhân đức mà người đã được rửa tội phải vun trồng: “Như những người được Thiên Chúa tuyển chọn, thánh hóa và rất thương yêu, anh em hãy mặc lấy lòng thương xót, tử tế, khiêm tốn, hiền lành và nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau. Trên hết mọi sự, anh em hãy mặc lấy đức ái, là mối dây ràng buộc sự trọn lành” (Col 3,12-14).

Ngay cả nghi thức trao ngọn lửa rút ra từ cây nến Phục Sinh, cũng nhắc lại hiệu quả của Bí Tích Rửa Tội, vị linh mục nói, “Hãy nhận lấy ánh sáng của Đức Kitô”. Những lời này nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không phải là ánh sáng, nhưng ánh sáng là Đức Chúa Giêsu Kitô (Ga 1:9; 12:46), Đấng đã sống lại từ cõi chết, Người đã chinh phục bóng tối sự dữ. Chúng ta được kêu gọi lãnh nhận sự rạng ngời của ánh sáng này! Như ngọn lửa của cây nến Phục Sinh mang ánh sáng đến cho những cây nến cá nhân, thì tình yêu của Chúa Phục Sinh cũng đốt lòng những người đã được rửa tội, đổ đầy trên họ ánh sáng và nhiệt năng. Vì lý do này mà ngay từ những thế kỷ đầu tiên, Bí Tích Rửa Tội còn được gọi là “sự soi sáng” và người đã được rửa tội được gọi là “người được soi sáng”.

Thực ra, ơn gọi làm Kitô hữu chính là “luôn bước đi như con cái sự sáng, kiên trì trong đức tin” (x. Nghi Thức Nhập Đạo của người lớn, 226; Ga 12:36). Nếu là trẻ em, thì bổn phận của cha mẹ, cùng cha mẹ đỡ đầu, là chăm lo nuôi dưỡng ngọn lửa của ân sủng rửa tội nơi con cái họ, giúp chúng kiên trì trong đức tin (x. Nghi Thức Rửa Tội cho trẻ em, 73). “Giáo dục Kitô giáo là quyền của trẻ em; nhắm đến việc dẫn dắt chúng từng bước để hiểu chương trình của Thiên Chúa trong Đức Kitô, nhờ đó chúng có thể chấp nhận cách cá nhân đức tin mà trong ấy chúng đã được rửa tội” (ibid., Giới thiệu, 3).

Sự hiện diện sống động của Đức Kitô, để được giữ gìn, bảo vệ và mở rộng trong chúng ta, là ngọn đèn soi sáng bước đường của chúng ta, là ánh sáng hướng dẫn các lựa chọn của chúng ta, là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn trong việc đi gặp Chúa, làm cho chúng ta có khả năng giúp những người đi cùng với mình, cho đến sự hiệp thông không thể tách ra được với Người. Ngày ấy, Sách Khải Huyền còn nói, sẽ không còn đêm nữa, họ sẽ không cần ánh sáng của đèn, hay ánh sáng của mặt trời, vì Chúa là Thiên Chúa sẽ ban ánh sáng cho họ, và họ sẽ thống trị đến muôn muôn đời” (x. 22:5).

Việc cử hành Bí Tích Rửa Tội kết thúc bằng Kinh Lạy Cha, là kinh thích hợp với cộng đồng con cái Thiên Chúa. Thực ra, các trẻ em được tái sinh bởi Bí Tích Rửa Tội sẽ nhận được sự trọn vẹn của hồng ân Chúa Thánh Thần trong Bí Tích Thêm Sức và sẽ tham dự vào Bí Tích Thánh Thể, trong khi học biết việc hướng về Thiên Chúa để gọi Ngài là “Cha” có nghĩa gì.

Ở cuối những bài giáo lý về Bí Tích Rửa Tội này, tôi nhắc lại cho mỗi người trong anh chị em lời mời gọi mà tôi đã bày tỏ trong Tông Huấn Gaudete et Exsultate: “Hãy để ân sủng của bí tích Rửa Tội của anh chị em sinh hoa trái trên con đường nên thánh. Hãy để mọi sự được mở ra cho Thiên Chúa; hướng về Ngài trong mọi tình cảnh. Đừng lo sợ, vì quyền năng của Chúa Thánh Thần cho phép anh chị em làm điều này, và cuối cùng, sự thánh thiện là hoa trái của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của anh chị em (x. Gal 5,22-23)” (s. 15).

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguồn: . http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2018/documents/papa-francesco_20180516_udienza-generale.html