Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Kính thưa quý vị và anh chị em, nhân ngày Truyền thông Xã hội Thế giới lần thứ 52, được cử hành trong toàn thể Giáo Hội vào ngày Chúa Nhật 13 tháng 5, VietCatholic đã có cuộc phỏng vấn với cha Bernado Cervellera, một vị đại ân nhân của Giáo Hội Việt Nam trong ngành truyền thông.

Để tiện theo dõi, Lan Vy xin được giới thiệu vài nét về ngài.

Cha Bernado Cervellera hiện nay là Giám đốc thông tấn xã Asia News. Ngài nguyên là Giám đốc thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. Trước đó, ngài từng là giáo sư Đại Học tại Bắc Kinh, và đã từng sang Việt Nam trong các phái đoàn của Tòa Thánh. Vì thế, ngài có một hiểu biết rất rộng về đời sống của Giáo Hội Công Giáo dưới ách của một nhà nước cộng sản vô thần nói chung, và hoàn cảnh của Giáo Hội Việt Nam nói riêng.

Ngài và Asia News là tiếng nói bênh vực cho Giáo Hội Việt Nam tại ngay giáo đô Rôma, trong tất cả những hoàn cảnh khó khăn như các biến cố Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Đồng Chiêm, Tam Tòa, Cồn Dầu, Thủ Thiêm…Ngài thấu hiểu hoàn cảnh và có một trí nhớ phi thường nhiều giáo sĩ tại Việt Nam như Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, cha Nguyễn Văn Lý và cả các giáo dân như luật sư Lê Quốc Quân; và nhiều câu chuyện tại Việt Nam như vụ Formosa, vụ nhà dòng Thánh Phaolô ở Hà Nội…

Nữ phóng viên Thảo Ly của VietCatholic đã bay từ Úc sang giáo đô Rôma để có cuộc phỏng vấn với cha Bernado Cervellera tại trụ sở thông tấn xã Asia News ở số 11 Via Francesco Domenico Guerrazzi.

Xin giới thiệu với quý vị và anh chị em phóng viên Thảo Ly và cuộc phỏng vấn với cha Bernado Cervellera.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Thảo Ly đã hân hạnh có cuộc gặp gỡ với cha Bernado Cervellera tại trụ sở thông tấn xã Asia News ở số 11 Via Francesco Domenico Guerrazzi.

Dưới đây là cuộc phỏng vấn ngài.

Trước hết, con muốn nhân cơ hội tuyệt vời này để cảm ơn cha rất nhiều vì tất cả những gì cha đã làm cho Giáo Hội ở Việt Nam.

Ngay tại đây, tại Rôma, trung tâm của Giáo Hội Công Giáo, tiếng kêu của chúng con vì những đau khổ vẫn còn đang tiếp diễn do bị bách hại, bị phân biệt đối xử, bị cướp bóc tài sản, bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị hạn chế tự do tín ngưỡng trong một cơ chế “xin cho” đã được thế giới nghe thấy nhờ sự giúp đỡ lớn lao của AsiaNews.

Có một câu, người Việt chúng con thường nói “uống nước nhớ nguồn”. Nhiều linh mục và anh chị em giáo dân muốn con chuyển đạt lời cảm ơn và sự đánh giá cao của họ đến cha vì cha và AsiaNews đã là đôi mắt, đôi tai và tiếng nói ủng hộ họ trong suốt những năm qua. Xin cảm ơn cha vì tất cả những gì cha đã làm cho Giáo Hội tại Việt Nam.

Công bằng mà nói, chúng con, các ký giả đã học được rất nhiều điều ở cha; không chỉ về cách thức trở thành một phóng viên có trách nhiệm, mà còn học được nơi cha tình yêu và sự chăm sóc huynh đệ mà cha và đồng nghiệp của cha tại AsiaNews đã dành cho chúng con, bất kể sự khác biệt của chúng ta về văn hóa và chủng tộc.

Ngày nay, Giáo hội ở Việt Nam vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng ở cuối con đường hầm quá dài trong một xã hội được đánh dấu bởi quá nhiều những hành vi bất công, bất nhân, phân biệt đối xử và loại trừ. Tuy nhiên, chúng con không cảm thấy cô đơn. Cảm ơn cha rất nhiều.

Thảo Ly: Thưa Cha Bernardo, AsiaNews đã trở thành một điểm tham chiếu cho rất nhiều người muốn có một sự hiểu biết sâu sắc về Giáo Hội tại Á châu. Là một linh mục người Ý, điều gì đã khiến cha trở nên quan tâm đến vấn đề tôn giáo và chính trị xã hội ở châu Á?

Cha Bernado Cervellera:

Trước hết, khi tôi còn trẻ, lúc đó tôi 17 tuổi, tôi muốn làm điều gì đó cho xã hội, cho thế giới. Trong thời kỳ đó có một biến cố gọi là cuộc cách mạng của 68. Mọi người trẻ đều muốn thay đổi thế giới. Đây là một khía cạnh, nhưng khía cạnh thứ hai là điều này, khi đó tôi tái khám phá đức tin của mình sau một thời gian sống, có thể nói, là vô thần trong thực tiễn và khám phá này rất mạnh đến mức tôi muốn dâng hiến đời mình cho việc truyền bá đức tin Công Giáo trên toàn thế giới; và rồi tôi trở thành một nhà truyền giáo PIME, Pontificio Istituto Missioni Estere Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại – rồi tôi trở thành một linh mục; và các sứ vụ truyền giáo của PIME chủ yếu là ở châu Á. Đây là lý do tại sao AsiaNews bắt đầu theo dõi tình hình ở châu Á nói chung và đặc biệt là tình hình truyền giáo ở châu Á.

Giờ đây, chúng ta cũng có thể nói rằng châu Á đã trở thành một lục địa rộng lớn, một lục địa quan trọng, đông dân nhất với hơn một nửa dân số trên thế giới. Thứ hai, nó đã trở thành một điểm trung tâm cho nền kinh tế thế giới và đại lục này cũng là một nơi có những tôn giáo lớn, những dân tộc và những nền văn hóa vĩ đại. Vì vậy, rõ ràng là nếu bạn muốn nắm lấy thế giới trước hết bạn phải nắm được châu Á.

Giáo Hội Công Giáo ở châu Á rất thú vị bởi vì thông thường các cộng đồng Công Giáo, các cộng đồng Kitô hữu là những nhóm thiểu số nhỏ nhoi nhưng rất sống động; và vì thế, sự tăng trưởng của Giáo hội ở châu Á là tuyệt vời, tăng đến bốn, năm phần trăm mỗi năm trong khi ở châu Âu có tình trạng ngưng trệ và ở Úc cũng giảm. Vì vậy, Giáo Hội Công Giáo rất quan tâm đến miền này.

Thảo Ly: Trước năm 2008, là năm được đánh dấu bởi cuộc khủng hoảng tại Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội, hầu hết các phóng viên Công Giáo Việt Nam đã viết các bài báo bằng tiếng Việt, chứ không bằng bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Đối mặt với một nguy cơ của một cuộc trấn áp quyết liệt, có thể là một cuộc đàn áp Thiên An Môn khác, chúng con bắt đầu thấy một nhu cầu cấp thiết để thông báo cho thế giới những gì đang xảy ra ở Việt Nam.

Cha đã từng lãnh đạo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, và bây giờ là tổng biên tập của AsiaNews, cha nghĩ gì về sức mạnh của internet và công nghệ mới trong cuộc chiến khó khăn để bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo?

Cha Bernado Cervellera:

Khi tôi là giám đốc của Fides, tôi cũng bắt đầu phiên bản Internet của Fides và đây là lý do tại sao bề trên của tôi, khi tôi kết thúc công việc của mình tại Vatican đã yêu cầu tôi làm như thế cho AsiaNews. AsiaNews trước đây là một tạp chí in trên giấy. Bây giờ, nó là một cơ quan tin tức hàng ngày.

Internet là một công cụ lớn và quan trọng bởi vì nó giao tiếp ngay lập tức trên toàn thế giới bằng các ngôn ngữ, tin tức và sự kiện đa dạng, cũng như các bài suy niệm theo cách mà trước kia là không thể được. Tôi nhớ khi tôi đến Việt Nam vào những năm 90, tôi thường mang theo một số sách. Thật khó để mang theo, để dấu trong khi bây giờ với internet tất cả mọi thứ có thể được gửi, tất nhiên, dưới dạng kỹ thuật số và theo phong cách kỹ thuật số.

Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải cẩn thận vì internet với tất cả các thông tin và các thông điệp nổi lên từ các mạng xã hội, cũng có thể kèm theo các tin giả là tin tức được thao túng vì mục đích ý thức hệ. Vì vậy, đây là lý do tại sao bất cứ khi nào chúng tôi nhận được tin tức từ một số nước ở châu Á, chúng tôi cố gắng xác minh và yêu cầu phóng viên của chúng tôi xác minh sự thật và cảm ơn Chúa, chúng tôi có phóng viên trên khắp Châu Á, vì vậy họ có thể là nhân chứng, không chỉ là những thông tín viên, họ còn là nhân chứng của tin tức, điều này khá quan trọng.

Thảo Ly: Nhiều phóng viên trẻ ở Việt Nam muốn được nghe lời khuyên của cha về cách chúng con có thể trở thành nhà báo hiệu quả, làm thế nào chúng ta có thể thu hút sự chú ý của quốc tế?

Cha Bernado Cervellera:

Họ có thể làm việc cho AsiaNews (cười). Chúng tôi là một ngôi trường rất tốt. Tôi nghĩ ... Chúng tôi có các nhà báo trẻ ở đây ở Ý, những người muốn trở thành một nhà báo chuyên nghiệp. Những gì tôi luôn nói với họ trước hết là hãy có lòng hiếu kỳ, đừng hài lòng, hay như tôi thường nói, là lười biếng, với những tin tức chúng ta nhận được, nhưng phải luôn cố gắng hiểu nhiều hơn, cố gắng xác minh những điều được người ta nói ra, cố gắng tìm lý do đằng sau tất cả các tin tức. Vì vậy, sự hiếu kỳ là năng khiếu rất quan trọng đối với một nhà báo, cho những ai muốn trở thành nhà báo.

Thứ hai, tôi yêu cầu các nhà báo trẻ của tôi phải biết tôn trọng những người mà chúng ta đang nói hoặc chúng ta đang viết về họ. Tôn trọng họ, những người có lẽ đau khổ hoặc đang làm điều gì đó. Chúng ta phải cố gắng hiểu, trước hết, không phán xét, không kết luận điều đó là tốt hay không tốt, và đừng chế nhạo họ. Hãy cố gắng hiểu. Cố gắng hiểu con người bên trong của họ. Và đối với một nhà báo Công Giáo, chúng ta cũng cần cố gắng hiểu những gì Giáo hội có thể làm cho người này, cho tình trạng này bởi vì báo chí Công Giáo và báo chí truyền giáo Công Giáo cần phải có một giọng nói tiên tri để đề nghị những điều mà Giáo hội, những điều mà người Công Giáo, người Kitô hữu có thể làm để chữa lành tình hình, cố gắng đưa ra câu trả lời cho các vấn đề, cố gắng hỗ trợ cho những người bị vi phạm nhân quyền tự do tôn giáo và vân vân. Đây là một phần của sứ mệnh của Giáo Hội trong những hoàn cảnh đó.

Thảo Ly: AsiaNews rất được ưa chuộng đối với người Công Giáo Việt Nam và những người có liên quan, các bài báo dịch từ AsiaNews đã trở thành một phần của những mục yêu thích hàng ngày của độc giả Việt Nam. Xin cha nói thêm một chút về lịch sử của AsiaNews và viễn kiến của cha dành cho cơ quan này.

Cha Bernado Cervellera:

Tôi có thể nói gì. Asia News đã xuất hiện, như cha đã nói với con trước đây, là từ mong muốn truyền giáo của các cha PIME để cố gắng hiểu Châu Á, cố gắng nhìn thấy một số con đường cho sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội ở Châu Á, và cố gắng xây dựng một mối quan hệ giữa Đông và Tây. Thông thường Đông và Tây, chúng ta hãy nói, châu Á và châu Âu chẳng hạn, hoặc châu Âu và Mỹ, họ cố gắng chiến đấu với nhau vì lý do thương mại, vì lý do địa chính trị, đôi khi cũng vì những lý do văn minh. Nhưng dù thế nào đi nữa, chúng tôi cũng cố gắng tìm cách để có sự hợp tác giữa các thế giới này với nhau và vì vậy hãy cố gắng hiểu nhau và cố gắng hỗ trợ lẫn nhau cả trên quan điểm kinh tế. Đây là kế hoạch của AsiaNews.

Bây giờ, chúng tôi thực hiện kế hoạch này được bao nhiêu? Đây là kế hoạch có thể được hoàn thành, nhưng tôi không biết khi nào. Nhưng dù sao, mỗi ngày chúng tôi cố gắng hết sức để làm theo những hướng dẫn này. Điều tôi thấy là một sự khẩn cấp nhất định trong sứ mệnh truyền giáo ở châu Á, không chỉ bởi vì người dân ở châu Á có một mong muốn mạnh mẽ về đức tin Kitô, mà còn bởi vì những vấn đề ở châu Á. Bây giờ, có những vấn đề đô thị và toàn cầu hóa, có sự sỉ nhục người dân vì công việc, bởi vì khai thác, vì lương rất thấp, vì những vấn đề môi trường. Tất cả những điều này xảy ra bởi vì con người không được nhìn nhận với một giá trị thích đáng. Giá trị con người ở châu Á không được đánh giá cao trong nền văn hóa nói chung, trong tầm nhìn kinh tế. Đức tin Công Giáo nói rằng Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại cho mỗi người chúng ta. Đây là nền tảng của nhân phẩm con người, vì vậy mọi người đều quan trọng. Và tôi nghĩ đây là lý do tại sao đức tin Công Giáo đang phát triển ở châu Á. Bởi vì người châu Á họ tìm thấy nơi đức tin Kitô nguồn mạch nhân phẩm của mình; và nguồn gốc phẩm giá con người của họ cũng trở thành một hình thức sáng tạo, một dấn thân cho xã hội, cho hạnh phúc của xã hội, cho hạnh phúc của gia đình, cho hạnh phúc của đất nước nơi họ đang sống.

Chúng ta cần tầm nhìn lớn vì nếu không, công việc hàng ngày của chúng ta trở nên quá mù quáng.

Thảo Ly: Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cha có điều gì muốn nói với các độc giả Việt Nam của Asia News không?

Cha Bernado Cervellera:

Tôi luôn ngưỡng mộ Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Trước hết, bởi vì phong cách của Giáo Hội tại đây khác với những Giáo Hội khác, như Giáo Hội Trung Quốc, chẳng hạn. Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam vẫn thống nhất, luôn đoàn kết, không chia rẽ. Đây là một ân sủng rất quan trọng và là một công cụ rất thiết yếu cho sứ mệnh truyền giáo vì sự hiệp nhất Giáo Hội phải được bảo tồn, sự thống nhất của Giáo Hội là truyền giáo. Tôi đã gặp nhiều linh mục và nữ tu Việt Nam trong cuộc đời tôi và điều rất, rất thú vị là họ rất dấn thân với người nghèo, hướng về gia đình, hướng đến trẻ em, hướng đến những người lao động. Tinh thần truyền giáo này rất cần được hỗ trợ và nhân lên.

Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là chúng ta phải nói lên tình hình của đất nước, tình hình tự do tôn giáo và nhân quyền, bởi vì đây là cách mà qua đó sự thật có thể được tìm thấy, có thể được nảy sinh trong xã hội. Điều này là quan trọng. Đôi khi, ngay cả trong các cơ cấu của Giáo hội, tìm một cách lịch sự để nói những điều không xúc phạm ai thì tốt hơn là im lặng. Tất nhiên, khi không thể lên tiếng thì chúng ta phải giữ im lặng, nhưng chúng ta có thể giúp người khác nói thay mặt cho chúng ta và đây là một ví dụ về giá trị của AsiaNews. Đôi khi, chúng tôi nhận được tin tức và các thỉnh nguyện từ các Giáo Hội không thể tự gióng lên tiếng nói vì họ bị cấm đoán, vì lý do này lý do khác. Nhưng Asia News nêu lên những tình huống của họ với giọng nói của họ ngay cả khi họ không thể nói một lời nào.

Thảo Ly: Cảm ơn Cha Bernardo đã dành cho con cuộc phỏng vấn này và một lần nữa, cảm ơn cha vì tất cả những gì cha đã làm cho Giáo Hội ở Việt Nam.