Mấy ngày nay, dư luận Công Giáo Quốc Tế chú ý tới sự kiện Đức Cha Peter Shao Zhumin của Giáo Phận Wenzhou, Trung Hoa, ngày 18 tháng Sáu vừa qua, bị bắt giam và hiện cả gia đình Đức Cha lẫn Giáo Hội Công Giáo đều không được thông báo nơi ngài bị giam giữ.

Theo tin của ucanews.com, ngày 26 tháng Sáu, Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh đã phát hành một lời tuyên bố về việc trên. Bản tuyên bố này nói: “Tòa Thánh đang rất lo âu quan sát tình trạng bản thân của Đức Giám Mục Peter Shao Zhumin của Wenzhou, bị cưỡng bức phải ra khỏi tòa giám mục của ngài đã mấy ngày nay”.

Bản tuyên bố cho rằng chính phủ Trung Hoa đã không cho biết lý do của việc mất tích này và Tòa Thánh “rất buồn” về việc xẩy ra và đối với “những tình tiết tương tự khác vốn bất hạnh thay không giúp làm cho việc hiểu biết nhau được dễ dàng”. Tòa Thánh tỏ ý mong mỏi thấy Đức Cha trở về giáo phận của ngài càng sớm càng tốt.

Tưởng cũng nên lưu ý: bản tuyên bố trên được phát hành trong lúc các cuộc thương nghị giữa Tòa Thánh và Trung Hoa diễn ra về việc bổ nhiệm các giám mục, mà cuộc họp gần đây nhất đã diễn ra trong các ngày 21-23 tháng Sáu tại Rôma.

Đây là lần thứ tư, Đức Cha Shao bị giam giữ kể từ khi Tòa Thánh xác nhận ngài là giám mục Wenzhou hồi tháng Chín, năm ngoái, sau khi vị tiền nhiệm của ngài là Đức Cha Vincent Zhu Weifang qua đời.

Nhân dịp này Hãng Tin ucanews.com cho hay: Chính Phủ Trung Hoa luôn thúc giục Đức Cha Shao gia nhập Hội Người Công Giáo Trung Hoa Yêu Nước để được nhà nước nhìn nhận. Nhưng nếu ngài gia nhập tổ chức này, ngài có nguy cơ bị cắt đứt khỏi 80,000 giáo dân trong cộng đồng hầm trú của giáo phận Wenzhou, trong khi Giáo Hội công khai chỉ có 50,000 giáo dân.

Các nhà cầm quyền cũng buộc ngài phải thuyết phục để Tòa Thánh cử nhiệm một linh mục thuộc cộng đồng công khai làm giám mục phó, nhằm mục đích để thay thế ngài, giống trường hợp giáo phận Bảo Định, nơi giám mục phó Francis An Shuxin được cử nhiệm và sau đó thay thế luôn Đức Cha James Su Zhimin.

Đức Ông Bernardo Cervellera của AsiaNews thì quả quyết Đức Cha Shao hiện đang bị tẩy não để gia nhập Hội Người Công Giáo Trung Hoa Yêu Nước. Sự kiện Phòng Báo Chí Tòa Thánh phải lên tiếng về việc bắt giam Đức Cha Shao cho thấy sự việc đang gây đau lòng cho nhiều giới trong Giáo Hội. Nhân dịp này, cơ quan truyền thông của Đức Ông cho đăng một bài nhận định của một giáo dân hầm trú Trung Hoa, ký tên Giuse, về 10 năm im lặng kể từ ngày Đức Bênêđíctô XVI gửi thư cho Giáo Hội Trung Hoa năm 2007.

Bài nhận định như sau:

Gần đây, tiếp theo lần thứ tư giam giữ Đức Cha Shao Zhumin, Giám Mục Wenzhou, hoàn cảnh của ngài đã được Đại Sứ của Đức tại Trung Hoa lưu ý, cùng với nhiều người ở trong nước và ở ngoại quốc. Thêm vào đó, năm nay đánh dấu kỷ niệm 10 năm Lá Thư gửi Người Công Giáo Trung Hoa của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và 5 năm đánh dấu việc giam giữ Đức Cha Ma Daqin tại nhà, ngày 7 tháng 7 năm 2012. Đây là dịp rất thích hợp để duyệt lại các biến cố gần đây tại Trung Hoa.

Lá thư của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI

Mười năm trước đây, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cho công bố bức thư nổi tiếng của ngài gửi Người Công Giáo Trung Hoa, trong đó, ngài xác định rằng một số cơ phận, tự đặt mình lên trên Giáo Hội, tức Hội Trung Hoa Yêu Nước và Hội Đồng Giám Mục (thường được gọi là Nhất Hội Nhất Đoàn, Yi hui, Yi tuan) , bất tương hợp với bản chất chuyên biệt của Giáo Hội Công Giáo. Lá thư của Đức Giáo Hoàng đã gây nên một phản ứng mạnh. Sau đó, Tòa Thánh còn cho công bố một bản tóm lược Lá Thư này nữa. Chín năm sau ngày công bố nó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhìn nhận rằng Lá Thư vẫn còn điều hướng các sự việc của Giáo Hội tại Trung Hoa. Thêm vào đó, hai sáng kiến tiếp nối Lá Thư này: sáng kiến thứ nhất là việc tuân giữ ngày 24 tháng Năm làm Ngày Lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu và Ngày Cầu Nguyện cho Giáo Hội Trung Hoa và kinh đặc biệt kính Đức Mẹ Sheshan của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô viết đặc biệt cho mục đích này. Sáng kiến thứ hai là việc Tòa Thánh thiết lập một ủy ban nghiên cứu thường trực, họp kín cách khoảng đều đặn để xem xét các vấn đề của Giáo Hội tại Trung Hoa và các liên hệ giữa Trung Hoa và Tòa Thánh: các tuyên bố chính thức của Ủy Ban đã tỏ ý lo ngại và trách cứ các trường hợp trong đó nhà cầm quyền Bắc Kinh rõ ràng đã cưỡng bức (điều được gọi là) các vụ tấn phong giám mục một cách dân chủ. Thế mà 10 năm sau, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc đến Ngày Cầu Nguyện của Giáo Hội Hoàn Vũ cho Giáo Hội tại Trung Hoa, các văn phòng của Tòa Thánh không còn nhắc chi tới Lá Thư của Đức Giáo Hoàng Hưu Trí hay Ủy Ban Đặc Biệt đã bị ngưng chức không có lý do.

Giám mục Thượng Hải và các cuộc tấn phong giám mục “tự do”

Liên quan tới Giáo Hội tại Trung Hoa, 5 năm trước đây, lúc tấn phong giám mục phụ tá của Thượng Hải, Đức Cha Ma Daqin (Hội Công Giáo Yêu Nước của Bắc Kinh cử ngài làm giám mục phó), trong nghi thức, ngài từ khước việc đạt tay của một giám mục bất hợp pháp và sau khi ban phép lành, ngài tuyên bố rằng ngài rút chân ra khỏi Hội Yêu Nước. Sự kiện này đi vào lịch sử dưới tên “sự thay đổi ngày 7 tháng 7”. Cử chỉ của Đức Cha Ma Daqin được sự hoan nghinh rất lớn ở cả Trung Hoa lẫn ngoại quốc. Nhưng đồng thời, nó cũng đã dẫn Giáo Phận Thượng Hải tới chỗ tê liệt, đoàn chiên không có chủ chiên, tình trạng kéo dài cho tới tận nay. Đức Cha Ma bị giam tại gia trong 5 năm, và cho tới nay vẫn không được thi hành thứa tác vụ giám mục của ngài. Tòa Thánh không coi vị giám mục duy nhất ở Thượng Hải là đấng bản quyền của giáo phận, nên tình thế đang lệ thuộc các biến tố không thể nào đoán trước được.

Trong thời gian 5 năm qua, Bắc Kinh không tiến hành bất cứ cuộc tấn phong giám mục dân chủ nào, nhưng việc bổ nhiệm và tấn phong giám mục cho thấy những dấu hiệu hiển nhiên của việc lệ thuộc vào quyền kiểm soát hoàn toàn của các nhà chức trách địa phương. Các trường hợp như thế bao gồm các Đức Cha An Shuxin, Wu Qinjin và các giám mục khác vốn được chính thức đặt để bởi các nhà chức trách địa phương, sau khi được sự thỏa thuận của Nhất Hội Nhất Đoàn ở Bắc Kinh. Trong những năm gần đây, các vị giám mục được chính thức tấn phong đều được chọn bởi giáo phận và Hội Yêu Nước, với sự cho phép của Nhất Hội Nhất Đoàn và Phòng Đăng Ký của Tôn Giáo Vụ Nhà Nước, và đồng thời được Tòa Thánh công bố việc bổ nhiệm. Trước ngày tấn phong, sắc lệnh bổ nhiệm của Đức Thánh Cha được đọc cho hàng giáo sĩ nghe, còn trong nghi lễ tấn phong, văn kiện cho phép của Hội Đồng Giám Mục Trung Hoa được công bố. Tân giám mục cũng phải tuyên bố mình ủng hộ đảng và chính phủ là những người yêu Giáo Hội và Tổ Quốc, tuân giữ Hiến Pháp và luật lệ… Đồng thời, các giám mục hợp pháp và các giám mục bất hợp pháp đều tham dự các lễ tấn phong, dù, trước đó, các nghi lễ phải được nhà chức trách chính thức chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm việc thực thi từng chi tiết một được hoàn hảo [1].

Đối thoại và bách hại

Trong bối cảnh có nhiều đồn đại mạnh mẽ về một thỏa hiệp đạt được trong các cuộc thương thảo giữa Trung Hoa và Tòa Thánh, hai vị Hồng Y của Hồng Kông, Đức Hồng Y hưu trí Giuse Zen Ze-kiun và đức Hồng Y Giám Mục Bản Quyền Gioan Tong Hon, đã cho công bố hai nhận định khác nhau: vị thứ nhất minh hoạ sự bi quan và thất vọng của ngài, vị thứ hai minh họa một thứ lạc quan nào đó. Các giới văn hóa bán chính thức của Trung Hoa mau mắn tới thăm Tòa Thánh và trao đổi tiếp xúc dưới hình thức thân hữu. Nhưng tin tức được phổ biến hiện nay là: các cuộc thương thảo giữa Trung Hoa và Tòa Thánh đang giao động. Người ta đang chuẩn bị tiếp diễn chúng với việc thay đổi nhân sự.

Trong một tầm nhìn khác, cử chỉ của Đức Cha Ma Daqin khiến ngài được coi như một biểu tượng tốt cho Giáo Hội tại Trung Hoa, và ngài lôi cuốn được nhiều quan tâm mới đối với Giáo Hội không chính thức. Nhưng năm ngoái, ngài viết năm bài báo, trong đó, ngài suy tư sâu xa về hành động mạnh mẽ 5 năm về trước của ngài và khiêm nhường xin công khai rút lại hành động ấy. Trong 5 năm ấy,một linh mục hầm trú, Cha Yu Heping chết đuối một cách đáng ngờ vực, một giám mục cao niên bị giam tại nhà lâu năm, Đức Cha Shi Enxiang qua đời lúc bị giam. Ít nhất hai giám mục và một linh mục hầm trú thường xuyên bị bắt giữ, bị điệu đi và buộc phải tham gia Hội Yêu Nước của Giáo Hội chính thức. Thế nhưng, tất cả các sự kiện này dường như bị mọi người làm ngơ, bởi họ quá phấn khởi bởi các tin tức cho rằng cái ngày có thể có thỏa hiệp ngoại giao giữa Trung Hoa và Tòa Thánh đã gần kề.

Mà Tòa Thánh cũng không hề hé lời nói nào hay thậm chí lời kêu gọi nào về tình huống của các ngài: hình như các ngài đã trở thành nhóm yếu thế cần phải loại hỏ. Trong khi ấy, một số giáo phận trong nước chia rẽ thành nhiều phe nhóm, một số phe nhóm này được coi là “trung thành” với Giáo Hội không chính thức. Người ta có thể thấy hiện tượng này tại các khu vực Fujian và Hebei. Trường hợp một linh mục đã bị treo chén, Cha Paul Dong Guanhua của Giáo Phận Zhengding, tự phong mình làm giám mục bí mật là một thí dụ đặc thù: nó khiến Tòa Thánh công khai bác bỏ ngay.

Hiện nay, các nhà chức trách Trung Hoa, song song với việc chấp pháp nghiêm ngặt hơn và cổ vũ việc “Trung Hoa hóa các tôn giáo”, đang gia tăng các nỗ lực của họ nhằm đặt một số thành trì của Giáo Hội không chính thức dưới quyền kiểm soát, nghĩa là khuất phục các vị giám mục Shao Zhumin, Guo Xijin và các giám mục khác luôn trung thành với các nguyên tắc của Giáo Hội và buộc các ngài phải suy phục và gắn bó với Giáo Hội chính thức. Gần đây nhất, cả ở Trung Hoa lẫn ở ngoại quốc, nhiều người lo âu và lên tiếng phản đối việc giam giữ và sự nguy hiểm mà Đức Cha Shao Zhumin đang gặp phải.

Hội nghị chuyên đề AsiaNews và chủ nghĩa thực tiễn mầu xám

Trong bối cảnh 10 năm Lá Thư gửi Người Công Giáo Trung Hoa của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, hai hội nghị khác nhau đã được tổ chức ở Rôma: hội nghị thứ nhất do thông tấn AsiaNews tổ chức có tên là “Trung Hoa: Thánh Giá mầu đỏ”. Thoạt đầu, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Piero Parolin được mời và rất đuợc mong đợi tham dự. Tuy nhiên, cuối cùng, vì các cam kết khác, ngài đã không đến được. Vị Tổng Thư Ký của Thánh Bộ Truyền Giảng Tin Mừng, Đức Tổng Giám Mục Savio Han Tai-Fai, đã đọc một diễn từ tại hội nghị chuyên đề, trong đó, ngài nhấn mạnh rằng “chủ nghĩa thực tiễn mầu xám” (gray pragmatism, xem Niềm Vui Tin Mừng, số 83) (2) đang lan tràn trong Giáo Hội tại Trung Hoa... Trong hội nghị chuyên đề thứ hai, do Cộng Đồng Sant’Egidio tổ chức về chủ đề liên hệ giữa Trung Hoa và Tòa Thánh, đại diện phía Trung Hoa đã được hoan hô vang dội vì diễn từ của ông ta về “việc Trung Hoa hóa các tôn giáo từ quan điểm lịch sử và tình thế hiện nay”.

Nói chung, bất cứ thỏa hiệp đạt được nào trong các cuộc thương thảo giữa Trung Hoa và Tòa Thánh đều có thể tốt, nhưng số phận của Giáo Hội không chính thức vẫn ở trong trạng thái không chắc chắn với nhiều biến tố khả hữu. Nói về các sợ hãi, điều mà nhiều người lo ngại là nền tảng thiêng liêng của đức tin không còn lấy Chúa làm tâm điểm nữa, nhưng một cách vô thức, không hiểu rõ, [tâm điểm này] đã trở thành mối quan tâm đối với vấn đề “trả cho Thiên Chúa những gì thuộc Thiên Chúa và trả cho Xêda những gì thuộc Xêda”.

Còn đối với Thượng Hải, đối với hàng giáo sĩ và tín hữu Jiangsu, tình thế hiện nay đang gây nên hỗn độn và quan ngại. Người ta hy vọng rằng Tòa Thánh có thể phát biểu rõ ràng sự quan tâm thích đáng của mình đối với Đức Cha Shao Zhumin và tương lai của toàn bộ Giáo Hội không chính thức và cố gắng giải quyết vấn đề để 30 hoặc hơn các vị giám mục của Giáo Hội hầm trú, những vị không được chính phủ nhìn nhận, nhận được sự nhìn nhận đúng đắn và điều này không chỉ nhờ những cuộc thương thảo bí mật mà thôi. Thêm nữa, “chủ nghĩa thực tiễn xám” và việc tục hóa, những điều đang sói mòn Giáo Hội tại Trung Hoa, là những vấn đề cần được xem xét nhiều hơn.

Giuse,
Tín hữu thuộc Giáo Hội xám Miền Tây Bắc Trung Hoa
_____________________________________________________________________________________________
[1] Điển hình là các cuộc tấn phong giám mục tại Chengdu và Xichang hồi tháng Mười Một và tháng Mười Hai vừa rồi.
(2) Có thể dựa vào câu nói thời danh của Đặng Tiểu Bình để hiểu chủ nghĩa thực tiễn mầu xám: “Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”