CHƯƠNG II

THÁNH THỂ, MẦU NHIỆM SỰ SÁNG

“Người cắt nghĩa cho các ông mọi điều Sách Thánh đã nói về Người” (Lc 24:27)

11. Tường thuật về Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus giúp chúng ta tập trung trước tiên vào mầu nhiệm Thánh Thể, một nhiệm tích được Dân Chúa tôn thờ: Thánh Thể là một mầu nhiệm của ánh sáng! Điều ấy có ý nghĩa gì và đâu là những liên hệ của bí tích này trong đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu?

Chính Chúa tự xưng mình là “ánh sáng trần gian” (Gioan 8:12), điều ấy được tỏ hiện nhiều lần trong cuộc đời của Chúa như lúc Biến hình và Phục sinh, là những lúc thiên tính của Người được chiếu sáng. Vinh quang đó cũng được tỏ hiện trong bí tích Thánh Thể. Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin. Thiên Chúa hòan toàn ẩn dấu trong mầu nhiệm này, Chúng ta tạ ơn Chúa Kitô, Người đã trở nên một mầu nhiệm ánh sáng soi dẫn chúng ta đi sâu vào thân tình của sự sống Thiên Chúa. Trong một trực cảm Rublev đã họa nên bức tranh bữa tiệc của Ba ngôi Thiên Chúa mà Thánh Thể được coi là trọng tâm của đời sống của Chúa Ba Ngôi.

12. Thánh Thể là ánh sáng của tất cả vì trong mỗi thánh lễ, phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể được liên kết hòa hợp cả hai bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Bánh Thánh. Sự liên tục ấy được Phúc âm thánh Gioan trong phần diễn từ về Thánh Thể, lúc Chúa giảng dậy về mầu nhiệm con người của Ngài để dẫn tới chiều kích Thánh Thể: “Thịt Ta thật là của ăn, Máu ta thật là của uống” (Gioan 6:55). Chúng ta biết lơi ấy đã làm chướng tai hầu hết những người hiện diện nghe Ngài giảng dậy nên đã bỏ Ngài. Lại chính giờ phút ấy trở thành phút giây cho Phêrô tuyên tín niềm tin thay cho các Tông đồ và thay cho Giáo hội qua mọi thời đại: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Vì Thầy có lời ban sự sống” (Gioan 6:68). Trong tường thuật của hai môn đệ trên đường Emmaus, chính Đức Kitô đã can dự vào bằng việc trưng dẫn, “khởi đầu từ Môisê qua các tiên tri”, để minh chứng “tất cả những gì Sách Thánh nói về Người” đã được ứng nghiệm (xem Lc 24:27). Lời của Ngài đã làm cho tâm hồn hai môn cảm thấy “bừng cháy”, giải thoát các ông khỏi sự u mê sầu muộn và thức tỉnh hai ông để khẩn khoản nài xin Chúa ở lại với hai ông: “Lạy Thầy, xin ở lại với chúng con” (xem câu 29).

13. Các nghị phụ tham dự Công đồng Vatican II trong hiến chế Sacrosanctum Concilium, đã làm cho “bàn tiệc Lời Chúa” được phong phú bằng cách trình bày toàn bộ kho tàng Kinh Thánh cho tín hữu. (9) Hiệu qủa là các bài đọc Kinh Thánh dùng trong phụng vụ được công bố bằng các ngôn ngữ địa phương hầu cho những người tham dự hiểu thấu được. Đó chính là Đức Kitô nói với các tín hữu khi Lời Chúa được công bố.(10) Các nghị phụ của Công đồng cũng mời gọi các linh m?c hay chủ tế ý thức rằng bài giảng cũng là một phần của phụng vụ và bài giảng nhằm cắt nghĩa Lời Chúa hầu rút tỉa ra những ứng dụng cho cuộc sống thường nhật.(11) 40 năm sau Công đồng và đặc biệt trong Năm Thánh Thể thì đây là một cơ hội quan trọng cho mọi cộng đoàn định gía bước tiến của mình trước Lời Chúa. Không đủ chỉ công bố Lời Chúa trên bục đọc mà việc đó đòi hỏi phải được sửa soạn bằng suy niệm trong thinh lặng để Lời Chúa được thấm nhiễm vào tâm lòng của những người tham dự.

“Các ngài nhận ra Chúa lúc Chúa bẻ bánh” (xem Lc 24:35)

14. Thật là ý nghĩa tiến trình hai môn sinh trên đường Emmaus được sửa soạn bằng những dẫn giải của Chúa để rồi nhận ra Ngài lúc Ngài bẻ bánh; chúng ta cũng được bàn tiệc Lời Chúa sửa soạn để dẫn vào bàn tiệc Thánh Thể. Khi tâm trí được soi dẫn thì tâm hồn cũng được rộng mở để nghe tiếng nói của các dấu chỉ. Thánh Thể được cử hành với nhiều dấu chỉ và biểu tượng phong phú hầu diễn đạt được phần nào mầu nhiệm tiềm ẩn trong đó cho các tín hữu.

Như Cha đã nhấn mạnh trong Văn kiện Ecclesia de Eucharistia, rằng mọi chiều kích của bí tích Thánh Thể đều quan trọng nên không được coi thường hoặc bỏ qua một nghi thức nào! Chúng ta không ngừng đem Thánh Thể vào cuộc sống tư riêng của chúng ta, nhưng đồng thời cũng biết tan hòa chính mình vào các chiều kích của mầu nhiệm bí tích này. “Thánh Thể là một hồng ân vô gía...”.(12)

15. Một chiều kích hiển nhiên không thể chối từ: Thánh Thể là một bữa tiệc. Bí tích Thánh Thể đã được khai sinh từ bữa tiệc ly chiều thứ năm tuần thánh. Là bữa tiệc nên có hình thức rất rõ rệt như: “Hãy lãnh nhận mà ăn.... Sau đó Người cầm lấy chén rượu và đọc lời chúc tụng trao cho các môn đệ mà nói: Tất cả các con hãy lãnh nhận mà uống” (Mathêu 26:26, 27). Điều ấy muốn nói cho mọi kẻ tin là Chúa đã muốn thiết lập Thánh Thể cho chúng ta và mời gọi chúng ta tiếp tục cử hành Thánh Thể.

Nhưng tiên quyết và trước tiên, tiệc Thánh Thể là một hy lễ. (13) Trong Thánh Thể, Đức Kitô hiện thân và làm sống động lại hy tế mà Ngài hiến tế một lần cho tất cả trên đồi Golgotha. Hiện diện trong bí tích Thánh Thể như một vì Chúa phục sinh nên Ngài không còn mang thương tích nữa. Chính vì vậy mỗi thánh lễ dâng là một cuộc “tưởng niệm” như lời tuyên xưng trong Thánh lễ chúng ta tuyên xưng: “Chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại...”. Đồng thời khi cử hành Thánh Thể cũng là lúc làm hiện tại hóa cuộc thương khó đã qua và phóng tới tương lai cho tới khi Chúa lại đến trong ngày cánh chung. Chiều kích “lữ hành” này làm cho Bí tích Thánh Thể thành một biến cố cuốn hút chúng ta và đem lại cho cuộc lữ hành trần thế của chúng ta dồi dào niềm hy vọng.

“Thầy ở cùng chúng con luôn mãi...” (Mathêu 28:20)

16. Tất cả các chiều kích Thánh Thể được thâu tóm vào một khía cạch nền tảng đức tin của chúng ta là: mầu nhiệm Chúa “thực sự” hiện diện trong Thánh Thể. Theo truyền thống của Giáo Hội chúng ta tin Chúa hiện diện dưới hình bánh cũng như hình rượu, toàn diện con người Chúa Kitô, thân xác và máu huyết hiện diện trong Thánh Thể.(14) Niềm tin này giúp chúng ta ý thức rằng khi chúng ta tới với Thánh Thể là lúc chúng ta tới với chính Chúa Kitô. Nên Thánh Thể là một bữa tiệc, là cuộc tưởng nhớ tới cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa, là một cuộc lữ hành, nó siêu vượt lên trên mọi dấu chỉ và biểu tượng. Thánh Thể là một mầu nhiệm của sự hiện của Chúa như lời Người đã hứa, sẽ ở cùng chúng sinh cho tới tận thế.

Cử hành, thờ lạy, chiêm ngắm

17. Thánh Thể là một mầu nhiệm cao cả! Và là một mầu nhiệm trên tất cả các mầu nhiệm mà chúng ta phải cử hành sốt sắng. Thánh lễ phải là trung tâm điểm của đời sống Kitô hữu và được cả cộng đoàn cử hành trọng thể, tuân theo các luật đã được ấn định, trước sự hiện diện của cộng đoàn và của các thừa tác viên có trách nhiệm, các bài hát và nhạc phụng vụ phải thích hợp cho việc cử hành “thánh”. Một chương trình đặc biệt cho năm Thánh Thể này là học hỏi những quy luật phụng vụ trong sách lễ Roma. Đó là cách thế tốt đẹp nhất đi vào mầu nhiệm cứu độ hiện diện trong các dấu chỉ thánh, đồng thời bền bỉ trung thành tuân theo năm phụng vụ. Các chủ chăn nên tìm hiểu cặn kẽ giáo lý của các Giáo phụ trong Giáo Hội, để giúp các tín hữu hiểu rõ hơn về lời đọc và các lễ nghi trong phụng vụ, để chuyển nhượng qua các dấu chỉ phụng vụ nói lên mầu nhiệm đang được cử hành, nhờ đó mà cả cuộc đời của họ được thấm nhuần trong các mầu nhiệm.

18. Cần giáo dục và vun xới ý thức xác tín về sự hiện diện thật sự của Chúa trong bí tích Thánh Thể, trong thánh lễ cũng như tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ. Ý thức đó được biểu tỏ qua giọng nói, cử chỉ, dáng điệu cũng như tác phong. Về điểm này, luật phụng vụ dậy - và gần đây Cha cũng nhấn mạnh tới (15) - tầm quan trọng của những lúc thinh lặng trong thánh lễ cũng như khi chầu Thánh Thể Chúa. Các thừa tác viên cũng như tín hữu phải có một lòng tôn kính sâu xa dành cho Thánh Thể Chúa. (16) Sự hiện diện của Chúa trong nhà tạm phải trở thành trụ nam châm thu hút các linh hồn say mê Chúa, Đấng hằng kiên tâm sẵn sàng lắng nghe lời tâm sự cũng như nhịp đập con tim của họ. “Hãy nếm thử và nhìn coi Chúa thiện hảo dường bao!” (TV 34:8).

Trong năm Thánh Thể này mỗi giáo xứ cũng như các cộng đoàn tu sĩ nên có những giờ chầu Thánh Thể ngoài thánh lễ. Hãy dành thời giờ qùi trước Thánh Thể, Chúa Giêsu đang hiện diện trong đó, hầu đền tạ thay cho những kẻ vô ơn bội nghĩa cùng Chúa và cho những kẻ phản nghịch cùng Chúa trên khắp thế giới. Cá nhân cũng như cộng đoàn hãy thờ lạy Chúa. hãy dùng Sách Thánh, các kinh nghiệm huyền bí của các thánh xưa và nay mà cầu nguyện trước Thánh Thể Chúa. Chính tràng chuỗi Mân Côi cũng bắt nguồn sâu xa từ Sách Thánh mà Cha đã đề cập tới trong Tông huấn về Kinh Mân Côi. Cùng với Mẹ chúng ta chiêm ngưỡng Thánh Thể Chúa.(17)

Trong năm thánh này chúng ta hãy cử hành lễ Mình và Máu Chúa Kitô một cách trọng thể đặc biệt, nên tổ chức cuộc rước Thánh Thể theo truyền thống. Niềm tin của chúng ta vào một vì Thiên chúa đã mặc lấy xác phàm chúng ta để trở thành bạn đồng hành với chúng ta trong mọi nhu cầu, ở mọi nơi; thì chúng ta cũng phải đưa Ngài về nhà, trong gia đình,ngoài phố xá của chúng ta như một diễn tả lòng biết ơn và tình yêu chúng ta trước nguồn ơn thánh chẳng bao giờ cạn kiệt.