TIN VUI THỜI ĐIỂM

“Các người thường nói: “Ráng chiều ửng hồng, rạng đông sẽ đẹp;” hoặc “Trời kia màu đỏ pha thâm, hôm nay giông gió không nhầm đâu ai.” Các người đã biết nhìn điềm trời mà luận thời tiết, cớ sao không biết xem dấu chỉ mà luận thời kỳ?” (Mt 16:1-3).


HOA HỒNG NHÀ KÍN

Hoa hồng vốn là hoa của tình yêu. Vì thế mà nhà văn Quyên Di đã đặt tên cho tập truyện của mình là Hoa Hồng Nhà Kín, gồm mười hai truyện ngắn đầy ắp thương yêu.

Mỗi truyện đều kể về một loài hoa liên hệ tới một người hoa, như hoa huệ, hoa quỳnh, hoa cỏ huyên, hoa sao luân vũ, hoa sử quân, hoa hồng, hoa đào, hoa lan, hoa ngâu, hoa phượng, và ngay cả một loài hoa rất tầm thường nhỏ bé là hoa dừa... Mỗi loài hoa đều đẹp và trân quí khác nhau về màu sắc, mùi hương, dáng nét. Nhưng ngắm nhìn và thưởng thức mười hai bông hoa của Quyên Di tặng thì thấy hoa nào cũng là hoa tình yêu. Như mấy dòng cuối cùng của tập truyện kể về hoa phượng đỏ, "không phải là màu đỏ của máu lửa, đấu tranh, nhưng là màu đỏ của lòng son sắt tin vào điều thiện hảo, là màu đỏ của máu trái tim tuổi trẻ biết Yêu Thương nồng nàn. Màu đỏ hoa phượng, như thế, sẽ tô thắm cuộc sống chúng ta, cho dù cuộc sống ấy có trải qua nhiều gian truân, trôi nổi."

THỜI ĐIỂM NHỮNG ĐÔI ĐŨA DÀI MỘT THƯỚC

Cấy hồng mà nở được hoa tình yêu hạnh phúc lại là cả một nghệ thuật, một bí quyết. Quyên Di đã diễn tả được nghệ thuật và bí quyết này qua một câu chuyện viết về Những Cánh Phượng:

"Có một vị thánh kia, vì quá tốt đẹp nên được Chúa ban ơn cho xem thiên đàng và hỏa ngục ngay khi còn sống. Thiên thần đưa vị thánh đi xem hỏa ngục trước. Đến nơi, ngài thấy hỏa ngục là một căn phòng rấr rộng rãi, trang thiết cực kì sang trọng, mọi người ở trong hỏa ngục đang ngồi vào bàn dự một bữa tiệc vô cùng linh đình. Mọi sự đều vui vẻ, ổn thỏa cả, trừ một việc là thực khách phải dùng đôi đũa dài tới. .. một thước để gắp thức ăn. Thế mới phiền, vì cố gắng gắp thì cũng được, nhưng bỏ vào miệng thì khó quá. Có người đưa thức ăn gần tới miệng thì nó lại rớt xuống. Thực là thảm! Bởi vậy, cuối cùng mọi người nhìn nhau buồn chán, và bàn tiệc trở thành vô duyên, đáng ghét, thà không có còn hơn."

"Thiên thần lại đưa vị thánh đi xem thiên đàng. Tưởng có gì đặc biệt hơn, ai ngờ thiên đàng cũng là một căn phòng có diện tích và cách trang hoàng y như hỏa ngục. Mọi người ở đấy cũng đang ngồi vào bàn tiệc, và họ cũng phải dùng những đôi đũa dài một thước như ở dưới hỏa ngục vậy. Chỉ có một điều khác: ở đây họ ăn uống vui vẻ. Ngạc nhiên, vị thánh nhìn kĩ mới biết nguyên nhân: trên thiên đàng, người ta dùng đôi đua dài một thước gắp thức ăn bỏ vào miệng... người đối diện. Ai cũng làm thế cả nên ai cũng ăn uống vui vẻ. Người ở hỏa ngục không ăn được, vì họ dùng đũa dài một thước cố gắng gắp thức ăn bỏ vào chính miệng mình."

THÁNG TRỒNG HỒNG

Câu truyện này thật đúng với kinh nghiệm của người Việt đã trở thành nghệ thuật sống qua bao thế hệ: muốn ăn gắp bỏ cho người. Mình thích miếng thịt bò lúc lắc kia quá phải không? Cách tốt nhất là trở đầu đũa gắp miếng thịt ấy cho người bên cạnh, và lạ lắm, ngay sau đó thế nào cũng có người gắp cho mình một miếng y như vậy. Đã quá chứ! Thì ra muốn dựng xây được tình yêu hạnh phúc thì bí quyết là phải biết cho đi. Ngược lại, chỉ lo vun quén vơ vét vào cho mình thì sẽ chẳng bao giờ thỏa, và tự tạo ra hỏa ngục đầy đọa chính mình và đầy đọa người khác.

Tháng mười hàng năm vẫn được truyền thống Công Giáo gọi là tháng Mân Côi, tức là Tháng Hoa Hồng, tháng vun trồng tình yêu. Ngay ngày mồng một đầu tháng có lễ kính một vị thánh trẻ: Thánh Têrêsa, bông hồng nhỏ.Truyện Hoa Hồng Nhà Kín của Quyên Di kể về mối tình giữa Nga là một người Công Giáo và Khanh là người chưa theo đạo. Nga nhận thánh Têrêsa làm bổn mạng nên rất thích hoa hồng và cũng ước mong trở thành một bông hồng nhỏ, mà phải là hoa hồng nhà kín cơ, nghĩa là phải đẹp một cách kín đáo và thanh thoát. Thảo nào "Khanh đã khám ra ở Nga một vẻ đẹp tuyệt vời khi nàng quì nghiêm trang cầu nguyện, một vẻ đẹp mà nàng không có trong những lúc khác" (trang 104). Chính Nga cũng đã từng dẫn Khanh đến nhà nguyện các sơ Dòng Kín để cầu nguyện, và đặc biệt trong tháng mười, để mua hoa hồng bằng vải các sơ làm rất nghệ thuật tặng những người thân yêu, nhất là Khanh: "Em muốn anh giữ hoa này, trân trọng, như chúng ta đã cùng trân trọng giữ tình yêu chúng ta dành cho nhau."

Mối tình đẹp vậy mà bị cắt ngang vì một một viên đạn vô tình. Nga đã vĩnh viễn ra đi. Trái tim Khanh như muốn vỡ ra. Trong cơn náo loạn, Khanh đã tìm đến đám táng của Nga. Khi quan tài đã được đưa xuống huyệt, thay vì ném Bông Hồng Nhà Kín Nga tặng hôm nào xuống theo để tiễn biệt, Khanh bỗng ngừng tay lại và thì thầm nói với Nga: "Cho phép anh giữ lại bông hồng này như giữ lại hình ảnh người em Thánh Nữ Thérèse. Hãy bắt chước chị thánh Nga ạ, để làm mưa những bông hoa hồng ơn phúc Chúa xuống cho những người thân, ít là cho anh, người đã từng được em trao tặng bông Hoa Hồng Nhà Kín ngày em còn sống, và đã được em dạy phải trao những đóa hồng yêu thương cho cuộc sống, cho tha nhân. Anh sẽ làm điều đó, mãi mãi trong cuộc đời anh..." (trang 111-112).

TIN VUI THƠM THO CẢ CÕI LÒNG: Chúa nhật 27c

Giữa đám mây đen u ám và cơn bão vần vũ xoáy đổ nhiều cuộc tình chưa kịp nở mà đọc được Hoa Hồng Nhà Kín, ai mà chả cảm thấy tia nắng mới đang lóe lên. Quyên Di đã nắm bắt được một nguyên tắc rất giản đơn: trong phòng tối hãi hùng, chỉ cần bật lên một đốm lửa nhỏ; trong một môi trường đầy uế khí, chỉ cần một bông hoa như bông huệ trong truyện Bông Huệ Trắng của Người Nữ Tu: "mùi huệ thơm ngát tỏa lan, mùi thơm của lòng đạo đức, của những buổi cầu kinh trong nhà nguyện, của tâm hồn thanh khiết..." (trang 35).

Mà nguyên tắc trên thì phát khởi từ Hoa Kinh Thánh, với một sách lược tích cực và tất thắng: "Nếu lòng tin của các con bằng cỡ hạt cải thì các con có thể khiến cây dâu này: bốc rễ lên và trồng xuống giữa biển, cây dâu cũng sẽ vâng lời các con." (Luca 17:6)

Chỉ cần bắt đầu trồng một bông hoa, dù nhỏ bé và tầm thường như hoa dừa, thì sức lan của độ sóng sẽ khởi động một mùa xuân miên viễn. Đó là con mắt bật sáng long lanh trong truyện Hoa Dừa Tím Dưới Chân Đức Mẹ: "Những bông hoa vẫn còn. Đó là thứ hoa dừa tím, một loại hoa rất tầm thường, người ta trồng cho vui bồn bông. Hoa có hai loại: trắng và tím, đều là những màu đơn sơ, khiêm hạ. Hoa dừa mọc rất nhanh, khi bén rễ rồi, lớn lên và lan ra trông thấy. Hoa năm cánh, rất mỏng manh nhưng tươi tắn, nhìn kĩ thì đẹp dịu dàng... Hoa dừa cắm trong bình sành, nở tươi dưới chân Đức Mẹ. Đơn sơ, mộc mạc quá! Nhưng sao chàng thấy đẹp đẽ, lộng lẫy hơn cả ngàn bông hồng trước kia vẫn khoe sắc..." (trang 171-172).

Đọc đoạn trên tôi thấy xúc động, cái vui mọc cánh ở trong lòng. Có gì đâu, chỉ mấy bông hoa dừa nhỏ bé tầm thường, do một cô nữ sinh chưa theo đạo Công Giáo nhưng rất kính yêu Đức Mẹ mang đến. Giữa những hận thù, Quyên Di ngang nhiên nói về những bông hoa tình yêu, về lý tưởng, về sức mạnh nội tâm, về nét đẹp đạo Chúa. Có người nhận xét thế giới Quyên Di trình bày là một thế giới khuyết, chỉ có ánh sáng mà thiếu vắng cái màu đen của đêm tối vẫn luôn rình rập... Nhưng tôi lại thấy khác. Quyên Di đã chuyển được sứ điệp tất thắng của Tin Vui Tình Yêu: Chỉ cần một nút bật sáng, dù rất nhỏ, là phòng tối biến mất. Như thế đâu phải là khuyết mà là đầy tròn. Nút bật nhỏ đó là hoa tin yêu. Vì vậy mà bông hoa nào của Quyên Di cũng đều mang sức mạnh của một nút bật. Như Võ Phiến đã cảm được cái tâm của Doãn Quốc Sỹ trong Văn Học Miền Nam Tổng Quan:"Trong tác phẩm của ông, nhân vật nào cũng tốt, việc gì cũng có khía cạnh hay. Ông bất lực không tạo nổi người xấu, kể nổi một việc xấu. Đọc sách ông, thơm tho cả tâm hồn."

Và tôi cũng muốn nhìn Quyên Di như Võ Đình nhìn Doãn Quốc Sỹ: "Sống trong một thời đại mà ngôn ngữ lạm phát thê thảm, mà biết bao con người trở thành hời hợt, trâng tráo, ông nói chuyện ăn ở thanh bạch, tình yêu quê hương, gia đình, bằng hữu, về nhân đạo và danh dự v.v... mà không mảy may e dè, ngượng nghịu. Thiển nghĩ ông thật đáng yêu ở chỗ đó." (Sao Có Tiếng Sóng...(trang 66).

PHÚT TỊNH TÂM

Đây cũng là "Truyện Mùa Xuân Bông Hoa Nhỏ" của thánh nữ Têrêsa khi kể lại truyện đời mình chỉ là một loài hoa xem ra tầm thường: “Nếu tất cả những hoa nhỏ xíu ấy lại muốn làm hoa hồng cả, thì cảnh thiên nhiên sẽ mất vẻ đẹp lý thú mùa xuân, các cánh đồng sẽ chẳng còn muôn hoa rực rỡ nở...”

Mẹ Têrêsa Calcutta cũng đã bắt đầu bằng những bông hoa nhỏ qua những chuyện nhỏ bé như vậy, thế mà độ sóng tình đã lan ra cả thế giới: "Thánh nữ Bông Hoa Nhỏ là một mẫu gương lạ lùng nhất, làm những việc nhỏ với một tình yêu lớn, làm những việc bình thường với một tình yêu phi thường. Đó là lý do Ngài đã trở thành vị thánh lớn."

Mình đang thấy tình yêu rã rời hụt hẫng sao? Mẹ Têrêsa đã chỉ cho cách trồng hoa hồng tình yêu thật đơn giản và thực hành ngay được: để một nụ cười tình thương nở trên môi ngay lúc này. Hãy tặng người bên cạnh nụ cười đó, như trao tặng Chúa Giêsu vậy. Hãy để một bông hồng tình yêu là kinh Mân Côi nở trên môi mỗi tối, nở trên mọi lối đi, bật sáng mọi ngõ tối tâm hồn.

Và xin mượn lời của nhà văn Quyên Di trong Hoa Hồng Nhà Kín mà nói với chính mình: "Hãy làm việc bằng tất cả khối óc, và hãy Yêu Thương bằng tất cả trái tim. Hãy trao những đóa hồng yêu thương cho cuộc sống, cho tha nhân. Như thế sẽ thấy Hạnh Phúc, điều mà biết bao người đi tìm nhưng mấy ai đã thấy."

Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Xin mời ghé thăm Trang Liên Mạng của Lm. Trần Cao Tường: www.vietcatholic.net/caotuong, và Con Đường Dũng Lạc: www.chungnhanduckito.net/dunglac.htm