THỜI ĐIỂM DẤU CHÂN TRÊN CÁT

Một anh sinh viên Việt ít còn biết nói tiếng Việt, nhưng nghe thì cũng lõm bõm tạm được, một hôm đến gặp một nhân viên Mỹ trong thư viện đại học New Orleans để làm thẻ mượn sách. Sau một hồi thủ tục, người Mỹ vừa đưa thẻ mới ép xong vừa nói một câu tiếng Việt làm người sinh viên Việt ngạc nhiên: thẻ nóng hổi vừa thổi vừa mượn. À thì ra anh Mỹ này đã từng ở Việt Nam, học được kiểu nói của dân Sài gòn xưa "bánh mì nóng hổi vừa thổi vừa ăn," nên biến chế tại chỗ thành câu "thẻ nóng hổi vừa thổi vừa mượn" thật tài tình mà dí dỏm quá chứ.

Câu chuyện nhỏ này không ngờ lại đánh động anh sinh viên Việt. Anh tự nhủ: người ta không phải là người Việt mà sài được tiếng Việt hay như thế, còn mình gốc Việt hẳn hòi mà mù chữ mẹ. Thế là anh ta bắt đầu học tiếng Việt và nói được.

DẤU CHÂN TRÊN CÁT

Khởi đi từ một xúc động bất ngờ, tôi bị bài thơ "Những Sợi Tóc" của nhà thơ Trần Phong Vũ trong tập thơ Dấu Chân Trên Cát quấn buộc lấy tôi một thời gian không sao cựa quậy được. Đó là những sợi rung, những sợi trăn trở, những sợi thần kinh căng thẳng, quá thực, về một chứng kiến dấu chân không phải trên cát, mà nơi cái đầu rụng hết tóc của đứa con gái út cục cưng hai mươi tuổi trong cơn bệnh có uy lực thay đổi nhãn quan cả một đời người:

Ôi! Những sợi tóc Yêu-Thương gọi về những ngày-xưa-thân-ái

Những sợi tóc tơ mềm của một thời bé dại...

Hai-mươi-năm trôi qua, những sợi tóc ngắn dài đổi thay theo thời trang, ngày tháng

Tuổi trăng tròn con học đòi làm dáng

Đứng trước gương con e lệ cúi đầu...

Bố mẹ nhìn con lớn lên mà hồn rộn rã tiếng ca vui...

....

Nhưng ai ngờ!...

Một buổi chiều bão nổi, sét nổ ngang đầu!

Cơn bệnh trầm kha đẩy con vào bệnh viện!

Mấy chục ngày đêm thuyền hồn con trôi vào cơn mê biền biệt!

Cho bố mẹ thương đau!...

Chiều nay tan sở

Bố ghé bệnh viện thăm con

nhưng khi chạm mặt con, chợt nghe hồn nức nở!

Sông núi cựa mình!

Đất trời vụn vỡ!

......

Những sợi tóc Yêu-thương đã từ giã mái đầu!

Ôi còn đâu!

Những sợi tóc tơ mềm gọi về những ngày-xưa-thân-ái.

Những sợi tóc thơm, hơi hương của một thời bé dại.

Chơi vơi!

Có tiếng nổ chát chúa lưng trời,

Từ đáy linh hồn dội lên cơn địa chấn!


DẤU GHI NÀO TỪ ĐỘNG ĐẤT TRONG TÔI?

Một câu nói vui của một người Mỹ làm anh bạn sinh viên thay đổi lối nhìn. Một bài thơ thực chứng có sức lay động làm mình khắc khoải tìm câu trả lời. Đó chính là cái đầu trọc của đời mình, từ những tước đoạt trơ trẽn sau cái ngày bỏ cuộc! Không còn chỗ đứng chỗ ngồi gì hết. Sự nghiệp và ước mơ bị quăng vào sọt rác, xác con bị vất xuống biển. Kiếp cu li bắt đầu. Vết thương rói tươi ngồn ngộn khiến mình la hét giẫy giụa như vết thù hằn trên lưng ngựa hoang. Tại sao tôi sinh ra làm người Việt Nam phải cúi mặt nhục nhằn trước đà tiến bộ của nhân loại? Chả lẽ mình lại hăm hở lao đầu vào cuộc chơi mới đã vấy bẩn với những bon chen chộp giật cho bớt tủi, để gỡ gạc bù trừ cái hụt hẫng, cái trống rỗng thăm thẳm! Cuộc ra đi có mang một sứ mệnh hoặc một sử mệnh nào không, hay cũng chỉ để kiếm chút bơ thừa sữa cặn của cái xã hội đã quá chán mứa này!

Bước sang ngàn năm mới, mình lại phải chứng kiến cuộc đắm tàu của cả một nền văn minh. Rất nhiều con tàu như Titanic tưởng rằng không thể chìm nổi thì đã chôn sống 1500 người giữa mộ Đại Tây Dương. Nước này hơn, nước kia kém. Hận thù vay trả trả vay trùng điệp. Chả lẽ con người sinh ra ở đời lại có thể phi lý đến như vậy: sinh ra đó, lớn lên đó, giành giật thêm chút mồi, chém giết nhau kiếm thêm tí danh hão, để rồi già đi lúc nào không rõ, rồi lăn ra chết... Kiếp ngắn dài một mộ bia, xoay vần cát bụi ngày lìa dương gian, dừng chân đếm túi hành trang, những gì còn lại?

MỘT NGÀY MẮT BỖNG SÁNG LÊN

Tất cả những tù mù phi lý, những căng thẳng tột cùng gây thành cơn địa chấn, được Trần Phong Vũ diễn lên thành cơn hốt hoảng lạnh xương sống Bên Vực Tử Sinh:

đường vào bệnh viện,

một buổi sáng mù sương...

từ khu cấp cứu dội lên những tiếng tru gào, réo hú

tiếng tru kinh hoàng của loài thú hoang trong giờ lâm tử!

thần chết lảng vảng đâu đây,

người đàn ông rùng mình giương đôi mắt thất thần...


Vậy mà chỉ một khoảnh khắc được bật sáng, Trần Phong Vũ bỗng "thấy" được bằng một nhãn quan mới đi vào khung trời "Phục Sinh", bình minh của một ngàn năm mới, như mắt hai môn đệ trên đường Em-mau sực mở ra trong buổi xế chiều của thế kỷ:

Trên chiếc giường nệm trắng, cô bé bệnh nhân, trong thế nằm nghiêm cẩn

đang chắp tay, mắt mở lớn, miệng mấp máy thì thầm lập lại lời ca

Halleluia. Halleluia...

Gã bước lại gần cửa sổ

nhìn xuống

bên ngoài ánh bình minh lấp lánh ngập tràn khuôn viên y viện.

bình minh của một ngày

bình minh của một đời.


Trong cuộc tỵ nạn chạy trốn vào sa mạc hoang vu tăm tối tịt đường, Mai-sen bỗng thấy được đốm lửa bật lên trong bụi gai, trong thẳm sâu lòng mình. Bình minh đời mình được khai mở. Mắt của ông sáng rực từ đây, và bật điện mở lối cho cả đám dân đang quằn quại.

Mặc dầu đang đi qua đêm đen hãi hùng, đang mò mẫm qua vùng mồ mả đầy xác chết và xương trắng ngổn ngang của hoàn cảnh lưu đầy bi thảm bên Babylon, tiên tri Ezekiel vẫn thấy được trong thị kiến một đoàn người Do Thái đang hồi sinh đứng dậy. Sở dĩ ông có niềm tin ấy là vì dưới con mắt ông, Thiên Chúa hằng sống vẫn đang dẫn đầu cuộc hành trình. Lịch sử của dân tộc phải có một ý nghĩa, mặc dù dưới con mắt của nhiều người là phi lý chán chường. Cái hướng lịch sử này đang được mở tới theo một con đường huyền nhiệm do Đấng Toàn Năng. Đã đến lúc chiếc xe lịch sử chuyển bánh thì không một sức mạnh nào cản ngăn được nữa. Tiên tri Ezekiel đã thành công trong việc khắc sâu niềm tin này vào tâm khảm những kẻ lưu đầy khi họ phải đương đầu với một tương lai mịt mù đen tối của dân tộc.

"Dứt lời truyền, cả đoàn người đứng dậy,

Đông đảo thay người người sát vai chen.

Ngài bảo: "Đó toàn thể Israel,

Ta cho chúng phục sinh từ cõi chết."


Viễn kiến trên đã được một người thuộc thế hệ trẻ, tức là thế hệ thứ hai của lớp người lưu đầy, là Isaia, bật lên một nhãn quan mới sáng rực với những áng thơ đầy sinh khí, có sức tụ lực thành một nhóm nhỏ hạch nhân, vẫn thường được gọi là "Nhóm Do Thái Sót Lại" (Remnant of Israel). Chính nhóm nhỏ này đã làm bừng lên cả một phong trào hồi sinh Do Thái, làm mọi con mắt sáng lên nơi cả một lớp người vươn khỏi những gì bế tắc tăm tối, bằng một kế hoạch lên đường.

TIN VUI GỬI NGƯỜI BẬT ĐIỆN Chúa nhật 16 năm C

Giữa những tù mù ngột ngạt của lớp người Việt ly hương vào thời điểm này mà có được những bật sáng mở được nhãn quan mới thì cần thiết biết chừng nào. Những phô trương "con vật kinh tế" cho lợi tức gia tăng, tưởng sẽ đưa con người đến hạnh phúc hơn, nhưng rồi "quả đắng đến không ngờ" là những nhầy nhụa, buồn nôn và phi lý càng làm cho mắt mờ đi.

Chính vì thế mà khi thấy Mát-ta bận rộn lam lũ vật chất, mà lại đi phen bì với Maria đang ngồi nghe Chúa nói chuyện thì Ngài phải lên tiếng: "Mác-tha, Mác-tha, con bối rối lo tính nhiều món quá. Chỉ cần một món mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và không ai lấy mất" (Luca 10:41-42)

Món cần lúc này chính là chuyển được niềm tin, mở được nhãn quan mà cảm nhận được sức mạnh tinh thần. Hạnh phúc thật giản đơn chứ không quá phức tạp bức xúc như con người trong xã hội tiêu thụ ngày nay. Khi mở được nhãn quan mới thì mọi bon chen cao thấp, mọi giằng co hơn thiệt, bỗng trở thành chuyện nhỏ nhen đáng tội nghiệp.

Con mắt nhìn gần quên điều nhỏ nhặt.

Đây cũng là sứ mệnh của những người cầm bút (hay máy điện toán) Công giáo: thấy và làm chứng, chuyển được viễn kiến Phục Sinh giữa những chết chóc, loan được Tin Vui giữa những cung buồn. Một người, rồi hai người, rồi một nhóm, thổi được sinh khí làm hồi sinh như nhóm nhỏ Isaia, như nhóm hạch nhân 12 môn đệ: "Phải chăng tim chúng ta chẳng bừng bừng trong ngực khi Người nói chuyện với chúng ta dọc đường, và giải thích thánh kinh cho chúng ta sao?" (Luca 24:32).

Nhà văn Quyên Di đã phát biểu một câu chí lý: "Chúng ta có nhiều người Công giáo viết văn, nhưng rất ít nhà văn Công giáo." Họ phải là những người biết "nhìn dấu chỉ thời đại và chụp ghi dưới ánh sáng Tin Vui" (Hiến chế Vui Mừng Hy Vọng #4, công đồng Vatican II), biết "Nhìn Xuống Cuộc Đời" với con mắt bật điện. Giữa một rừng ca nhạc ồn ào khó phân biệt tục và thiêng, bài "Ngày Vinh Thắng" của nhạc sư Ngô Duy Linh như có sức làm mọc cánh bay lên theo đàn chim Dũng Lạc. Đúng là Tin Vui Gửi Thời Đại Mới. Trong Thi Nhân Việt Nam, nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã nhận xét về vai trò chứng nhân đức tin Công Giáo của Hàn Mặc Tử nhập thể trong dòng sống chung của một dân tộc:

"Thơ Hàn Mặc Tử ra đời, điều ấy chứng rằng đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ. Tôi tin rằng chỉ những tình cảm có thể diễn ra thơ mới thiệt là những tình cảm đã thấm tận đáy hồn đoàn thể" (trang 212).

Hàn Mặc Tử cũng như nhiều nhà văn Công giáo đã nhìn theo tay chỉ của Chúa Giêsu: "Các người thường nói:

Ráng chiều ửng hồng,

rạng đông sẽ đẹp;

hoặc:

Trời kia màu đỏ pha thâm,

hôm nay giông gió không nhầm đâu ai.

Các người đã biết nhìn điềm trời mà luận thời tiết, cớ sao không biết xem dấu chỉ mà luận thời kỳ?" (Mt 16:1-3).


Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường