Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng thứ tư 9-11-2016, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến chung hơn 50 ngàn tín hữu hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô, trong đó có hàng trăm tín hữu Việt Nam.
Trong số những người hiện diện cũng có nhiều người Việt Nam: khoảng 50 người từ Canada do Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu, GM phụ tá Tổng giáo phận Toronto, hướng dẫn; 110 người Việt từ Anh quốc do cha Phaolô Huỳnh Chánh thuộc tổng giáo phận Birmingham; nhiều người khác từ Hoa Kỳ. Ngoài ra cũng có khoảng 10 Giám Mục ngồi cạnh lễ đài.
Bài huấn dụ của ĐTC
Trong bài huấn giáo, ĐTC tiếp tục loạt bài về Năm Thánh Lòng Thương Xót và bài thứ 35 này có chủ đề là viếng thăm các bệnh nhận và tù nhân. Ngài nói:
”Cuộc sống của Chúa Giêsu, nhất là trong 3 năm hoạt động công khai, là một cuộc gặp gỡ không ngừng với dân chúng. Trong số những người này các bệnh nhân có một chỗ đặc biệt. Bao nhiêu trang Phúc Âm kể lại những cuộc gặp gỡ ấy! Người bất toại, người mù, người phong cùi, người bị quỉ ám, người bị kinh phong, và vô số các bệnh nhân đủ loại.. Chúa Giêsu gần gũi với mỗi người trong họ và chữa lành họ bằng sự hiện diện và quyền năng chữa trị của Ngài. Vì thế, trong số các công việc từ bi thương xót, không thể thiếu việc viếng thăm và giúp đỡ các bệnh nhân.
Cùng với công việc ấy chúng ta cũng có thể kể thêm việc gần gũi những người ở trong các nhà tù. Thực vậy, cả các bệnh nhân lẫn tù nhân đều sống trong tình cảnh bị giới hạn tự do. Và chính khi bị thiếu tự do, chúng ta thấy nó quí giá dường nào! Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta khả năng là những người tự do mặc dù những giới hạn của bệnh tật và những hạn chế. Chúa ban cho chúng ta tự do đến từ cuộc gặp gỡ với Ngài và từ ý nghĩa mới mà cuộc gặp gỡ ấy mang lại cho thân phận bản thân của chúng ta.
Với những công việc từ bi thương xót ấy, Chúa mời gọi chúng ta hãy có một cử chỉ rất nhân đạo, đó là sự chia sẻ. Người bị bệnh thường cảm thấy cô đơn. Chúng ta không thể che dấu sự kiện này là: đặc biệt ngày nay, trong bệnh tật, ta cảm thấy sự cô đơn một cách sâu đậm hơn so với phần lớn cuộc sống. Một cuộc viếng thăm có thể làm cho người bệnh cảm thấy bớt cô đơn hơn và một chút đồng hành như thế là một liều thuốc rất tốt! Một nụ cười, một cái vuốt ve, một cái bắt tay là những cử chỉ đơn sơ, nhưng rất quan trọng đối với người cảm thấy bị bỏ mặc cho chính mình. Bao nhiêu người tận tụy viếng thăm các bệnh nhân trong các nhà thương hoặc tại tư gia của họ! Đó là một công việc thiện nguyện không thể trả giá nổi! Khi việc ấy được thực hiện nhân danh Chúa, thì lúc ấy nó trở thành một biểu hiện hùng hồn và hữu hiệu về lòng từ bi thương xót. Chúng ta đừng để những người bệnh bị lẻ loi! Chúng ta đừng cản trở họ tìm thấy sự an ủi và chính chúng ta cũng được thêm phong phú nhờ sự gần gũi những người đau khổ. Các nhà thương ngày nay thực là những ”nhà thờ chính tòa của sự đau khổ”, nhưng cũng là nơi trong đó người ta thấy rõ sức mạnh của đức bác ái nâng đỡ và cảm thông.
"Cũng vậy, tôi nghĩ đến những người bị giam trong các nhà tù. Chúa Giêsu cũng không quên họ. Khi xếp việc viếng thăm các tù nhân vào số các công việc từ bi thương xót, Chúa muốn mời gọi chúng ta đừng xét đoàn một ai. Chắc chắn là sở một người ở trong tù là vì họ đã lỗi lầm, không tôn trọng luật pháp và sự sống chung giữa con người trong xã hội. Vì thế trong tù, họ đang thi hành bản án. Nhưng dù tù nhân có thể đã làm điều gì đi nữa, họ vẫn luôn được Thiên Chúa yêu thương. Ai có thể đi vào thẳm sâu lương tâm của họ để hiểu điều mà họ đang cảm thấy? Ai có thể hiểu nỗi đau đớn và hối hận của họ? Thật là điều quá dễ dàng khi rửa tay và nói là tù nhân ấy đã lầm lỗi. Đúng hơn Kitô hữu được kêu gọi vác đỡ gánh nặng, để người lầm lỗi hiểu sự ác đã làm, và trở về với chính mình. Sự thiếu tự do chắc chắn là một trong những thiếu thốn nhất đối với con người. Nếu thêm vào sự thiếu thốn ấy có những điều kiện suy thoái mà những người trong tù thương phải chịu đựng, thì đó thực sự là một trường hợp trong đó Kitô hãy cảm thấy bị thách thức làm tất cả những gì có thể để trả lại phẩm giá cho họ.
Viếng thăm các tù nhân là một công việc từ bi thương xót nhất là ngày nay có một giá trị đặc biệt do những hình thức duy công lý mà họ phải chịu. Vì thế, đừng ai chỉ tay lên án một ai. Trái lại tất cả chúng ta hãy trở thành những dụng cụ của lòng thương xót, với những thái độ chia sẻ và tôn trọng. Tôi thường nghĩ đến các tù nhân. Tôi tự hỏi điều gì đã khiến cho họ phạm pháp và làm sao chúng ta có thể chiều theo những hình thức khác nhau của sự ác. Nhưng cùng với những tư tưởng ấy, tôi cảm thấy rằng tất cả chúng ta đều cần sự gần gũi và dịu dàng, và lòng thương xót của Thiên Chúa thực hiện những kỳ công. Bao nhiêu nước mắt tôi đã thấy chảy trên gò má của các tù nhân mà có lẽ không bao giờ họ đã khóc trong cuộc đời họ trước đó; bây giờ họ khóc chỉ vì họ cảm thấy được đón nhận và yêu mến.
Và chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu và các Tông đồ cũng đã trải qua kinh nghiệm tù ngục. Trong các trình thuật về cuộc Thương Khó, chúng ta thấy những đau khổ mà Chúa phải chịu: bị bắt, bị giải đi như một tên bất lương, bị nhạo cười, đánh đón, bị đội mão gai.. Chúa, chỉ có Chúa là người Vô Tội! Và cả thánh Phêrô và Phaolô cũng đã bị bỏ tù (Cv 12,5; Ph 1, 12-17). Chúa Nhật vừa qua, 6-11, là ngày Năm Thánh của các tù nhân, ban chiều hôm ấy có một nhóm tù nhân ở Padova, bắc Italia, đến gặp tôi. Tôi hỏi họ xem họ sẽ làm gì ngày hôm sau, trước khi trở về Padova, họ đáp: Chúng con sẽ đến nhà tù Mamertino để chia sẻ kinh nghiệm của Thánh Phaolô”. Thật là đẹp khi nghe thấy điều đó và tôi rất hài lòng. Các tù nhân này muốn tìm thấy Thánh Phaolô tù nhân.
Và trong nhà tù, thánh Phêrô và Phaolô cũng đã cầu nguyện và rao giảng Tin Mừng. Thật là cảm động trang sách Tông đồ công vụ kể lại kinh nghiệm tù đày của Thánh Phaolô; thánh nhân cảm thấy bị lẻ loi và muốn có người bạn nào của Ngài đến viếng thăm (Xc 2 Tm 4,9-15).
Và ĐTC kết luận rằng ”Những công việc từ bi thương xót này, như chúng ta thấy, là những điều cổ xưa, nhưng rất thời sự. Chúng ta đừng rơi vào tình trạng dửng dưng, nhưng hãy trở thành dụng cụ lòng thương xót của Thiên Chúa, để trả lại vui mừng và phẩm giá cho những người đã đánh mất”.
Chào thăm
Sau bài huấn dụ dài bằng tiếng Ý, các LM tại phủ quốc vụ khanh Tòa Thánh đã lần lượt tóm tắt bài của ĐTC cũng như lời chào của ngài các nhóm bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha, Arập, Ba Lan..
ĐTC cũng nhắc đến và chào thăm các nhóm Việt Nam. Ngài nồng nhiệt cầu chúc tất cả mọi người: Năm Thánh hiện nay trở thành một thời điểm ân phúc cho bản thân và gia đình họ, một thời điểm canh tân tinh thần! Ước gì Năm Thánh giúp chúng ta khắc phục sự dửng dưng và biết chia sẻ cuộc sống và hy vọng với những ngừơi đang chịu đau khổ và không được tự do.
Với các tín hữu hành hương nói tiếng Ý, ĐTC cầu chúc họ làm sao để việc bước qua Cửa Năm Thánh nhắc nhớ mỗi người chúng ta rằng chỉ qua Chúa Kitô, chúng ta mới có thể bước vào trong tình thương và lòng thương xót của Chúa Cha, Đấng đón nhận tất cả mọi người và tha thứ cho họ.
ĐTC không quên chào thăm các bạn trẻ, các đôi tân hôn và những người bệnh. Ngài nhắc nhở rằng hôm nay chúng ta kính nhớ lễ cung hiến Đền thờ Thánh Gioan Laterano là nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma. Hỡi những người trẻ, các con hãy cầu nguyện cho người kế nhiệm Thánh Phêrô để Người luôn củng cố các anh chị em trong đức tin; hỡi anh chị em bệnh nhân, anh chị em hãy gần gũi với Giáo Hoàng trong kinh nguyện, để đương đầu với bệnh tật; và hãy các đôi tân hôn, hãy dạy đức tin cho con cái của anh chị em trong tinh thần đơn sơ, nuôi dưỡng đức tin bằng tình yêu đối với Giáo Hội và các vị mục tử của Giáo Hội.