Suy Niệm Chúa Nhật XXVII THƯỜNG NIÊN C

Qua đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta cùng nhau suy niệm về hai điểm chính này: Đức Tin và tinh thần phục vụ vô vị lợi.

1. Đức Tin

Đức Tin là hồng ân của Thiên Chúa ban, nhưng cũng là một hành động tự do sâu xa của con người. Đức Tin là một trong ba nhân đức đối thần. Đức Tin có thể biến những cái không thể thành những cái có thể. Đức Giêsu nói với các Tông đồ, dù có Đức Tin nhỏ bé cũng có thể làm được những chuyện lớn lao. Ngài khẳng định: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải thì dù các con có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống biển mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời các con”(Lc 17, 5-6). Như vậy, Đức Tin có sức mạnh vô biên: nhờ Đức Tin, các Thánh Tử đạo vượt qua được những cực hình đau đớn; nhờ Đức Tin, các Kitô hữu vui vẻ chấp nhận những thử thách đau khổ trong đời sống đạo; nhờ Đức Tin, nhiều người kitô hữu dấn thân trong các lãnh vực từ thiện, bác ái; nhờ Đức Tin, Thánh Giáo Hoàng Giao Phaolô II đã tha thứ cho kẻ ám sát mình là Ali Agca; nhờ Đức Tin, Mẹ Têrêxa Caculta đã dấn thân không mệt mỏi để phục vụ những người bị bỏ rơi trong xã hội. Hôm nay, mỗi chúng ta có mặt trong thánh đường này để cử hành thánh lễ cũng chính là nhờ Đức Tin. Chút nữa đây, chúng ta dọn mình sốt sắng lên rước lễ, tức là rước Mình Máu Thánh Chúa qua hình bánh rượu, đó cũng là nhờ Đức Tin…

Như vậy, Đức Tin hết sức cần thiết trong đời sống đạo. Đức tin là điều kiện để các thụ nhân lãnh nhận các Bí tích. Mỗi lần làm phép lạ, Đức Giêsu thường đòi hỏi Đức Tin hoặc Ngài công bố phép lạ xảy ra là nhờ Đức Tin: “Đức tin con đã cứu chữa con.” Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bảo chứng cho những điều ta không thấy (x. Dt 11,1). Khi lãnh nhận Bí tích rửa tội, vị linh mục hỏi người dự tòng: “Đức Tin sinh ơn ích gì cho con?” Người dự tòng thưa: “Đức tin đem lại cho con sự sống đời đời.”

Trong cuốn sách “Mỗi Ngày Một Ý Tưởng” của MS Anhre, có đoạn viết: “Nếu bạn mất tiền, bạn sẽ mất đi một ít; nếu bạn mất đi danh dự, bạn sẽ mất đi rất nhiều; nhưng nếu mất đức tin thì bạn sẽ mất tất cả. Đức Tin là chìa khoá để bạn bước vào kho báu của Đức Chúa Trời. Đức Tin là con đường dẫn bạn đến sự chiến thắng. Đức Tin là lối sống đẹp lòng Đức Chúa Trời. Đức Tin là chìa khoá vạn năng giúp bạn mở toang những cánh cửa của Nước Trời. Đức Tin là hành động giúp bạn biến điều bất năng thành khả năng. Vì thế đừng đánh mất Đức Tin mà hãy giữ Đức Tin cho đến cuối cùng thì phần thưởng của Đức Tin đang chờ đón bạn.”

Để không đánh mất Đức Tin, chúng ta phải năng cầu xin Chúa bên thêm Đức Tin cho chúng ta (x. Lc 17,5). Đồng thời, chúng ta phải học hỏi và thực hành Đức Tin trong đời sống, bởi vì“Đức tin không việc làm là đức tin chết tận gốc rễ” (Gb 2,26). Tinh thần phục vụ vô vị lợi là cách thực hành Đức Tin một cách cụ thể nhất.

2. Tinh thần phục vụ vô vị lợi

Trong xã hội nô lệ, ông chủ có toàn quyền trên người đầy tớ. Ông có thể sai người đầy tớ làm hết việc này tới việc khác. Giống như người đầy tớ mà Đức Giêsu đề cập trong đoạn Tin mừng hôm nay: "Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về, liền bảo nó rằng: 'Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa', mà trái lại không bảo nó rằng: 'Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống' (Lc 17,7-8). Dầu người đầy tớ phải làm hết công việc này đến công việc khác, nhưng luôn phải vâng theo ý ông chủ, không được đòi hỏi quyền lợi cho mình. Đức Giêsu nói tiếp: “Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không?” (Lc 17,9).

Khi đề cập đến vấn đề này, không phải Đức Giêsu tán đồng chế độ nô lệ, nhưng Ngài muốn dùng hình ảnh này để giúp chúng ta hiểu về vai trò của chúng ta đối với Thiên Chúa. Ngài nói: “Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: “Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm” (Lc 17,10).

Thật vậy, Thiên Chúa là người Cha, Ngài đặt để mỗi người chúng ta trong trần thế này với những khả năng và vai trò khác nhau. Chúng ta phải dùng vai trò và khả năng đó để chu toàn nhiệm vụ của mình. Nếu không chu toàn nhiệm vụ được giao phó, chúng ta có lỗi trước mặt Chúa, nhưng nếu chúng ta chu toàn nhiệm vụ được giao phó cũng chỉ là làm trọn bổn phận của chúng ta mà thôi, chúng ta không có quyền đòi hỏi Chúa trả công.

Những người Biệt phái nghĩ rằng, họ được Thiên Chúa ban cho ơn này ơn khác, họ được lên Thiên đàng là do công phúc của họ. Vì thế, họ thường kể công trước mặt Chúa. Thậm chí, họ còn khinh bỉ anh chị em xung quanh, nhất là những người ngoại giáo, những người họ cho là tội lỗi. Câu chuyện người Biệt phái lên đền thờ cầu nguyện cho chúng ta thấy điều đó. Ông kể lễ các công đức của mình: không tham lam, bất chính, ngoại tình, mỗi tuần ăn chay hai lần, dâng cho Chúa một phần mười thu nhập. Rồi ông còn nói, con không như người thu thuế kia (x. Lc 18,9-14).

Trong thực tế cuộc sống, nhiều người trong chúng ta cũng có thái độ như những người biệt phái: đi lễ, đi nhà thờ, ăn chay, cầu nguyện, làm việc bác ái…Có ý để Chúa trả công chứ không phải vì lòng mến Chúa hay vì làm việc đáng phải làm. Phải nhớ rằng: chúng ta luôn được mời gọi cộng tác với ơn Chúa để làm việc lành, việc thiện. Nhưng chúng ta không có quyền dựa vào việc lành, việc thiện của mình làm để đòi Thiên Chúa trả công. Thiên Chúa thưởng công cho ai là tùy tình thương của Ngài. Nhưng vì Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và quảng đại, nên Ngài sẽ không bao giờ quên những việc lành, việc thiện chúng ta đã làm.

Lạy Chúa, xin ban thêm Đức tin cho chúng con, để chúng con có thể tin trọn vẹn những gì Chúa dạy và Hội Thánh truyền. Xin cho chúng con luôn có tinh thần phục vụ vô vị lợi theo khả năng và sứ mạng mà Chúa trao phó. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành