Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong buổi triều yết chung thứ Tư 20 tháng 7, trước 60,000 tín hữu và du khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã tiếp tục khai triển đề tài lòng thương xót dựa trên câu chuyện thánh sử Luca kể trong chương 7. Một lần kia Chúa Giêsu được một người biệt phái tên là Simone mời tới dự tiệc tại nhà ông. Trong khi họ dùng bữa, thì có một phụ nữ tội lỗi, mà cả thành phố đều biết tiếng, đến khóc bên chân Chúa Giêsu, lấy tóc lau chân Ngài rồi hôn và xức dầu thơm chân Chúa.

Đức Thánh Cha nói:

Nổi bật trong đoạn Tin Mừng này là sự so sánh giữa hai gương mặt: gương mặt của ông Simone, người nhiệt thành phục vụ Lề Luật, và gương mặt của người đàn bà tội lỗi. Trong khi người thứ nhất phán xét các người khác dựa trên các vẻ bề ngoài, thì người thứ hai chân thành diễn tả con tim của mình với các cử chỉ. Tuy là người đã mời Chúa Giêsu nhưng ông Simone không muốn bị liên lụy và để cho cuộc sống của ông bị lôi cuốn với vị Thầy; người phụ nữ trái lại, hoàn toàn tín thác nơi Chúa với tình yêu và sự tôn kính.

Ông biệt phái không nhận thức rằng Chúa Giêsu để cho mình bị các người tội lỗi làm ô uế. Ông nghĩ rằng nếu Ngài thực sự là một ngôn sứ, thì phải nhận ra các người tội lỗi và giữ họ ở xa để không bị ô uế, làm như thể họ là những người phong cùi. Đây là thái độ chuyên biệt của một kiểu hiểu tôn giáo và nó được viện lý bởi sự kiện Thiên Chúa và tội lỗi triệt để chống đối nhau. Nhưng Lời Chúa dậy chúng ta phân biệt tội lỗi với kẻ có tội: không được hạ mình giàn xếp với tội lỗi, trong khi những người tội lỗi, nghĩa là tất cả chúng ta, đều giống những người đau yếu cần được săn sóc; và để săn sóc họ thì bác sĩ cần đến gần họ, viếng thăm họ và đụng chạm tới họ. Và dĩ nhiên để được khỏi người bệnh phải thừa nhận mình cần đến thầy thuốc.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Giữa người biệt phái và phụ nữ tội lỗi, Chúa Giêsu đứng về phía người đàn bà tội lỗi. Tự do khỏi mọi thành kiến ngăn cản lòng thương xót tự diễn tả, Ngài để cho bà làm. Ngài, Đấng Thánh của Thiên Chúa, để cho bà sờ mó, mà không sợ bị bà làm ô uế. Chúa Giêsu tự do vì Ngài gần Thiên Chúa là Cha thương xót. Và sự gần gũi Thiên Chúa là Cha thương xót đó trao ban cho Chúa Giêsu sự tự do.

Đức Thánh Cha giải thích thái độ của Chúa Giêsu như sau:

Còn hơn thế nữa, khi bước vào trong tương quan với người phự nữ tội lỗi, Chúa Giêsu chấm dứt tình trạng cô lập, mà sự phán xét không thương xót của ông biệt phái và của các người đồng hương đã khai thác bà - họ kết án bà: “Các tội của con đã được tha” (c.48). Người phụ nữ giờ đây có thể ra đi “bằng an”. Chúa đã trông thấy đức tin và sự hoán cải chân thành của bà, vì thế Ngài tuyên bố trước mặt tất cả mọi người: “Lòng tin của con đã cứu con” (c. 50). Một đàng cái giả hình của vị tiến sĩ luật, đàng khác là sự chân thành, lòng khiêm nhường và đức tin của người đàn bà. Tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi, nhưng biết bao lần chúng ta rơi vào cám dỗ của sự giả hình, tìn rằng mình tốt lành hơn những người khác và chúng ta nói: “Hãy nhìn tội của bạn…” Trái lại chúng ta tất cả đều phải nhìn tội lỗi của mình, các sa ngã, các sai lầm của mình và nhìn lên Chúa. Đó là con đường của sự cứu rỗi: tương quan giữa “tôi” kẻ tội lỗi và Chúa. Nếu tôi cảm thấy mình công chính, thì không có tương quan này.

Đến đây một sự ngạc nhiên lớn hơn nữa tấn công tất cả mọi người cùng dự tiệc: “Ông này là ai mà cũng có quyền tha tội?” (c. 49). Chúa Giêsu không đưa ra một câu trả lời rõ ràng, nhưng sự hoán cải của người phụ nữ tội lỗi ở trước mắt tất cả mọi người, và chứng minh cho thấy nơi Ngài rạng ngời lên quyền năng lòng thương xót của Thiên Chúa, có khả năng biến đổi các con tim.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Người đàn bà tội lỗi dậy cho chúng ta biết mối dây liên kết giữa đức tin, tình yêu và lòng biết ơn. Bà đã được tha “nhiều tội” và vì thế bà yêu nhiều, “trái lại ai được tha ít thì yêu ít” (c. 47). Cả chính ông Simone cũng phải thừa nhận rằng người được tha nhiều hơn thì yêu nhiều hơn. Thiên Chúa đã đóng kín tất cả trong cùng một mầu nhiệm lòng thương xót; và từ tình yêu luôn luôn đi trước chúng ta này, chúng ta tất cả đều học biết yêu thương. Như thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta trong thư gửi tín hữu Êphêxô: “Trong Đức Kitô, nhờ máu người đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi, theo ân sủng phong phú của Người. Người đã đổ nó ra phong phú trên chúng ta” (Ep 1,7-8). Trong văn bản này, từ “ân sủng” đồng nghĩa với từ thương xót, và được nói là “phong phú”, nghĩa là vượt qúa mọi chờ mong của chúng ta, để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với từng người trong chúng ta.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy biết ơn vì đức tin, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì tình yêu của Ngài lớn lao, và chúng ta không đáng được! Chúng ta hãy để cho tình yêu của Chúa Kitô đổ trên chúng ta: người môn đệ kín múc nơi tình yêu ấy và xây dựng trên đó; mỗi người trong chúng ta có thể được dưỡng nuôi bằng tình yêu này. Như thế trong tình yêu biết ơn này, tới lượt mình, chúng ta đổ trên các anh chị em khác, trong nhà của chúng ta, trong gia đình, trong xã hội ta thông truyền cho tất cả mọi người lòng thương xót của Chúa.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha cũng tái kêu gọi cầu nguyện và trợ giúp nhân dân Ukraine đang đau khổ vì chiến tranh và bị thế giới lãng quên. Ngài nhắc lại sáng kiến đề nghị lạc quyên trên toàn Âu châu vào ngày Chúa Nhật 24 tháng 4 này để trợ giúp Ukraine và cám ơn trước về sự đóng góp quảng đại của mọi người.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.