SUY NIỆM TỈNH TÂM LINH MỤC PHÚ CƯỜNG THÁNG 3.2016

NHÌN XUYÊN THẤU

Báo Người Đưa Tin, 24.4.2014, tác giả Trần Vũ, trong bài “Kì dị những người có khả năng nhìn xuyên thấu” kể về ba người có đôi mắt nhìn xuyên thấu cách kỳ lạ. Một trong ba trường hợp ấy xảy ra tại Thụy Điển.

Tối 10.7.1897, khi đang ăn với bạn ở Stockholm, bỗng mặt Maniwair thất sắc. Anh kêu to: “Có cháy lớn. Nhà của ông bạn đã bốc lửa, nhà tôi rất nguy hiểm”. Một lát sau anh lại nói: “Tốt rồi, lửa đã tắt cách nhà tôi ba căn”. Nhà Maniwair ở Sdenmar cách nơi họ ăn đến 400 km…

Maniwair dần nổi tiếng. Nhiều người nhờ anh giúp đỡ. Phu nhân đại sứ Hà Lan ở Thụy Điển cũng vậy. Chồng bà mua một món hàng bằng bạc, nhưng ông chết đột ngột. Cửa hàng định kiếm một món tiền nữa nên đòi nợ bà. Maniwair đến nhà phu nhân nhìn lướt một hồi, rồi nói: “Hóa đơn của ông đại sứ vẫn còn trong ngăn kéo chiếc bàn ở lầu hai”. Và đúng như lời Maniwair…

Đó là cái nhìn xuyên thấu thể lý. Hãy bắt chước những người có cái nhìn thể lý mà hướng đến khả năng thiêng liêng nhìn xuyên thấu tâm hồn mình. Bởi khả năng thể lý, chỉ là hồng ân cho một ít người. Nhưng khả năng thiêng liêng nhìn xuyên thấu nơi tâm hồn, là hồng ân Chúa ban cho bất kỳ ai.

Nhìn xuyên thấu thiêng liêng, tôi không gọi là “cái nhìn” nhưng là “tầm nhìn xuyên thấu”. Tầm nhìn đó không dừng lại chính biến cố, chính hoàn cảnh, mà cái nhìn thể lý cảm nhận, nhưng là đi sâu, đi vào và vượt lên tất cả biến cố, hoàn cảnh, rút ra ý nghĩa đích thực, chân lý cao sâu, nhằm mang lại bài học sống cho mình, cho bất cứ mối liên hệ nào mà mình có thể có được.

Để có tầm nhìn xuyên thấu thiêng liêng qua mọi biến cố, mọi hoàn cảnh trong đời mình, nhờ đó nhận ra ơn Chúa, nhận ra tình thương, ý muốn của Chúa, nhận ra bài học cần cho sự biến đổi nơi mình, nhận ra từng thời khắc xảy ra là từng kinh nghiệm sống giúp nâng cao lòng mến…, đòi mỗi người hãy nội tâm hóa mọi sự, hãy thánh hóa từng giây phút sống, hãy cầu nguyện liên lỉ, hãy để mình chìm sâu trong ân sủng, hãy ngụp lặn trong suy tư không ngơi nghỉ.

Tháng ba, tháng kính thánh Giuse. Chúng ta cùng chiêm ngắm tầm nhìn xuyên thấu của thánh Giuse, để học nơi thánh Giuse tầm nhìn xuyên thấu trong đời linh mục của mình.

1. THÁNH GIUSE NHÌN XUYÊN THẤU.

Thánh Giuse, người có đời sống nội tâm cao, người biết sống chiêm niệm liên lỉ, người thích khám phá thánh ý Chúa trong thinh lặng và suy tư. Nhờ tất cả vẻ đẹp ấy, đã tạo nên một Giuse biết thiêng liêng hóa tất cả để có được tầm nhìn xuyên thấu mọi hoàn cảnh, mọi biến cố.

Nhờ tầm nhìn xuyên thấu đặt vào mọi diễn tiến của đời sống, làm cho thánh Giuse càng thêm thời gian sống, càng tiếp tục băng mình theo thánh ý Chúa.

Nhờ tầm nhìn không dừng lại trên chính hiện tượng, hay trên hoàn cảnh, nhưng thiêng liêng hóa và xuyên thấu tất cả, thánh Giuse đọc ra mọi ý nghĩa, để trong mọi bài học ẩn chứa nơi từng biến cố lớn nhỏ, thánh nhân mau mắn thi hành, mau mắn đáp trả thánh ý Chúa.

Ngày càng được tắm mình trong ơn Chúa, với tầm nhìn xuyên thấu, thánh Giuse càng nên khôn ngoan, biết tiên liệu, biết cộng tác đắc lực với ơn Chúa, trở thành đấng bảo vệ và gìn giữ Chúa Giêsu và Đức Mẹ cách tích cực, hiệu quả.

Tương tự Tổ phụ Giacób trong giấc mơ chiếc thang nối trời và đất, hay Tổ phụ Giuse trong giấc mơ về thánh ý Chúa kỳ diệu sắp đặt cho mình ở phía tương lai, thì thánh Giuse, một người cũng thuộc dòng tộc của các Tổ phụ, được Chúa tuyển chọn, cũng có tầm nhìn xuyên thấu nhờ nội tâm hóa và thiêng liêng hóa cao như các Tổ phụ, đã khám phá từ giấc mơ vỹ đại (x.Mt 1, 18-25), mà sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa, trở thành Dưỡng phụ của Chúa Cứu Thế.

Kể từ khi nhận lời truyền tin của thiên thần trong giấc mơ nhiệm mầu, thánh Giuse vinh dự được Con Thiên Chúa làm người gọi là “cha”, vinh dự được trở thành người bảo bộc, chở che cho Con Thiên Chúa, vinh dự được Con Thiên Chúa nhận lấy dòng họ của mình là gia tộc của Người.

Qua những kỳ diệu từ lời ca của thiên thần, đến sự hiện diện của mục đồng (x.Lc 2, 1-20), hay sự hiện diện của ba đạo sĩ trong thời gian Chúa Cứu Thế giáng trần (x.Mt 2, 1-12), chắc chắn, với cái nhìn xuyên thấu, thì lòng đạo đức, tình yêu mến Chúa nơi thánh Giuse, thúc đẩy thánh Giuse càng chìm sâu hơn trong sự chiêm niệm, chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa.

Rồi khi dâng Con trong đền thánh, nghe và chứng kiến những lời nhiệm mầu và cử chỉ lạ thường của hai cụ già Simêon và Anna (x.Lc 2, 22-38), với tâm hồn luôn nội tâm hóa, chắc rằng, thánh Giuse đã để cho đức tin điều khiển mọi cơ năng của mình, dẫu lúc ấy, thánh nhân không tài nào hiểu hết. Chính đức tin thúc giục thánh Giuse nhất mực để Chúa điều khiển, sắp xếp tương lai đời mình, tương lai gia đình mình trong sự quan phòng của Chúa.

Với tầm nhìn xuyên thấu, thánh Giuse tiếp tục mau chóng thi hành lệnh Chúa truyền, dù phải vượt biên giới vào giữa đêm hôm để bảo vệ Chúa Cứu Thế, cũng chính là Con của mình (x.Mt 2, 13-18).

Với tầm nhìn xuyên thấu, khi về lại quê hương, thánh Giuse đã chọn Nazareth làm nơi định cư, nhờ đó, lời tiên báo của Thánh Kinh xưa nên trọn: Chúa Giêsu “sẽ được gọi là người Nazareth” (Mt 2, 23).

Cũng như trong cuộc tìm kiếm và gặp Con nơi đền thánh (x.Lc 2, 41-50), dẫu không thể hiểu lời Con nói, thánh Giuse vững tin rằng, Người Con mà mình từng bồng ẵm, yêu thương, không thuộc về mình như bao nhiêu đứa con trong tay cha nó. Bởi Người chính thật là Con Thiên Chúa, là quà tặng cứu độ Thiên Chúa trao tặng cả thế giới, xuyên mọi thời đại.

Nhờ nội tâm hóa trong cái nhìn xuyên thấu, thánh Giuse nhận biết, Người Con ấy phải phụng sự và làm trọn thánh ý Thiên Chúa trên tất cả mọi tương quan của loài người. Người phải ưu tiên thực hành “bổn phận ở nhà của Cha” Người (Lc 2, 49), hơn bất cứ một công tác nào nhằm cứu độ trần thế.

Cuộc sống ẩn dật nơi mái gia đình, mà mình là trụ cột chính, là gia trưởng, giúp thánh Giuse chứng kiến Người Con của mình lớn lên từng ngày. Nhưng cùng với việc Con lớn lên nơi thân xác, chắc chắn, càng ngày thánh Giuse càng thâm tín sâu xa, Con mình phải lớn lên trong chính tâm hồn mình, trong suốt chiều dài của đời sống mình. Hình ảnh của Con, là chính Đấng Cứu Độ mình, phải ắp đầy, phải chiếm trọn bản thân và ngày càng nên một với Con mạnh mẽ hơn, chặt chẽ hơn.

Bởi nơi thánh Giuse, dù trong mơ hay đời thực; dù lúc tối tăm xem ra bí lối hay hạnh phúc được gần cận, được nâng niu Con Thiên Chúa; dù lúc thắc thỏm lo lắng cho Con hay khi đầm ấm trong căn nhà thánh; dù khi Con còn trong vòng tay mình hay lúc Con rời gia đình xuôi ngược truyền giáo; dù khi chìm khuất nơi làng quê Nagiarét hay khi hãnh diện được người ta gọi Con là “Con của Bác Thợ Mộc” ( Mt 13, 55), thánh Giuse không một giây phút rời xa thánh ý Thiên Chúa.

Nơi thánh Giuse, thánh ý Chúa là lẽ sống, là lý tưởng sống, là chọn lựa sống, là tất cả chiều kích làm nên sự sống trọn cuộc đời. Thánh Giuse một lòng yêu mến thánh ý Chúa, phó thác đời mình cho thánh ý Chúa hướng dẫn. Thánh Giuse tin tưởng thánh ý Chúa là chân lý, là tình yêu, là sự khai mở giúp đi về nguồn sống là chính Chúa. Và như thế, càng sống thánh ý Chúa, thánh Giuse càng nâng cao tầm nhìn xuyên thấu trong sự thiêng liêng hóa và nội tâm hóa.

Tầm nhìn xuyên thấu càng cao, thánh ý Chúa càng thêm sáng tỏ trong cuộc đời thánh nhân. Cứ như thế, cái này bổ túc cái kia, thánh ý Chúa và tầm nhìn xuyên thấu tương tác lẫn nhau, làm cho nhau vững mạnh, nâng đỡ nhau, giúp nhau thăng tiến và tồn tại bền bỉ.

Chắc chắn thánh Giuse luôn ý thức rằng: Sống theo thánh ý Chúa là danh dự lớn. Danh dự của người sống thánh ý Chúa lớn đến nỗi, không bao giờ có ai dám nghĩ, điều mà sau này, chính Người Con của thánh Giuse, Chúa Giêsu, Chúa chúng ta công bố: “Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12, 48).

Trong đời thực, với tầm nhìn xuyên thấu đã được thánh ý Chúa chiếu soi, thánh Giuse âm thầm dấn thân cho niềm tin: Con của mình cũng là chính Thiên Chúa mà mình phải tôn thờ, và mẹ của Người Con ấy đích thật là mẹ của Thiên Chúa vì đã sinh ra Thiên Chúa làm người.

Với tầm nhìn xuyên thấu và cũng xuyên suốt hành trình cuộc đời y như Đức Maria, thánh Giuse luôn dâng hiến Thiên Chúa lòng vâng phục, lòng tạ ơn, lòng thờ phượng, lòng tin tưởng bền bỉ, thủy chung, can đảm dẫu phải nếm trải khó khăn, phải đương đầu cùng thách đố.

2. TẦM NHÌN XUYÊN THẤU VỚI ĐỜI LINH MỤC.

Noi gương thánh Giuse, chúng ta phải hướng tới đời nội tâm, để thiêng liêng hóa tất cả. Nhờ đó, chúng ta học được một tầm nhìn xuyên thấu hoàn bị như thánh Giuse. Học tầm nhìn xuyên thấu, chúng ta sẽ nên thánh trong ơn gọi của mình, như thánh Giuse đã nên thánh trong ơn gọi của chính thánh nhân vậy.

Có được tầm nhìn xuyên thấu, đời tu sẽ thông thoáng hơn, thoải mái hơn, bình an hơn. Bởi khi nhìn xuyên thấu qua tất cả những gì đang xảy ra, với ơn được cảm nghiệm trong Chúa, ta không quá vui theo cái vui thỏa chí, kiểu mà niềm vui thế gian, một niềm vui thiếu chiều sân, thiếu đời nội tâm mang lại.

Cũng vậy, bằng tầm nhìn xuyên thấu trong tình Chúa, khi rơi vào nỗi buồn, ta không quá bi lụy, không hụt hẫng, không mất nhuệ khí. Tầm nhìn xuyên thấu phủ trên mọi biến cố, dễ cho ta sáng suốt, sức mạnh, tình yêu, sự can đảm, sự vươn lên, sức chịu đựng… qua những nghịch cảnh rơi vào đời mình.

Khi phải quyết định một vấn đề, phải chọn lựa một lối sống, hay phải biện phân những điều cần thiết cho mình, cho người…, ta sẽ thực hiện thật khôn ngoan và đúng đắn.

Có tầm nhìn xuyên thấu ta biết dựa vào Chúa trong mọi cảnh huống của đời mình, biết phó thác năm tháng ngày giờ, dù ở đây hay ở đâu, dù ở thời điểm này hay thời điểm nào, để tùy nghi Chúa định liệu.

Nhất là đời sống trong tương quan với anh chị em, tầm nhìn xuyên thấu phải là tầm nhìn mỗi ngày một được trau dồi hơn, nên sắc bén và nhạy bén hơn. Khi tầm nhìn xuyên thấu đã trở nên thường xuyên liên tục như phản xạ, như bản tính của bản thân, ta sẽ:

- Không đánh giá người khác bằng cái nhìn của mình.

- Không xét đoán hay lên án khi người khác có lỗi.

- Không vui trước nỗi buồn của người bên cạnh (ngược lại là nhẫn tâm).

- Không buồn khi thấy người khác vui (ngược lại là thâm độc, ích kỷ).

- Không a dua theo cái xấu.

- Không ganh ghét khi người khác thuận lợi hơn, thành công hơn.

- Không thủ lợi cho bản thân.

- Không chê bai, không đánh giá thấp người bên cạnh, hay những gì người khác thực hiện được.

- Không bêu diếu, chỉ trích người bên cạnh.

- Không gièm pha, hay nói bóng, nói gió về những tiêu cực mà người khác lâm vào.

- Không vụ lợi, không tìm ích kỷ cho bản thân.

- Không xây dựng phe nhóm hòng gây chia rẻ, chống đối nhau.

- Không đùn đẩy khi phải đối mặt với sự thật bất lợi cho bản thân.

- Không phân xử hay xử sự theo cảm tính.

- Không bênh vực người thiện cảm với mình, khi họ chưa tốt.

- Không dối trá, không làm nghiêng công lý.

- Không che đậy những gì có thể gây thiệt hại nặng cho đời sống chung.

- Không nói những điều bất lợi khi chưa biết rõ thực hư.

Nhưng luôn biết cảm thông, tha thứ, biết đặt mình vào người khác hơn.

Biết cầu nguyện cho mình, cho mọi người, cho mọi sự được sống trong ơn Chúa, được tình yêu của Chúa chở che, đùm bọc. Biết hiến dâng mình bằng nỗ lực từng ngày, phấn đấu hết sức xây dựng cộng đoàn, hướng tới xây dựng và làm cho Nước Chúa ngự trị giữa cộng đoàn mình đang hiện diện.

Hãy yêu nơi này, như không còn chốn nào để ta sống trên cõi đời. Hãy hiện diện bằng cả tâm tư xuyên suốt một đời như chốn này làm nên chính cuộc đời mình. Hãy biến thời gian đang diễn ra tại đây là cơ hội để ta nên thánh.

Hãy làm cho giây phút hiện tại mang chiều kích linh thánh. Hãy bằng mọi giá sống giây phút hiện tại, làm cho giây phút hiện tại càng mang lại lợi ích cho mình, cho người, cho đời càng nhiều, càng tốt. Hãy dùng giây phút hiện tại như đây là giây phút duy nhất để hiện diện trước Chúa, hiện diện cùng người bên cạnh. Hãy biến giây phút hiện tại trở thành quà tặng để dâng tặng Thiên Chúa, dâng tặng con người.

Hãy sống thành thật. Bởi chỉ có người với người sống thành thật, mới mong loại trừ gian dối. Những con người sống thành thật là những con người biết làm cho nước thiên đàng thống trị. Sống thành thật còn vì thành thật là điều răn thứ Tám Chúa dạy. Quan trọng hơn, thành thật là điều Chúa Giêsu muốn: “Có thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ (Mt 5,33-37).

Hãy để tầm nhìn xuyên thấu trở thành vũ khí tốt giúp ta ngăn chặn những thói hư tật xấu của mình. Tầm nhìn xuyên thấu cũng là cách giúp ta bao dung, rộng lượng khi phải đánh giá một vấn đề, hay một con người.

Nó dễ nâng tình yêu của ta lên cao, để ta bào chữa hơn lên án, đón nhận hơn loại trừ, sống thật hơn sống miễn cưỡng, giúp đỡ hơn chối từ, tha thứ hơn chấp nhất, lạc quan hơn bi quan, cho đi hơn thủ lợi, vui nhận lãnh hơn trốn chạy, tìm sống có lợi cho người khác hơn tìm vinh danh mình…

Để có tất cả những gì chúng ta vừa nói, giúp đời sống tương quan giữa hàng linh mục với nhau, giữa linh mục với muôn người lành mạnh, hạnh phúc, bài ca Đức Mến của thánh Phaolô rất cần để ta suy niệm. Đức mến sẽ cho ta một cuộc sống ý nghĩa, giúp tầm nhìn của ta bao quát hơn, xuyên thấu hơn:

“Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 1-7).

Cuối cùng, chúng ta phải nhắc đến đời sống cầu nguyện. Nếu đời sống cầu nguyện mà chểnh mảng, nghĩa là sự kết hợp với Thiên Chúa lỏng lẻo, đời sống của ta với con người sẽ vô cùng nặng nề, vô cùng rủi ro, vô cùng khó khăn. Bởi chỉ cần mất Thiên Chúa, lập tức chúng ta sẽ mất con người.

Mất Thiên Chúa và mất con người, ơn gọi của ta đang gặp nguy hiểm…

Hơn ai hết, linh đạo của chúng ta là linh đạo mục vụ. Hãy lợi dụng chính luật lệ này của ơn gọi này mà chúng ta đang theo đuổi để nâng cao đời sống trong Chúa và trong anh chị em.

Đời linh mục là đời gặp Chúa, sống trong Chúa thường xuyên. Cầu nguyện và mục vụ phải là tác vụ đưa chính linh mục, và những ai mà linh mục phục vụ, vào hiện diện trong thâm cung cõi lòng Thiên Chúa, hiện diện bằng sức sống trào dâng của ơn Thánh Thần.

Hãy dùng chính sự cầu nguyện và công tác mục vụ, một loại ơn gọi quý báu mà không phải ai, không phải linh đạo nào cũng sở hữu, để chúng ta thăng tiến tầm nhìn của mình. Nhờ đó, chúng ta luôn có Chúa, và có anh chị em, luôn trong Chúa và anh chị em luôn trong ta như Chúa muốn.

Chúng ta phó thác trong tay thánh Giuse đời tu của chúng ta. Xin thánh Giuse, đấng là Dưỡng phụ của vị Linh Mục Thượng Phẩm của chúng ta là Chúa Giêsu, hằng chuyển cầu, trông xem, và đào tạo chúng ta thành những linh mục khôn ngoan trong sự thánh đức, với tầm nhìn xuyên thấu luôn luôn.

VẤN TÂM.

Suốt chiều dài của đời sống, dẫu là linh mục, không ít lần chúng ta đã không có được sự siêu nhiên hóa trong tất cả mọi hoàn cảnh xảy ra cho mình.

1. Với bản thân:

- Vì thế, chúng ta cảm thấy cay đắng khi bị một vụ việc, một hoàn cảnh nào đó bất lợi tấn công.

- Bởi thiếu siêu nhiên hóa, ta cũng không thể có được tầm nhìn xuyên thấu mà nhìn nhận, đánh giá, rút tỉa kinh nghiệm cho thật đúng đắn. Thậm chí, đã từng có rất nhiều những nhận định, những phán đoán đầy nông nổi, nông cạn, thiếu sót, áp đặt…

Do đó, thay vì học được nhiều bài học đáng giá, hoặc mang lại những lợi khí sắc bén làm vốn sống, thì ngược lại, ta chỉ thấy bức bối, khó chịu. Những thách thức của cuộc đời, những bất hạnh mà ta buộc phải chạm trán, vì thiếu tầm nhìn xuyên thấu để nhìn vấn đề cách rốt ráo, mà thách thức và bất hạnh chỉ dừng lại ở thách thức và bất hạnh, không mang lại bất cứ giá trị nào dù là giá trị thiêng liêng hay chỉ là giá trị để sống ở đời.

2. Với tha nhân:

- Thiếu tầm nhìn xuyên thấu bao quát trên vấn đề; thiếu tầm nhìn xuyên thấu để lượng giá mọi khía cạnh của vấn đề, mà lắm lúc, ta đã không đặt mình vào hoàn cảnh của anh chị em để thông cảm hơn, sớt chia hơn, hiểu biết hơn.

Nặng hơn, do không có tầm nhìn xuyên thấu, ta dễ nhìn anh chị em của mình bằng cái nhìn đầy thiên kiến, chủ quan, bất minh, gây nên thiếu thiện cảm, thiếu độ lượng, thiếu từ tâm, không có tinh thần bác ái.

- Thiếu tầm nhìn xuyên thấu, nguy hiểm hơn, bao nhiêu lần, ta chỉ trích, lên án, cả đến nhẫn tâm loại trừ anh chị em.

Là linh mục, cần lắm những cái nhìn biết suy xét, biết cầu nguyện. Có thiêng liêng hóa từng nếp nghĩ, từng quyết định, từng điều phải phán đoán như thế, ta mới thật sự chín chắn, thật sự sống tròn đầy hai tiếng “linh mục” trong chính sứ vụ của bản thân, mà Thiên Chúa đã trao.

Biết thiêng liêng hóa để luôn luôn có một tầm nhìn xuyên thấu, mới mong càng ngày càng giảm đi, và không còn những sai sót khi phải quyết định, phải đánh giá, phải hành động trên mỗi hoàn cảnh, mỗi con người.

HƯỚNG VỀ VĨNH CỬU.

Trong Tông huấn Người Trông Nom Đấng Cứu Thế (REDEMPTORIS CUSTOS), thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: “Vào lúc khởi đầu cuộc lữ hành, đức tin của Đức Maria gặp đức tin của thánh Giuse. Nếu bà Êlisabét nói về Mẹ Đấng Cứu chuộc: “Phúc cho Bà là kẻ đã tin”, thì theo một nghĩa nào đó, sự chúc phúc này cũng có thể được áp dụng cho thánh Giuse, vì ngài đã tích cực đáp lời Thiên Chúa khi lời này được truyền đạt cho ngài vào giây phút quyết định. Mặc dù đúng thật là thánh Giuse đã không đáp trả lại lời truyền tin của sứ thần cùng một cách như Đức Maria, nhưng ngài đã “làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”. Điều Ngài đã làm là một “sự vâng phục đức tin” rõ rệt nhất (số 4).

- Noi gương thánh Giuse, chúng ta quyết sống trọn đời trung kiên cho đức tin. Để nếu như thánh Giuse có đức tin mạnh mẽ đến nỗi, lời chúc phúc mà bà Êlisabét dành cho Đức Mẹ, lại “cũng có thể được áp dụng cho thánh Giuse”. Đến lượt chúng ta, một khi sống hoàn hảo đức tin của mình, trước nhan thánh Chúa, chúng ta cũng sung sướng nhận lãnh lời chúc phúc ấy.

Lời chúc phúc cho một đời sống đức tin toàn vẹn, nơi từng người chúng ta, chắc chắn không còn mong muốn nào bằng. Lãnh nhận lời chúc phúc trước tòa phan xét của Đấng chí Công, sau khi từng người đã hoàn tất hành trình sống đức tin trong đời, chắc chắn không còn gì hạnh phúc bằng, không còn gì quý báu và cao đẹp bằng, không còn gì thỏa mãn bằng.

- Đàng khác, khi dấn thân cho đức tin, cũng có nghĩa là thánh Giuse chấp nhận phó mình cho thánh ý Chúa mặc tình sử dụng cuộc đời mình, con người mình, đến nỗi, “mặc dù đúng thật là thánh Giuse đã không đáp trả lại lời truyền tin của sứ thần cùng một cách như Đức Maria, nhưng ngài đã “làm như sứ thần Chúa dạy”. Để rồi từ khi phó mình cho thánh ý Chúa, chấp nhận “làm như sứ thần Chúa”, thánh Giuse đã đi một bước dài, trọn đời mình, không phải theo ý riêng, nhưng theo thánh ý Chúa, mặc cho biết bao nhiêu thăng trầm, thác ghềnh trôi qua cuộc đời của thánh nhân.

Như thánh Giuse, chúng ta quyết một lòng, dù có chết, vẫn dâng hiến đến cùng cho thánh ý Chúa. Chúng ta phó mình mặc cho thánh ý Chúa lèo lái đời mình. Chỉ có như thế, suốt một đời thánh hiến của mình, chúng ta mới được thánh ý Chúa liên tục dìu dắt trên hết chuỗi ngày sống.

Ước trọn một đời sống đức tin và tín thác hoàn toàn cho thánh ý Chúa, nhờ lời chuyển cầu thế giá của thánh Giuse, chúng ta mong đến ngày trình diện trước nhan thánh Chúa, được Chúa ân thưởng đời đời nơi quê hằng mong, hằng đợi của chúng ta.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

.