GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG SUY NIỆM TỈNH TÂM LINH MỤC THÁNG 9.2014

LINH MỤC SỐNG ƠN HIỆP THÔNG

Đối với người linh mục: hiện thân của Mầu nhiệm Hiệp thông, thừa tác viên của Mầu nhiệm Hiệp thông, sự cụ thể của Ơn hiệp thông mà Thiên Chúa ban cho nhân loại, mối dây hữu hình gắn kết Trời Cao với lòng người thế… phải thể hiện cho bằng được vai trò “hiệp thông” của mình trong Ơn gọi mà Thiên Chúa, vì sự ưu ái của Người, đã trao cho chính linh mục.

Khép lại ở đề tài linh mục sống ơn hiệp thông, chúng ta sẽ nói tới hai khía cạnh cần thiết của Mầu nhiệm Hiệp thông gắn liền cuộc đời linh mục: Hiệp thông trong sứ vụ; Hiệp thông qua chiều kích siêu nhiên.

I. HIỆP THÔNG TRONG SỨ VỤ.

“Mục đích mà các linh mục theo đuổi trong chức vụ và đời sống các ngài là phải tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa Cha trong Chúa Kitô” (Chức vụ và Đời sống các linh mục số 2). Bởi đó, linh mục đặt trọng trách hàng đầu là thi hành sứ vụ theo ý Thiên Chúa như Chúa Kitô và liên kết với Hội Thánh. Khi thi hành sứ vụ “vinh danh Chúa”, linh mục đem ơn thánh hóa cho mình, cho đời, dẫn mọi người tới ơn cứu độ của Chúa Kitô.

1. Sứ vụ thánh hóa con người.

Hơn ai hết, do thánh chức mời gọi, linh mục trở thành trung gian cá biệt giữa Thiên Chúa và con người. Linh mục phải chắp tay hướng về trời, để rồi mở bàn tay hướng ra xung quanh mình. Chính linh mục, qua kho tàng Ơn thánh, kho tàng Bí tích, qua Thừa tác vụ, qua vai trò ngôn sứ, tư tế, vương đế, ngài sẽ là người đến cùng Thiên Chúa, kết hợp cùng Chúa Kitô, múc lấy nguồn ân tứ thiêng thánh để ban tặng phàm trần. Chính linh mục mới là người làm dồi dào lẽ sống cho những ai mình phục vụ, những ai mình tha thiết tìm đến, những ai tin mình, những ai nương nhờ mình, những ai tìm đến mình…

Đó là đời sống Sứ vụ. Sứ vụ của linh mục là một khoa chuyên biệt: “thánh hóa con người”. Sứ vụ vừa thiêng thánh, vừa phàm trần.

- Thiêng thánh vì nối tiếp Chúa Kitô mang ơn cứu độ cho con người.

- Phàm trần vì dù được thánh hiến, linh mục vẫn là người ở giữa mọi người.

Dù vậy, thừa tác vụ linh mục khiến linh mục cao quý: Mang sứ vụ thánh, linh mục làm cho khuôn mặt Thiên Chúa như cụ thể hóa qua công tác thi hành thánh chức của mình. Đồng thời linh mục tiến dâng con người, dâng nỗi khắc khoải, dâng từng mãnh đời, dâng nghị lực sống, dâng nỗi niềm, dâng tinh hoa… của nhân loại lên cùng Chúa. Nói như thánh Âugustinô, thừa tác vụ khiến linh mục vừa hạnh phúc, vừa mang trọng trách, đó là làm Kitô hữu với anh chị em và làm linh mục cho anh chị em.

Sứ vụ thánh hóa của linh mục được cụ thể hóa nơi tất cả những công tác mà linh mục được mời gọi phải thi hành với lòng nhiệt tâm, với tình yêu dâng hiến như: lãnh đạo; giảng dạy; truyền giáo; đồng cảm và xoa diệu nỗi đau của con người; gìn giữ thuần phong mỹ tục, nền luân lý, lề luật Chúa, lề luật Hội Thánh; bảo vệ chân lý, công lý và nền bình an; cử hành bí tích và mọi nghi thức tôn giáo trong vai trò tư tế đại diện con người tôn thờ Thiên Chúa. Và công tác hàng đầu của sứ vụ linh mục là cầu nguyện: cho mình, cho thánh vụ của mình, cầu nguyện cho mọi người và trong mọi người.

Hãy nhớ mãi và đừng quên: trong sứ vụ thánh hóa con người mà linh mục tận tụy thi hành cách thánh thiện, hết lòng yêu mến, sẽ cho chính linh mục hiệp thông trọn vẹn với Chúa, như Chúa Giêsu đã nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15, 5).

2. Sứ vụ của linh mục giữa lòng Hội Thánh.

“Nhờ đức tin và phép rửa, mọi tín hữu đều được hội nhập vào trong Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền; không một tín hữu nào thuộc về Giáo Hội phổ quát một cách gián tiếp, qua trung gian sự việc thuộc về một Giáo Hội địa phương, nhưng là một cách trực tiếp, cho dù việc gia nhập và sống trong Giáo Hội phổ quát có nhất thiết phải được thể hiện ra ở trong một Giáo Hội địa phương” (Giáo Hội như là mầu nhiệm hiệp thông – Thư của Bộ Giáo Lý Đức Tin ban hành ngày 28.5.1992).

Hội Thánh không chỉ là Hội Thánh địa phương, mà phải là Hội Thánh tại địa phương trong tương quan với Hội Thánh hoàn vũ. Vì thế, sứ vụ của linh mục, dù được thực hiện nơi Hội Thánh địa phương, vẫn không bao giờ được phép loại trừ yếu tố phổ quát của cả Hội Thánh mà chính Chúa Kitô đã thiết định.

Hơn nữa, linh mục chỉ trở thành linh mục trong Hội Thánh mà chính Chúa Kitô đã thành lập và đổ máu cứu chuộc. Mang thánh chức linh mục của chính chức linh mục của Chúa Kitô, không thể nào linh mục tách mình khỏi Hội Thánh mà lại có thể là linh mục của Chúa Kitô.

Ngoài Hội Thánh hoàn vũ, còn có giám mục và anh em linh mục. Linh mục không là một bông hoa xương rồng giữa sa mạc trơ trọi, đơn lẻ. Đúng hơn, linh mục hoạt động trong tương quan với giám mục bằng thái độ vâng phục, yêu mến và đi theo đường hướng mục vụ của ngài. “Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa” (Dt 13, 17).

Kế đến, linh mục hiệp thông với linh mục đoàn trong tình yêu, sự nâng đỡ, thông cảm, sẻ chia, đón nhận, đôi khi cả tha thứ nữa… “Tất cả anh em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em” (1Pr 3, 8).

Hiệp thông với Chúa Kitô trong Hội Thánh và hiệp thông với Hội Thánh nhờ sứ vụ của Người, linh mục đã hoàn thành ý nghĩa hiến dâng mà mình đã chọn lựa để bước theo tiếng gọi của Thiên Chúa.

Chúa Kitô dành sự ưu ái cho linh mục, khi các ngài hoàn thành xuất sắc đời sống hiến dâng trong ơn hiệp thông trọn vẹn ấy: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 14-16).

II. HIỆP THÔNG QUA CHIỀU KÍCH SIÊU NHIÊN.

Mầu nhiệm Hiệp thông giới thiệu một tương quan mang hình Thánh giá. Nó vừa có chiều dọc, vừa có chiều ngang. Chiều dọc, Hiệp thông giúp ta gắn mình với Thiên Chúa, với Chúa Kitô. Chiều ngang, Hiệp thông dạy ta gắn mình với anh chị em, với những ai còn sống hay đã qua đời. Nếu hiệp thông trong sứ vụ, nhấn mạnh nhiều hơn đến chiều ngang, thì hiệp thông qua chiều kích siêu nhiên sẽ nhấn mạnh nhiều đến chiều dọc.

1. Hiệp thông trong nhân đức đối thần.

Ba nhân đức đối thần là chìa khóa cho từng cá nhân sống mầu nhiệm hiệp thông. Bởi đỉnh cao của hiệp thông phải là Thiên Chúa. Mọi ý nghĩa của hiệp thông phải bắt nguồn từ Thiên Chúa. Không có chiều dọc, không có hiệp thông đúng nghĩa, mà chỉ là một “tập thể” như bao tập thể trần gian.

Nhân đức đối thần giúp linh mục sống Mầu nhiệp Hiệp thông trọn vẹn giữa Thiên Chúa và con người, giữa linh mục với Thiên Chúa, giữa linh mục với con người. Qua đó, linh mục nhìn thấy Chúa nơi từng anh chị em, nơi cả cộng đoàn, nơi trách vụ lãnh đạo và thánh hóa của mình.

a. Đức Tin: Người linh mục được kêu gọi làm linh mục, chính là do ơn Chúa. Lãnh nhận ơn Chúa để làm việc trong vườn nho Chúa là cánh đồng truyền giáo trên mọi nẻo của cuộc đời, linh mục không thể không chìm đắm trong đức tin để múc nguồn ơn thánh.

Phải có đức tin, lời rao giảng mới nên hiệu nghiệm.“Vì có được cùng một lòng tin như đã chép: Tôi đã tin, nên tôi mời nói; Chúng tôi cũng tin nên chúng tôi mới nói” (2Cr 4, 13). Chúng ta chỉ có thể rao giảng trong đức tin. Nhờ đức tin gợi hứng, chúng ta trình bày giáo lý của Chúa Kitô, chỉ một giáo lý của Chúa Kitô mà thôi.

Không có đức tin, linh mục không còn là linh mục của Chúa, không còn là linh mục của Hội Thánh. Đức tin chính là “hương thơm” của linh mục. Trong đức tin, linh mục nói được như thánh Phaolô: “Vì chúng tôi là hương thơm của Đức Kitô dâng kính Thiên Chúa, tỏa ra giữa những người được cứu độ cũng như những kẻ bị hư mất” (2Cr 2, 15).

b. Đức Cậy: Nếu đức tin là chỗ dựa bình an cho việc giảng dạy đúng đòi hỏi của Tin Mừng và đúng giáo lý Hội Thánh, thì đức cậy là nguồn nâng đỡ mỗi khi chính vì phải làm chứng cho Tin Mừng, cho công lý, cho sự thật, cho lẽ sống của Hội Thánh, mà ta phải đối diện với thử thách.

Một khi sống giữa muôn người, trái ngọt và trái đắng đan xen, ngang qua sứ vụ của linh mục, chắc không là chuyện bất thường. Đức cậy đứng ra cáng đáng mọi gánh nặng, giúp ta vượt qua, không nản chí và mạnh mẽ bước tiếp.

Đức cậy dạy ta phó thác. Càng ghập ghềnh, càng khó khăn, càng bế tắc, càng phó thác và phó thác càng mãnh liệt: Đó là phó thác mình trong tay Chúa như Chúa Kitô: “Lạy Cha, Con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46); Đó là phó thác riêng từng anh chị em và phó thác chung cả cộng đoàn mà mình có nhiệm vụ coi sóc cho Chúa: “Tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài với tất cả những người đã được thánh hiến” (Cv 20, 32); Đó cũng là phó thác mọi hoàn cảnh, mọi biến cố, mọi bất trắc, mọi cảnh đời, mọi niềm vui, mọi nỗi buồn, mọi thành công hay thất bại… trên đường mục vụ “như mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ, và như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ, mắt chúng con cũng nhìn lên Chúa là Thiên Chúa chúng con, tới khi Người xót thương chút phận” (Tv 122, 21).

Niềm phó thác sẽ giúp ta chiến đấu cách quyết liệt và đầy tin tưởng: “Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2Cr 4, 8-12).

c. Đức Mến: Dù là nhân đức cuối trong ba nhân đức đối thần, đức mến là nhân đức nền tảng, nhân đức mấu chốt cho tình yêu hiệp thông của ta với Chúa. Từ đó nảy sinh tình yêu hiệp thông giữa ta với tha nhân.

Bằng câu chuyện về người cha của một đứa bé mà Tin Mừng theo thánh Marcô (9, 14-29) kể lại, sẽ chứng minh: Trong đức mến, ta sẽ nhìn thấy ba chiều kích giữa cá nhân với Thiên Chúa, giữa cá nhân với tha nhân và giữa Thiên Chúa với con người.

Đứa bé được kể là tình trạng bệnh rất nặng. “Cháu bị quỷ câm ám. Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọi mép, nghiến răng, cứng đờ người ra…” (Mc 9, 18a).

Nhưng vượt trên tình trạng bệnh tật của em bé là nét đẹp tuyệt vời của tình yêu nơi người cha. Không chỉ yêu con mình, ông đã dành lòng yêu mến cho Chúa Giêsu. Đó là chiều kích thứ nhất: chiều kích giữa cá nhân với Thiên Chúa.

Lòng yêu mến khiến người cha tin và cậy trông vào quyền năng của Chúa. Ông cầu nguyện cho con ông: “Nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi” (Mc 9, 22b). Vì chữ “nếu”, ông bị Chúa trách ngược lại, thì lập tức ông tuyên xưng đức tin: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!” (Mc 9, 24). Lòng tin của người cha, sự ao ước cho con mình được chữa lành đã chứng minh chiều kích thứ hai: chiều kích cá nhân với tha nhân.

Lòng yêu mến, niềm cậy trông và đức tin của ông đã cho ông kết quả thật lớn: con ông khỏi bệnh. Đó là chiều kích thứ ba: chiều kích giữa Thiên Chúa với con người. Thiên Chúa không bỏ rơi con người.

Như người cha trong Tin Mừng, các linh mục hãy xót thương đoàn chiên của Chúa, hãy săn sóc, hãy gìn giữ dù đoàn chiên thánh thiện hay khiếm khuyết. Hãy đến cùng Chúa, sống kết hiệp với Chúa luôn luôn, không bao giờ rời xa lòng từ bi của Chúa.

Linh mục hãy yêu mến Chúa trọn tình, trọn nghĩa, nhằm lôi kéo tình thương của Chúa, hồng ân của Chúa, niềm an ủi của Chúa trên cả đoàn chiên, và trên từng con chiên không phân biệt lành dữ, tốt xấu. Hãy nhớ, những gì mà người cha không thể làm cho con mình, thì Chúa Giêsu đã bù đắp cho ông.

Một mặt, đức mến sẽ cho ta hiệp thông trọn vẹn vào tình yêu của Chúa, để nhờ hiệp thông với Chúa, ta có Chúa và không còn sợ hãi. Mặt khác, nhờ đức mến, ta hiệp thông trọn vẹn với anh chị em, để nơi anh chị em, ta sẽ được bổ khuyết những gì còn thiếu sót nơi bản thân mình.

Chỉ trong đức mến, ta nhận ra khuôn mặt tình yêu rạng ngời của Chúa nơi từng con người và nơi cả cộng đoàn. Bởi không phải ta, nhưng là Chúa, Người luôn luôn lãnh đạo đoàn chiên. Người khẳng định rằng: “ Đây, chính Ta chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm… Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khỏe mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 34, 11. 16).

2. Hiệp thông trong tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.

Người Công Giáo luôn tin rằng: Trong Chúa Thánh Thần, ta hiệp thông với Chúa Kitô. Nhờ Chúa Kitô, ta đến cùng Chúa Cha. Lãnh nhận Bí tích Truyền chức, Chúa Thánh Thần được trao ban để linh mục thi hành sứ vụ của Chúa Kitô, trong tình yêu sâu thẳm, tình yêu tận cùng của Chúa Cha và nhân danh cùng vinh danh Chúa Cha.

“Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 16), tình yêu không thể là sự đơn độc buồn tẻ, mà là những tương quan, những hành vi yêu thương.

Nơi Thiên Chúa, tương quan và hành vi ấy hiện thực và trọn vẹn đến nỗi là những “Ngôi vị” cụ thể: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần.

Nhưng tình yêu ấy không nội tại nơi cung lòng Ba Ngôi, mà được trào tràn, được thông ban cho mọi thụ tạo, cách riêng cho loài người.

Một khi hiệp thông trong tình yêu Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi bước vào đời sống của Ba Ngôi, nhờ hiến tế của Chúa Kitô nơi bí tích nguồn của ơn hiệp thông là Thánh Thể Chúa Kitô.

Linh mục cần khắc sâu tâm niệm này: “Hiệp thông là ân sủng”. Bởi chỉ khi Chúa đón nhận ta, ta mới có thể hiệp thông với Người. Chỉ khi Chúa cho phép ta, ta mới có thể sống bằng chính sự sống của Người. Nói cách khác, hiệp thông với Thiên Chúa là được Người mời gọi bước vào huyền nhiệm tình yêu của Người. Nhận lãnh tình yêu sung mãn và tròn đầy ấy, ta lại tiếp tục trao tặng tình yêu cho nhau. Trong Chúa, ta hiệp thông với nhau. Vì thế, sống chiều kích hiệp thông Ba Ngôi là sống ân sủng tràn đầy của Thiên Chúa, sống tình yêu mãnh liệt của mọi con người dành cho nhau.

Đối với linh mục, sống ân sủng hiệp thông là nền tảng của mọi hoạt động trong thánh chức. Chúa Giêsu đã tha thiết cầu nguyện cùng Thiên Chúa để mỗi linh mục kết hiệp với Người mà sống trọn vẹn ân sủng hiệp thông: “Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con, bởi vì họ thuộc về Cha” (Ga 17, 9).

Ngay trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, cũng hàm chứa sức sống của sứ vụ mà người linh mục thực hiện trong thánh chức của mình: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ họ mà tin vào Con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 20-21).

Sức sống của sứ vụ sẽ làm cho “những ai nhờ họ mà tin vào Con”. Vì thế, sứ vụ của linh mục hết sức cao đẹp: dẫn đưa con người về cùng Thiên Chúa.

Sứ vụ linh mục được gắn kết với Chúa Cha, nhờ Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần, trở thành một sứ vụ cao cả, to tát, là niềm hạnh phúc của chính linh mục, đòi linh mục phải giữ gìn, phải trân trọng và luôn luôn tỉnh thức để thắm mãi sự gắn kết ấy.

Hãy cầu nguyện để mỗi giây phút sống là mỗi giây phút chìm đắm trong tình yêu Ba Ngôi. Cầu nguyện để giữ mãi ân sủng hiệp thông trong suốt đời linh mục của mình với Ba Ngôi.

Hãy cầu nguyện, vì mỗi phút giây chìm đắm trong cầu nguyện để dâng lên Ba Ngôi sự tôn thờ, cũng chính là mỗi phút giây vinh danh chính linh mục. Cầu nguyện là sự sống còn của linh mục và sự sống còn của tác vụ linh mục. Bởi một lẽ đơn giản: không cầu nguyện, không bao giờ có sự hiệp thông trong tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.

3. Sống Bí tích Thánh Thể, nguồn ơn hiệp thông.

“Thánh Thể là nguyên lý và cứu cánh của thừa tác vụ Linh Mục” (Chức vụ và đời sống linh mục số 5; Chỉ Nam Đời sống Linh Mục năm 1994 số 48.)

Chuáng ta vừa đề cập đến hiệp thông trong tình yêu Ba Ngôi. Nhưng Thánh Thể chính là cửa ngõ ban sự sống thần linh của Ba Ngôi. Khi cử hành Hiến tế tạ ơn của Chúa Kitô, linh mục và mọi Kitô hữu được bước vào cung thánh của sự sống thần linh nơi Ba Ngôi. Vì họ trực tiếp tham dự và hiệp thông với sự sống của Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần “thần hóa” để trở nên “Thiên Chúa” hơn.

Thánh Thể là suối nguồn và tột đỉnh của đời sống và sứ vụ của Hội Thánh, nên cũng phải là trung tâm đời sống và sứ vụ của linh mục. Theo thời gian, công việc, sức nặng của trách nhiệm có thể làm ta mỏi mòn, phai nhạt nhiệt huyết, đến với Thánh Thể, Chúa sẽ “nạp lại năng lượng”, tăng sức mạnh tông đồ cho ta. “Hãy đến với Ta, hỡi những ai đang vất vả và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ và bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28). “Chính ở bên cạnh Chúa mà Linh Mục tìm được sức mạnh và phương thế đem ta đến gần Thiên Chúa, khơi dậy đức tin và thúc đẩy hành động và chia sẻ” (Chỉ Nam 1994 số 42).

Không chỉ đến với Thánh Thể, linh mục còn “phải chăm lo sao cho Bí tích Thánh Thể trở thành trung tâm của cộng đoàn giáo xứ; ngài phải cố gắng làm cho tín hữu được dẫn dắt và nuôi dưỡng bởi việc cử hành sốt sắng các bí tích” (Huấn thị Bí tích Cứu Độ số 32).

4. Sống Mầu nhiệm Hiệp thông giữa các Thánh.

“Sự hiệp thông này không giới hạn vào những người còn sống tại thế, mà còn là sự Hiệp thông với triều thần thánh trên trời, với các linh hồn còn chịu đau khổ trong luyện ngục” (Giám mục Bùi Văn Đọc – Tham luận tại Đại Hội Dân Chúa 2010).

Mọi tín hữu dù còn sống hay qua đời, đều đã được thanh tẩy, được trở nên công chính nhờ ơn Thánh Thần trong Bí tích Rửa tội. Tất cả đều được tháp nhập vào Chúa Kitô, nên một với Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Vì thế, dù tín hữu còn sống hay qua đời đều nên một với nhau, làm thành một Thân Thể Duy nhất là Hội Thánh.

Bởi vậy, trên đường trọn lành, không phải chỉ có những người đang sống chung quanh ta, nhưng còn là anh chị em đã vượt qua trần thế. Đó là Đức Trinh Nữ Maria, hàng hàng lớp lớp các thánh của Chúa, các linh hồn nơi luyện tội. Nhờ sự công chính, công nghiệp lớn lao và lời chuyển cầu của các ngài, chúng ta được Chúa ban ơn, gìn giữ và mạnh mẽ tiến về cùng Chúa.

Sống ơn hiệp thông, chúng ta cầu nguyện cùng các thánh, dâng hy sinh và cầu nguyện cho các linh hồn. Chúng ta cậy nhờ các ngài, hiệp thông với các ngài mà chúc tụng, tạ ơn Chúa và đền tội chúng ta.

III. KẾT LUẬN.

Con người chỉ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống khi có được mối hiệp thông với Thiên Chúa và tha nhân. Được tạo dựng bởi tình yêu Thiên Chúa, con người chỉ sống đích thực khi nào đáp trả tình yêu đó bằng cách sống trọn vẹn tương giao thông hiệp với Chúa là Cha và với mọi người như anh em trong một nhà. "Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy” (1 Cr 12,12).

Tất cả chúng ta là Nhiệm thể của Chúa Kitô. Nếu một chi thể bị cắt khỏi thân thể, sẽ làm thân thể tàn tật, thì Nhiệm thể Chúa Kitô cũng vậy. Chúng ta không sống trong một Hội Thánh để rồi làm cho Hội Thánh bị tật nguyền, mà hãy là một phần của Hội Thánh, góp hết sức mình yêu mến và xây dựng Hội Thánh.

Hội Thánh là Gia đình của Thiên Chúa ở trần gian. Là linh mục, chúng ta cố hết sức tạo mối tương giao thân thiện làm cho mọi người sinh hoạt trong Hội Thánh, đều cảm thấy như “ở nhà mình”: “Anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2, 19).

Xin Chúa ban cho mọi anh em linh mục chúng ta biết yêu mến Hội Thánh tại địa phương mình và cả Hội Thánh hoàn vũ, để trong khi xây dựng Hội Thánh địa phương, nơi được trao phó cho mình, chúng ta cũng biết làm cho cộng đoàn Hội Thánh địa phương tương hợp với cả gia đình Hội Thánh hoàn vũ.

VẤN TÂM

1. Lẽ ra, là linh mục, chúng ta phải luôn luôn xây dựng sự hiệp thông, luôn luôn là tác nhân của tình yêu hiệp thông, nhưng do bản tính con người yếu đuối, nhiều lần vô tình hay cố ý, chúng ta đã là chứng nhân, tệ hơn, hiện thân của sự chia rẽ. Giờ phút này, đặt mình trước Chúa Giêsu Thánh Thể, kiểu mẫu và nguồn ơn hiệp thông, chúng ta hãy thật lòng xin lỗi Chúa, xin lỗi anh chị em của mình.

2. Hằng ngày cử hành thánh lễ, cử hành Mầu nhiệm Thánh Thể, anh em linh mục đụng chạm tới “cửa ngõ” của tình yêu hiệp thông nơi Ba Ngôi. Nghĩa là đụng chạm tới siêu nhiên, đụng chạm tới thực tại quý giá trên hết mọi thứ quý giá nơi chính bàn tay mình. Nhưng chúng ta đã yêu mến thánh vụ của mình đến mấy mươi phần trăm? Chúng ta đã dành hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn hay chỉ giới hạn ở một mức độ nào đó cho Mầu nhiệm Cực Trọng này?

3. Bởi bí tích Thánh Thể là bí tích Cực trọng, linh mục hãy cố gắng hết sức xa lánh tội lỗi, chống lại cám dỗ và dọn mình chu đáo mỗi khi cử hành. “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén của Chúa. Thật vậy, ai ăn và uống mà không xứng đáng là ăn và uống án phạt mình.” (1 Cor 11,27-29).

Huấn từ của Đức Bênêđictô XVI tại Đại Hội Thánh Thể lần thứ 49 ở Québec cũng nhắc nhở: “Tôi van nài các linh mục đặc biệt tôn trọng các nghi thức Thánh Lễ, và kêu gọi các tín hữu tôn trọng vai trò của mỗi cá nhân, cả linh mục lẫn giáo dân, trong các cử chỉ trong Thánh Lễ. Phụng vụ không thuộc về chúng ta mà là một kho tàng của Hội Thánh”.

Giáo Luật 916 hướng dẫn cụ thể hơn: “Ai ý thức mình phạm tội nặng và chưa xưng tội trước thì không được làm lễ và rước lễ, trừ khi có lý do quan trọng và không có dịp tiện đi xưng tội. Trong trường hợp này, họ phải tâm niệm về bổn phận thống hối trọn vẹn, bao gồm lòng dốc quyết đi xưng tội sớm ngần nào có thể.”

Ngay lúc này, chúng ta cần suy nghĩ và kiểm điểm về những giáo huấn của Thánh Kinh và của Hội Thánh để nên xứng đáng hơn với Bí tích Hiệp Thông quý trọng, là chính Thánh Thể Chúa Giêsu

4. Là linh mục, chúng ta trèo lên con đường thập giá đến tận đỉnh đồi Golgotha, đến tận Chúa Kitô, một Chúa Kitô toàn thể vừa với thập giá và mão gai, vừa với vinh quang trên núi Tabo và chiến thắng phục sinh vinh hiển.

Sứ mạng linh mục là hướng dẫn những con người đau khổ vì đối nghịch và hận thù để họ không quay lưng lại với nhau, nhưng nhìn vào nhau cảm thông.

Với trách nhiệm vừa vinh quang vừa đầy thử thách, có thể đã có lần đã làm chúng ta ngã nhào, nhưng tin vào tình yêu của Chúa, cậy dựa vào trái tim rộng mở của Hội Thánh, chúng ta tiếp tục con đường của mình trong tin yêu và hy vọng.

HƯỚNG VỀ VĨNH CỬU

1. Là thân mình của Chúa Kitô, cộng đoàn Kitô hữu được mặc khải như một dân tộc cánh chung, vì hai lý do:

- Đó là cộng đoàn sống Thánh Thể, tức là cộng đoàn cử hành mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô bằng cách ăn và uống Thức Ăn và Thức Uống đích thực của Nước Chúa, làm lương thực vĩnh cửu cho cuộc vượt qua đi về vĩnh cửu.

- Đó là cộng đoàn được quy tụ quanh bàn tiệc Thánh Thể, để thông phần sự sống của Chúa, nuôi dưỡng mỗi linh hồn trong cả cộng đoàn ấy ngay hôm nay và mãi mãi.

Lý thuyết về Bí tích Thánh Thể như trên, không linh mục nào không biết. Nhưng để hiệu quả và ích lợi cho việc tiến về cánh chung của chúng ta, các linh mục không chỉ biết mà hãy tâm niệm, hãy thúc bách mình tiến tới hơn nữa trên đường trọn lành để ơn ích mà Bí tích Thánh Thể mang lại càng ngày càng dẫn chúng ta tiến sâu vào tình trạng Nước Thiên Chúa hơn.

2. Cùng cộng đoàn Hội Thánh sống Mầu nhiệm Hiệp thông, anh em linh mục cũng luôn để tâm và ý thức tất cả những hoạt động trong sứ vụ của mình đều hướng về cánh chung. Vì thế, cùng cả Hội Thánh chúng ta sống trong hy vọng các lời hứa của Chúa Kitô sẽ được thực hiện ở phía cuối đường đời của chúng ta.

3. Trong mọi kinh nguyện, trong mọi cử hành, chúng ta đều hướng về Chúa Kitô, để như Người, hiệp thông với Người, chúng ta nhìn thấy ánh sáng giữa bóng tối trần gian và sẵn sàng chọn lựa đi về phía ánh sáng. Đó chính là đời sống Phục Sinh của Chúa chúng ta mà mình được mời gọi tham dự vào.

4. Chính nhờ ánh sáng Phục Sinh của Chúa soi đường, chúng ta vượt qua tội lỗi để tiến đến sự thánh thiện, vượt qua tình trạng nô lệ đến tự do. Đó là ơn của Đấng Phục Sinh biến đổi chúng ta: “Lương bỗng mà tội lỗi trả cho người ta là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Kitô Giêsu Chúa chúng ta” (Rm 6, 22).

5. Hướng về mầu nhiệm cánh chung, chúng ta hãy cảm tạ Chúa thật nhiều. Bởi ngay trong thánh chức linh mục mà Chúa khoác lên cuộc đời chúng ta, tự bản thân, đã mang chiều kích cánh chung. Vì:

- Như Lời Chúa nói: “Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho Con, để họ được nên một như chúng ta là một” (Ga 17, 22).

- Trong thánh chức, Chúa mời gọi chúng ta không sống cho hôm nay, nhưng cho ngày mai. Chúa mời gọi chúng ta từ bỏ những gì là trần tục để hướng về thực tại là chính Chúa.

Chúng ta thật hạnh phúc vì được diễn tả thực tại Nước Trời ngay trong ơn gọi của mình, đang khi còn sống trên cõi đời này.

Vậy chúng ta hãy ra sức sống sát với thực tại Nước trời trong từng ngày sống hôm nay, để ngày mai chúng ta hãnh diện dự phần của Chúa trong bình an trường tồn, như Chúa Giêsu hằng ước mơ: “Con muốn rằng, Con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với Con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của Con, vinh quang mà Cha đã ban cho Con” (Ga 17, 24).

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG