Chúa Nhật III MÙA CHAY NĂM C

Thống hối là điều tốt đẹp nhất

Người Hồi giáo thường kể rằng: Ngày kia Đức Ala truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để mang về trời.

Sứ thần đáp ngay xuống một chiến trường máu của các vị anh hùng đang chảy lai láng. Sứ thần thu nhặt một ít máu mang về cho Đức Ala. Nhưng xem ra Đức Ala không hài lòng mấy.

Ngài bảo: “Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều qúi giá, nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất nơi trần gian”.

Sứ thần đành phải giáng thế một lần nữa. Lần này ngài gặp đám tang của một người giầu có nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo sau quan tài, vừa đi vừa khóc lóc vừa xông hương để biểu lộ lòng biết ơn của họ đối với vị đại ân nhân. Sứ thần liền thu nhặt hương thơm và mang về trời. Lần này Đức Ala mỉm cười đón lấy hương thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng. Ngài nói: “Dĩ nhiên lòng biết ơn là một trong những điều tốt đẹp và hiếm có dưới trần gian. Nhưng Ta nghĩ rằng còn có một cái gì tốt đẹp hơn”.

Lại một lần nữa, sứ thần đành phải vâng lệnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp bốn phương, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ bên vệ đường Ngài bỗng thấy một người đàn ông đang khóc sướt mướt. Trước câu hỏi đầy ngạc nhiên của sứ thần, người đàn ông giải thích: “Tôi đã chiều theo cơn cám dỗ mà phạm tội. Giờ đây nước mắt là lương thực hằng ngày của tôi”.

Sứ thần giơ tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và thẳng cánh bay về trời. Đức Ala chăm chú nhìn những giọt nước mắt rồi mỉm cười nói: “Thế là ngươi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quả thật, dưới trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối. Bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp của tình yêu”. (D. Wahrheit, Món quà Giáng sinh, tr 304)

Câu chuyện trên đây cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc thống hối. Không có gì tốt đẹp bằng lòng thống hối. Thống hối có sức canh tân cuộc đời. Thống hối là điều kiện để được tha tội khi lãnh nhận Bí tích Giao Hoà. Vì vậy, chúng ta thấy thống hối là chủ đề xuyên suốt toàn bộ Kinh Thánh. Thời cựu ước, các ngôn sứ luôn kêu gọi dân chúng thống hối. Đáp lại lời mời gọi đó, rất nhiều cá nhân cũng như tập thể đã thống hối từ bỏ tội lỗi của mình. Trổi vượt hơn cả là gương thống hối của vua Đavít; sự thống hối của dân thành Ninivê. Thánh Gioan Tẩy Giả không những rao giảng về sự thống hối, mà còn làm phép rửa thống hối và dân chúng đã tuôn đến với Ngài rất đông. Khởi đầu sứ mạng rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu đã kêu mời sự thống hối: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”(Mc 1,15).

Con người cần phải thống hối vì bản tính con người là bất toàn, tội lỗi. Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận có lần đã nói: « Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và người tội lỗi nào cũng có một tương lai. Quá khứ là dĩ vãng yếu đuối. Tương lai là ngày mai tốt hơn, thánh thiện. Nhưng sự khác biệt giữa thánh nhân và người tội lỗi chính là sự sám hối, lòng ăn năn”.

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy, sau khi kể cho dân chúng và các môn đệ nghe hai câu chuyện tai nạn xảy ra: Câu chuyện thứ nhất về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh; câu chuyện thứ hai về việc mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết. Chúa Giêsu nói rõ ràng rằng: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế”(Lc 13,2). Rồi Ngài kết luận: "Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy"(Lc 13,5).

Như vậy, điều quan trọng đối với Chúa Giêsu chuẩn chuẩn bị cho cái chết của mình bằng việc thống hối ăn năn: “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng bị huỷ diệt như vậy”. Thống hối về những tội nào? Chúng ta phải thống hối về các tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm và cả những tội thiếu sót. Trong Kinh thú nhận chúng ta thường đọc: “Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”. Thông thường, chúng ta chỉ xét mình và xưng những tội trong tư tưởng, lời nói và việc làm, ít khi chúng ta xét mình và xưng các tội thiếu sót. Thiếu sót về bổn phận: Bổn phận đối với Chúa, đối với Giáo Hội, đối với tha nhân. Thiếu sót vì không làm điều tốt khi có thể làm được. Thánh Giacôbê đã nói: “Kẻ nào biết làm điều tốt mà không chịu làm thì mắc tội”(Gc 4,17).

Chúng ta không vi phạm luật, không làm điều xấu vẫn chưa đủ mà còn cần phải làm điều tốt. Bổn phận của cây vả là sinh trái tốt. Bổn phận của kitô hữu là sinh hoa trái việc lành. Cây vả không sinh trái sẽ bị chặt đi. Người kitô hữu không sinh hoa trái việc lành cũng sẽ chung số phận như vậy.

Trong dụ ngôn người Phú hộ và ông Lazarô cho chúng ta thấy: Nhà Phú hộ bị phạt trong Hoả ngục không phải vì giàu có, nhưng vì có cơ hội làm việc lành mà không làm. Đó cũng là lý do mà Chúa Giêsu nói với những người bên tả của Ngài trong ngày phán xét:“Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng”(Mt 25, 42-43).

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta có tinh thần thống hối. Thống hối về tội lỗi trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Thống hối về những tội thiếu sót. Đồng thời, xin Chúa cho chúng ta luôn tránh xa tội lỗi và cố gắng “sinh hoa trái” là những việc lành phúc đức. Amen

Lm. Anthony Trung Thành