Năm 429, một giám mục tại một ngai toà khá nổi tiếng, ngai toà Constantinop, là giám mục Nestorius, đã giảng rằng : “Chỉ được gọi Maria là Mẹ của Đức Kitô thôi, không được gọi là Mẹ của Thiên Chúa.” Vị giám mục này lý luận : Nơi Giêsu Kitô có 2 ngôi vị, tức 2 chủ thể, 2 con người, (giống như bà B nào đó được thần nhập khi lên đồng, lúc đó “thánh cô” nói, “cô” phán, “cô” là chủ thể, là ngôi vị ; khi hết bị nhập, thì trở lại là bà B, chủ thể, ngôi vị là bà B). Giám mục Nestorius lý luận : Nơi Giêsu Kitô có 2 ngôi vị, tức 2 chủ thể, 2 con người : một là Thiên Chúa, và một là con người, Giêsu Kitô. Maria chỉ sinh ra con người Giêsu Kitô, có ngôi vị người, nên chỉ được gọi là mẹ của Đức Giêsu Kitô thôi; còn ngôi vị Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô thì Mẹ chẳng liên quan gì. Ta nói ngay, cái sai của giám mục Nestorius là nói “Chúa Giêsu có hai ngôi vị.”
Hai năm sau, năm 431, Công Đồng Ephêso họp và thánh Cyrillo cầm đầu, công bố : Maria là Mẹ Thiên Chúa. Ngôn ngữ Hilạp còn mạnh hơn : Theotokos : Đấng Sinh ra Thiên Chúa, Đấng đẻ ra Thiên Chúa. Nghe thật sốc ! Thật phạm thượng ! Nhưng thật ra Công đồng Ephêsô muốn nói, nơi Đức Giêsu Kitô chỉ có một chủ thể, một ngôi vị, là Ngôi Hai Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa, nên có bản tính Thiên Chúa, nay mặc thêm một bản tính con người nữa, nhưng chủ thể hay ngôi vị vẫn là Thiên Chúa, vì thế gọi Maria là Mẹ Thiên Chúa. Người ta gọi mẹ của một chủ thể, mẹ của một ngôi vị, chứ không ai gọi mẹ của bản tính. Mẹ của Nguyễn Công Minh, chứ chẳng ai gọi mẹ của thân xác.
Một ví dụ : Bà Ngô Đình Khả sinh ra bé Ngô Đình Diệm. Sau này bé học thành tài, trở thành Tổng Thống, người ta sẽ gọi bà Khả là mẹ Tổng Thống. Bà Khả đâu có sinh ra một người là thành Tổng Thống liền đâu, nhưng vì em bé Diệm và Tổng Thống Diệm sau này cũng chỉ là một con người, một chủ thể, một ngôi vị : bé chưa biết nói tên Diệm, lớn lên mặc thêm chức vị Tổng Thống, nên người ta gọi là mẹ Tổng Thống. Người ta gọi mẹ của ai là gọi Mẹ của một chủ thể, một ngôi vị, chứ không gọi mẹ của một hình hài thể xác. Người mẹ chỉ sinh ra hình hài thể xác của một con nhỏ đỏ hỏn, nếu sinh xong, người mẹ chết đi, chẳng có công gì trong việc đưa bé thành Tổng Thống, nhưng người ta vẫn gọi mẹ Tổng Thóng. Cũng vậy, nhưng ngược lại, Maria sinh ra bé Giêsu, mà bé này có chủ thể, có ngôi vị là Thiên Chúa, nên gọi Mẹ Thiên Chúa. Thế thôi.
Gọi Maria là Mẹ Thiên Chúa không có nghĩa :
- Maria là Mẹ của Thiên Chúa Ba Ngôi
- Maria là Mẹ của Chúa Cha
- Maria là Mẹ của Chúa Thánh Thần
Mẹ Thiên Chúa, chỉ có nghĩa là mẹ sinh ra bé Giêsu. Mà Giêsu là Ngôi Hai, là Thiên Chúa từ đời đời, nay làm người.
Nói tóm lại, gọi Maria là Mẹ Thiên Chúa, có ý nói nới Đức Giêsu Kitô chỉ có MỘT ngôi vị (tức là một chủ thể), mà ngôi vị này là ngôi vị Thiên Chúa từ trước đời đời.
Lm Michel Quoist làm một bài thơ mà ý rất hay :
Phát minh đẹp nhất của Ta, ấy là Mẹ Ta
Chúa phán : phát minh đẹp nhất của Ta, ấy là Mẹ Ta.
Ta từng thiếu một người mẹ. và ta đã dựng nên Người.
Ta đã dựng nên Người trước khi Người sinh ra Ta.
Như thế bảo đảm hơn.
Bây giờ Ta thực sự là một con người
giống như mọi “con” người.
Ta không còn gì phải đua đòi với loài người
Vì ta đã có mẹ. Một người mẹ thật.
Trước đây Ta từng thiếu mẹ.
Chúa phán : Mẹ Ta tên là Maria
Tâm hồn Người tuyệt đối tinh tuyền
và trần đầy ơn phước.
Thân xác Người trinh trong.
và mặc lấy một ánh sáng rạng ngời
đến độ trên thế gian này
Ta nhìn xem Người, lắng nghe Người, chiêm ngắm Người,
không bao giờ chán.
Người thật đẹp, Mẹ Ta ấy. đẹp đến nỗi
dù Ta rời bỏ trời cao huy hoàng
Cạnh bên Người ta chẳng hề cảm thấy mình xa lạ.
(Michel Quoist)
Điệp ca Tin Mừng giờ Kinh Chiều ngày lễ Mẹ Thiên Chúa thật đẹp :
Cuộc trao đổi sao mà kỳ diệu
Đấng tác tạo con người
lại sinh ra bởi con người
để con người được thông phần bản tính Thiên Chúa.
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm