TÂN PHÚC ÂM HOÁ 4 HÌNH THÁI PHỤC VỤ CỦA LINH MỤC

Sống trong một đất nước của các khẩu hiệu, chúng ta thấy các biểu ngữ tràn lan và chen chúc nhau trên đường phố, nhưng rất nhiều câu vô bổ, thậm chí vô cảm hay phản cảm nữa. Ngay giữa Sài Thành tất bật, đặc quẹo khói xe thì đây đó đập vào mắt một màu đỏ rực: “KHÔNG RA KHƠI KHI CÓ BÃO”. Oái ăm thay, khẩu hiệu nào cũng như thét thành tiếng cả:

“Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học”.

“Các em gái không thể tự mình mang thai, các em trai phải là một phần của giải pháp”.

Số khác hưởng ứng trên lưng áo: “thà hôn em rồi bị tát còn hơn nhìn thằng khác nó hôn em”.

Chính vì thế, người ta dị ứng và thậm chí sợ hãi cả những khẩu hiệu mượt mà như “đầy tớ của nhân dân” “khách hàng là thượng đế” vv... Ngay trong nhà đạo thì sự thận trọng, nghi ngại trước cái gọi là: “chúng tôi là những đầy tớ vô dụng”, “các linh mục là tôi tớ, là người phục vụ” là điều dễ thấy.

Lời Chúa trong tin mừng Luca 17, 7-10 mời gọi mỗi người thay đổi cung cách phục vụ của mình trong thế giới hôm nay như một cách thức tân phúc âm hoá: “chúng tôi chỉ là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm”.

1. Phục vụ thật nhẹ nhàng chứ không áp đặt.

Là người phục vụ thầy Giêsu nhân lành, người phục vụ cần biểu lộ một khuôn mặt bao dung, đồng cảm và đồng hành với con người, để có thể chia vui sẻ buồn của họ, để họ có thể cảm nhận “gánh của Chúa thì êm ái, ách của Chúa thì nhẹ nhàng”.

Người phục vụ gánh lấy nỗi thống khổ của dân, chứ không thuộc về loại người “buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính mình lại không muốn giơ ngón tay lay thử”. Thánh Tôma Aquinô chỉ ra rằng các giới luật mà Đức Kitô và các tông đồ truyền cho dân thì “rất ít”. Do vậy các giới luật mà Hội Thánh thời sau truyền dạy nên được nhấn mạnh một cách vừa phải thôi “để không đè nặng lên đời sống các tín hữu” và biến đạo chúng ta thành một dạng nô lệ, trong khi “lòng thương xót của Thiên Chúa muốn chúng ta phải được tự do”. Đây là một trong các tiêu chuẩn chúng ta phải lưu ý khi suy nghĩ về một cuộc cải tổ Hội Thánh và việc giảng dạy của Hội Thánh. (EG 43)[1]

2. Phục vụ thầm lặng theo “tinh thần men muối”.

Các gam màu tươi sáng làm cho bức tranh cuộc sống hấp dẫn, sống động. Cuộc sống cần có các điểm nhấn là các các phong trào để gây ý thức cộng đồng. Tuy vậy, thời gian mới là lời đáp trả cho mọi vấn đề. Các lễ hội không nên được đặt ưu tiên hàng đầu trong chương trình mục vụ.

Là người phục vụ một Hội Thánh tham gia, hiệp thông và sứ vụ, chúng ta duy trì sự hiệp nhất các chi thể nơi thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, quan tâm tới sự hiện diện cùng với nhau, nhất là quanh bàn tiệc Thánh thể. Tuy nhiên, cần biết rằng, sự hiệp thông không chỉ là sự quy tụ, càng không phải là bầu khí của các cuộc tụ họp lễ hội linh đình. Đôi khi một sự hiện diện khiêm nhường và âm thầm lại cho kết quả tốt hơn. Lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô với các giám mục trong Tông huấn Evangelii Gaudium về việc duy trì hiệp thông cũng nên là kim chỉ nam cho mỗi linh mục. Thật vậy, số 31 của tông huấn nói: “Giám mục phải luôn luôn nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo trong Giáo Hội địa phương của mình, theo lý tưởng của các cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi, ở đó các tín hữu đều một lòng một trí với nhau. Để làm điều này, có khi ngài sẽ đứng trước dân, chỉ đường cho họ và giữ cho niềm hi vọng của họ luôn sống động. Khi khác, ngài chỉ cần ở giữa họ bằng một sự hiện diện khiêm tốn và nhân từ”. Đây chính là tinh thần làm men, làm muối giữa đời. Tinh thần ấy cần có thời gian, cần được nuôi dưỡng dài hạn.

Nếu không có tinh thần men muối, các lễ hội cũng giống như những chiếc bong bóng màu. Phong trào tuần lễ xanh sạch, ngày hội ra quân vệ sinh môi trường tiêu tốn rất nhiều công sức nhưng nhanh chóng xì hơi và để lại bộ mặt thành phố nhếch nhác, bẩn thỉu như nó vốn có, còn những người tham gia thì mệt mỏi, chán chường.

3. Người phục vụ hôm nay phải là người bình thường.

Thế giới chúng ta đang sống rất hời hợt và trọng hình thức. Đi ngược với giòng chảy đó cần nhiều can đảm, bản lĩnh. Thoát ra được thói chuộng vẻ bề ngoài sẽ làm cho chúng ta nhẹ nhàng hơn khi bước theo Thánh Giá Chúa Kitô. Là những người phục vụ thì càng phải xoá mình đi. Không thiếu các linh mục lúc nào cũng khoác lên người chiếc áo chùng thâm và xưng mình là cha với tất cả mọi người với dụng ý “để dễ dàng làm việc”.

“Chúng ta cần phải bình thường”, đó là lời ĐTC Phanxicô nhắn nhủ. Lắm lúc người mục tử sợ sự bình thường sẽ làm mất đi sự kính trọng, khó điều hành. Đó chỉ là lo lắng không có cơ sở. Cha Andrea Riccardi, nhận xét rằng, “Phong cách không hình thức và sự gần gũi của Đức Phanxicô làm cho trách vụ quản trị Giáo Hội trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. ... Điều này không có nghĩa là mất đi thẩm quyền, nhưng ngược lại, làm tăng thêm sự tín nhiệm”. Người phục vụ hôm nay cần có tinh thần gần gũi, giản dị.

4. Người phục vụ hành động theo nguyên lý bổ trợ.

Cơn cám dỗ ngọt ngào của người tông đồ là muốn xen vào chuyện của tất cả mọi người thuộc về mình, cho đó là bổn phận của mình. Tuy nhiên trách vụ cao cả hàng đầu của mục tử là “phải nâng cao phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân, sẵn sàng chấp nhận các ý kiến khôn ngoan của họ”, LG[2]. 37, “cần giao cho họ các trách vụ cũng như trao cho họ tự do và quyền hạn để khuyến khích họ đảm nhận công việc theo sáng kiến riêng”. Để có được sự tin tưởng này, người phục vụ cần học biết một nguyên tắc đặc thù của Hội Thánh: Nguyên Lý Bổ Trợ, theo đó cơ quan cấp trên hãy chăm lo và giúp đỡ kịp thời các phần tử cấp dưới nhưng không quyết định thay cho cấp dưới. Một sự buông bỏ trước quyền lực, địa vị để có thể giúp các đặc sủng trong dân Chúa có cơ hội phát huy cách tốt đẹp hơn. Cũng thế, các đoàn thể trong giáo xứ cần sự quan tâm chăm sóc của mục tử, và họ cũng rất cần được tự do và quyền hạn để hành động. Có một số nữ ca viên trong một ca đoàn nọ than phiền rằng “Chúng con có nhiều áo dài đồng phục với màu khác nhau cho từng dịp lễ. Thế nhưng màu áo nào của các chị em cũng phải do cha quyết định. Chúng con thích màu hồng phấn, nhưng cha nhất định phải là màu hồng nóng”(!).

Một sự can thiệp quá sâu vào nội bộ cấp dưới sẽ đi ngược với nguyên lý bổ trợ, và do đó đi ngược với tinh thần giáo huấn về phục vụ của Hội Thánh.

Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa dạy con biết sống quảng đại. Biết phụng sự Chúa như Chúa đáng được phụng sự. Biết cho đi mà không tính toán. Biết chiến đấu không ngại thương tích. Biết làm việc không tìm nghỉ ngơi. Biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào hơn là được biết con đang thi hành ý Chúa. Amen[3]

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng

Bài chia sẻ trong Thánh Lễ tuần tĩnh tâm linh mục đoàn Long Xuyên năm 2015


[1] Evangelii Gaudium
[2] Lumen Gentium
[3] Kinh Quảng Đại của Thánh Inhã