Bộ trưởng y tế từ các quốc gia còn mắc bệnh bại liệt đang tham dự một cuộc họp khẩn cấp tại Geneva hôm nay Thứ Năm, nhằm nỗ lực tiệt trừ virus bệnh này trong năm tới.

Chiến dịch ba tỉ đô la đã không đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu là đến năm 2000 phải loại trừ bệnh bại liệt trên toàn cầu, và nhiều bác sĩ cho rằng có thể kỳ họp này sẽ là cơ hội cuối cùng để thực hiện được mục tiêu trên.

Khi Chiến Dịch Loại Trừ Bệnh Bại Liệt Toàn Cầu bắt đầu từ năm 1988, đã có trên 125 quốc gia bị ảnh hưởng.

Ngày nay, virus đang lan truyền tại Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan, Nigeria, Niger và Ai Cập.

Thế nhưng mấy tháng vừa qua đã có một thất bại đáng kể.

Chương trình tiêm chủng tại các bang miền bắc Nigeria đã bị ngưng lại sau khi các giáo sĩ Hồi Giáo nói văc-xin có thể gây vô sinh và không an toàn.

Thế nhưng việc này lại khiến cho các quốc gia láng giềng, vốn đã tuyên bố không còn bệnh bại liệt, nay bị tái nhiễm virus.

Người ta hy vọng rằng cuộc họp tại Geneva cuối cùng sẽ giải quyết được một số vấn đề và đưa chiến dịch xóa bỏ bệnh bại liệt trở lại đúng kế hoạch.

"Vẫn còn sáu quốc gia bị bệnh này hoành hành, và chúng tôi đang rất tích cực trong việc thúc đẩy các quốc gia này giành thêm thời gian, năng lượng và nguồn lực cần thiết để chấm dứt bệnh bại liệt", tiến sĩ David Heymann, người đứng đầu nhóm phòng chống bại liệt của WHO cho biết.

"Tuy nhiên, vấn đề là họ lại không để cho trẻ em được tiêm phòng, và như thế cũng có nghĩa là khiến cho bệnh bại liệt lan tràn rộng ra trên thế giới, tới cả các quốc gia đã loại trừ được bệnh này."

Các chiến dịch bổ sung ở các quốc gia bị tái nhiễm bệnh bại liệt, lây lan từ Nigeria sang, dự kiến đến nay đã tiêu tốn thêm trên 10 triệu đô la.

Nếu không có chính sách ngăn chặn virus ở Nigeria, bệnh bại liệt sẽ tiếp tục lan tràn sang các quốc gia khác như Ghana, Cameroon và Chad.

Một khi đã xây dựng được chính sách ngăn chặn, thì bước tiếp theo sẽ là tiến hành loại trừ được căn bệnh này ở sáu quốc gia vào cuối năm nay.(BBC)