Các viên chức tại miền bắc Nigeria vừa ngưng việc tiêm chủng do tổ chức Y tế thế giới tài trợ nhằm ngăn chặn tình trạng bùng nổ bệnh bại liệt ở nước này.

Ba tiểu bang với dân số chủ yếu là người Hồi giáo đã đình hoãn hoặc từ chối không cho phép tiến hành chiến dịch tiêm chủng này sau khi các lãnh tụ Hồi giáo tuyên bố là vắc xin này không an toàn.

Họ kêu gọi có cuộc điều tra về chất lượng của loại thuốc đang được dùng. Việc trì hoãn tiêm chủng này sẽ có hệ quả nghiêm trọng đối với việc diệt trừ bệnh bại liệt tại vùng Tây Phi.

Lãnh tụ Hồi giáo tại ba tiểu bang đưa ra cáo giác rất nghiêm trọng.

Họ nói rằng các loại vacxin phòng bại liệt có thể là vô tình hoặc do cố ý, bị nhiễm một chất có thể gây nguy hại lâu dài hoặc dẫn tới chết người với những ai tiêm chủng.

I.D Ahmed là bác sĩ và cũng là một trong những lãnh tụ Hồi giáo được kính trọng nhất tại Nigeria. Ông kêu gọi ngưng chương trình tiêm chủng cho tới khi các xét nghiệm toàn diện được tiến hành với các vacxin này.

Theo ông thì có những lý do rất rõ ràng khiến tin rằng vacxin tiêm chủng bại liệt bị nhiễm thuốc chống thụ thai, với các loại vi rút có thể gây HIV/AIDS, nhiễm vi rút Simia 40, có thể gây ung thư.

Tuy nhiên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã mạnh mẽ bác bỏ những cáo giáo này.

Người đứng đầu chiến dịch tiêm chủng của WHO, ông David Heymann, nói với đài BBC rằng thuốc dùng tại Nigeria không khác gì thuốc được dùng phòng chống bại liệt ở tất cả các nơi khác trên thế giới.

Ông nói thêm rằng việc trì hoãn tiêm chủng ngăn chặn sự bùng nổ mới đây nhất của căn bệnh này tại miền bắc Nigeria sẽ có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng trên một phạm vi rộng lớn hơn.

Người ta đã phát hiện thấy những trường hợp mới mắc bệnh bại liệt tại Niger, Burkina Faso, Togo và Ghana.

Và chính tại Nigeria dường như ở vùng miền trung và miền nam nước này, vốn được cho là không còn bệnh bại liệt, nay đang xuất hiện những trường hợp nhiễm bệnh mới. (BBC)