Một buổi chiều thứ năm, trước lúc cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa ở nhà thờ Chí Hoà, một em trong Đội Quân Ao Xanh đưa cho tôi tập nhạc và 4 CD mang tựa đề “Tất Cả Là Hồng An” gồm 50 bài hát lấy chủ đề theo Lịch Phụng Vụ. Tác giả của những bài hát đó là nhạc sĩ Giuse Nguyễn Đức Nghị, một người bại liệt toàn đang nằm trên giường bệnh. Tôi vẫn tự hỏi: “Làm sao một người liệt toàn thân mà lại có thể sáng tác nhạc được? Có dịp phải ghé thăm người nhạc sĩ này để viết một bài về chứng nhân giữa đời thường”

Chưa thực hiện được ý định này, thì cũng buổi chiều thứ năm ở nhà thờ Chí Hoà, sau giờ cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa, một người bạn lại giới thiệu với tôi tác phẩm độc đáo khác của người nhạc sĩ bại liệt toàn thân này. Đó là tập nhạc “Kinh Mân Côi (The Holy Rosary) Song Ngữ Anh Việt- Trọn Bộ 20 Mầu Nhiệm Vui-Sáng-Thương-Mừng”. Nhạc và lời của Đức Nghị. Lời tiếng Anh của Trung Chính. Đi kèm với tập nhạc là một DVD và một CD. Lần này thì không thể chần chừ được nữa, tôi lập tức tìm đến địa chỉ của tác gỉa để xem hư thực thế nào.

Người cháu dẫn tôi lên lầu của một căn nhà thuộc giáo xứ Bùi Phát. Người mà tôi muốn gặp có dáng dấp thật nghệ sĩ, cặp kính trắng, bộ râu trắng đẹp với mái tóc dài bồng bềnh phủ vầng trán rộng, và nụ cười thật tươi. Ông không thể đứng lên để bắt tay chào hỏi tôi được, chỉ ngồi trên ghế dựa cố gắng giơ bàn tay với những ngón co quắp để chào khách. Người nhạc sĩ đã bước tới ngưỡng tuổi 73 với 24 năm bất động trên giường bệnh, thong thả kể lại chuyện đời mình như những thước phim quay chậm.

Cú Té Định Mệnh

Ông còn nhớ rất rõ cú té định mệnh đó xảy ra vào buổi chiều ngày 30-10-1985 khi ông đến nghĩa trang Bình Hưng Hòa thăm mộ người thân, dọn dẹp sạch sẽ chuẩn bị cho ngày lễ Cầu Hồn 02-11. Khi đi ngang một ngôi mộ đẹp, ông dừng xe lại để nhìn cho kỹ, vô tình đạp trúng một hòn đá và trợt chân té ngã. Tưởng chỉ bị đau chút xíu, không ngờ cú té định mệnh đó làm ông bị chấn thương tuỷ sống số 9, toàn thân mềm như cọng bún. Kết quả là ông bị liệt toàn thân vào cái tuổi 49.

Trong tập nhạc “Tất Cả Là Hồng An”, ông tình tự: “Thời gian hơn 20 năm bất động trên giường bệnh, một con số thật khủng khiếp. Mỗi khi nghĩ đến lại cảm thấy bàng hoàng. Suốt những năm tháng ấy, tôi sống trong lo lắng, đau khổ, buồn phiền, tinh thần bị giao động, khủng hoảng, cả niềm tin cũng đã bao lần bị lung lay chao đảo. Nhiều lúc tôi hầu như ngã lòng trước căn bệnh nan y cực kỳ hiểm nghèo này. Căn bệnh đã khống chế tất cả những thao tác hoạt động tự nhiên và bình thường của con người. Mọi sinh hoạt cá nhân tôi không thể tự mình làm được. Tất cả mọi việc đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của gia đình. Chính vì thế tôi rất mặc cảm vì mình trở thành gánh nặng cho gia đình. Những người thân đêm ngày vất vả mệt mỏi chăm sóc cho tôi như một đứa bé.”

Ông thở dài và tiếp: “Tôi chỉ biết âm thầm cầu nguyện, xin Chúa ban cho mọi người sức khoẻ, bình an, và thêm kiên nhẫn chịu đựng bao khó nhọc để giúp đỡ tôi trong những năm tháng nằm bệnh.”

Ơn Gọi Nằm Bệnh

Tôi hỏi ông cách nào để vượt qua những thử thách nghiệt ngã trong hơn 20 năm liệt giường. Ông mỉm cười cho biết: “Trước đây mỗi khi nói đến Ơn Thiên Triệu, hay Ơn Gọi, thường ai cũng nghĩ ngay đến ơn được Chúa gọi và chọn làm linh mục, tu sĩ. Ít ai nghĩ đến ơn gọi làm giáo dân. Những người có Ơn Gọi được Sai Đi đến những cánh đồng truyền giáo mênh mông bát ngát. Đó là Ơn Gọi Sai Đi. Phần tôi, sau khi lâm nạn, nằm bất động được một năm, tôi cũng nhận ra Ơn Gọi Đặc Biệt của mình. Tôi không có Ơn Gọi Sai Đi, nhưng có Ơn Gọi Sai Nằm. Vâng đúng thế! Với Ơn Gọi Sai Nằm, tôi đã thi hành sứ mạng đó hơn 20 năm. Hiện giờ vẫn chưa tự ngồi, và cũng chưa trỗi dậy được.

“Ơn gọi tức là Ý Chúa, mà đã là Ý Chúa thì như Đức Maria, tôi cũng Xin Vâng. Nhờ ánh sáng đức tin, tôi đã nhận ra sự quan phòng kỳ diệu Chúa dành cho mỗi người. Mỗi người có một Ơn Gọi khác nhau, và Chúa luôn đồng hành với từng người trong mọi cảnh huống và biến cố bất thường của đời mình. Từ lúc nhận ra điều đó, tôi thấy lòng mình bớt cô đơn, bớt lo lắng, và được bình an hơn. Tôi biết cậy trông, cầu nguyện và tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa hơn…”

Giáo Lý Tại Gia

Sau 5 năm liệt giường, ông không muốn mình tiếp tục sống một cách vô dụng như thế. Ông không muốn mình mãi là thân tầm gởi, sống nhờ người khác. Phải có cách nào thực hiện “Ơn Gọi Sai Nằm” của mình chứ ? Với vốn liếng Giáo Lý Kinh Thánh khá phong phú mà ông đã chịu khó học hỏi khi chưa ngã bệnh, ông bắt đầu nhẩm ôn lại và hệ thống hoá cho vào kho dữ liệu trong đầu. Đến năm 1990 ông bắt đầu công việc Giáo Lý Tại Gia.

Tôi thắc mắc không biết nếu chỉ nằm liệt giường như vậy thì ông dạy giáo lý như thế nào, ở đâu, cho ai? Một số cha xứ thân quen, biết được trình độ và hoàn cảnh của ông đã tạo điều kiện để ông làm công việc này. Số là có những anh chị sắp lập gia đình mà vì mắc bận công tác tại cơ quan không thể sắp xếp thời gian đến dự các lớp giáo lý hôn nhân chính thức tại giáo xứ được, cho nên cha xứ giới thiệu đến tận nhà ông Nghị để học. Có khi những người Việt kiều về Việt Nam lập gia đình, hay những người tôn giáo bạn muốn theo học đạo mà không có thì giờ theo học chính thức thì đến đây ông kèm tại gia. Lớp giáo lý hôn nhân và tân tòng của ông mỗi ngày chia làm 3 ca: sáng, chiều, tối. Người nhà đặt ông nằm trên giường, các học viên ngồi chung quanh nghe ông hướng dẫn. Khoá học 3 tháng, mỗi tuần 3 buổi, tuỳ học viên đến bất cứ giờ nào cũng được. Dù nằm dạy học, nhưng ông rất nghiêm túc, học viên phải học đủ giờ mới nhận được chứng chỉ đưa về cho cha xứ. Khi đến lớp, học viên phải đem theo cuốn Kinh Thánh, Giáo lý và chuỗi Mân Côi. Sau khoá học những bạn đó phải biết những điểm căn bản giáo lý, Thánh Kinh và lần chuỗi Mân Côi. Những buổi tĩnh tâm tại gia để kết thúc khoá học, hay chuẩn bị cho những đôi sắp làm đám cưới cũng được ông tổ chức rất chu đáo.

Từ năm 1990 đến năm 2006, đã có khoảng gần 200 cặp đến ngồi quanh giường bệnh để nghe một người bất toại toàn thân giúp họ về Giáo Lý Hôn Nhân và Dự Tòng. Chúa ban cho ông có một trí nhớ khá tốt, vì không thể tự mở sách, cũng không thể viết lách gì được, cho nên giáo án ông soạn trong đầu và đều dạy thuộc lòng. Ông có thể nhớ Kinh Thánh từng đoạn từng câu vanh vách.

Nhạc Trên Giường Bệnh

Đầu năm 2004 khi nghĩ đến những người đang hăng say không biết mỏi mệt trên những nẻo đường được Sai Đi, ông lại nghĩ đến bản thân mình, mặc dầu được Sai Nằm thì cũng có cách của người nằm. Ông luôn tự hỏi: “Có cách nào để một người bất toại như ông có thể truyền giáo được không ?” Để góp phần nhỏ bé vào hành trang cho những người được Sai Đi, ngoài những giờ dạy giáo lý, ông bắt đầu sáng tác những bài hát đơn sơ dễ hát để cầu nguyện. Đầu tiên là bài hát “Xin Ơn Thánh Thần” cho các học viên lớp giáo lý tại gia của ông. Rồi trong vòng một năm trời vừa nằm dạy gíao lý vừa sáng tác, ông đã làm được 50 bài hát Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay, Phục Sinh, các ngày Lễ Trọng, Đức Mẹ và Thánh Giuse (đã được ĐGM Giuse Vũ Duy Thống Imprimatur)

Ông tự nhận mình chỉ là nhạc sĩ nghiệp dư, không xuất thân từ trường lớp nào hết. Tự học nhạc từ năm 15 tuổi, nhưng mãi đến năm 68 tuổi mới bắt đầu tập tành làm nhạc khi nằm liệt trên giường bệnh. Ông giơ cho tôi thấy 10 ngón tay cong queo, chỉ có ngón cái và ngón trỏ của bàn tay phải còn cử động được đôi chút đủ để ký tên mà thôi, mỉm cười nói: “Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa. Tôi đây năm ngón cong queo đủ chiều!”

Nhạc sĩ thường sáng tác với cây đàn, còn ông chỉ sáng tác trong đầu, có khi suốt cả một đêm. Khi đứa con tinh thần đã “chín” ở trong đầu, ông đọc cho một người thư ký không có đạo cũng chẳng biết nhạc ghi lại ca từ, nốt nhạc. Sau đó ông tiếp tục sửa đi chữa lại nhiều lần cho đến khi bản nhạc được hoàn chỉnh. Từ năm 2007 đến 2008, những bài hát của ông đã được phát nhiều lần trên đài Chân Lý Á Châu.

Lòng Yêu Mến Mẹ

Tháng 03-2007 hưởng ứng lời mời gọi của Đức Hồng Y Gioan, nhạc sĩ Đức Nghị đã dệt nhạc 20 mầu nhiệm của Kinh Mân Côi gồm 5 Sự Vui, 5 Sự Sáng, 5 Sự Thương và 5 Sự Mừng để cộng đoàn có thể cùng nhau suy gẫm tràng chuỗi theo giòng nhạc, bằng lời ca tiếng hát. Nét độc đáo của tập nhạc Kinh Mân Côi (The Holy Rosary) là ca từ này được viết bằng 2 thứ tiếng Việt ngữ và Anh ngữ (lời tiếng Anh của Trung Chính). Chỉ nằm trên giường bệnh thế mà ông có thể cậy nhờ nhiều người phụ giúp để các bài hát được thu âm trong 1 CD và in thành tập sách Kinh Mân Côi (Đức Hồng Y Imprimatur, Nhà xuất bản Tôn Giáo phát hành). Sau đó ông cố gắng làm thêm một DVD nữa cho trọn bộ.

Ký tên tặng tôi nguyên một bộ gồm tập sách, CD và DVD, ông nói: “Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, 20 mầu nhiệm Kinh Mân Côi được dệt nhạc có lời song ngữ Anh-Việt đi kèm DVD. Chính Đức Mẹ đã dùng tôi để làm việc này. Nếu khoẻ mạnh như những người khác chưa chắc tôi đã làm được. Hơn 20 năm trên giường bệnh, không bước ra khỏi cửa, không tiếp xúc được với thế giới bên ngoài, không quan hệ quen biết với nhiều người. Nếu Chúa không giúp sức thì làm sao tôi hoàn thành được công việc này? Thú thật nếu không có ơn Chúa, không có niềm tin vào Chúa thì tôi đã tìm đường đi đến cái chết từ lâu rồi!”

Sau đó bên ly cà phê buổi sáng, ông say sưa hát cho tôi nghe những bài ca suy niệm Kinh Mân Côi. Ông hát bằng chính trái tim mình vì đó là những biến cố Vui-Sáng-Thương-Mừng mà ông đã trải nghiệm trong chính cuộc đời của ông, mà dường như nhìn bằng con mắt tự nhiên, thì mầu nhiệm Thương đã chiếm gần trọn cuộc đời ông rồi.

Vâng đúng thật như thế. Vì không chỉ tứ chi bất động mà ông còn bị chứng cườm mắt nữa. Hiện nay con mắt bên phải hoàn toàn không thấy đường, con mắt bên trái thị lực rất kém, mỗi lần đọc sách ông phải dùng kính lúp! Ngoài ra ông còn bị bệnh tiểu đường và phải đặt ống thông đường tiểu tiện đến suốt đời. Chúa đã dùng chính con người yếu đuối bệnh hoạn như thế để làm những việc mà ngay người khoẻ mạnh cũng chưa chắc làm được để cho thấy sức mạnh của Chúa được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của con người (2Cor 12, 9).

Tất Cả Là Hồng Ân

Không chỉ sáng tác nhạc đạo, ông còn làm thơ làm nhạc. Năm 2008, nhà xuất bản Văn Nghệ đã phát hành “12 Ca Khúc Tình Tự Quê Hương” của Đức Nghị. Ông ngâm nga cho tôi nghe câu thơ: “Tổ quốc tôi Việt Nam yêu dấu. Mệnh nước nổi trôi bốn ngàn năm. Thăng trầm binh biến bao nguy khó. Kiên định trường tồn vạn vạn năm…”

Chia tay ông, tôi nhớ lại lời nhận xét của nhạc sĩ Ngọc Kôn sau lần ghé thăm ông: “Bên trong số phận nghiệt ngã là cả một nguồn hồng phúc. Bên trong thân xác tàn dại là cả một sức sống ngùn ngụt trẻ trung…Bạn trẻ nghe nhạc của Đức Nghị sẽ nghĩ ông già ngoài 70 là người cùng trang lứa, vì dòng nhạc không khác mấy với những nhạc sĩ trẻ đương thời. Tôi nghĩ thì ra, tâm hồn bên trong của nhạc sĩ hẳn phải là thấm nhuần Đức-ân, tinh thần bên trong phải mạnh mẽ Nghị-lực, mới có thể cho ra chất nhạc lạc quan và trong sáng như thế, dù thỉnh thoảng vẫn còn vương sót những dấu thăng giáng như tiếng thở dài nho nhỏ đầy chất thân phận…”

Bên tay tôi còn văng vẳng lời nhắn gởi của người nhạc sĩ bại liệt, tàn mà không phế: “Tôi chỉ muốn qua những tác phẩm của mình gởi đến mọi người lời Tạ Ơn của một bệnh nhân sống nhờ và sống trong Niềm Tin và Hy Vọng. Dù sao đi nữa tôi vẫn tin Chúa là Cha nhân từ. Tôi “chọn Chúa” chứ không chọn “việc của Chúa”. “Việc của Chúa” nếu tôi không làm sẽ có người khác làm. Nếu tôi chỉ chọn “việc của Chúa” thì khi thành công tôi sẽ kiêu ngạo, lúc thất bại tôi sẽ chán nản ngã lòng, khi không được làm công việc đó nữa tôi sẽ bị hụt hẫng. Alleluia, chính vì tôi đã “chọn Chúa” nên tôi chỉ làm theo Ý Chúa, chỉ phó thác cho Lòng Thương Xót của Chúa nên tôi luôn được bình an giữa bao giông tố cuộc đời… vì tôi luôn nhận ra trong mọi biến cố TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN!”