(Vatican, 31/12/2003) - Hôm 31/12/2003 Tòa Thánh đã kỷ niệm 10 năm "hiệp định căn bản" với Do Thái, một hiệp định mà một viên chức Tòa Thánh nhận xét như "một cột mốc lịch sử trong mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Do Thái".

Hiệp định căn bản, được ký ngày 30/12/1993, là hiệp định tài phán đầu tiên giữa Do Thái và Tòa Thánh. Hiệp định này dọn đường cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao hoàn toàn giữa hai bên vài tháng sau đó, ngày 15/6/1994.

Trên tờ L'Osservatore Romano, Đức Tổng Giám Mục Andrea Cordero Lanza di Montezemolo, sứ thần Tòa Thánh đầu tiên tại Do Thái nhận định rằng bất chấp "bao nhiêu khó khăn" trong đời sống chính trị và ngoại giao tại Thánh Địa, những điều khoản của "hiệp định căn bản" đã đứng vững với thử thách của thời gian.

Đức Tổng Giám Mục Andrea Cordero Lanza di Montezemolo, phục vụ tại Do Thái từ 1994 đến 1998, đã đưa ra sự phân biệt giữa một bên là các điều khoản của hiệp định căn bản, mà theo Đức Cha luôn được tôn trọng; và một bên là những hoạt động ngoại giao khó khăn để theo đuổi tiến trình hòa bình tại Thánh Địa. Đức Cha ghi nhận rằng chính phủ Do Thái luôn tôn trọng các cam kết của họ liên quan đến sự toàn vẹn của Giáo Hội Công Giáo và bảo đảm sự ra vào các đền thánh.

Cựu sứ thần Tòa Thánh lưu ý rằng khi ký kết hiệp định này với Do Thái, Tòa Thánh không từ bỏ ý kiến của mình theo đó Giêrusalem phải được ban cấp một tình trạng đặc biệt, được quốc tế đảm bảo sao cho mọi tín hữu của mọi tôn giáo được tự do ra vào khu vực này.

Cha David Jaeger, phát ngôn viên của dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa lại đưa ra một cái nhìn khác. Theo ngài, chính quyền Do Thái đã không tôn trọng các quyền về kinh tế của các cơ quan Công Giáo tại Thánh Địa. Trong nhiều trường hợp, các cơ quan này phải đòi hỏi những quyền lợi truyền thống, đã được chính quyền cũ công nhận, và được bảo đảm bởi nghị quyết của Liên Hiệp Quốc vào năm 1947. Cha nói: "Nhà nước Do Thái phải nhìn nhận, trong một hiệp định mới, những quyền Giáo Hội tại Do Thái và Thánh Địa đã đạt được từ nhiều thế kỷ qua".