40 NĂM GIÁO XỨ THIỆN LÂM (1975-2015)
(Bài giảng của ĐC Antôn nhân dịp gx Thiện Lâm kỷ niệm 40 năm thành lập và phát triển)

Trước đây 40 năm, giáo xứ Thiện Lâm là một giáo họ mang tên Thánh Tâm, Ða Thiện 2, trực thuộc giáo xứ Thánh Mẫu. Trong thời gian này, giáo dân thường đi lễ ở nhà thờ Hà Ðông. Năm 1970, giáo dân đã khai hoang một quả đồi rộng hơn 8500m2 để xây dựng một ngôi nhà nguyện nhỏ rộng 8m dài 20m. Từ năm 1972, giáo họ này thuộc giáo xứ Ða Thiện; cha xứ Ða Thiện đến dâng lễ mỗi chiều Chúa Nhật.

Ngày 25 tháng 5 năm 1975 Ðức Cha Bartôlômêô quyết định nâng giáo họ này lên hàng giáo xứ, mang tên giáo xứ Thiện Lâm, và bổ nhiệm cha Giuse Trần Minh Tiến làm linh mục quản xứ tiên khởi. Từ đó, Cha quản xứ và giáo dân đã tích cực xây dựng giáo xứ, đến nay đã được 40 năm.

Hôm nay, giáo xứ Thiện Lâm tổ chức Thánh lễ tạ ơn 40 năm hình thành và phát triển. Từ một khu đồi trọc, xuất hiện một ngôi nhà nguyện nhỏ, rồi hình thành một khuôn viên nhà xứ, có ngôi nhà thờ khang trang với tháp chuông “cửu trùng”. Khi giáo xứ mừng kỷ niệm 25 năm, ngoài việc nhắc tới những cơ sở vật chất đã xây dựng, vị đại diện giáo xứ đã phát biểu rằng: “Quan trọng nhất đã có một cộng đoàn hiện diện, nơi tựa đầu cho đời sống thiêng liêng và tinh thần của mọi người”.

Như thế, để xây dựng giáo xứ, cần ý thức ưu tiên đến việc xây dựng đời sống cộng đoàn giáo xứ. Đó cũng là định hướng mục vụ của HĐGMVN cho năm 2015: “Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống Giáo xứ”.

Trong Thư Mục vụ gửi cộng đoàn dân Chúa, HĐGMVN viết: “Để thực hiện công việc này, chúng ta cùng chiêm ngắm cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên như được mô tả trong sách Công vụ: ″Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng″ (Cv 2,42)”. Thư Mục vụ cũng đã giải thích thêm:

- Theo mô hình lý tưởng này, trước hết, giáo xứ phải là cộng đoàn “siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng”, nghĩa là tham dự Thánh Lễ và cử hành phụng vụ... Ước gì chúng ta tham dự những cử hành này cách ý thức và sống động hơn, không những để chu toàn lề luật mà còn để gặp gỡ Chúa và để Chúa biến đổi đời sống chúng ta, và để chúng ta đem tinh thần Phúc Âm vào môi trường sống trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội.

- Kế đến, giáo xứ phải là cộng đoàn “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy”. Ngày nay các linh mục trong các giáo xứ, những cộng sự viên của hàng giám mục, đang tiếp nối công việc của các Tông đồ. Về điểm này, Thư Mục vụ viết: “Chúng tôi tha thiết xin anh em linh mục cố gắng chu toàn thừa tác vụ cao quý này cách tốt nhất, bằng việc lắng nghe tiếng Chúa qua cầu nguyện, chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng, nội tâm hóa Lời Chúa, đồng thời biết lắng nghe tâm tư nỗi niềm của người dân trong đời sống thường ngày của họ. Nhờ đó lời giảng của chúng ta sẽ là lời phát xuất từ trái tim và có hy vọng chạm đến trái tim người nghe” (x. Niềm Vui Tin Mừng, số 142-154).

Liên quan đến lãnh vực này, chúng ta cũng cần quan tâm đến việc dạy giáo lý cho mọi tín hữu, cách riêng cho thiếu nhi và giới trẻ… Nhiều giáo lý viên giáo dân tích cực tham gia dạy giáo lý với tinh thần trách nhiệm cao. Thư Mục vụ viết: “Ước mong anh chị em cộng tác tích cực hơn nữa với các linh mục, đồng thời các linh mục nên tạo điều kiện học hỏi thêm cho giáo lý viên, để tất cả chúng ta thi hành sứ vụ cách mới mẻ, bằng nhiệt tình mới, năng lực mới và phương pháp mới”.

- Ngoài ra, giáo xứ còn là cộng đoàn “luôn luôn hiệp thông với nhau”, giữa linh mục và giáo dân cũng như giữa giáo dân với nhau. Sự hiệp thông trong cộng đoàn được thể hiện qua sự tôn trọng, cộng tác và chia sẻ... để cùng xây dựng ngôi nhà chung là giáo xứ và thi hành sứ mạng chung là loan báo Tin Mừng. Các thành viên Hội đồng Giáo xứ là những cộng sự viên gần gũi của các linh mục trong việc điều hành giáo xứ, vì thế các vị cần hiểu biết về trách nhiệm và quyền hạn của mình, và cộng tác với các linh mục trong tinh thần phục vụ để mang lại kết quả tốt đẹp nhất cho giáo xứ.

Tình hiệp thông đó còn được mở rộng ra bên ngoài qua việc cộng tác với mọi người thiện chí để thực hiện những việc đem lại phúc lợi chung, như thăm viếng nhau trong cộng đồng, cùng xây dựng một mái nhà tình thương. Những việc tưởng chừng nhỏ bé này chính là những hạt giống âm thầm của Tin Mừng vĩ đại (x. Mc 4,30).

Trong hoàn cảnh hiện nay, HĐGMVN mời gọi chúng ta cần quan tâm đặc biệt đến anh chị em di dân. Từ hai thập niên qua, rất đông anh chị em, cách riêng các bạn trẻ Công Giáo phải rời xa gia đình và làng quê để đi học và đi làm tại các thành phố. Vì thế, HĐGMVN mời gọi: “Xin anh chị em, cách riêng các linh mục, mở rộng vòng tay đón tiếp anh chị em di dân, tạo điều kiện cho họ tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ, để họ cảm nhận được mình là thành viên của gia đình giáo xứ”.

Nhà thờ giáo xứ Thiện Lâm có tháp chuông “cửu trùng” và bàn thờ mang biểu tượng “trời tròn, đất vuông” mà Cha Xứ rất tâm đắc. Thật vậy, ngay từ thuở ban đầu sáng tạo, Thiên Chúa muốn loài người xây dựng cuộc sống hạnh phúc theo định hướng “Thiên-Địa-Nhân hòa”: con người “đầu đội trời, chân đạp đất” (con người được làm chủ trái đất, nhưng phải thờ Trời và sống yêu thương nhau). Tiếc rằng bàn thờ ở đây lại đảo ngược: “đất vuông” ở trên, “trời tròn” ở dưới, không lẽ muốn nói con người “đội đất, đạp trời” ?! Đề nghị điều chỉnh lại cho chính xác với ý nghĩa của một biểu tưởng văn hóa !

Anh chị em thân mến,

Sau khi mô tả đời sống của cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, sách Công vụ viết tiếp: “Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,47). Chính đời sống chung của cộng đoàn đã làm bừng sáng vẻ đẹp của Phúc Âm và thu hút nhiều người đến với Hội Thánh. Cũng vậy, nếu các giáo xứ thật sự trở thành những cộng đoàn phụng tự, cộng đoàn đức tin, cộng đoàn bác ái, thì Phúc Âm sẽ được lan tỏa rộng rãi và thu hút nhiều người đến với Chúa.

Riêng với các linh mục, Thư MV của HĐGMVN viết:

“Các linh mục rất thân mến, chúng tôi xác tín rằng việc Phúc-Âm-hóa giáo xứ phải được bắt đầu từ chính hàng linh mục. Chúng tôi cảm ơn anh em đã tận tụy và trung kiên với công việc phục vụ cộng đoàn được trao phó cho anh em. Tuy nhiên chúng ta không được quyền tự mãn với những gì đã làm, nhưng phải không ngừng canh tân đời sống bản thân cũng như cung cách thi hành tác vụ linh mục. Vì thế, xin anh em nghe lại lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô, và hãy xem đó như kim chỉ nam cho tác vụ linh mục tại giáo xứ: Cùng với hàng giám mục, các linh mục “phải luôn luôn nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo trong giáo xứ của mình, theo lý tưởng của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Để thực hiện điều này, có khi ngài sẽ đứng trước dân, chỉ đường cho họ và giữ cho niềm hy vọng của họ luôn sống động. Khi khác, ngài chỉ cần ở giữa họ bằng một sự hiện diện khiêm tốn và nhân từ. Khi khác nữa, ngài sẽ phải đi theo họ, giúp đỡ những ai bị bỏ lại ở đằng sau, và trên hết, để cho đoàn chiên tự mình mở ra những lối đi mới” (Niềm Vui Tin Mừng, số 31).

Đó cũng là điều mà các giám mục cũng phải quan tâm thực hiện cùng với các linh mục. Xin anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi và tha thứ cho những thiếu sót của chúng tôi.

Chúng ta cầu nguyện chung cho nhau, để khi cùng nhau tạ ơn Chúa vì hồng ân 40 năm hình thành và phát triển giáo xứ, chúng ta có tâm tình như Thánh Phaolô: Được như ngày nay là do ơn của Chúa và không để cho ơn Chúa thành vô ích (x. 1 Cr 15,10).

Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi mà chúng ta mừng lễ hôm nay, giúp chúng ta sống hiệp thông yêu thương như cuộc sống của một Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần, “tuy ba mà một, tuy một mà ba” !