NHỮNG SỰ KIỆN VỀ 40 NĂM NGÀY 30.04.1975

Biến cố 30.04.1975, như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nói với đài BBC, là một sự kiện mà khi nhắc đến có hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người buồn. Những triệu người buồn vì ngày ‘Sài gòn mất tên’ hay ‘ Việt Nam Cộng hòa bị bức tử’, rồi sau khi ‘đất nước thống nhất’, họ phải bỏ nước ra đi hoặc bị bắt bớ, tù đày mang hỗn danh ‘học tập cải tạo’, bị cướp tài sản và thân nhân chịu những thua thiệt, ngược đãi khác. Đối với họ, ngày 30/04 hay tháng Tư hàng năm là ‘Ngày Quốc hận’ hoặc ‘Tháng Tư đen’. Thời gian 40 năm đã trôi qua, số người buồn ngày càng tăng trước những sự nhượng đất và biển cho Tàu, vụ Lê Đức Anh ra lệnh bộ đội Việt cộng không được nổ súng tự vệ và chống Trung cộng khi chúng đánh chiếm đảo Gạc Ma, hình Nông Đức Mạnh khoe sự xa hoa vô liêm sĩ của đồng chí lãnh đạo ngồi ngai vàng tiếp khách ngày Tết, …

I.- DIỄN VĂN HỒ HỞI CỦA THỦ TƯỚNG.

Tham dự Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh sáng 30.04.2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc diễn văn :

« … trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phấn khởi, tự hào tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước… chân thành cảm ơn các nước xã hội chủ nghĩa nhất là Liên xô, Trung quốc đã nhiệt thành ủng hộ, dành những tình cảm và sự giúp đỡ quý báu cả về tinh thần, vật chất cho cuộc đấu tranh chính nghĩa, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước Việt Nam chúng ta… Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam có quyền thực hiện khát vọng thiêng liêng của mình là được sống trong một đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, hạnh phúc và có quan hệ bình đẳng, hữu nghị với tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhưng Đế quốc Mỹ đã ngang nhiên áp đặt chế độ thực dân kiểu mới, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự của Mỹ, đàn áp tàn bạo Cách mạng miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại khốc liệt ở miền Bắc. Chúng đã gây ra biết bao tội ác dã man, biết bao đau thương, mất mát đối với đồng bào ta, đất nước ta. Tổ quốc ta đã phải trải qua những thử thách cực kỳ nghiêm trọng. Song, nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quí hơn độc lập tự do. Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Thành tựu đạt được trên các lĩnh vực trong 40 năm qua đã tạo cơ sở và tiền đề quan trọng, quý báu để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa trong giai đoạn mới… đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài, mỗi người hãy nêu cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương nòi, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, cùng nhau chân thành hòa hợp dân tộc, vun đắp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tất cả vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh… »

Nghe bài diễn văn này, chúng tôi có cảm tưởng như mình đang nghe hôm 15.05.1975 khi ‘Ban Quân quản ra mắt’, trừ phần kinh tế vì, khi đó, chưa có kinh tế thị trường định nghĩa xã hội mà chỉ vừa tiếp thu tài sản của Miền Nam dân tộc và sản phẩm Mỹ từ các kho hàng của họ và vừa chở ra Hà nội. Cảm tưởng đó càng thêm đúng khi nhìn vào khán đài chính, nơi đứng ngồi của các đảng viên cao cấp cầm những lá cờ nhỏ, khi đầu là cờ Mặt trận giải phóng Miền Nam, rồi sau trở thành cờ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, bị bức tử ngày 31.01.1977, nay lại tái xuất hiện. Tổ chức này bị giải tán sau khi hoàn thành nhiệm vụ ‘lường gạt’ thế giới là nhân dân Miền Nam nổi dậy chống chính quyền Sài gòn. Do đó, khi tay ông Dũng cầm cờ đỏ sao vàng, thì tay Nông Đức Mạnh cầm cờ Mặt trận (sao vàng trên nền đỏ và xanh), rồi đến Nguyễn Phú Trọng tay cầm cờ Đảng (búa liềm trên nền đỏ).

Một điểm khác thật khôi hài, đáng chú ý là hai Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị diễn hành trên voi :

- Khi Sài gòn còn là Thủ đô Việt Nam Cộng hòa thì hai Bà ngụ trên voi thật vào ngày 07.03.1957 và năm 1961

http://vi.wikipedia.org/wiki/Hai_B%C3%A0_Tr%C6%B0ng#/media/File:HaiBaTrung.JPG

- Ngày 30.04.2015 tại thành Hồ, trên voi giả (sáu chân ?)

https://www.youtube.com/watch?v=6Dun8L00oWo

-> Vì Thủ tướng nắm quyền Hành pháp, nên diễn văn ông đọc thu hút sự quan tâm và hy vọng từ hàng triệu đồng bào trong và ngoài nước sau 40 năm Cộng đảng ngự trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam sau ngày chiếm Sài gòn. Như bao lần trước, nhất là khi ông Dũng gởi lời long trọng đến toàn dân dịp Đầu Năm 2014, lần này, nỗi thất vọng đã phát sinh ngay khi nghe luận điệu cũ rích ‘Đế quốc Mỹ áp đặt chế độ thực dân mới, biến miền Nam thành căn cứ quân sự, đàn áp tàn bạo Cách mạng miền Nam và gây chiến tranh phá hoại khốc liệt ở miền Bắc, với biết bao tội ác dã man’ và thấm thiết khi, trước đó, ông đã cảm ơn Liên xô, Trung quốc (Liên xô đã đoạt 16 tấn vàng mà Đảng đã vu cáo ông Nguyễn Văn Thiệu chở theo, Trung quốc đã và sẽ còn chiếm bao nhiêu đất lẫn biển của Việt Nam nữa).

Một vấn đề quan trọng khác đồng bào chờ nghe Thủ tướng đề nghị, nhưng ông không đề cập đến : đó là công cuộc hòa giải giữa chính quyền và đồng bào trong nước. Cuộc hòa giải này cần phải đặt căn bản trên : « Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp ‘song sinh’ trong một thể chế chính trị hiện đại… Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch. » như Thủ tướng đã viết trong bài ‘Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững’. Thời gian vẫn trôi dần, 16 tháng đã qua, Dân có làm chủ đâu. Tại Hà nội, Nhà nước cho nhóm lợi ích đốn cây bất hợp pháp, dân lên tiếng thì côn(g) an được sai đến đánh đập. Để đánh lạc hướng, ông Dũng nói : « đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài, mỗi người chúng ta hãy nêu cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương nòi, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, cùng nhau chân thành hòa hợp dân tộc, vun đắp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân ». Không cần sự hòa giải giữa đồng đồng bào trong và ngoài nước vì, hàng năm, người Việt hải ngoại vẫn gởi giúp thân nhân trong nước khoảng 12 tỷ mỹ kim, số tiền rất cần để làm dự trử ngoại tệ cho Việt Nam.

Đảng Cộng sản dùng Nghị quyết 36 Bộ Chính trị ngày 26.03.2004 về Công tác đối với người Việt ở ngoại quốc để chia rẽ những người này với nhau và dụ dỗ những vị khoa bảng về nước ăn Tết bằng tiền đóng thuế của đồng bào nghèo khổ. Gần đây, nhà nước đã cho phát đi những hình ảnh Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn đang nhậu nhẹt với ‘kiều bào’ trên chuyến tàu đi Trường sa. Đảng rất thành công trong việc thi hành chỉ giáo của Tàu cộng là ‘đánh nhau tới người Việt cuối cùng’ trong khi chúng hòa hoãn với Đài loan.

Đọc bài ‘Thông điệp từ bài diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng’ phát đi bởi đài RFA 01.05.2015, do biên tập viên Mặc Lâm viết. Nữ nghệ sĩ Kim Chi, người từ chối nhận khen thưởng của Thủ tướng Dũng vì cho rằng ông làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân, phê bình bài diễn văn : « người Mỹ không có ý định gì xấu với Việt Nam nữa mà đang hết lòng muốn giúp đỡ, tại sao lại còn làm ra như thế? Cứ tự ca mình chiến thắng hoài thì làm sao mà hòa hợp được dân tộc ». Tiếp theo, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Viện nghiên cứu Y khoa Garvan ở Úc, nhiều lần về nước để giúp như Giáo sư y khoa, không tin là Thủ tướng đã viết diễn văn này mà chỉ là một phụ tá chuyên ‘bài Mỹ’ mà người ta đã nghe cả 40 năm qua : « Tôi rất ngạc nhiên vì thấy trong bài ông Thủ tướng có những đoạn rất là gay gắt với Mỹ mà Mỹ thì họ lại đang có mối quan hệ ngoại giao rất tốt với Việt Nam mình. Nếu tôi nhớ không lầm thì năm nay kỷ niệm 20 năm nối lại bang giao Việt Mỹ. Mỹ còn đã và đang giúp Việt Nam rất nhiều như giáo dục, khoa học thậm chí quân sự nữa thành ra tôi rất ngạc nhiên. Từ trước tới nay tôi vẫn nghĩ ông Thủ tướng là người khá cởi mở trong giới lãnh đạo Việt Nam vì ông có vẻ muốn đối thoại. Tôi rất ngạc nhiên vì ngôn ngữ của ông ấy thiếu tính ngoại giao ».

Nhắc đến ngày 30.04.1975, Luật sư Nguyễn Văn Đài nói : « Một chế độ dân chủ và văn minh đã thua một chế độ độc đảng toàn trị và lạc hậu. Cái ác đã chiến thắng. Thật buồn và nuối tiếc cho chế độ Việt Nam Cộng hòa, bởi tôi và rất nhiều người đều cho rằng nếu ngày 30.04.1975, bên chiến thắng là Việt Nam Cộng hòa thì giờ đây trong khu vực Á châu , Việt Nam có thể chỉ thua duy nhất Nhật bản về kinh tế, còn chắc chắn sẽ ngang bằng hoặc hơn Hàn quốc về cả kinh tế và quân sự ».

Vì Việt Nam cộng sản không phải là một nước dân chủ, nên Thủ tướng, cũng như các lãnh đạo chóp bu khác, bất cần lời phê bình của người dân. Điều 4 Hiến pháp cho phép Đảng bầu họ. Ngày 22.10.2012, dù Thủ tướng Dũng đã ‘nhận trách nhiệm’ trước Quốc hội và Đảng về những khuyết điểm trong quản lý, điều hành kinh tế. Vì thế, ngày 14.11.2012, đại biểu Dương Trung Quốc đã đề nghị với ông : ‘Thủ tướng có lời xin lỗi trước Quốc hội là một điều đáng ghi nhận. Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm pháp luật, chứ không chỉ là lời xin lỗi. Phải chăng Thủ tướng nên nhân dịp này thể hiện quyết tâm sửa chữa bằng một tập quán phù hợp với xã hội hiện đại là văn hóa từ chức như quan chức các quốc gia tiên tiến vẫn làm? Ông Dũng trả lời : « Chỉ còn 3 ngày nữa tròn 51 năm tôi theo Đảng. Đảng hiểu rõ về tôi, cả ưu khuyết điểm, phẩm chất đạo đức, năng lực, khả năng, sức khỏe cũng như thương tật, tâm tư nguyện vọng. Đảng đã phân công tôi ứng cử làm Thủ tướng và Quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi, tôi nghiêm túc chấp hành quyết định của cơ quan quyền lực cao nhất. » và « Tôi sẽ tiếp tục công tác như tôi đã làm 51 năm qua ». Trong diễn văn, ông đã không quên cảm ơn Liên xô, Trung quốc đã nhiệt thành ủng hộ. Ngoài ra, ông cũng đã nhắc Mỹ, thực dân mới, đàn áp tàn bạo… Ngày nay, nếu họ có trở lại Việt Nam cũng chỉ để giúp nhà nước cộng sản đã gây bao tội ác với người dân bằng vi phạm nhân quyền và đánh đập người dân yêu nước chống Trung cộng xâm lăng. Nếu biết như vậy, chúng ta sẽ thấy sự hợp lý trong diễn văn của Thủ tướng.

II.- LUẬT VÀ NGHỊ QUYẾT VỀ NGÀY 30.04.1975.

A. Luật ‘Ngày Hành Trình đến Tự Do’.

Ngày 08.12.2014, Nghị sĩ Ngô Thanh Hải đã đệ nạp tại Thượng viện Canada Dự luật (Bill) S-219 đề nghị lấy ngày 30.04 hàng năm là Ngày Tháng Tư Đen (Black April Day) để tưởng nhớ hai triệu người Việt đã phải bỏ nước ra đi, và ước lối 250.000 người chết trên biển cả. Đồng thời, cũng để cám ơn Canada nhận 300.000 người Việt tị nạn tại quốc gia này. Do cụm từ ‘Tháng Tư Đen’ thật đúng là ‘quốc hận’ với đồng bào Việt, nhưng không ý nghĩa nơi người Canada, nên họ góp ý muốn đổi thành Ngày Hành Trình Đến Tự Do (The Journey To Freedom Day). Không đồng ý với tên Dự luật S-219 như vậy, nhiều người gốc Việt nhiều nơi, nhất là tại Hoa kỳ, yêu cầu hãy chọn ngày 27/02 vì ngày 27.07.1979, Không lực Canada đã có chuyến bay đưa những người Việt tị nạn đầu tiên vào Canada. Tuy nhiên, nếu ngày này được trở thành luật ở Canada thì Việt cộng ở Tòa Đại sứ còn gì mừng hơn bởi đó là ngày thương binh liệt sĩ Quân đội cộng sản Việt Nam. Dự luật này đã được Thượng nghị viện thông qua ngày 08.12.2014 và Hạ nghị viện cũng biểu quyết đồng ý hôm 22.04.2015 và đã được ông David Johnston, Thống đốc Toàn quyền Canada, đại diện Nữ Hoàng Elizabeth II (Anh), ký ban hành ngày 23.04.2015 và có hiệu lực ngày 30.04.2015.

Ngày 24.04.2015, Bộ Ngoại giao Việt Nam triệu Đại sứ Canada tại Hà nội David Devine để phản đối và nêu rõ quan điểm của Chính phủ Việt Nam về Luật này. Đồng thời, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói : ề S-219 là một đạo luật hoàn toàn sai trái, chứa đựng nhiều nội dung xuyên tạc lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế, trong đó có Canada ủng hộ. Việt Nam kiên quyết phản đối việc Canada thông qua đạo luật này… đây là bước lùi trong quan hệ giữa hai nước, gây ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Canada, xúc phạm tình cảm của nhân dân Việt Nam cũng như một bộ phận lớn cộng đồng người Việt tại Canada Ừ. Vào tháng 12/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã viết thư trực tiếp cho Thủ tướng Canada Stephen Harper để bày tỏ quan ngại về dự luật này. Nhớ rằng : Canada là một nước thi hành nguyên tắc ‘tam quyền phân lập’. Do đó, Thủ tướng nắm quyền Hành pháp, trong khi, quyền Lập pháp ở trong tay Quốc hội.

B. Nghị quyết ‘Tháng Tư Đen’.

Ngày 10.03.2015, Nghị quyết (Resolution) tưởng niệm Tháng Tư Đen được Nghị sĩ Janet Nguyễn và nhiều Nghị sĩ khác đệ nạp tại Thượng nghị viện California để :

- Tưởng niệm Quân Cán Chính Việt Nam Cộng hòa và Đồng minh đã Hy sinh cho chính nghĩa Tự Do của người Miền Nam ;

- Tưởng niệm nhiều trăm ngàn đồng bào đã bỏ mình ngoài biển khơi, trong rừng sâu trên bước đường chạy trốn khỏi chế độ tàn ác Cộng sản Việt ;

- Lên án sự độc ác của chế độ Việt cộng đàn áp, giam cầm hàng ngàn tù nhân lương tâm trong các nhà tù khắc nghiệt, trong các trại tập trung kinh hoàng

(Theo tài liệu chính phủ Hoa kỳ thì khoảng 170 000 người bị chết trong các trại tù cải tạo với thời gian giam giữ tối đa đến 17 năm và không cần xét xử) ;

- Vinh danh 580 000 người Việt ở California đã có công đóng góp, tạo dựng một Cộng đồng vững mạnh, cống hiến một văn hóa tốt đẹp vào Tiểu bang này.

Bất chấp sự phản đối từ Bộ Ngoại giao cộng sản Việt Nam, ngày 26.03.2015, Thượng nghị viện và Hạ nghị viện California đã thông qua Nghị Quyết SCR 29.

Lưu ý : Luật thì có hiệu lực cưỡng hành, tức bắt buộc mọi công dân nước đó phải thi hành. Nghị quyết thì không có tính cách đó.

Hà Minh Thảo